1. Giới thiệu về Chỉ số Nguồn nhân lực
Tiếp theo bài viết “Tổng quan về xếp hạng Chính phủ điện tử/Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc”, bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI) – một trong 3 chỉ số chính để đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, xếp hạng HCI năm 2022 của các nước trên thế giới và Việt Nam.
Chỉ số Nguồn nhân lực được đánh giá dựa trên dữ liệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá (UNESCO) cung cấp, và là tổng hợp của 4 chỉ số thành phần như sau:
- Tỷ lệ người lớn (từ 15 tuổi trở lên) biết đọc, biết viết (chiếm 1/3)
- Tỷ lệ đăng ký nhập học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (tổng số học sinh đăng ký nhập học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (không phân biệt tuổi tác) so với dân số trong độ tuổi đi học) (chiếm 2/9)
- Số năm đi học dự kiến (là tổng số năm đi học mà một đứa trẻ ở độ tuổi nhất định có thể mong đợi nhận được trong tương lai, giả sử rằng xác suất trẻ được đi học tại bất kỳ độ tuổi cụ thể đều bằng tuổi tỷ lệ nhập học hiện tại) (chiếm 2/9)
- Số năm học trung bình (số năm đi học trung bình được hoàn thành bởi một người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên), trừ các năm học lặp lại các lớp) (chiếm 2/9)
Hình 1 – Các chỉ số thành phần của HCI
Hai thành phần đầu tiên, (nghĩa là tỷ lệ người lớn biết chữ và tổng tỷ lệ nhập học tổng thể cấp tiểu học, trung học cơ sở và đại học) đã được sử dụng trong tất cả các phiên bản Báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử trước đây của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2002. Nhận thấy rằng giáo dục là trụ cột cơ bản trong việc hỗ trợ nguồn nhân lực, Báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2014 đã giới thiệu hai thành phần mới cho chỉ số Nguồn nhân lực (HCI), đó là: (i) số năm đi học dự kiến; và (ii) số năm đi học trung bình.
Nghiên cứu thống kê sơ bộ do DESA/DPIDG đã xác thực việc sử dụng HCI mới, nhấn mạnh rằng hai thành phần mới đã củng cố HCI mà không gây ra bất kỳ lỗi nào. Ngoài ra, giới hạn giới hạn là 100 đã được áp dụng cho thành phần Tỷ lệ nhập học chung. Các chỉ số về kỹ năng số không thể được sử dụng cho cuộc khảo sát này do không có thu thập đủ dữ liệu.
Bảng 1 – HCI và các chỉ số thành phần để đánh giá từ năm 2001 đến nay
Để phù hợp với xu hướng phát triển về Chính phủ điện tử của từng giai đoạn, các chỉ số thành phần để đánh giá Nguồn nhân lực được thay đổi theo thời gian, cụ thể như tại bảng 1.
Như vậy, trong 12 kỳ xuất bản Báo cáo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử, Liên Hợp Quốc chỉ thay đổi 01 lần thay đổi cách đánh giá các chỉ số thành phần của Nguồn nhân lực, và lần thay đổi gần đây nhất là từ năm 2014.
Về chuẩn hóa các chỉ số
Tương tự như cách tính TII, mỗi chỉ số trong số bốn chỉ số thành phần trước tiên được chuẩn hóa thông qua quy trình điểm Z để lấy giá trị điểm Z cho từng chỉ số thành phần. Giá trị tổng hợp vốn con người của quốc gia “x” là giá trị trung bình số học có trọng số với trọng số một phần ba được gán cho tỷ lệ người lớn biết chữ và trọng số hai phần chín được gán cho tỷ lệ nhập học gộp, số năm đi học dự kiến và số năm đi học trung bình được suy ra theo cách này:
Giá trị tổng hợp Nguồn nhân lực = 1/3 × Z-score của Tỷ lệ người lớn biết chữ + 2/9 × Z-score của Tỷ lệ nhập học + 2/9 × Z-score Số năm đi học dự kiến + 2/9 × Z-score Số năm đi học trung bình.
Cuối cùng, giá trị tổng hợp Nguồn nhân lực được chuẩn hóa bằng cách lấy giá trị tổng hợp của nó của một quốc gia nhất định, trừ đi giá trị tổng hợp thấp nhất trong Khảo sát và chia cho phạm vi giá trị tổng hợp của tất cả các quốc gia.
2. Xếp hạng của các nước trên thế giới
Đối với xếp hạng chỉ số HCI ở góc độ châu lục, Châu Âu cũng dẫn đầu về chỉ số HCI với giá trị trung bình là 0,8824 (mức Rất cao); tiếp theo lần lượt là Châu Mỹ với giá trị trung bình là 0,7590; Châu Đại Dương với giá trị trung bình là 0,7268; Châu Á với giá trị trung bình là 0,7124; và cuối cùng là Châu Phi với giá trị trung bình là 0,4892. Như vậy, ngoài Châu Âu ở vị trí dẫn đầu với giá trị cao hơn hẳn, thì Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Á có mức xấp xỉ gần bằng nhau, đều vượt xa Châu Phi.
Trong số 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về HCI thì có đến 13 quốc gia ở Châu Âu, chỉ có 2 quốc gia Châu Đại Dương là Úc và Niu-Di-Lân nhưng 2 quốc gia này lại xếp thứ nhất và thứ 2 thế giới. Trong số 15 quốc gia dẫn đầu về HCI, không có quốc gia nào ở Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi. Top 15 quốc gia về HCI đều có đặc điểm chung là các nước có thu nhập cao và có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử được xếp ở mức rất Cao.
Bảng 2 – Top 15 quốc gia về xếp hạng HCI năm 2022
3. Xếp hạng của Việt Nam
3.1. Kết quả xếp hạng của Việt Nam
Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI) năm 2022 của Việt Nam là 0,6903. Mức điểm này thấp hơn so với mức trung bình thế giới (0,7001), khu vực Châu Á (0,7175), khu vực Đông Nam Á (0,6937).
Bảng 3 - Chỉ số Nguồn nhân lực của Việt Nam so với các giá trị trung bình
So với kết quả chỉ số Nguồn nhân lực năm 2020, Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ vị trí 117 năm 2020 lên vị trí 115 năm 2022.
Bảng 4 - Thứ hạng, chỉ số và các số liệu về Nguồn nhân lực của Việt Nam
giai đoạn 2012 - 2022
So sánh với các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 7/11 quốc gia về chỉ số Nguồn nhân lực, sau các nước là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia.
Hình 2 - Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI) 2022 của các nước khu vực Đông Nam Á
Các quốc gia đứng trên Việt Nam về Nguồn nhân lực của khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Thái Lan, Malaysia và Brunei, Indonesia. Trong đó, có 4 quốc gia Singapore, Thái Lan, Malaysia và Brunei có thu nhập cao và trên trung bình, còn Indonesia có thu nhập dưới trung bình nhưng cao hơn Việt Nam.
3.2. Nguyên nhân giảm hạng của HCI
Chỉ số Nguồn nhân lực của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2020, tuy nhiên Chỉ số Nguồn nhân lực của Việt Nam đang thấp hơn thấp hơn so với mức trung bình thế giới (0,7001), khu vực Châu Á (0,7175), khu vực Đông Nam Á (0,6937).
Lý do:
- Số liệu để tính toán trong Báo cáo xếp hạng được UNESCO cung cấp và chưa được cập nhật (ví dụ: Tỷ lệ đăng ký nhập học từ năm 2014). Từ năm 2015, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhiệm vụ tổng hợp thông tin của các trường trung cấp, cao đẳng nghề được chuyển giao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ LĐTB&XH, nhưng các năm gần đây vẫn chưa tổng hợp, cung cấp số liệu thống kê quy mô học sinh/sinh viên trung cấp và cao đẳng đáp ứng đầy đủ phân tổ theo yêu cầu khảo sát của Viện thống kê UNESCO (UIS). Việc thiếu hụt, khuyết số liệu số lượng người đi học trung cấp, cao đẳng từ năm 2015 đến nay dẫn đến việc UNESCO vẫn chưa tính toán, công nhận và công bố chỉ số (ii) Tỷ lệ nhập học chung từ sau năm 2014. Điều này gây ảnh hưởng đến giá trị HCI và các nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ nhập học các cấp phổ thông và đại học cũng chưa được ghi nhận.
- Xu hướng chung của thế giới, các quốc gia thu nhập dưới trung bình và thu nhập thấp gặp khó khăn về phát triển nguồn nhân lực.
4. Kết luận
Về tương quan chung giữa đánh giá HCI của năm 2020 và năm 2022: Chỉ số HCI năm 2022 được đánh giá xếp thứ 115, tăng 2 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 117), giá trì HCI năm 2022 là 0,6903 tăng 0,0124 so với năm 2020 là 0,6779. Nguyên nhân là theo đánh giá của năm 2022 có các chỉ số thành phần (i) tăng 0,75 và chỉ số thành phần (iv) tăng 0,1 so với đánh giá của năm 2020.
Để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, với mục tiêu tiếp tục nâng cao nhóm chỉ số thành phần nguồn nhân lực (HCI) thuộc Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu phương pháp xác định các chỉ số thành phần nguồn nhân lực Việt Nam (HCI)”, trong đó có đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số thành phần và nâng giá trị HCI, gồm 02 nhóm giải pháp:
- Nhóm giải pháp về chính sách trong giáo dục và đào tạo: nhằm thu hút từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đào tạo nghề (trung cấp, cao đẳng) và đào tạo đại học, thúc đẩy tăng số lượng người đi học, tăng số năm tham gia học tập của người học... (bao gồm cả các đối tượng thuộc nhóm yếu thế như học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật ...)
- Nhóm giải pháp về quản lý nâng cao chất lượng thông tin cung cấp cho các tổ chức quốc tế: hiện nay cần khắc phục việc đứt gãy số liệu về quy mô đào tạo nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quản lý.
Đặng Thị Thu Hương