Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số” là một hướng ưu tiên trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đến năm 2030 chiếm khoảng 30% GDP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hiện trạng hạ tầng số tại Việt Nam
Hình 1. Dự báo sự phát triển của hạ tầng viễn thông đến năm 2030
Nếu như trước đây hạ tầng viễn thông chỉ là hạ tầng vật lý (hạ tầng cứng là tập hợp thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, mạng viễn thông và công trình viễn thông) phục vụ việc cung cấp dịch vụ viễn thông (gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người) thì nay hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu, quan trọng để kết nối, tạo lập và duy trì dòng chảy dữ liệu của nền kinh tế số, xã hội số, bao gồm cả hạ tầng vật lý (hạ tầng viễn thông băng rộng, các trung tâm dữ liệu) và hạ tầng mềm (điện toán đám mây, kết nối IoT) với tốc độ cao, băng rộng nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu của nền kinh tế số, xã hội số. Do vậy, nội hàm của hạ tầng số sẽ bao gồm:
(1) Hạ tầng viễn thông băng rộng, nhằm truyền tải, xử lý thoại, tin nhắn với tốc độ kbps, mbps. Hiện nay, Việt Nam đang đầu tư hạ tầng viễn thông băng rộng để bảo đảm cung cấp mọi loại hình dịch vụ với tốc độ Gbps, Tbps.
(2) Hạ tầng điện toán đám mây. Là mô hình dịch vụ cho phép người truy cập tài nguyên điện toán dùng chung (mạng, server, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi, theo yêu cầu.
(3) Hạ tầng kết nối Internet vạn vật. Internet vạn vật (IoT) đã trở thành một hệ thống phổ biến trong đó mọi người, quy trình, dữ liệu và mọi thứ kết nối với Internet và với nhau. Hiện nay trên toàn cầu, kết nối IoT đạt gần 26-30 tỷ thiết bị (trung bình 4 thiết bị/người dân: mỗi người 2 thiết bị cầm tay (mobile, máy tính hoặc đồng hồ), 1 phương tiện di chuyển, 1 thiết bị gia dụng).
1. Đối với hạ tầng viễn thông băng rộng, nhu cầu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao đã và đang được đặt ra như một điều kiện tất yếu tại Việt Nam. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet nhanh nhất thế giới với trên 70% dân số được nối mạng. Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng như:
- Mạng băng rộng di động phát triển, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,8%. Số thuê bao băng rộng di động/100 dân: 90%.
- Cáp quang phủ khắp cả nước đến 100% xã. Số thuê bao băng rộng cố định hơn đạt trên 18 triệu (trong đó chủ yếu sử dụng cáp quang FTTH), tăng trưởng 15%/năm, trên 68% hộ gia đình có kết nối FTTH.
- 06 tuyến cáp quang biển, 3 tuyến cáp quang đất liền kết nối với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
- Chỉ tiêu về tốc độ băng rộng di động, Việt Nam đứng thứ 56 trên thế giới với tốc độ 33,9Mbps.
2. Đối với hạ tầng điện toán đám mây. Hiện nay, tại Việt Nam có 03 nhóm nhà cung cấp hạ tầng điện toán đám mây, bao gồm: các doanh nghiệp nước ngoài (Google, Microsoft …); các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn với sự đầu tư đồng bộ (Viettel, VNPT, CMC, FPT) và một nhóm các doanh nghiệp nhỏ cung cấp các ứng dụng hoặc dịch vụ.
Theo báo cáo của ResearchMarket và TechSCI, thị trường điện toán đám mây (Cloud) của Việt Nam cuối năm 2020 đạt khoảng 200 triệu USD (4.600 tỷ đồng). Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm khoảng 20% thị phần các sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây trong nước (tương đương hơn 900 tỷ đồng), 80% thị phần còn lại do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp (Google, AWS, Microsoft Azure,...).
Với quy mô dân số ở Việt Nam và quỹ đạo tăng trưởng dữ liệu của quá chình chuyển đổi chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của các Trung tâm dữ liệu, nơi đáp ứng yêu cầu lữu trữ, tính toán, xử lý dữ liệu ngày càng gia tăng của đất nước. Thị trường Trung tâm dữ liệu Việt Nam đã chứng kiến tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua, dựa trên sự bùng nổ dữ liệu thông qua điện thoại thông minh, trang mạng xã hội, thương mại điện tử, giải trí số, giáo dục số, thanh toán số và nhiều dịch vụ kỹ thuật số khác. Việc tăng trưởng dữ liệu được kích thích hơn nữa bằng việc áp dụng các công nghệ mới như Máy tính hiệu năng cao, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT),…
3. Đối với hạ tầng kết nối Internet vạn vật. Cùng với sự bùng nổ của các công nghệ mới nổi, hiện nay người Việt Nam đã chủ động sử dụng điện thoại di động làm phương tiện giao tiếp giữa các thiết bị, giữa thiết bị và người với các mục đích như truyền dữ liệu data, hình ảnh… thông qua các gói cước di động thông thường mà nhà mạng đang cung cấp cho khách hàng, dẫn tới nhà mạng chưa quản lý được đầy đủ theo mục đích sử dụng của khách hàng.
Việt Nam có hạ tầng viễn thông tốt, có các doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng IoT để phủ sóng toàn quốc và quy hoạch đủ kho số, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT, từ đó hạ tầng IoT sẽ là thị trường tiềm năng và sẽ tạo ra sự phát triển bùng nổ trong thời gian tới.
Với ước tính 2,5-3 thiết bị IoT/người thì đến năm 2025, kết nối IoT tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 250-300 triệu kết nối và đến 2030, khi mạng 5G được phủ sóng toàn quốc thì số lượng này sẽ lên tới 800 triệu thiết bị.
Các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng trong chuyển đổi số
Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhận định quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, đồng thời đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”.
Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông “Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số.” và xác định giải pháp: “Khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đô thị, các luật khác có liên quan và các văn bản dưới luật để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng”.
Quyết định số 749QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định giải pháp quan trọng là tập trung là phát triển hạ tầng số, nền tảng của phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ngoài những kết quả đạt được thì việc phát triển hạ tầng số còn đặt ra các thách thức, tồn tại, hạn chế, như sau:
Hạ tầng số phục vụ Chính phủ số là một thành phần quan trọng trong Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được đảm bảo bởi pháp luật. Các thách thức có thể kể đến là
(1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang trong giai đoạn rà soát hoàn thiện. Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa, đưa ngành viễn thông đạt được nhiều bước tiến, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung.
Tuy nhiên, với sự chuyển dịch sang không gian số, phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng viễn thông đang dịch chuyển sang hạ tầng số; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mở ra các không gian mới như Cloud, AI, IoT; Phân tích dữ liệu, Blockchain; sự phát triển bùng nổ thiết yếu của các nền tảng Chuyển đổi số; cũng như sự xuất hiện và phát triển của nhiều hình thức kinh doanh mới trên không gian số nên phát sinh các yêu cầu mới về quản lý mà Luật Viễn thông chưa bao trùm được. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, mới chỉ có khái niệm “hạ tầng viễn thông”,“hạ tầng công nghệ thông tin”, mà chưa có đề cập chính thức về “hạ tầng số” cũng như các chỉ tiêu đánh giá, giải pháp thúc đẩy liên quan.
(2) Hạ tầng băng rộng chủ yếu do nhà nước đầu tư. Hiện nay, Việt Nam có 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ băng rộng cố định, trong đó có 17 doanh nghiệp nhà nước, 01 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 52 doanh nghiệp tư nhân. Nhưng tỷ lệ đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư băng rộng cố định chỉ chiếm 7,52%.
(3) Chưa tạo niềm tin của doanh nghiệp trong việc sử dụng hạ tầng ảo hóa số nhất là hạ tầng điện toán đám mây. Mặc dù dịch vụ điện toán đám mây được xác định là mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu rõ về điện toán đám mây. Tỷ lệ cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ Cloud còn rất thấp. Báo cáo của OECD đã chỉ ra tiềm năng tiết kiệm chi phí cho các chính phủ nằm trong khoảng từ 25% đến 50% khi triển khai sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trong đầu tư công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước.
Kết luận và đề xuất, kiến nghị
Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã nhận thức việc phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Hạ tầng số phải được phát triển, cung cấp như dịch vụ và phải là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số và xã hội số. Song để đạt được thành công thì cần,
(1) Xác định và luật hoá những nội dung về phát triển hạ tầng số (sửa đổi Luật Viễn thông, xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số…), để mở rộng phạm vi quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây. Bảo đảm hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc và thống nhất cho triển khai và thực hiện.
(2) Về phát triển hạ tầng băng rộng. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s) thông qua việc thúc đẩy, khuyến khích hợp tác công tư để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp khu vực tư nhân phục vụ cho phát triển hạ tầng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
(3) Hạ tầng điện toán đám mây, kết nối Internet vạn vật. Xây dựng chính sách thúc đẩy các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện toán đám mây (Cloud First) trong đó tập trung ưu tiên sử dụng điện toán đám mây, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, làm chủ trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin để tạo động lực và dẫn dắt các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ điện toán đám mây một cách rộng rãi. Nghiên cứu, ban hành các chính sách, tiêu chuẩn yêu cầu tích hợp, sử dụng điện toán đám mây, hạ tầng IoT trong việc phát triển các lĩnh vực của kinh tế số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị thông minh.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.speedtest.net/global-index/vietnam#mobile
[2] Báo cáo về thực trạng phát triển hạ tầng số.