Đang xử lý.....

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ ỨNG DỤNG CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020  

Thứ Tư, 25/10/2017 1918
|

Ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 (Chương trình). Việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 là tiếp nối kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Nhờ triển khai các Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT, các Kế hoạch, quy hoạch về ứng dụng CNTT trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước ngày càng được chú trọng, phát huy được hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như sau:

1. Về hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu các ứng dụng CNTT cơ bản trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Hiện nay, tại các Bộ, ngành, địa phương, hầu hết cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu công việc (chưa bao gồm cán bộ công chức cấp xã), trong đó trên 90% máy tính được kết nối mạng nội bộ LAN và kết nối Internet đáp ứng nhu cầu công việc; 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng WAN và kết nối đến 80% đơn vị thuộc, trực thuộc các Bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/huyện thuộc các tỉnh, thành phố;

Một số tỉnh, thành phố, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng đầu tư, phát triển. Cụ thể như tại tỉnh Thanh Hóa, 100% cơ quan sử dụng phần mềm diệt virut bản quyền, 30% cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị tường lửa, 100% cơ quan nhà nước trang bị thiết bị thực hiện giải pháp an toàn dữ liệu.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Tại một số địa phương, nhất là tại các đơn vị cấp huyện, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ lâu, máy móc, thiết bị hết khấu hao, cấu hình thấp vẫn chưa được nâng cấp gây ảnh hưởng đến việc triển khai các ứng dụng CNTT;

Tuy hạ tầng kỹ thuật CNTT ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị nhưng công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan chưa thực sự đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Nhiều nơi chưa xây dựng được quy định bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng; Các dự án ứng dụng CNTT hầu như chưa chú trọng đến an toàn, an ninh thông tin và thường không có giải pháp cụ thể để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

2. Về Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc, trong đó đã triển khai tới phần lớn các đơn vị thuộc, trực thuộc. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều nơi đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành tới cấp xã/phường, như các tỉnh, thành phố: An Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ…; Một số đơn vị điển hình trong việc triển khai, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc là: tỉnh An Giang, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng được triển khai kết nối thông suốt đảm bảo việc gửi nhận văn bản nhanh chóng, thuận lợi. Ngoài việc liên thông theo hệ thống ngang giữa các sở, ngành, tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố, hệ thống phần mềm còn đáp ứng yêu cầu liên thông theo hệ thống ngành dọc, làm nền tảng cho việc ứng dụng phần mềm gắn với chữ ký số trong thời gian tới, giúp lưu chuyển văn bản điện tử trên môi trường mạng sẽ thay thế dần văn bản giấy;

Theo số liệu thống kê, hiện nay 100% các tỉnh, thành phố đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức của cơ quan (.gov.vn). Với những cơ quan đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức phục vụ công việc, tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử để sử dụng ngày càng gia tăng. Một số tỉnh, thành phố tiêu biểu cung cấp 100% hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức như: Quảng Bình, Bình Thuận, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Nghệ An. Số lượng cán bộ, công chức được cấp hộp thư để sử dụng đối với cấp quận, huyện, xã, phường còn hạn chế;

Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử ngày càng tăng, cụ thể: Tỷ lệ văn bản trao đổi kết hợp điện tử kèm văn bản giấy trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khoảng 59%, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng 48%. Hầu hết các văn bản, tài liệu của các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; văn bản, tài liệu trình UBND tỉnh, thành phố đều được thực hiện qua đường điện tử, kết hợp gửi văn bản giấy;

Song song với việc tăng cường trao đổi văn bản dưới dạng điện tử, việc sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy triển khai, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc. Theo kết quả tổng hợp, 18 Bộ, 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sử dụng chữ ký số và đã triển khai cung cấp chữ ký số cơ quan cho trên 75% số cơ quan, đơn vị trực thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Tại một số cơ quan, đơn vị đã quán triệt chỉ đạo, điều hành qua môi trường điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy, nâng cao hiệu lực quản lý, năng suất lao động và giảm chi phí hành chính. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu chỉ sử dụng trong việc gửi nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư, mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng.

3. Về Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Về Cung cấp thông tin trên Trang/Cổng thông tin điện tử

Hiện nay, hầu hết các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã xây dựng Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình đáp ứng theo yêu cầu tại Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Việc cung cấp thông tin lên Trang/Cổng thông tin điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương rất được chú ý, số lượng tin bài ngày càng tăng, đặc biệt các văn bản quy phạm pháp luật mới được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, kịp thời đảm bảo việc thông tin được cung cấp tới người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác.

Tuy nhiên vẫn còn điểm hạn chế trong cung cấp thông tin là việc chưa cung cấp đầy đủ các thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, số liệu thống kê... Thông tin tiếng nước ngoài của nhiều tỉnh, thành phố còn ít và chưa được cập nhật thường xuyên.

Về Cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, đa số các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt được là 828 dịch vụ công cấp Bộ, 11.409 dịch vụ công cấp tỉnh. Theo kết quả tổng hợp, tại các Bộ 45,6% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 92,8% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ này tương ứng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 81,67% và 22,63%.

Ngoài các thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn lại hầu hết các thủ tục hành chính đều đã cung cấp thông tin, mẫu biểu hồ sơ liên quan để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tải xuống để chuẩn bị trước khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Bên cạnh các kết quả đạt được thì việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn một số hạn chế nhất định như:

Một số dịch vụ công trực tuyến triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ xử lý trực tuyến.

Một số địa phương báo cáo đã cung cấp số lượng lớn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng chưa báo cáo số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh.

Tại một số cơ quan, tuy đã thông báo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, người dân có thể tải về các mẫu biểu thủ tục hành chính qua mạng, nhưng khi in ra, khai báo và nộp cơ quan nhà nước lại không được chấp nhận cho chất lượng mẫu biểu không đảm bảo. Bên cạnh đó, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước còn thấp.

4. Về Nguồn nhân lực CNTT

Trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, các Bộ, ngành, địa phương đã cố gắng nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cán bộ CNTT của cơ quan, đơn vị mình như: Tổ chức các khóa đào tạo về CNTT cho cán bộ, công chức, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT trong phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê, 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức các khóa đào tạo về CNTT từ cơ bản đến chuyên sâu cho cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách về CNTT.

5. Về Công tác xây dựng, ban hành chính sách, quy định về ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực ứng dụng CNTT

Đa số các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, kịp thời ban hành các Chương trình, Kế hoạch, quy định, quy chế, chính sách về ứng dụng CNTT, tạo môi trường pháp lý cho hoạt động triển khai ứng dụng CNTT. Công tác ban hành chính sách đãi ngộ cho cán bộ chuyên trách CNTT ở các địa phương đã được quan tâm (17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có chính sách hỗ trợ thu nhập cho cán bộ chuyên trách CNTT).

6. Đánh giá chung

Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đã được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, bảo đảm được sự chính xác và kịp thời trong quá trình xử lý công việc phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp;

Hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được quan tâm, đầu tư và phát triển hơn;

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đã được quan tâm, chú trọng. Các loại hình đào tạo CNTT đa dạng bằng nhiều hình thức. Tại các tỉnh, thành phố, nguồn nhân lực CNTT được chú trọng từ khâu đào tạo tại các trường THPT.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương như:

Về kinh phí:

Chưa có cơ chế tài chính hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai ứng dụng CNTT;

Việc bố trí vốn cho đầu tư ứng dụng CNTT chưa nhiều; các quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT của Trung ương đã có nhưng việc áp dụng ở địa phương còn chưa được quan tâm.

Về hạ tầng kỹ thuật:

Hạ tầng trang thiết bị CNTT đã được đầu tư từ lâu, hiện nay đã xuống cấp, hết khấu hao;

Chưa trang bị đầy đủ máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt đối với cấp xã phường;

Về môi trường chính sách:

Một số văn bản quy phạm pháp luật cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước còn thiếu hoặc chưa cập nhật phù hợp với thực tiễn, tiêu biểu như quy định về quy trình, thủ tục trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, lưu trữ hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu, cơ chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước,...

Công tác xây dựng, ban hành Kế hoạch 5 năm, hàng năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời;

Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế ứng dụng CNTT chưa được thực hiện thường xuyên nên tại một số bộ phận vẫn còn cán bộ chưa biết khai thác dữ liệu, thông tin trên máy tính để phục vụ công việc chuyên môn, chỉ sử dụng máy tính ở mức đơn giản (dùng soạn thảo văn bản, ...) làm hạn chế hiệu quả sử dụng của hệ thống ứng dụng CNTT.

Về nhận thức:

Chưa nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực CNTT trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị chưa có quyết tâm cao trong việc ứng dụng CNTT;

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được chú trọng;

Ứng dụng CNTT tại nhiều nơi chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động cải cách hành chính.

Về nguồn nhân lực:

Cơ quan chuyên trách về CNTT được thành lập muộn, còn thiếu và yếu về nhân lực, cùng với việc chưa có cơ chế, chính sách thu hút nhân lực trong lĩnh vực này, nên chưa thực sự phát huy được vai trò của mình, dẫn đến việc ứng dụng và phát triển CNTT trong mọi mặt của đời sống xã hội thiếu sự quản lý đồng bộ và có hệ thống;

Khả năng tiếp nhận, khai thác dự án ở nhiều cơ quan, đơn vị thụ hưởng còn hạn chế, chưa phát huy được tối đa hiệu quả của dự án ứng dụng CNTT mang lại;

Trình độ ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ còn chưa cao đặc biệt ở cấp quận, huyện. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ ứng dụng CNTT nhiều nhưng chưa chuyên sâu.

Nguồn tham khảo:

1. Báo cáo ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2016;

2. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015;

3. Báo cáo hiện trạng ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành, địa phương năm 2016.

 

Tạ Thị Hồng Lý