Đang xử lý.....

Đánh giá của Liên Hợp Quốc về Dịch vụ trực tuyến trong phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số của các nước trên thế giới và của Việt Nam  

Tiếp theo bài viết “Tổng quan về xếp hạng Chính phủ điện tử/Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc”, bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI) – một trong 3 chỉ số chính để đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, xếp hạng OSI năm 2022 của các nước trên thế giới và Việt Nam...
Thứ Tư, 21/09/2022 388
|

1. Giới thiệu về Chỉ số Dịch vụ trực tuyến

Tiếp theo bài viết “Tổng quan về xếp hạng Chính phủ điện tử/Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc”, bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI) – một trong 3 chỉ số chính để đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, xếp hạng OSI năm 2022 của các nước trên thế giới và Việt Nam.

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến được tính toán dựa trên dữ liệu thu thập thông qua phiếu khảo sát gửi tới các quốc gia thành viên và phiếu khảo sát ý kiến chuyên gia được thực hiện độc lập bởi Cơ quan về các vấn đề Kinh tế và Xã hội (UNDESA). Chỉ số Dịch vụ trực tuyến được đánh giá dựa trên 05 tiêu chí: Khung thể chế; Cung cấp dịch vụ; Cung cấp nội dung; Công nghệ và Tham gia điện tử. Trong đó, Tham gia điện tử được đánh giá theo hướng tăng cường mức độ tham gia của người và có thể kiểm chứng được.

Một số điểm mới trong phương pháp đánh giá Chỉ số Dịch vụ trực tuyến năm 2022 như sau:

- Chỉ số Dịch vụ trực tuyến được đánh giá dựa trên 05 tiêu chí: Khung thể chế (chiếm 10%), Cung cấp nội dung (chiếm 5%), Cung cấp dịch vụ (chiếm 45%), Công nghệ (chiếm 5%) và Tham gia điện tử (chiếm 35%). Đây lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đánh giá về mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến thay vì chỉ đánh giá có cung cấp dịch vụ trực tuyến. Mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến tức là khả năng thực hiện toàn bộ giao dịch của dịch vụ trên môi trường (tương đương với DVCTT toàn trình) hay chỉ thực hiện trực tuyến một phần và người dân vẫn phải hiện diện để hoàn thành hầu hết các giao dịch (DVCTT một phần).

Đối với Báo cáo khảo sát năm 2022, DESA/DPIDG cũng đã giới thiệu thang đánh giá được phân loại mới để phản ánh tốt hơn sự thay đổi quan sát được trong việc cung cấp dịch vụ giao dịch trên các kênh vật lý và kỹ thuật số. Đối với một nhóm nhỏ các câu hỏi liên quan đến khả năng hoàn thành giao dịch của người dùng với chính phủ tương ứng của họ, điểm được trao trên thang điểm từ 0-3. Quốc gia được đánh giá được chỉ định điểm 0 nếu dịch vụ không có sẵn thông qua kênh dịch vụ trực tuyến chính thức. Điểm 1 nếu thông tin liên quan hoặc mẫu đơn đăng ký có sẵn nhưng các khía cạnh khác của giao dịch phải được thực hiện thông qua các kênh khác ngoài trực tuyến. Điểm 2 nếu toàn bộ dịch vụ hoặc thủ tục đăng ký có sẵn trực tuyến. Cuối cùng, nếu người dùng có thể quản lý toàn bộ giao dịch hoàn toàn thông qua một kênh trực tuyến, bao gồm khả năng thanh toán và nhận tài liệu, được cho điểm 3.

2. Xếp hạng của các nước trên thế giới

Kết quả đánh giá OSI 2022 cho thấy, các quốc gia có mức thu nhập cao hơn thường có giá trị OSI cao hơn và các quốc gia này cũng đồng nhất hơn về sự phát triển chính phủ điện tử. Hầu hết các quốc gia trong nhóm thu nhập cao (64%) có giá trị OSI cao hơn mức trung bình của nhóm là 0,7542 và cao hơn mức trung bình của OSI toàn cầu là 0,5554.

Các quốc gia có thu nhập cao cũng có sự phân bổ các giá trị OSI dày đặc hơn xung quanh giá trị trung bình, cho thấy việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến đồng đều hơn. Các quốc gia có thu nhập trên trung bình có sự chênh lệch lớn hơn về giá trị OSI của họ; hơn 51% có giá trị OSI trung bình cao hơn mức trung bình toàn cầu. Mức trung bình của OSI đối với nhóm thu nhập thấp (0,3024) và nhóm thu nhập trung bình thấp (0,4562) thấp hơn mức trung bình của OSI toàn cầu là 0,5554.

Trong số 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về OSI thì có 6 quốc gia Châu Á, 5 quốc gia ở Châu Âu, chỉ có 2 quốc gia Châu Đại Dương và 2 quốc gia Châu Mỹ, không có quốc gia Châu Phi nào. Top 15 quốc gia về OSI đều có đặc điểm chung là các nước có thu nhập cao và trên trung binh, tất cả đều có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử được xếp ở mức rất Cao.

 

3. Xếp hạng của Việt Nam

3.1. Kết quả xếp hạng của Việt Nam

Đối với chỉ số Dịch vụ trực tuyến, Việt Nam được đánh giá đạt 0,6484 điểm trong năm 2022. Với kết quả trên, chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam được xếp loại ở mức Cao và cao hơn so với mức trung bình của thế giới, khu vực Châu Á và Đông Nam Á.

So sánh với năm 2020 về giá trị, chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam bị giảm khoảng 1%. Đây là xu hướng giảm chung của cả thế giới do thay đổi phương pháp đánh giá chỉ số Dịch vụ trực tuyến so với năm 2020 khi đánh giá theo 05 nhóm tiêu chí, gồm Khung thể chế (10%), Cung cấp nội dung (5%), Cung cấp dịch vụ (45%), Công nghệ (5%) và Tham gia điện tử (35%).

So sánh với 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng thứ 76 về Chỉ số Dịch vụ trực tuyến, tăng 5 bậc so với năm 2020. So với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng thứ 5, tăng 1 bậc so với năm 2020.

05 tiêu chí của Dịch vụ trực tuyến năm 2022 của Việt Nam như sau:

 

Các quốc gia đứng trên Việt Nam về Dịch vụ trực tuyến của khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trong đó, có 3 quốc gia Singapore, Thái Lan, Malaysia có thu nhập cao và trên trung bình, còn Indonesia có thu nhập dưới trung bình nhưng cao hơn Việt Nam.

3.2. Nguyên nhân giảm hạng của OSI

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2020, tuy nhiên kết quả này chưa phản ánh hết những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai dịch vụ công trực tuyến từ cuối năm 2021 cho đến nay. Một số kết quả nổi bật như:

- Hoàn thành việc triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 và đang rà soát để triển khai dịch vụ công toàn trình cho người dân theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Đây cũng là một trong số nhóm tiêu chí đánh giá về Dịch vụ trực tuyến trong Báo cáo xếp hạng năm 2022 của Liên Hợp Quốc.

- Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

- Triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trong đó có một số nội dung quy định mới về Tương tác với tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng, có ảnh hưởng trực tiếp đến Chỉ số Tham gia điện tử, một thành phần của Dịch vụ trực tuyến.

- Triển khai Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, trong đó có nội dung về định danh, xác thực điện tử khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022), các bộ, ngành, địa phương đã giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; và ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Tính đến tháng  12/2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 54,34%, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

- Triển khai sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng theo Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Dự kiến những kết quả này sẽ được thể hiện trong trong Báo cáo xếp hạng 2024.

4. Kết luận

Năm 2022, Liên Hợp Quốc đã thay đổi phương pháp đánh giá Chỉ số Dịch vụ trực tuyến khi đánh giá theo 05 nhóm tiêu chí Khung thể chế, Cung cấp nội dung, Cung cấp dịch vụ, Công nghệ và Tham gia điện tử. Liên Hợp Quốc cũng lần đầu tiên đánh giá về mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến thay vì chỉ đánh giá có cung cấp dịch vụ trực tuyến. Trong đó, mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến tức là khả năng thực hiện toàn bộ giao dịch của dịch vụ trên môi trường (tương đương với DVCTT toàn trình) hay chỉ thực hiện trực tuyến một phần và người dân vẫn phải hiện diện để hoàn thành hầu hết các giao dịch (DVCTT một phần). Đây cũng là nội dung quy định mới về mức độ DVCTT (DVCTT toàn trình và DVCTT một phần) trong Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, hiện đã có 54  bộ, ngành, địa phương đã gửi danh mục DVCTT toàn trình và một phần về Bộ Thông tin và truyền thông.

Một số địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT (28 tỉnh  đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; 08 tỉnh ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ).

Để tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, cơ quan nhà nước cần thực hiện sớm các nội dung:

(1) Rà soát các thủ tục hành chính trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xác định và công bố Danh mục DVCTT toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần;

2. Triển khai các giải pháp sau đây để thúc đẩy sử dụng DVCTT:

- Ban hành văn bản giao chỉ tiêu DVCTT gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT.

- Nghiên cứu, ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

- Nghiên cứu, ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

- Nghiên cứu triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy.

- Nghiên cứu triển khai Trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Đặng Thị Thu Hương