1. Giới thiệu về Chỉ số Hạ tầng viễn thông
Tiếp theo bài viết “Tổng quan về xếp hạng Chính phủ điện tử/Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc”, bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) – một trong 3 chỉ số chính để đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, xếp hạng TII năm 2022 của các nước trên thế giới và Việt Nam.
Chỉ số Hạ tầng Viễn thông được đánh giá dựa trên dữ liệu do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cung cấp, và là tổng hợp trung bình của 4 chỉ số thành phần như sau:
- Tỷ lệ người dùng Internet, trọng số 25%
- Số thuê bao di động trên 100 dân, trọng số 25%
- Số thuê bao băng rộng di động đang hoạt động trên 100 dân, trọng số 25%
- Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân, trọng số 25%
Hình 1 – Các chỉ số thành phần của TII
Trong đó:
- Tỷ lệ người sử dụng Internet (%): là tỷ lệ trăm người sử dụng Internet so với dân số trung bình trong ba tháng gần nhất.
- Số thuê bao di động trên 100 dân: là số lượng thuê bao dịch vụ di động tính trên 100 người dân trong ba tháng gần nhất. Số thuê bao di động sẽ gồm cả thuê bao trả sau và thuê bao trả trước.
- Số thuê bao băng rộng di động đang hoạt động trên 100 dân: là tổng số thuê bao băng rộng di động dữ liệu, thoại và thuê bao băng rộng di động chỉ sử dụng dữ liệu cho Internet công cộng.
- Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân: là số thuê bao cố định để truy cập Internet công cộng tốc độ cao hoặc kết nối TCP/IP, ở tốc độ tải xuống bằng hoặc lớn hơn 256 kbit/s.
Bảng 1 – TII và các chỉ số thành phần để đánh giá từ năm 2001 đến nay
Để phù hợp với xu hướng phát triển về Chính phủ điện tử của từng giai đoạn, các chỉ số thành phần để đánh giá hạ tầng viễn thông được thay đổi theo thời gian, cụ thể như tại bảng 1.
Như vậy, trong 12 kỳ xuất bản Báo cáo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử, Liên Hợp Quốc đã 6 lần thay đổi cách đánh giá các chỉ số thành phần của Hạ tầng viễn thông. Và lần thay đổi gần đây nhất là năm 2020, Liên Hợp Quốc đã bỏ chỉ số thành phần “Số thuê bao thoại cố định trên 100 dân” khi đánh giá Chỉ số Hạ tầng viễn thông. Lý do là vì sự sụt giảm của các thuê bao điện thoại cố định trên thế giới so với năm 2018. Ngoài ra, ngưỡng giới hạn để tính điểm cho 4 chỉ số thành phần còn lại được đưa ra ở mức mới là 120%.
Về chuẩn hóa các chỉ số
Mỗi chỉ số thành phần đều được chuẩn hóa thông qua quy trình Z-score để tính điểm Z cho từng chỉ số thành phần. Giá trị tổng hợp của chỉ số Hạ tầng viễn thông cho quốc gia “x” là giá trị trung bình cộng đơn giản của bốn chỉ số tiêu chuẩn hóa được suy ra như sau:
Giá trị tổng hợp của cơ sở hạ tầng viễn thông = Trung bình (Điểm Z của người dùng Internet + Đăng ký điện thoại di động / di động Z-score + Đăng ký băng thông rộng di động đang hoạt động Z-score + Điểm Z băng thông rộng cố định)
Cuối cùng, giá trị tổng hợp TII được chuẩn hóa bằng cách lấy giá trị của nó cho một quốc gia nhất định, trừ giá trị tổng hợp thấp nhất trong Khảo sát và chia cho phạm vi giá trị tổng hợp cho tất cả các quốc gia.
2. Xếp hạng của các nước trên thế giới
Đối với xếp hạng chỉ số TII ở góc độ châu lục, Châu Âu cũng dẫn đầu về chỉ số TII với giá trị trung bình là 0,8392 (mức Rất cao); tiếp theo lần lượt là Châu Á với giá trị trung bình là 0,6166; Châu Mỹ với giá trị trung bình là 0,6139; Châu Đại Dương với giá trị trung bình là 0,3575; và cuối cùng là Châu Phi với giá trị trung bình là 0,3548.
Ở góc độ quốc gia, có 64 quốc gia có TII ở mức Rất cao (chiếm 33%), 57 quốc gia có TII ở mức Cao (30%), 46 quốc gia có TII ở mức Trung bình (24%) và vẫn còn tới 26 quốc gia ở mức Thấp (13%).
Hình 2 –Mức độ Chỉ số Hạ tầng viễn thông năm 2022
So với năm 2020, Chỉ số TII trung bình toàn cầu khoảng 5%, mức tăng cao nhất trong số 3 chỉ số chính (Hạ tầng viễn thông, Nguồn nhân lực và Dịch vụ trực tuyến).
Trong số 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về TII thì có đến 11 quốc gia ở Châu Âu, chỉ có 4 quốc gia Châu Á, và không có quốc gia nào ở Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Phi. Top 15 quốc gia về TII đều có đặc điểm chung là các nước có thu nhập cao và có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử được xếp ở mức rất Cao. Liechtenstein, một quốc gia nhỏ và rất giàu có của Tây Âu, có TII đạt giá trị tối đa.
Bảng 2 – Top 15 quốc gia về xếp hạng TII năm 2022
3. Xếp hạng của Việt Nam
3.1. Kết quả xếp hạng của Việt Nam
Chỉ số Hạ tầng viễn thông của Việt Nam năm 2022 là 0,6973, tăng khoảng 4% so với năm 2020, cao hơn giá trị trung bình của thế giới và khu vực Châu Á, khu vực Đông Nam Á. Về xếp hạng, Hạ tầng viễn thông của Việt Nam năm 2022 có vị trí thứ 74/193 quốc gia/vùng lãnh thổ, giảm 5 bậc so với năm 2020.
Bảng 3 - Chỉ số Hạ tầng viễn thông của Việt Nam so với các giá trị trung bình
Cụ thể chỉ số và các số liệu chi tiết về Hạ tầng viễn thông của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2022 như sau:
Bảng 4 - Thứ hạng, chỉ số và số liệu Hạ tầng viễn thông của Việt Nam
giai đoạn 2014 – 2022
Ở khu vực Châu Á, Việt Nam xếp thứ 19/47 quốc gia về Hạ tầng viễn thông. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 các quốc gia về chỉ số Hạ tầng viễn thông.
Hình 3 - Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) 2022 của các nước khu vực Đông Nam Á
Các quốc gia đứng trên Việt Nam về Hạ tầng viễn thông của khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Brunei; Malaysia và Thái Lan. Cả 4 quốc gia này đều là quốc gia có thu nhập cao và trên trung bình.
3.2. Nguyên nhân giảm hạng của TII
Chỉ số Hạ tầng viễn thông của Việt Nam là 0,6973, giá trị tăng 4% nhưng thứ hạng giảm 5 bậc so với năm 2020, xếp hạng 74/193 quốc gia. Một số lý do chính có thể là:
- Số liệu để tính toán các chỉ số thành phần của hạ tầng viễn thông được Liên minh Viễn thông quốc tế cung cấp và tính đến 31/12/2020. Theo đó, trong số 04 chỉ số thành phần dùng để đánh giá Hạ tầng viễn thông, tỷ lệ người dùng Internet bị giảm so với thực tế. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ này là 74,21%, trong khi số liệu trong Báo cáo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2022 đang đánh giá với số liệu là 70,3%.
- Giá trị Hạ tầng viễn thông trung bình của thế giới tăng 5% so với năm 2020, cao hơn mức tăng trưởng của Việt Nam (4%). Theo như Báo cáo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2022 chỉ ra thì xu hướng chung của thế giới hiện tại là việc tăng trưởng đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia có thu nhập trên trung bình, trong khi đó các quốc gia thu nhập dưới trung bình và thu nhập thấp gặp khó khăn về đầu tư hạ tầng viễn thông. Là quốc gia có thu nhập dưới trung bình nên Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
4. Kết luận
Như vậy, mặc dù chỉ số Hạ tầng viễn thông năm 2022 của Việt Nam có tăng về giá trị (khoảng 4%), nhưng xếp hạng giảm 5 bậc so với năm 2020, đứng thứ 74/193 quốc gia. Để góp phần đạt được mục tiêu top 50 thế giới đến năm 2025 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, Chỉ số Hạ tầng viễn thông của Việt Nam cũng cần phải có sự đột phá trong xếp hạng, đó là lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số này.
Một số giải pháp cấp bách cần thực hiện như sau:
a) Hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về viễn thông, Internet như:
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế các vấn đề khó khăn vướng mắc, xin chủ trương các chính sách sửa đổi Luật Viễn thông cho phù hợp với công cuộc chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số tại Việt Nam.
- Hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.
- Tiếp tục triển khai phủ sóng di động tại các thôn/bản lõm sóng nằm trong Chương trình viễn thông công ích giai đoạn đến 2025.
- Đề xuất các giải pháp tắt sóng công nghệ cũ, phổ cập Smartphone.
- Thúc đẩy việc phát triển dịch vụ Mobile money, thử nghiệm dịch vụ 5G.
b) Giải pháp thực thi cụ thể trong lĩnh vực viễn thông, Internet:
Các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các chỉ tiêu Băng rộng cố định và Băng rộng di động để tăng giá trị Chỉ số Hạ tầng viễn thông như sau:
- Nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và dịch vụ truy nhập Internet của các nhà mạng theo lộ trình và mục tiêu cụ thể cho từng năm.
- Triển khai phủ sóng di động tại các thôn/bản lõm sóng nằm trong Chương trình viễn thông công ích giai đoạn đến 2025, đặc biệt là đối với các thôn bản không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn hoặc các thôn không có điện hoặc điện không đảm bảo, cần triển khai ngay khi có điện.
Đặng Thị Thu Hương