Chính phủ điện tử và chính phủ số
Theo Khuyến nghị của OECD về chiến lược chính phủ số, chính phủ số (Digital Government) đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số như là một phần của các chiến lược hiện đại hóa của chính phủ nhằm tạo ra giá trị công. Chính phủ số dựa trên một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân và các hiệp hội hỗ trợ việc tạo ra, truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ. Trong khi đó, chính phủ điện tử (E-Government) đề cập đến việc các chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet như là một công cụ để làm cho chính phủ tốt hơn. Trong đó, các công nghệ số đề cập đến các công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm Internet, các công nghệ và thiết bị di động cũng như phân tích dữ liệu được sử dụng để cải thiện việc tạo ra, thu thập, trao đổi, tập hợp, kết hợp, phân tích, truy cập, khả năng tìm kiếm và việc trình diễn nội dung số, bao gồm cả việc phát triển dịch vụ và ứng dụng. Giá trị công đề cập đến các lợi ích khác nhau cho xã hội có thể thay đổi theo quan điểm hoặc chủ thể bao gồm: (1) Hàng hóa hoặc dịch vụ đáp ứng mong muốn của người dân và khách hàng; (2) Lựa chọn sản xuất đáp ứng được kỳ vọng của người dân về công lý, sự công bằng, hiệu lực và hiệu quả; (3) Các thể chế công có trật tự và hiệu quả phù hợp với nguyện vọng và sở thích của người dân; (4) Phân phối công bằng và hiệu quả; (5) Sử dụng hợp lý tài nguyên để thực hiện các mục đích công cộng; (6) Đổi mới và khả năng thích ứng với thay đổi sở thích và yêu cầu [2].
Trong khi đó, Gartner, một công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu thế giới về nhiều lĩnh vực trong đó có công nghệ thông tin thì định nghĩa chính phủ số là chính phủ được thiết kế và vận hành để tận dụng lợi thế của dữ liệu số trong việc tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của chính phủ. Định nghĩa này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu chất lượng - trong thời gian thực và trong tình trạng ngoại tuyến (offline) - để hỗ trợ công việc của chính phủ và chuyển đổi sang quy trình và dịch vụ tốt hơn. Ngược lại, chính phủ điện tử tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra các dịch vụ chính phủ truyền thống có sẵn thông qua các kênh trực tuyến. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của Internet kết nối vạn vật (IoT) cùng với số lượng người giao tiếp và phối hợp thông qua các mạng số đang tạo ra các kịch bản mà số lượng, chất lượng, cấu trúc và nguồn dữ liệu rất khác so với chính phủ điện tử. Với sự phát triển này, việc áp dụng tư duy hướng dữ liệu thay cho tư duy chỉ tập trung vào các dịch vụ là điều cần thiết cho các nhà lãnh đạo chính phủ [3].
Mặc dù các chiến lược chính phủ số thể hiện một số đặc điểm mới và đột phá như nhấn mạnh vào thông tin và dữ liệu hơn là các quy trình và dịch vụ, vào sự tham gia trực tiếp và hiệu quả hơn của các bên liên quan bên ngoài, nhiều người vẫn hoài nghi cho rằng chính phủ số chỉ là một thuật ngữ mới của chính phủ điện tử và nhiều mục tiêu của chính phủ số có thể được tìm thấy trong các chiến lược của chính phủ điện tử trước đó và chính phủ số cũng phải đối mặt với một số thách thức tương tự như chính phủ điện tử [4].
Bảng 1 cung cấp một sự so sánh mức cao về các đặc điểm của chính phủ điện tử và chính phủ số.
Bảng 1. Chính phủ điện tử so sánh với chính phủ số [4]
Các đặc điểm
|
Chính phủ điện tử
|
Chính phủ số
|
Trọng tâm
|
Hợp lý hóa và tối ưu hóa
|
Mở và chuyển đổi
|
Phạm vi
|
Cung cấp dịch vụ
|
Cung cấp dịch vụ và vận hành
|
Phương pháp tiếp cận
|
Dựa trên dịch vụ
|
Dựa trên dữ liệu
|
Công nghệ
|
Web
|
Đám mây, di động, mạng xã hội
|
Thách thức
|
Khả năng liên thông, tích hợp hoạt động nội bộ (back-office)
|
Quản lý thay đổi, quản trị
|
Chính phủ điện tử ban đầu được thiết kế để cung cấp một kênh truy cập thông tin và dịch vụ thuận tiện hơn, sau đó tập trung vào việc giảm chi phí. Nó bắt đầu chỉ bằng cách thay thế các kênh nội tuyến (in-line) bằng các kênh trực tuyến (online), sau đó tập trung vào việc kết nối kênh trực tuyến với các quy trình và ứng dụng back-office để cung cấp một sự kết nối thông suốt và hiệu quả hơn [4].
Chính phủ số có cách tiếp cận triệt để hơn bằng cách giả định rằng tất cả dữ liệu phải là số. Do đó, các quy trình có thể được thiết kế lại xung quanh việc chia sẻ thông tin hiệu quả hơn. Kết quả là, trong khi chính phủ điện tử bắt đầu chuyển đổi việc cung cấp dịch vụ (front-office) và sau đó chuyển sang giải quyết việc chuyển đổi hoạt động nội bộ (back-office); chính phủ số giải quyết cả hoạt động nội bộ và cung cấp dịch vụ, làm mờ đi ranh giới giữa chúng. Ví dụ, tính khả dụng của dữ liệu số mở cho phép các thành phần - cá nhân hoặc nhóm - được tham gia trực tiếp vào cách thức cung cấp dịch vụ. Chính phủ số làm cho các mục tiêu chính phủ mở và minh bạch dễ dàng đạt được hơn. Vì tất cả dữ liệu (dữ liệu công khai và dữ liệu khác) là số, việc chia sẻ dữ liệu với các thành phần liên quan sẽ dễ dàng hơn, cho phép người dân tham gia cung cấp dịch vụ (chẳng hạn như báo cáo vấn đề “ổ gà” trên đường hoặc sử dụng dữ liệu của chính phủ để tối ưu hóa việc thu gom rác thải hoặc đi chung xe ) hoặc cho phép các trung gian cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng của họ (chẳng hạn như tư vấn về thuế) [4].
Trong khi các chương trình chính phủ điện tử xem xét các dịch vụ cụ thể sẵn có được cung cấp trực tuyến hoặc chuyển đổi, chính phủ số tập trung vào dữ liệu nhiều hơn: Trọng tâm không còn là các ứng dụng mà là dữ liệu xung quanh các ứng dụng và các dịch vụ có thể được xây dựng từ dữ liệu [4].
Công nghệ Web đóng vai trò trung tâm trong cả hai chiến lược, nhưng chính phủ số khai thác triệt để tiềm năng được cung cấp bởi mối quan hệ của đám mây, di động, xã hội và thông tin, dẫn đến thay đổi về ranh giới giữa các nhà cung cấp dịch vụ và người nhận dịch vụ trên toàn bộ chuỗi giá trị. Ví dụ, dữ liệu số của chính phủ có thể được các trung gian sử dụng để tạo ra các dịch vụ cho người dân tốt hơn thông qua các ứng dụng di động (có thể thấy trong một số sáng kiến của chính phủ mở với các ứng dụng cho giao thông, thư viện và du lịch). Tương tự, dữ liệu do người dân tạo ra có thể được chính phủ sử dụng kết hợp với dữ liệu của chính phủ để cải thiện hoạt động có thể thấy trong các lĩnh vực an toàn công cộng (như trong cộng đồng theo dõi khu phố) hoặc các công trình công cộng (khi công dân báo cáo hoặc thảo luận về các vấn đề như “ổ gà” hoặc đèn giao thông bị trục trặc) [4].
Cuối cùng, trong khi chính phủ điện tử phải đối mặt với hầu hết các thách thức kỹ thuật trong các lĩnh vực như khả năng liên thông giữa công nghệ back-office và front-office, cũng như giữa các định dạng dữ liệu được sử dụng trên các tổ chức khác nhau, chính phủ số có thể khắc phục các vấn đề này bằng cách tiếp cận tập trung vào dữ liệu để xử lý chúng sớm trong quá trình chuyển đổi [4].
Chính phủ số lấy dữ liệu làm trung tâm [5]
Dữ liệu có thể được định nghĩa là mở khi có thể đọc được bằng máy và có thể truy cập thông qua một API. Giá trị của dữ liệu mở công khai nằm trong việc tăng tính minh bạch, cho phép các cơ quan bên trong và bên ngoài tìm ra những cách sử dụng dữ liệu mới có thể mang lại hiệu quả hoặc thậm chí đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Các nỗ lực đã được tiến hành trong một số quốc gia, chẳng hạn như Vương quốc Anh, để chuyển từ dữ liệu công khai sang dữ liệu công khai được liên kết. Việc sử dụng dữ liệu được liên kết sẽ hỗ trợ chia sẻ và tích hợp dữ liệu dễ dàng hơn qua các ranh giới các tổ chức.
Bên cạnh việc chính phủ và doanh nghiệp mở và liên kết dữ liệu công khai, người dân cũng tự thu thập rất nhiều dữ liệu thông qua các cộng đồng trực tuyến của riêng mình. Gartner gọi dữ liệu này là “dữ liệu xã hội” và nó cũng có thể được mở và liên kết, tùy thuộc vào cách các cộng đồng đó cấu trúc dữ liệu như thế nào. Hơn nữa, dữ liệu vận hành thời gian thực đến từ các thiết bị được nhúng trong các quy trình công nghiệp, phương tiện và cơ sở hạ tầng của thành phố, cũng như từ các thiết bị của người sử dụng như điện thoại di động hoặc GPS người sử dụng bổ sung vào dữ liệu mở và dữ liệu xã hội đã góp phần thúc đẩy việc hình thành dữ liệu lớn. Khả năng truy cập dữ liệu này dưới dạng dữ liệu mở có thể tạo ra giá trị thậm chí còn lớn hơn so với việc chỉ đơn giản sử dụng dữ liệu mở của chính phủ.
Bước tiếp theo, đột phá hơn, là coi dữ liệu bị hạn chế của cá nhân và doanh nghiệp cụ thể là dữ liệu mở. Dữ liệu này không dành cho sử dụng công cộng và có nhiều vấn đề về quyền riêng tư, độ nhạy cảm nhưng nó có thể được mô hình hóa thành dữ liệu mở để tạo điều kiện phát triển các ứng dụng chi tiết và nhanh hơn cũng như để trao đổi và phân tích dữ liệu mạch lạc hơn giữa các cơ quan.
Cách tiếp cận này làm phát sinh khái niệm chính phủ lấy dữ liệu làm trung tâm. Lúc này trọng tâm của chính phủ không còn trên các ứng dụng nữa, dữ liệu mới là tài sản chính và xung quanh dữ liệu các ứng dụng được xây dựng.
Việc lấy dữ liệu làm trung tâm trong chính phủ có một số lợi thế. Nó hỗ trợ:
- Khả năng tương tác và tham gia tốt hơn. Thay vì buộc phải trích xuất dữ liệu từ các ứng dụng để đạt được sự tích hợp qua các ranh giới tổ chức, dữ liệu được mô tả và có thể truy cập thông qua API Web bởi tất cả các ứng dụng người dùng tiềm năng theo các quyền truy cập cụ thể.
- Mua sắm và phát triển ứng dụng sáng tạo. Cách tiếp cận tương tự được sử dụng để phát triển các ứng dụng di động hoặc Web dựa trên dữ liệu công khai mở có thể được sử dụng để xây dựng các ứng dụng truy cập dữ liệu không công khai. Điều này sẽ ủng hộ sự phát triển nhanh hơn và tập trung hỗ trợ nhân viên lớn hơn, vì nhân viên sẽ có thể phát triển và/hoặc lập trình các ứng dụng để truy cập dữ liệu theo những cách hiệu quả và thuận tiện hơn.
- Sự phát triển theo hướng “kho dữ liệu người dân”, mang lại cho người dân khả năng kiểm soát truy cập dữ liệu của chính mình tốt hơn và chia sẻ dữ liệu đó giữa các cơ quan hoặc với khu vực tư nhân một cách thoải mái. “Kho dữ liệu người dân” là các dịch vụ cung cấp cho các chủ thể dữ liệu khả năng truy cập dữ liệu của họ bên ngoài bối cảnh của một giao dịch chính phủ cụ thể, cho phép họ kiểm soát chi tiết hơn về thời điểm và cách thức dữ liệu có thể được truy cập và truy cập bởi ai trong khuôn khổ pháp lý có liên quan mà họ phải tuân theo. Họ cần phải hợp tác với chính phủ, cũng như với các hệ thống của bên thứ ba trực tiếp cung cấp dịch vụ.
Theo [3], mô hình trưởng thành chính phủ số của Gartner có 05 mức độ trưởng thành: Mở đầu (Initial), Phát triển (Developing), Xác định (Defined), Quản lý (Managed), Tối ưu hóa (Optimizing). Trong đó, mức độ trưởng thành thứ 3 (Defined) là lấy dữ liệu làm trung tâm. Ở mức độ này, việc tập trung vào dữ liệu trở nên mạnh hơn. Việc sử dụng dữ liệu mạnh mẽ hơn và thông minh hơn cho phép các cơ quan chính phủ trở nên chủ động hơn. Ngày càng nhiều dữ liệu bắt đầu được sử dụng để xây dựng các giải pháp mới cho các vấn đề cũ hoặc khó có khả năng giải quyết trước đây. Các phương pháp được thí điểm thông qua sáng kiến dữ liệu mở công khai được chuyển sang sử dụng dữ liệu nội bộ. Các API Web được xây dựng xung quanh dữ liệu mở bắt đầu hỗ trợ quyền truy cập và kiểm tra các chứng chỉ nhận dạng, cho phép dữ liệu không công khai - bao gồm những dữ liệu được bảo vệ bởi các quy định về quyền riêng tư - được xử lý an toàn như dữ liệu mở. Ở giai đoạn này, tổ chức đã đạt được mức độ trưởng thành tốt trong việc cung cấp và sử dụng dữ liệu mở công khai và bắt đầu áp dụng các nguyên tắc tương tự cho dữ liệu nghiệp vụ, không nhằm mục đích cộng đồng. Việc sử dụng dữ liệu mở thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng kinh doanh sáng tạo và phân tích hiệu quả hơn để hỗ trợ quá trình ra quyết định.
Kết luận
Một chiến lược chính phủ số bền vững cho phép các nhà lãnh đạo chính phủ chuyển đổi một cách có hệ thống các dịch vụ công và hoạt động của chính phủ để thích nghi và phát triển bền vững với chi phí thấp. Chìa khóa cho sự trưởng thành của chính phủ số là tập trung vào việc sử dụng hiệu quả và sáng tạo dữ liệu trong việc thiết kế lại và cung cấp các dịch vụ cũng như trong việc chuyển đổi và quản lý hoạt động của chính phủ. Quá trình chuyển đổi sang chính phủ số sẽ là một cuộc hành trình lâu dài được đặc trưng bởi những đổi mới mang tính cơ hội với quy mô lớn. Trừ một số ngoại lệ, hầu hết các chiến lược chính phủ số là những phiên bản cập nhật của một chiến lược chính phủ điện tử trước đây. Như vậy, chính phủ vẫn chủ yếu tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách đẩy nhanh các quy trình nghiệp vụ trong khi vẫn giữ các mô hình dịch vụ hiện có. Cách tiếp cận này tạo thuận lợi cho việc tối ưu hóa các lợi ích của dịch vụ bằng cách hạ thấp chi phí giao dịch của chính phủ. Một chiến lược chính phủ số thực sự tận dụng việc sử dụng và tái sử dụng dữ liệu để đạt được sự tối ưu hóa nghiệp vụ quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ [3].
Ngày 17/01/2019 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức Sáng kiến Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số. Đưa tin về sự kiện này, Báo điện tử Chính phủ có bài viết “Việt Nam có cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở”. Theo bài viết, WB đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số của Việt Nam thông qua 7 lĩnh vực chính, trong đó có việc sử dụng dữ liệu để ra quyết định chính sách. Kết quả khảo sát của WB cũng cho thấy Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số [6]. Trong thời gian tới, để thực hiện cam kết triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam, trước hết, các cơ quan nhà nước cần nhận thức được vai trò của dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu số trong quá trình xây dựng chính sách, ra quyết định.
Tài liệu tham khảo
[1] The World Bank, Digital Government 2020: Prospects for Russia, 2016.
[2] Public Governance and Territorial Development Directorate, Recommendation of the Council on Digital Government Strategies, 2014.
[3] Andrea Di Maio, Rick Howard, Introducing the Gartner Digital Government Maturity Model 2.0, Gartner, Inc, 2017.
[4] Andrea Di Maio, Digital Government Is Both Different From E-Government and More of the Same, Gartner, 2013.
[5] Andrea Di Maio, Moving Toward Data-Centric Government, Gartner, 2014.
[6] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Viet-Nam-co-cam-ket-manh-me-trong-trien-khai-Chinh-phu-so-va-Du-lieu-mo/357311.vgp
(Truy cập ngày 20/02/2019).
Phạm Văn Thịnh