Đang xử lý.....

Chính phủ điện tử 4.0 ở Thái Lan: Vai trò của các cơ quan Trung ương  

Từ những năm 1990, chiến lược về chính phủ số là một trong những sáng kiến chính sách quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á, được sử dụng để tăng cường phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội...
Thứ Năm, 13/12/2018 1765
|

1. Giới thiệu: Thailand 4.0, Kế hoạch kỹ thuật số của Thái Lan và Chính phủ điện tử

Từ những năm 1990, chiến lược về chính phủ số là một trong những sáng kiến chính sách quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á, được sử dụng để tăng cường phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) liệt kê những tiến bộ về chính phủ điện tử như là một khía cạnh quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển. Đặc biệt Chính phủ Thái Lan là quốc gia đi đầu trong việc ban hành các chính sách chuyển đổi ICT. Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, bao gồm khái niệm về Chính phủ điện tử 4.0. Một trong những nỗ lực này là sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và việc ban hành Kế hoạch Chính phủ số của Thái Lan giai đoạn 2017-2022. Bài viết này thảo luận về các đặc điểm thể chế và quản trị trong quá trình chuyển đổi chính phủ điện tử của Thái Lan, bao gồm các chính sách quan trọng về ý tưởng, tầm nhìn và các thách thức trong cải cách với sự hỗ trợ của ICT.

Chiến lược chính phủ số hiện tại của Thái Lan được kết nối chặt chẽ với các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, cụ thể là chiến lược “Thái Lan 4.0”, có tính đến bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng. Trong những năm gần đây, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực hết sức để duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế hiệu quả. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng từ 3 - 4% /năm, so với tốc độ tăng trưởng 10% bùng nổ trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ngoài ra, nền kinh tế của Thái Lan cũng phải vật lộn với những biến động kinh tế và mất khả năng cạnh tranh trong định hướng sản xuất để xuất khẩu do các nước láng giềng có chi phí sản xuất thấp hơn. Bất bình đẳng thu nhập tăng cao, với 58% tài sản của đất nước được kiểm soát bởi 1% dân số và hơn 80% dân số ở vùng nông thôn nghèo không thể tiếp cận được với các dịch vụ xã hội như khu vực thành thị.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại này, chiến lược Thái Lan 4.0 ưu tiên phát triển các động lực kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ bền vững, cũng như tăng khả năng tiếp cận các lợi ích của tăng trưởng kinh tế cho tất cả các nhóm thu nhập. Chiến lược này bao gồm nhiều trọng tâm khác nhau như tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Các sáng kiến Chính phủ điện tử 4.0 của Thái Lan là một phần của Chiến lược này và việc ứng dụng các công nghệ mới cho việc cung cấp dịch vụ công dự kiến sẽ hỗ trợ để chuyển đổi số trong xã hội Thái Lan nói chung, cải thiện các dịch vụ công, thương mại điện tử và tăng cường kết nối giữa các cơ quan. Rộng hơn, họ cũng dự kiến sẽ cải thiện khả năng đối phó của khu vực công đối với các thách thức chính ở Thái Lan như nạn buôn người, đánh bắt cá bất hợp pháp, tham nhũng, v.v…

2. Bối cảnh thể chế

Nhìn chung, chính phủ điện tử được phát triển và thực hiện theo cách phản ánh các đặc điểm thể chế, chính trị xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia. Những nỗ lực Chính phủ điện tử 4.0 của Thái Lan cũng phản ánh ba đặc điểm quan trọng trên. Thứ nhất, Thái Lan có một truyền thống tập trung hóa mạnh mẽ từ chính phủ trung ương ở Bangkok đến các tỉnh và chính quyền địa phương. Tập trung hóa một phần được thực hiện dưới sự chỉ đạo hợp lý và điều phối hiệu quả trong hoạt động của khu vực công. Một trong nhiều những ảnh hưởng mà chính quyền địa phương tiếp tục phải đối mặt là những thách thức liên quan đến việc thiếu năng lực của đội ngũ công chức nhà nước, hiệu quả hoạt động yếu kém của các công sở, thiếu hụt các nguồn lực và sự thiếu minh bạch. Đồng thời, việc tập trung hóa không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong chính phủ.

Thứ hai, các trụ cột trong thể chế của Thái Lan – bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp - cần sự biện minh riêng cho tính hợp pháp. Thái Lan đã trải qua 19 lần thay đổi hiến pháp trong chưa đầy một thế kỷ. Kể từ năm 2014, Thái Lan nằm dưới sự điều hành của chính phủ quân sự được thiết lập để kiểm soát các cơ quan hành pháp và lập pháp. Hiến pháp mới năm 2017 đảm bảo rằng quân đội sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể trong cơ quan lập pháp. Chính phủ quân sự hiện tại đã soạn thảo một chiến lược quốc gia với tầm nhìn 20 năm, chiến lược này là một nền tảng cho chính phủ và chính sách công trong tương lai. Bối cảnh này khiến chính phủ quân sự hiện nay cần tính hợp pháp và sự đồng thuận của người dân cho kế hoạch và chiến lược số hóa của chính phủ bao gồm những điểm nhấn đáng kể về trách nhiệm công và giải quyết các vấn đề xã hội.

Thứ ba là văn hóa Phật giáo của Thái Lan. Thái Lan thường được gọi là vùng đất của Phật giáo và các chính sách của quốc gia từ lâu đã được định hình rõ ràng các giá trị cốt lõi từ Phật giáo. Trong khi các chính sách của chính phủ hiện tại không phải lúc nào cũng bao gồm các giá trị Phật giáo, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan trong suy nghĩ của họ đều có truyền thống văn hóa Phật giáo mạnh mẽ. Phúc lợi xã hội và chủ nghĩa tập trung trong phát triển Chính phủ điện tử 4.0 không chỉ xuất phát từ kinh nghiệm của phương Tây, mà còn từ các giá trị Phật giáo của Thái Lan. Sự nhấn mạnh vào các công nghệ số để trao quyền nhiều hơn cho người dân nhằm tăng cường phúc lợi xã hội là dựa trên nền tảng này.

3. Cải cách chính phủ điện tử của Thái Lan trước đây

Thái Lan đã có nhiều tiến bộ thông qua các khung chính sách ICT khác nhau, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy tích hợp chính phủ điện tử với các khía cạnh xã hội (xem Hình 1). Những khung chính sách khác nhau và những bài học rút ra từ chúng là nền tảng cho những nỗ lực của chính phủ điện tử hiện tại.

Hình 1: Phát triển các khung chuyển đổi hỗ trợ CNTT của Thái Lan

Những năm 1990 chứng kiến sự khởi đầu của cải cách chính phủ điện tử ở Thái Lan. Khung chính sách đầu tiên Công nghệ thông tin năm 2000 (gọi là IT 2000), được phát triển vào năm 1996, đã thiết lập một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số rõ ràng, bao gồm các sáng kiến như mạng thông tin chính phủ để tạo điều kiện chia sẻ thông tin và liên lạc giữa các cơ quan nhà nước. Chính phủ điện tử được phát triển thông qua nhiều cơ quan riêng lẻ khác nhau, mỗi cơ quan có các dự án, phần mềm và nền tảng dữ liệu khác nhau, dẫn đến những vấn đề về việc không tương thích còn tồn tại cho đến nay. Từ giữa những năm 1990, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết những vấn đề như kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Chiến lược quốc gia đầu tiên cho chính phủ điện tử ở Thái Lan năm 1996, được gọi là Chính sách công nghệ thông tin của Thái Lan cho thế kỷ 21, với mục tiêu và tầm nhìn như công bằng xã hội và thịnh vượng, đặt nền tảng cho các chiến lược trong tương lai.

Ưu tiên chính trong chiến lược ICT quốc gia này là tích hợp các hệ thống thông tin khác nhau giữa các cơ quan nhà nước. Hội đồng Công nghệ thông tin quốc gia, Trung tâm Công nghệ máy tính và điện tử quốc gia là những cơ quan điều hành chính cho chiến lược này. Sự hợp nhất và khả năng tương tác đã được hiện thực hóa thông qua hai cơ quan này, tạo thành một cơ quan điều phối tập trung, nhằm giảm thiểu việc không hiệu quả gây ra bởi hệ thống thông tin phân tán và sự khác biệt giữa các cơ quan nhà nước trong toàn chính phủ. Từ kinh nghiệm này, một cam kết mạnh mẽ đối với mô hình Kế hoạch quốc gia đã ra đời, bao gồm tầm quan trọng của việc trao quyền cho cơ quan điều hành ở cấp quốc gia.

Khung chính sách thứ hai (gọi là IT 2010), từ giai đoạn 2001 - 2010, chiến lược này tập trung vào việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, công nghiệp điện tử, Thương mại điện tử, Giáo dục điện tử và Xã hội điện tử. Khung này nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống và nền kinh tế trong các lĩnh vực và do đó, việc thúc đẩy chính phủ điện tử đã tiếp tục được công khai để hiện thực hóa trong các lĩnh vực này. IT 2010 là xương sống mang đến sự mở rộng và cải tiến số lượng và chất lượng trong ứng dụng các công nghệ mới trên khắp cả nước, như mở rộng đầu tư băng thông rộng, số lượng người dân truy cập và sử dụng dịch vụ CNTT cao hơn, v.v...

Khung chính sách thứ ba được đưa ra vào năm 2011 với một cách tiếp cận chiến lược được gọi là Thái Lan thông minh 2020. Tầm nhìn từ Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (nay đổi tên thành Bộ Kinh tế và Xã hội số) để Thái Lan trở thành một quốc gia thông minh thông qua việc tăng cường truy cập ICT ở khu vực nông thôn dựa trên hạ tầng mạng thông minh, Chính phủ thông minh, và các doanh nghiệp thông minh. Trong đó, kế hoạch tổng thể về ICT lần thứ ba nhằm mục đích thúc đẩy Thái Lan hướng tới nền kinh tế số lớn hơn. Đáng chú ý, Chính phủ điện tử 4.0, theo mô hình 4.0 của Thái Lan, đã được giới thiệu vào năm 2016 trong quá trình thực hiện khung chính sách IT 2020.

4. Cơ quan điều hành chính phủ điện tử

Chính phủ Thái Lan thành lập các cơ quan trung ương với mục đích thúc đẩy chính phủ điện tử và điều phối việc chuyển đổi chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước ở các cấp là Bộ Kinh tế và xã hội số và Cục Chính phủ điện tử (EGA). Các cơ quan trung ương này là cơ quan hoạch định chính sách và điều phối các nguồn lực từ trung ương cho các cấp khác nhau trong các cơ quan nhà nước và theo đuổi chính sách số hóa nhất quán của chính phủ giữa các cấp, các ngành thông qua các công cụ kiểm soát tập trung mạnh mẽ.

Năm 2016, Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan đã phê chuẩn việc thay thế Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông cũ bằng việc thành lập mới Bộ Kinh tế và Xã hội số. Theo đó, Bộ Kinh tế và Xã hội số sẽ xây dựng các chính sách cho việc phát triển chính phủ điện tử để thúc đẩy nền kinh tế số và hỗ trợ tái cấu trúc các cơ quan của chính phủ nhằm cải thiện chính phủ số. Bộ Kinh tế và Xã hội số cũng chịu trách nhiệm hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc đổi mới phát triển và sử dụng các công nghệ số. Cuối cùng, Bộ Kinh tế và Xã hội số phải điều chỉnh Luật số hóa và an ninh mạng cũng như các chiến lược để thu hút công dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách thông qua công nghệ.

Bộ Kinh tế và Xã hội số đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ quân sự hiện tại để thực hiện Chính phủ điện tử 4.0. Vào năm 2011, Hoàng gia đã ban hành Nghị định thành lập một đơn vị chiến lược tập trung được bổ sung trong cơ cấu thực thi chính phủ điện tử là Cục Chính phủ Điện tử (EGA - The Electronic Government Agency). Cục này hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Kinh tế và Xã hội số.

Theo kế hoạch “Thái Lan thông minh 2020”, Chính phủ Thái Lan đã giao nhiệm vụ cho EGA xây dựng các chính sách phát triển chính phủ điện tử một cách nhất quán trên nhiều cấp độ; từ cấp chiến lược rộng lớn đến các kế hoạch hành động ở quy mô nhỏ, nhằm duy trì sự thống nhất giữa tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ phát triển quốc gia về ICT. Trong khu vực công, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng đối với EGA. EGA cung cấp một nền tảng kỹ thuật số tập trung cho các cơ quan nhà nước khác để tăng cường sự kết nối, hiệu quả, xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền nhận thức và các thực tiễn tốt nhất. EGA cũng hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước cải thiện việc cung cấp dịch vụ công, tăng cường hỗ trợ các chức năng nghiệp vụ, đẩy mạnh hơn nữa quyền truy cập vào các dịch vụ công cho công chúng Thái Lan và bảo đảm an toàn cho các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, EGA cũng chịu trách nhiệm tích hợp các hệ thống ICT của khu vực công.

Mặc dù việc thành lập EGA nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp trung tâm, tuy nhiên do EGA nằm dưới sự điều hành của Bộ Kinh tế và Xã hội số đã dẫn đến vị thế chính trị có phần hạn chế trong việc xây dựng các quy định pháp lý ràng buộc cần thiết cho những vấn đề nêu trên. Các bộ, ngành khác chỉ coi EGA là cơ quan có thẩm quyền ngang với cấp vụ, cục của bộ, ngành mình, điều này gây cản trở việc phối hợp trong triển khai chính phủ điện tử cũng như Kế hoạch 4.0 của Thái Lan. Nhiều bộ, ngành vẫn dựa vào các hệ thống và nền tảng kỹ thuật số của riêng họ cho chiến lược công việc và theo thói quen. Tuy nhiên, nhu cầu điều phối trung tâm vẫn đang tồn tại và một số nhà quan sát tin rằng EGA sẽ nhận được một vị thế chính trị mới nằm dưới Văn phòng Thủ tướng.

5. Kết luận

Bài viết này thảo luận về những nỗ lực trong chiến lược phát triển chính phủ điện tử 4.0 của Thái Lan với trọng tâm phân tích vai trò của các cơ quan trung ương trong chiến lược kể trên. Chính phủ Thái Lan đã phát triển chính phủ điện tử thông qua các khung chính sách ICT khác nhau kể từ những năm 1990 và chính phủ quân sự hiện tại đang nỗ lực thực hiện một phiên bản chiến lược chuyển đổi số 4.0, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh kinh doanh, phúc lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả của khu vực công. Một số bộ, ngành trung ương cũng được thành lập hoặc tổ chức lại để đối phó với những thách thức mới ở khu vực công, cũng như cần có sự lãnh đạo và phối hợp phân cấp một cách thống nhất, rõ ràng. Trong bài nghiên cứu tiếp theo về “Chính phủ điện tử 4.0 ở Thái Lan: Tầm nhìn và chiến lược”, tác giả bài viết sẽ giới thiệu về tầm nhìn và chiến lược trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay của Thái Lan, từ đó phân tích những thách thức trong việc duy trì sự lãnh đạo, trách nhiệm giải trình, khả năng tương tác, khả năng làm việc của công chức, quản lý hiệu suất và những nỗ lực của các cơ quan trung ương để giải quyết chúng.

Lê Tiến Dũng

Tài liệu tham khảo:

- Berman, E., & Prasojo, E. eds. (2018). Leadership and Public Sector Reform in Asian Countries. Bingley, UK: Emerald Pub- lishers.

- Boonnoon, J. (2016). Digital Economy and Society Ministry set up. The Nation (16 September 2016).

- Christensen, T., Fimreite, A.L., & Lægreid, P. (2014). Joined-up government for welfare administration reform in Norway.

- Public Organization Review, 14(4), 439-456.

- Chutimaskul, W. (2002). E-Government Analysis and Modeling. Knowledge Management in e-Government KMGov-2002. 7:113-123.

- Electronic Government Agency. (2017). Thailand Digital Government Readiness Survey 2017. Bangkok: Electronic Govern- ment Agency.

- Klievink, B., & Janssen, M. (2009). Realizing joined-up government – Dynamic capabilities and stage models for transforma- tion. Government Information Quarterly, 26(2), 275-284.

- Phongpaichit, P. (2016). Inequality, Wealth and Thailand’s Politics. Journal of Contemporary Asia. 46(3): 405-424. Sekkoonthod, S. (2013). e-Government Development and New paradigm of Government Management. Retreived February, 18, 2018, from https://www.ega.or.th/Files/20120716050952.pdf.

- Gil-Garcia, J.R., & Sayogo, D.S. (2016). Government Inter-organizational Information Sharing Initiatives: Understanding the Main Determinants of Success. Government Information Quarterly. 33(3): 572-582.

- Varavithya, W., & Esichaikul, V. (2003). The Development of Electronic Government: A Case Study of Thailand. In Traun- müller R. (eds). Electronic Government: EGOV 2003. Lecture Notes in Computer Science, Vol. 2739. Springer, Berlin, Heidelberg.