Đang xử lý.....

Tổng quan về sự tác động của dữ liệu mở đối với ứng dụng “Từ thiện và viện trợ” được xây dựng trên hệ thống trung tâm dữ liệu của Chính phủ Thụy Điển  

Ngày nay, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới về dữ liệu mở nhằm công khai và minh bạch thông tin, thúc đẩy đổi mới kinh tế, chuyển đổi xã hội và chính phủ. Giống như nhiều thuật ngữ khác, dữ liệu mở là một khái niệm còn nhiều tranh cãi...
Thứ Năm, 17/10/2019 865
|

Theo Data.Gov.UK thì: “Dữ liệu mở là dữ liệu được xuất bản ở định dạng mở, có thể đọc được bằng máy và được xuất bản theo giấy phép cho phép tái sử dụng miễn phí”.

Theo Viện Dữ liệu mở (Open Data Institute - ODI ) thì: “Dữ liệu mở là thông tin có sẵn miễn phí cho bất cứ ai sử dụng cho bất kỳ mục đích nào. Dữ liệu mở phải có giấy phép cho biết đó là dữ liệu mở. Không có giấy phép, dữ liệu không thể được sử dụng lại”.

Năm 2013, Công ty tư vấn McKinsaey và Omidyar Network đã ước tính giá trị dữ liệu mở có thể mang lại thêm 13 nghìn tỷ đô la trong 5 năm sản lượng của các quốc gia. Dữ liệu mở có nhiều tác động đối với các ứng dụng và dịch vụ trong khu vực công của các chính phủ trên thế giới, đặc biệt được kể đến là:

- Cải thiện chính phủ, tạo ra sự minh bạch và chống tham nhũng như: Cổng thông tin minh bạch ngân sách mở của Braxin; Từ thiện và viện trợ của Thụy Điển; Hợp đồng dự án mở của Slovakia; Hệ thống chính trị và bầu cử Kawal Pemilu của Indonesia;

 - Cải thiện các dịch vụ như: Hợp nhất và chia sẻ dữ liệu địa chỉ của Đan Mạch, Dữ liệu thông tin từ thiện T3010 của Canada…

Ngoài tác động tiêu biểu của dữ liệu mở được kể trên, thì còn nhiều tác động khác của dữ liệu mở đối với xã hội và chính phủ mà ít ai biết được. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về tác động của dữ liệu mở đối với ứng dụng “Từ thiện và viện trợ” được xây dựng trên hệ thống trung tâm dữ liệu openaid.se của chính phủ Thụy Điển.

Tổng quan về sự tác động của dữ liệu mở đối với ứng dụng “Từ thiện và viện trợ”

Thụy Điển có truyền thống lâu đời về sự cởi mở, dân chủ và tiếp cận công khai thông tin. Năm 2010, một chương trình cải cách hợp tác phát triển của Thụy Điển (“Openaid”) được chính phủ đưa ra nhằm tăng tính minh bạch cho nguồn tài trợ thông qua các cơ hội được tạo ra bởi những tiến bộ công nghệ. Một phần của chương trình cải cách này bao gồm Bảo đảm minh bạch viện trợ (Aid Transparency Guarantee) yêu cầu các chủ thể dữ liệu công khai cung cấp tất cả các tài liệu và thông tin công khai liên quan đến hợp tác phát triển quốc tế. Điều này thúc đẩy sự phát triển của trung tâm dữ liệu (data hub) openaid.se của Bộ Ngoại giao và Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida - Swedish Ministry of Foreign Affairs and the Swedish International Development Cooperation Agency) ra đời vào tháng 4 năm 2011.

1. Bối cảnh

Là một phần trong cam kết tiếp cận công chúng, năm 2010, Thụy Điển đã đưa ra chương trình cải cách Bảo đảm minh bạch viện trợ để tất cả các đối tác được phân bổ vốn theo chương trình hợp tác phát triển quốc tế có thể xuất bản thông tin và tài liệu liên quan theo định dạng mở trực tuyến và cho phép các bên liên quan theo dõi toàn bộ chuỗi viện trợ của mình.

Trung tâm dữ liệu openaid.se, được xây dựng dựa trên dữ liệu chính phủ mở công khai, sử dụng dữ liệu về viện trợ cá nhân để giải quyết tham nhũng và minh bạch thông tin. Trung tâm dữ liệu openaid.se có một số mục tiêu chính sách như:

- Tăng cường các điều kiện tiên quyết về trách nhiệm của chính phủ, hạn chế tham nhũng, sao chép và sử dụng tài nguyên không hiệu quả;

- Thúc đẩy tư duy đổi mới về các lĩnh vực liên quan đến phát triển; tính minh bạch thông tin; cung cấp nền tảng kiến thức cho việc lập kế hoạch, chỉ đạo và đưa ra quyết định về phân bổ nguồn lực viện trợ và ưu tiên chính sách của Thụy Điển.

Cải cách hợp tác phát triển viện trợ được lấy cảm hứng một phần từ các cam kết được đưa ra trong diễn đàn quốc tế bao gồm IATI và Tuyên bố Paris, Chương trình hành động của Accra (IATA and Paris Declaration, Accra Agenda for Action). Nền tảng openaid.se cũng là một phần thành phần cốt lõi của Kế hoạch hành động quốc gia của Hiệp hội đối tác chính phủ mở Thụy Điển OGP được ký kết vào tháng 9 năm 2011, cho phép chính phủ theo dõi các đề xuất theo kế hoạch phát triển và cam kết xuất bản dữ liệu được chuẩn hóa theo định dạng IATI thông qua việc tiếp cận thông tin về các dòng viện trợ và hoạt động ở cả các nước tài trợ và đối tác khác.

2. Mô tả hệ thống

Giao diện openaid.se đơn giản, cho phép công chúng, các đối tác viện trợ và các bên liên quan khác theo dõi quỹ viện trợ được giải ngân khi nào? cho ai? và cho mục đích gì? đạt kết quả ra sao?

Toàn bộ dữ liệu về chính sách viện trợ và giải ngân đều được hiển thị dưới dạng đồ thị có sẵn trên openaid.se bằng tiếng Thụy Điển và tiếng Anh cũng có thể được mở bằng giao diện thiết bị di động, được thiết kế cho phép người dùng tùy chọn xem danh sách tất cả các hoạt động của toàn bộ chuỗi viện trợ, giải ngân và tải xuống dưới dạng tệp giá trị phân tách bằng dấu phẩy CSV tương thích với file excel.

 

Hình 1. Sweden’s Openaid.se

3. Nguồn dữ liệu cho nền tảng openaid.se

Dữ liệu có sẵn trên openaid.se được xuất bản hàng tháng theo tiêu chuẩn IATI, giúp phân tích và so sánh với các bộ dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn 80% dữ liệu hiện tại có định dạng có thể đọc bằng máy và được thu thập đầy đủ hàng đêm, bao gồm những dữ liệu được cung cấp bởi 16 CSO có thỏa thuận với khung SIDA. Cuối năm 2015, Thụy Điển đặt mục tiêu có 95% dữ liệu tương thích với tiêu chuẩn IATI. Ngoài ra, còn có sự tích hợp liên tục giữa cơ sở dữ liệu CSO và openaid.se cho phép chính phủ hiển thị dữ liệu và kết quả chi tiết của các hoạt động CSO do SIDA tài trợ.

4. Định dạng mở

Openaid.se được xây dựng nhằm cho phép các nhà tài trợ và người nhận viện trợ thực hiện cài đặt trình theo dõi viện trợ bằng cách sử dụng dữ liệu và chủ đề của riêng họ. Tổ chức SIDA tăng cường sử dụng định dạng mở API để người dân sử dụng lại dữ liệu…

5. Tác động

Tính minh bạch là điều kiện quan trọng để thúc đẩy cải tiến trong cách hợp tác phát triển được phân phối trên phạm vi quốc tế, đặc biệt là đối với các nhà tài trợ viện trợ của nước Thụy Điển - Một đất nước phân bổ 1% tổng thu nhập quốc dân GNI (Gross National Income) để hỗ trợ phát triển. Về mặt tác động, Thụy Điển đang đóng vai trò hàng đầu trong số các nhà tài trợ lớn thông qua nền tảng openaid.se. Những nỗ lực này không những mang lại cho Thụy Điển là một trong những quốc gia được xếp hạng cao nhất trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế năm 2014 (Transparency International’s Corruption Perception Index) mà còn là một trong những nhà tài trợ được xếp hạng cao nhất trong Chỉ số minh bạch viện trợ năm 2014 (Aid Transparency Index).

Tác động của dữ liệu liệu mở trên nền tảng openaid.se nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của Thụy Điển được thể hiện như sau:

- Bằng cách mở quyền truy cập vào chuỗi phân phối và chi viện trợ, các tổ chức và các bên liên quan khác có thể giải quyết các quy trình viện trợ hiệu quả hơn, giảm cơ hội tham nhũng thông qua việc cung cấp dịch vụ. Tính minh bạch tăng lên cũng cho phép người nhận tài trợ lập kế hoạch và quản lý các tài nguyên hiệu quả;

- Bằng cách mở dữ liệu viện trợ cho phép chính phủ hiểu rõ các vấn đề và thách thức tiềm ẩn để cải thiện quy trình báo cáo và giảm thiểu sai sót dữ liệu.

- Tính minh bạch có khả năng làm giảm triệt để các tham nhũng cho phép các bên liên quan xác định chính xác các vấn đề và hỗ trợ yêu cầu cải cách.

6. Cải thiện hiệu quả quản lý

Nền tảng openaid.se được tạo ra nhằm cải thiện các hệ thống quản lý thông tin của Thụy Điển và giảm chi phí báo cáo thủ công về thông tin viện trợ ở cấp quốc gia. Các cơ chế báo cáo được thúc đẩy bởi cam kết cung cấp dữ liệu theo tiêu chuẩn IATI, giúp chính phủ Thụy Điển tiết kiệm được khoảng 7 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Theo ước tính từ IATI, khoảng 18 tỷ đô la viện trợ bị mất hàng năm do tham nhũng, vì vậy dựa vào nền tảng này, Chính phủ có thể phân tích và so sánh các bộ dữ liệu viện trợ từ ngân sách quốc gia.

7. Thách thức

Thụy Điển đã có những bước tiến lớn hướng tới sự phát triển cởi mở hơn, toàn diện hơn về dữ liệu chính phủ mở, có trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua trung tâm dữ liệu openaid.se, thúc đẩy cả cuộc tranh luận chính trị và ý kiến về các ưu tiên viện trợ, phối hợp phát triển các nguồn viện trợ giữa các nhà tài trợ và các quốc gia đối tác. Tuy nhiên, chính phủ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc làm cho dữ liệu như một công cụ dễ hiểu để người dân có thể phân tích và sử dụng.

Có nhiều thách thức trong việc truy cập và tổng hợp thông tin từ openaid.se, vì openaid.se là một hệ thống độc quyền nên khó có thể hiểu hết các tác động của nguồn viện trợ và phần lớn dữ liệu trên nền tảng openaid.se đã được sử dụng lại cho các ứng dụng khác. Để khắc phục những vấn đề này, openaid.se có thể tạo ra những cách mới để kết hợp dữ liệu viện trợ với các hệ thống khác thông qua các công cụ mới.

8. Quyền riêng tư của dữ liệu

Mặc dù, thực tế là thông tin về viện trợ đã được công khai trước khi phát triển openaid.se, nhưng bản chất tích cực của việc xuất bản dữ liệu viện trợ này đã bộc lộ những lo ngại về quyền riêng tư. Vì vậy, SIDA đã tích cực ưu tiên tuyên truyền cho công dân về giá trị tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và những công cụ nào có thể thực hiện để giảm thiểu sự e ngại về quyền riêng tư của dữ liệu.

9. Cấp phép dữ liệu

Có nhiều thách thức trong quá trình phát triển và triển khai ban đầu của openaid.se, môi trường chính sách dữ liệu của Thụy Điển. Cho đến tháng 5 năm 2015, không có quy định cụ thể nào liên quan đến dữ liệu mở và nguồn dữ liệu mở. Chỉ thị PSI ra đời đã giúp lấp đầy khoảng trống pháp lý này liên quan đến việc tái sử dụng dữ liệu trong chính phủ Thụy Điển. Openaid.se không hỗ trợ chính sách cấp cao cũng như không xác định rõ ràng các nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn cấp phép. Sau khi Chỉ thị PSI ra đời thì Thụy Điển tiếp tục thực hiện các bước cấp phép dữ liệu để bảo vệ quyền truy cập và sử dụng lại dữ liệu công khai liên quan đến các cấu trúc cấp phép hợp pháp.

10. Hợp tác với các đối tác khác

Việc hợp tác với các nhà tài trợ khác và quan hệ đối tác địa phương ở các quốc gia nhằm phát triển và triển khai nền tảng openaid.se sẽ rất có lợi và vượt qua một số thách thức về cấu trúc mà openaid.se hiện đang phải đối mặt. Thụy Điển đang tích cực hợp tác với các tổ chức ở các nước đang phát triển để kết hợp với các hệ thống khác nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm, tăng quyền truy cập của người dân vào ngân sách và người nhận viện trợ của chính phủ.

Các rào cản pháp lý của Thụy Điển về việc sử dụng lại dữ liệu cũng phải được giải quyết để tạo ra tác động lớn hơn. Tái sử dụng dữ liệu có khả năng cho phép các công dân quan tâm tạo ra các phương thức kết hợp, hiển thị và sử dụng lại dữ liệu mới, xem xét và cấu hình lại cách thức hiện đang hỗ trợ.

Những nỗ lực của Thụy Điển để mở dữ liệu viện trợ cho công chúng đã có những bước tiến lớn hướng tới tăng tính minh bạch và trách nhiệm bằng cách tập trung vào khả năng sử dụng của trung tâm dữ liệu viện trợ, triển khai dữ liệu tiến bộ hơn và cộng tác tốt hơn với các bên liên quan, tác động của dữ liệu mở trên nền tảng openaid.se để tiếp tục phát triển và mở rộng trong những năm tới.

Kết luận

Dữ liệu mở đang tạo ra cơ hội kinh tế mới, cải thiện nhiều dịch vụ công của các chính phủ trên toàn thế giới, đặc biệt là giúp các chính phủ giải quyết tham nhũng và tăng tính minh bạch về ngân sách, nguồn từ thiện và viện trợ… làm cho chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn. Thông qua dữ liệu mở, công dân và các nhà hoạch định chính sách có thể phân tích các vấn đề xã hội theo những cách mới và tham gia vào các hình thức đánh giá theo hướng dữ liệu mới.

Hiện nay, tại Việt Nam, dữ liệu mở vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi đối với các nhà hoạch định chính sách với các lý do: “Dữ liệu nào được mở? Mở cho ai và mở như thế nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu mở?” Dữ liệu mở không chỉ có tác động trực tiếp đến Chính phủ Thụy Điển mà còn có tác động toàn cầu đối với chính phủ của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hy vọng từ bài viết “Tổng quan về sự tác động của dữ liệu mở đối với ứng dụng từ thiện và viện trợ được xây dựng trên hệ thống trung tâm dữ liệu của Chính phủ Thụy Điển” này sẽ là tài liệu tham khảo để Việt Nam nghiên cứu các ứng dụng thực tế và quy định về dữ liệu mở phù hợp với yêu cầu thực tế của Việt Nam hiện nay.

Ghi chú:

1) Theo wikipedia.org: SIDA (Swedish International Development Cooperation Agency) là một cơ quan chính phủ của Bộ Ngoại giao Thụy Điển, chịu trách nhiệm tổ chức phần lớn hỗ trợ phát triển chính thức của Thụy Điển cho các nước đang phát triển. SIDA khẳng định tôn trọng quyền con người, dân chủ và bình đẳng được tuyên bố bởi Tuyên ngôn nhân quyền của Thụy Điển.

2) Sáng kiến minh bạch viện trợ quốc tế (IATI - International Aid Transparency Initiative (IATI): là một sáng kến được đưa ra tại diễn đàn cấp cao Accra vào tháng 9 năm 2011, cam kết hợp tác để làm cho viện trợ minh bạch hơn, thống nhất về thông tin viện trợ nào được công bố, đưa ra các định nghĩa rõ ràng và định dạng chung cho thông tin viện trợ và thống nhất cho các nhà tài trợ một quy tắc thực hiện viện trợ.

Nguồn: Better Data, Better Aid? How can the International Aid Transparency Initiative Help You? file:///C:/Users/TRANG%20CSHTTT/Downloads/betterdatabetteraid-consolidatedreply.pdf

3) OGP - Open Government Partnership: Hiệp hội đối tác Chính phủ mở, là sáng kiến quốc tế ra đời năm 2011 bởi 8 quốc gia: Anh, Na Uy, Mỹ, Mexico, Brazill, Nam Phi, Philippines, Indonesia và 9 tổ chức xã hội quốc tế để đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

4) CSV - Comma Separated Values) là một loại định dạng văn bản đơn giản mà trong đó các giá trị được ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy.

5) CSO (Civil Society Organisations): Tổ chức xã hội dân sự , là các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận đại diện cho nhóm chính khác nhau theo định nghĩa của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) năm 1992.

6) PSI (PSI Directive) là Chỉ thị về dữ liệu mở và thông tin khu vực công, tuân thủ đầy đủ quy định về bảo vệ dữ liệu chung của Châu Âu, khuyến khích các quốc gia thành viên sử dụng lại dữ liệu do các chính phủ khu vực công tạo ra và hạn chế tối thiểu các quy định về pháp lý, kỹ thuật và tài chính đối với việc sử dụng lại dữ liệu phục vụ mục đích thương mại và phi thương mại.

Nguồn: https://www.europeandataportal.eu/en/news/introducing-new-open-data-and-psi-directive

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo:

[1] The Global Impact of Open Data - https://data.gov.ru/sites/default/files/documents/the-global-impact-of-open-data.pdf.

[2] openaid.se

[3] https://data.gov.uk/

[4] https://theodi.org/ (Open Data Institute - ODI)