Đang xử lý.....

Tổng hợp phân tích về cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước  

Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã trở thành tất yếu và ngày càng được quan tâm và triển khai mạnh mẽ...
Chủ Nhật, 15/12/2019 2670
|

. Đáp ứng nhu cầu đó, thị trường cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, bao gồm nhiều loại hình dịch vụ (dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ, điện toán đám mây...) và được cung cấp bởi nhiều doanh nghiệp trong nước. Theo nghĩa đó, việc một tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp bên ngoài thay vì tự tổ chức thực hiện là bản chất đặc trưng của hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Các dịch vụ được thuê khá đa dạng về nội dung, cách thức và theo nhu cầu của cơ quan, tổ chức, có thể chỉ thuê một phần hoặc thuê toàn bộ công việc từ xây dựng đến quản lý, vận hành và chuyển giao tất cả các thành phần của hệ thống thông tin (bao gồm phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin, chính sách khai thác, vận hành, nguồn nhân lực).

Lợi ích của việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin là rất rõ ràng. Trước tiên, việc thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin giúp giảm chi phí so với việc đầu tư toàn bộ ngay từ đầu. Cơ quan, tổ chức thay vì bỏ ra một khoản tiền đầu tư rất lớn ngay từ đầu để vài năm sau mới có thể sử dụng được sản phẩm đã đầu tư thì đối với thuê dịch vụ công nghệ thông tin, cơ quan, tổ chức đó có thể sử dụng ngay các dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp với khoản chi phí bỏ ra không đáng kể, được chi trả nhiều lần tùy theo việc sử dụng dịch vụ. Lợi ích thứ hai của việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin là giúp cơ quan, tổ chức tận dụng nguồn nhân lực của các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để bù đắp thiếu hụt về nhân lực công nghệ thông tin của tổ chức mình. Nếu như đầu tư hệ thống, sau thời gian đầu tư, đưa vào khai thác vận hành, cơ quan tổ chức phải bố trí đội ngũ cán bộ để quản trị, vận hành hệ thống thì đối với thuê dịch vụ, các công việc đó đều được các doanh nghiệp thực hiện với đội ngũ nhân lực dồi dào, chuyên nghiệp, độ sẵn sàng cao.

Lợi ích về hệ thống cũng là điểm vượt trội của thuê so với việc đầu tư, các giải pháp công nghệ của các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đã được xây dựng, được vận hành, kiểm nghiệm, kiểm chứng trên nhiều khách hàng, do đó sản phẩm, dịch vụ luôn được nhà cung cấp dịch vụ cải tiến, nâng cấp. Cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ luôn được tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ hiện đại.

Với sự phát triển mạnh mẽ đó của hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hoạt động này cần thiết phải được thể chế hóa, điều chỉnh bằng các cơ chế, chính sách của nhà nước để giúp tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp.

I. Cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước

1. Ngày 30/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg, sau nhiều năm triển khai thí điểm việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, Quyết định 80/2014/QĐ-TTg đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người đứng đầu các cơ quan nhà nước đối với việc lựa chọn hình thức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đó là cùng với việc triển khai theo hình thức đầu tư, mua sắm thì có thể lựa chọn hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhằm tận dụng, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư, nhân lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn; nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Triển khai Quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các văn bản sau:

- Công văn số 90/BTTTT-CNTT ngày 14/01/2015 gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức triển khai Quyết định của Thủ tường Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

- Công văn số 1047/BTTTT-CNTT ngày 13/4/2015 về việc triển khai quyết định 80/2014/QĐ-TTg, rà soát, lập báo cáo tổng hợp các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin dự kiến sẽ triển khai theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin của Bộ, ngành, địa phương;

- Công văn số 3575/BTTTT-THH ngày 23/10/2018 về việc hướng dẫn một số nội dung của Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg;

- Công văn số 2455A/BTTTT-THH ngày 29/7/2019 về việc hướng dẫn mẫu hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Triển khai hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, nhiều cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã phản ánh về các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Cụ thể như sau:

- Các nội dung trong quy trình thuê dịch vụ sử dụng nguồn vốn chi đầu tư phát triển chưa phù hợp với quy trình của Luật Đầu tư công:

+ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg chưa quy định các quy trình thực hiện dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin như: lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thuê;

+ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định thẩm quyền quyết định thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công (ngoài quy định thẩm quyền nêu trên còn có thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ).

+ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định việc thẩm định nội dung dự án do người có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công (Luật Đầu tư công quy định cụ thể thẩm quyền thẩm định dự án và theo phân nhóm dự án, xác định rõ cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án).

+ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin gồm: Báo cáo dự án, Tổng dự toán và Báo cáo điều tra, khảo sát, nghiên cứu phân tích (nếu có). Quy định này không phù hợp với quy định nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi của Luật Đầu tư công.

- Các nội dung của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg về thuê dịch vụ sử dụng vốn sự nghiệp chưa phù hợp:

+ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định một quy trình thực hiện chung cho cả thuê sản phẩm, dịch vụ sẵn có và sản phẩm, dịch vụ chưa sẵn có trên thị trường. Việc thuê dịch vụ sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường theo Quyết định 80/2014/QĐ-TTg là khá phức tạp. Trong khi đó, đối với dịch vụ chưa sẵn có thì chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng.

+ Đối với chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin: Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định giá gói dịch vụ cần thuê được xác định theo giá thị trường (báo giá, giá gói dịch vụ tương tự, kết quả thẩm định giá). Mặc dù phương pháp này là phổ biến và dễ xác định giá thuê nhưng thông thường chỉ phù hợp với trường hợp thuê sản phẩm, dịch vụ sẵn có. Đối với sản phẩm, dịch vụ chưa sẵn có, cần phải có phương pháp xác định chi phí thuê.

+  Đối với các chi phí: chi phí quản lý, chi phí tư vấn, chi phí khác và chi phí dự phòng…Quyết định 80/2014/QĐ-TTg không quy định phương pháp xác định các chi phí này.

- Quyết định 80/2014/QĐ-TTg là văn bản pháp lý quy định “thí điểm”, là văn bản pháp lý đầu tiên quy định việc thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin, do đó việc triển khai còn lúng túng.

2. Ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nghị định 73/2019/NĐ-CP đã lồng ghép các nội dung thuê dịch vụ công nghệ thông tin và thay thế cho các quy định của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, khắc phục các nội dung quy định chưa phù hợp, còn thiếu của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg. Từ đó tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn, cao hơn so với Quyết định 80/2014/QĐ-TTg cho các cơ quan nhà nước áp dụng rõ ràng trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

- Quy định phân loại dịch vụ công nghệ thông tin thành 02 loại: (1) loại dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường là dịch vụ công nghệ thông tin được cung cấp ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất; đã được công khai về giá, mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật, công nghệ trên cổng/trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc thông qua phương tiện khác được nhiều người tiếp cận, (2) loại dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường là dịch vụ được thiết lập theo các yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị. Theo đó, cơ quan, đơn vị thuê tổ chức, cá nhân thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị; sau khi hoàn thành hệ thống hoặc hạng mục của hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức, cá nhân đó tổ chức quản trị, vận hành để cung cấp dịch vụ cho cơ quan, đơn vị thuê hoặc bàn giao cho cơ quan, đơn vị thuê tự tổ chức quản trị, vận hành trong một thời hạn nhất định.  

- Quy định quy trình thực hiện phù hợp với phân loại dịch vụ, theo đó, đối với thuê dịch vụ sẵn có trên thị trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên, thực hiện đơn giản theo Luật ngân sách nhà nước, pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Đối với thuê dịch vụ không sẵn có, chủ trì thuê dịch vụ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê và dự toán; nhà cung cấp dịch vụ xây dựng, hình thành dịch vụ; kiểm thử, vận hành thử đạt yêu cầu và đưa vào thuê chính thức.

- Quy định nhiều phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin gồm có: Phương pháp so sánh; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp lấy báo giá thị trường; Phương pháp tính chi phí; Kết hợp các phương pháp này. Quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ.

Quy định rõ phương pháp xác định các chi phí: chi phí quản lý, chi phí tư vấn, chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc theo định mức chi phí theo tỷ lệ.

- Quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hướng dẫn các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Quy định này phù hợp với tính chất của hoạt động “thuê”. Hơn nữa, việc bàn giao, chuyển nhượng các tài sản (phần mềm) sau quá trình thuê là thỏa thuận của các bên căn cứ vào nhu cầu của bên thuê, do đó không nên quy định cứng như Quyết định 80/2014/QĐ-TTg (bắt buộc chuyển giao phần mềm, tài sản hình thành sau quá trình thuê).

- Quy định rõ nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê, tổ chức kiểm thử hoặc vận hành thử trước khi thuê;

- Quy định đối với dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định về quản lý chi phí, quản lý chất lượng tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP.

- Quy định các nội dung cần thuyết minh rõ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thuê cho phù hợp với nội dung thuyết minh thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

3. Triển khai Nghị định 73/2019/NĐ-CP, để hoàn thiện, đồng bộ trong cơ chế, chính sách cho hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, trong năm 2019 và 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về thuê dịch vụ công nghệ thông tin, cụ thể bao gồm:

- Thông tư quy định phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thông tư này sẽ quy định về các phương pháp xác định chi phí thuê: Phương pháp so sánh; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp lấy báo giá thị trường; Phương pháp tính chi phí.

- Thông tư quy định các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin khá đặc thù, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ thuê cần được các bên thỏa thuận một cách cụ thể, chặt chẽ trong hợp đồng để làm cơ sở thực hiện. Mặc dù hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản hướng dẫn về mẫu hợp đồng đấu thầu, tuy nhiên, việc không có hướng dẫn về các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê khiến các cơ quan lúng túng trong việc xây dựng nội dung của hợp đồng, kiểm soát việc thực hiện cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp.

III. Kết luận

Hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đang ngày càng được hoàn thiện. Cùng với các văn bản pháp lý đã nêu trên, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn được quán triệt, quan tâm triển khai trong nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua như: Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Với hệ thống văn bản pháp lý ngày càng đầy đủ, toàn diện, thời gian tới, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp hoàn toàn “mạnh dạn” để tiến hành thuê dịch vụ CNTT, phát huy tối đa các nguồn lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Trịnh Thị Trang