Khái niệm thành phố thông minh có từ cách đây khoảng 20 năm, được giới thiệu với sự nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố công nghệ thông tin và truyền thông đối với đời sống và sự phát triển bền vững của một đô thị.
Tuy nhiên trải qua từng thời kỳ nghiên cứu phát triển và thực tế triển khai, đến giai đoạn hiện nay thì các khái niệm về đô thị thông minh và chính phủ điện tử ngày càng được sử dụng phổ biến để đề cập, trích dẫn lẫn nhau và đã bắt đầu xuất hiện các điểm hội tụ. Mặc dù chính phủ điện tử cung cấp dịch vụ công tốt hơn thông qua tập trung vào các quy trình nội bộ, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của các cơ quan quản lý. Khái niệm đô thị thông minh ngày nay được xây dựng dựa trên công nghệ ICT như một cách để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo thông qua thu thập, xử lý, tích hợp và sử dụng dữ liệu trên quy mô lớn để giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị và hướng tới xây dựng, phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Mối quan hệ giữa chính quyền điện tử và đô thị thông minh
Mục tiêu cuối cùng của hai hình thái đô thị thông minh và chính phủ điện tử đều được dựa trên công nghệ ICT đề hướng đến quá trình ra quyết định với thông tin tốt hơn và cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Từ đặc điểm chung này, sự hội tụ của hai hình thái trên được thể hiện qua ba chủ đề có tính bao quát và có mối quan hệ lẫn nhau là: Dữ liệu, Quản trị và Sự tham gia.
Chủ đề về dữ liệu:
Dữ liệu đã được gọi là "dầu của thế kỷ 21". Dữ liệu cũng sẽ là những gì đô thị thông minh trong tương lai vận hành.
Trên thực tế hiện nay, các chính phủ, chính quyền đô thị hiện đang thu thập và sở hữu số lượng rất lớn thông tin dữ liệu liên quan đến mọi khía cạnh khác nhau của cuộc sống trong quốc gia nói chung và trong thành phố nói riêng. Tuy nhiên, những dữ liệu này được lưu trữ dưới rất nhiều trạng thái khác nhau và được giữ trong các kho dữ liệu riêng biệt của mỗi tổ chức. Gần như không tồn tại các liên kết giữa những kho dữ liệu này để cho phép tổng hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu khác nhau.
Đảm bảo xây dựng và phát triển đô thị thông minh thành công, các thành phố cần một nền tảng dữ liệu mở mà ở đó bất kỳ dữ liệu nào được tạo ra, lưu trữ, thu thập và phát hành bởi nhà nước, các chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các công ty… trong các hoạt động của bản thân hoặc liên quan đến các quyết định đưa ra của mình đều có giá trị sử dụng cho những chủ thể tạo lập ra nó mà còn có thể mở ra và chia sẻ cho các thành phần khác khác hoặc cộng đồng sử dụng. Dữ liệu có thể bao gồm những thông tin địa lý, môi trường, giao thông, sức khoẻ cộng đồng, giáo dục, những thống kê định kỳ, những thư mục, các danh sách, các số liệu về ngân sách đầu tư, chi tiêu...
Cung cấp cơ sở dữ liệu mở đang là xu hướng tại các nước phát triển và là một trong các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đối với các nước. Theo đó, dữ liệu mở giúp công khai thông tin, minh bạch thông tin giữa hoạt động của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Sự khác biệt giữa dữ liệu mở với các trang thông tin điện tử ở đây chính là “số liệu gốc” và các công cụ để xử lý dữ liệu đó. Và từ đây mở ra hai chiều tương tác, chiều thứ nhất là sự minh bạch tham gia hợp tác giữa Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, đồng thời ở chiều ngược lại người dân cũng tham gia phản biện với hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua sự đánh giá của người dùng thì các ứng dụng hệ sinh thái cơ sở dữ liệu mở càng cạnh tranh với nhau và ngày càng tạo ra nhiều ứng dụng hay hơn phục vụ nhu cầu dịch vụ tiện ích của đô thị thông minh cho con người như du lịch thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh ...
Chủ đề về quản trị
Trong nỗ lực giải quyết các thách thức cấp bách của đô thị, các Chính phủ và Chính quyền địa phương trên khắp thế giới đã áp dụng các phương pháp tiếp cận của Thành phố thông minh thông qua các biện pháp thúc đẩy các công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động quản lý đô thị và nâng cao khả năng tương tác giữa các chủ thể trong Nhà nước và ngoài nhà nước nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Không phải ngẫu nhiên thành phố thông minh phải dựa trên cả ba trụ cột là Công nghệ, Quản trị, và Cư dân. Hệ thống Quản trị chính là cầu nối đảm bảo sự tương thích với sự thay đổi của công nghệ và trình độ của cư dân. Phần này điểm qua một số vẫn đề liên quan đến hệ thống cùng với chức năng “Quản trị” của Chính quyền đô thị trong mối quan hệ “Chính phủ điện tử” và “Đô thị thông minh”.
Nền tảng để bước vào ứng dụng thông minh ở các nước phát triển cũng có những đặc điểm riêng. Trong hai mươi năm qua, hệ thống quản trị đã chuyển đổi từ quản lý đô thị với chính quyền làm trung tâm sang quản trị đô thị lấy liên minh với các chủ thể khác làm sức mạnh. Thông qua cách tiếp cận quản trị đô thị này giúp thay đổi hệ thống hành chính cứng nhắc chỉ tập trung giải quyết những gì theo ‘đúng quy định’ sang tiếp cận theo hướng ‘đáp ứng đòi hỏi xã hội’ trên cơ sở khai thác sức sáng tạo và nguồn lực rộng mở (Jessop, 2002, p.452-472). Nói cách khác, thay vì sử dụng nguồn lực của mình thực thi nhiệm vụ hành chính (Government), chính quyền dùng sức mạnh và ảnh hưởng của mình khi liên minh với các bên tham gia – để điều phối các nguồn lực xã hội hướng đến mục tiêu phát triển chung (Governance).
Vậy quản trị thông minh thường được định nghĩa là năng lực áp dụng công nghệ số và các hoạt động “thông minh” của chính quyền và các bên liên quan trong xử lý thông tin và ra quyết định.
Quản trị thông minh trong Đô thị thông minh được coi là thành công chính là bước khởi đầu và bền vững của sự hợp tác trên diện rộng thông qua các phương tiện công nghệ, góp phần vào sự bền vững của đô thị. Thể chế thông minh hơn và quản trị thông minh hơn sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng, tái phân bổ lợi ích và nguồn lực khi cần thiết, và mở rộng phạm vi tác động ưu việt của công nghệ tới các tầng lớp xã hội khác nhau.
Chủ đề về Sự tham gia
Vai trò của người dân, cộng đồng trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống kinh tế xã hội bền vững hơn đã được thừa nhận rộng rãi. Harrison và cộng sự định nghĩa sự tham gia là mức độ tham gia trực tiếp của các bên khác vào quá trình ra quyết định liên quan đến các hành động của chính phủ. Theo định nghĩa này, điều quan trọng là phải tuân theo cách thức tổ chức các hội nhóm, diễn đàn, nhằm mục đích tạo các kênh giao tiếp giữa chính phủ, người dân, doanh nghiệp, các bên liên quan và các nhóm liên quan đối mặt với một quyết định hoặc vấn đề cụ thể (Renn, Webler, & Wiedemann, 1995). Đó có thể bao gồm tham vấn cộng đồng, họp công khai, nhóm tập trung, khảo sát, tư vấn công dân hoặc trưng cầu dân ý...
Sự tham gia của các bên vào phát triển đô thị thông qua thu thập, phân tích thông tin tri thức, chuyên môn từ những người dân, cộng đồng của địa phương đã thúc đẩy quá trình ra quyết định lập quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị dân chủ, minh bạch hơn. Công nghệ ICT ngày nay đã xóa nhòa các khoảng cách về không gian và thời gian, cho phép hỗ trợ hoặc thiết lập các công cụ giao tiếp, đối thoại theo thời gian thực giữa chính quyền địa phương, người dân đô thị và các bên liên quan, hướng tới mối quan hệ minh bạch và bình đẳng của một không gian đô thị phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để thu hút cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển đô thị thông minh phải đáp ứng các điều kiện như sau:
Sự ảnh hưởng. Người dân cần có ảnh hưởng thực sự đến việc định hình thành phố thông minh; ở đó các nhà quản lý, chính quyền địa phương cần phải minh bạch phạm vi những nơi mà người dân có thể có tác động ảnh hưởng và nơi nào không thể.
Thừa nhận và tạo điều kiện cho sự tồn tại của các “cộng đồng” nơi tập hợp những người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có cùng quyền lợi, quan điểm và và lợi ích giống nhau. Từng bước loại bỏ sự độc tài trong chính sách, trong thiết kế cho đô thị. Tăng cường thử nghiệm hoặc thí điểm để đảm bảo cộng đồng người dân và các bên liên quan phải là một phần của quá trình định hướng về chính sách và thiết kế trong tương lai.
Lời kết
Sự xuất hiện của nhiều ý tưởng, sáng kiến đổi đã tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông ở nhiều quốc gia. Đồng thời thay đổi phương thức hoạt động, cung cấp dịch vụ của Chính phủ cho người dân. Thông qua những tiến bộ của CNTT-TT, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ngày càng tăng mang đến cho thế giới những thách thức mới, Đô thị thông minh đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mỗi thành phố như:
- Đối với chính quyền và các cơ quan nhà nước: Sử dụng thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, phục vụ công tác quy hoạch dự báo, tạo môi trường quản lý hiện đại, hiệu quả.
- Đối với người dân, doanh nghiệp: được tiếp cận thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo môi trường kinh doanh bền vững và cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Đối với cộng đồng doanh nghiêp và và các bên liên quan khác: Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tạo cơ hội tham gia, môi trường minh bạch phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
Lê Việt Hưng
Tài liệu tham khảo:
https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/2053951720912775
https://www.smartcity.press/smart-governance-for-smart-cities
https://wi2021.de/en/smart-city-e-government-en/
https://www.researchgate.net/publication/341509023_Key_Factors_for_E-Government_towards_Sustainable_Development_Goals
Các nguồn interet khác