Đang xử lý.....

Tác động và các ví dụ thực tiễn triển khai thành công dữ liệu mở  

Dữ liệu mở là một trong những nội dung được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm trong nhiều năm vừa qua. Có thể nói, dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ, là một nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Đối với dữ liệu mở, các cơ quan nhà nước đóng một vai trò quan trọng ở góc độ số lượng, quy mô dữ liệu được thu thập cũng như khả năng cung cấp dữ liệu mở. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu các tác động và lợi ích mà các chương trình dữ liệu mở mang lại.
Thứ Sáu, 16/12/2022 124
|

Dữ liệu mở mang lại rất nhiều giá trị cho kinh tế - xã hội, xét ở khía cạnh tổng thể, có bốn nội dung chính mà trong đó dữ liệu mở chuyển đổi đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị và do đó cải thiện cuộc sống của mọi người. Đầu tiên, dữ liệu mở đang cải thiện các hoạt động của cơ quan nhà nước, chủ yếu bằng cách giúp giảm vấn nạn tham nhũng, cải thiện tính minh bạch và tăng cường các dịch vụ công và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý hơn. Dữ liệu mở cũng đang trao quyền cho người dân có những công cụ để hỗ trợ cuộc sống tốt hơn, khía cạnh tác động này được thể hiện qua việc đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và các hình thức huy động xã hội mới mà có được nhờ những cách thức giao tiếp và tiếp cận thông tin mới. Thứ ba, dữ liệu mở cũng đang tạo ra những cơ hội mới cho người dân, doanh nghiệp bằng cách tạo điều kiện cho sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cuối cùng, dữ liệu mở đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chung của công cộng ở phạm vi lớn thông qua cách cho phép người dân và các nhà hoạch định chính sách tham gia vào các hình thức đánh giá mới dựa trên dữ liệu và sự tham gia theo hướng dữ liệu.

Về tính minh bạch, ví dụ như các dự án liên quan đến thuế và phí được phát triển từ dữ liệu mở của Phần Lan, Vương quốc Anh đã thể hiện được ngân sách thu từ thuế, lệ phí của người dân được chính phủ chi tiêu như thế nào . Một ví dụ cụ thể như dữ liệu mở đã giúp cho Canada tiết kiệm được 3.2 tỷ đô la gian lận từ tiền thuế từ thiện. Những trang web như folketsting.dk của Đan Mạch giúp người dân giám sát được các hoạt động của quốc hội và quá trình làm luật cũng như những đại biểu quốc hội có liên quan.

Dữ liệu mở của chính phủ cũng có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn trong cuộc sống. Cụ thể như website findtoilet.dk được phát triển từ dữ liệu mở bởi một cá nhân đã giúp cho mọi người dễ dàng tìm kiếm các nhà vệ sinh công cộng của Đan Mạch. Ở Hà Lan, một dịch vụ có tên vervuilingsalarm.nl sẵn sàng cung cấp các cảnh báo về chất lượng không khí xấu nếu vượt ngưỡng cho phép quanh khu vực lận cận chúng ta sống. Các dịch vụ về nhà ở của Anh và Đức cho phép chúng ta tìm kiếm được các nhà ở một cách phù hợp với điều kiện của từng cá nhân.

Về mặt kinh tế, dữ liệu mở cũng có tầm quan trọng rất lớn. Một số nghiên cứu đã ước tính giá trị kinh tế mang lại của dữ liệu mở ở mức vài chục tỷ Euro mỗi năm chỉ riêng ở EU. Ví dụ như ứng dụng dịch của Google đã sử dụng khối lượng lớn các tài liệu của châu Âu (EU) xuất hiện bằng nhiều ngôn ngữ của các quốc gia châu Âu để đào tạo các thuật toán dịch thuật và từ đó cải thiện được chất lượng dịch thuật. Dữ liệu mở cũng có giá trị đối với chính phủ bằng cách làm tăng hiệu quả của chính phủ. Ví dụ như Bộ Giáo dục Hà Lan đã công bố công khai tất cả dữ liệu liên quan đến giáo dục một cách trực tuyến. Bằng việc làm này, số lượng câu hỏi mà cơ quan giáo dục nhận được đã thuyên giảm, giảm tải công việc và chi phí, các câu hỏi cũng dễ dàng tìm kiếm hơn cho các công chức để thuận lợi cho việc trả lời.

Dữ liệu chính phủ mở nâng cao sự hiểu biết, kiến thức cho người nông dân và người tiêu dùng về nông nghiệp, dinh dưỡng. Ví dụ như trường hợp Ngân hàng Tri thức Plantwise (Plantwise Knowledge Bank) là một ngân hàng kiến thức đầy đủ và toàn diện về dữ liệu đã tập hợp nhiều tổ chức hợp tác với nhau nhằm cung cấp dữ liệu, tài nguyên thông tin. Cùng với sự kết hợp dữ liệu từ Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (CABI, một tổ chức phi lợi nhuận), người dùng có thể tìm kiếm thông tin về tình trạng sức khỏe cây trồng, các công cụ tìm kiếm và chẩn đoán dịch bệnh côn trùng, bản đồ trực quan vị trí cũng như tin tức cảnh báo về dịch hại sâu bệnh. Thông tin này sẽ cho phép người dùng dự đoán được dịch hại cây trồng đang lây lan ở đâu, mức độ và quy mô để từ đó người nông dân có thể có được các tư vấn kịp thời để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Mặc dù có rất nhiều trường hợp cụ thể về cách mà dữ liệu mở đã tạo ra giá trị cho xã hội và kinh tế, nhưng bên cạnh đó sẽ còn nhiều điều mới mẻ có thể xảy ra. Sự kết hợp của các dữ liệu có thể tạo ra các kiến thức và thông tin mới. Ví dụ như trong quá khứ, Tiến sĩ Snow đã phát hiện ra mối quan hệ giữa ô nhiễm nước uống và dịch tả ở London vào thế kỷ 19 thông qua việc kết hợp dữ liệu về tử vong do dịch tả và dữ liệu vị trí của các giếng nước. Điều này dẫn đến việc xây dựng hệ thống nước thải của London và đã cải thiện đáng kể được tình hình sức khỏe chung của người dân. Có thể nói, tiềm năng chưa được khai thác này có thể được phát triển một cách mạnh mẽ hơn nếu chúng ta thúc đẩy việc mở dữ liệu của chính phủ. Tuy nhiên, nội dung này cần tính “mở” thực sự của dữ liệu, cụ thể như giảm thiểu những ràng buộc, cản trở về quy định, công nghệ đối với việc tái sử dụng dữ liệu mở.

Hình 1: Lợi ích dữ liệu mở mang lại

Sự sẵn sàng về dữ liệu của cơ quan nhà nước đối với các nội dung như vấn đề về tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục, dịch bệnh, sức khỏe… có thể giúp cho sự chung tay giải quyết vấn đề được dễ dàng hơn. Những dữ liệu này, được cung cấp trên các cổng dữ liệu sẽ mang lại cơ hội cho khu vực tư nhân có những đóng góp hiệu quả và chất lượng trong việc cải thiện vấn đề. Một ví dụ như dữ liệu được chia sẻ bởi chính phủ Liberia về các hoạt động tài trợ liên quan đến xây dựng các ngôi nhà tình thương trên khắp cả nước đã giúp cho các hoạt động trợ giúp được triển khai dễ dàng, đúng đối tượng và thuận lợi trong việc xác định vấn đề, đánh giá hiện trạng.

Cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và dữ liệu không gian địa lý cũng như nâng cao năng lực trong việc sử dụng các thông tin khoa học các lĩnh vực như giám sát khí hậu, quy hoạch sử dụng đất, quản lý nước, phòng chống thiên tai, sức khỏe và an ninh lương thực sẽ cho phép việc đánh giá tác động được chính xác hơn và giúp cho việc ra quyết định của các cơ quan nhà nước được phù hợp hơn với tình hình thực tế. Ví dụ như ở Campuchia, phần lớn dữ liệu có tầm quan trọng lớn đối với nhà sản xuất nhỏ lẻ và các hộ nông dân như dữ liệu liên quan đến cấu trúc nông nghiệp, đầu tư nước ngoài, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng…được tạo ra và lưu giữ bởi cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn. Chỉ có một lượng hạn chế thông tin có sẵn và thường khó có thể truy cập và theo dõi một cách có hệ thống. Cổng dữ liệu mở - Open Development Cambodia đã được xây dựng với sự chung tay thu thập dữ liệu từ các nhóm cá nhân khác nhau đã tạo ra được sự công khai hơn về các dữ liệu. Một ví dụ khác như dữ liệu mở ở một số quốc gia đã giúp cho việc phát hiện ra giá bán một số mặt hàng thuốc đắt hơn nhiều lần so với các quốc gia láng giềng để từ đó giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp để bình ổn giá.

Một nội dung quan trọng đối với chính phủ các nước và các tổ chức từ thiện, nhân đạo là việc chuẩn hóa các bộ dữ liệu trước khi các sự kiện khủng hoảng xảy đến. Điều này sẽ tạo ra sự thuận lợi, dễ dàng trong việc xác định nhanh chóng các nội dung cần thiết, ví dụ như tọa độ địa điểm của các trung tâm y tế, nguồn nước... Các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương có nhiều dữ liệu có giá trị liên quan đến tài nguyên, cơ sở hạ tầng nhưng chưa có các cơ chế để đảm bảo việc các dữ liệu, thông tin này được chia sẻ và cập nhật thường xuyên. Cung cấp các dữ liệu này một cách công khai đến nhiều đối tượng có thể giúp cho việc ra quyết định được dễ dàng cũng như phối hợp để giải quyết các vấn đề, khủng hoảng một cách tốt hơn. Ví dụ như sáng kiến về dữ liệu mở của Kenya cho phép mọi người có thể xác định vị trí của các cơ sở y tế, đồng thời trình bày các dữ liệu thống kê, nhân khẩu học và nhiều dữ liệu khác đã tạo ra giá trị rất to lớn trong các sự kiện khủng hoảng. Trong những năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 cũng đã giúp chúng ta hiểu hơn vai trò của dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để đối phó với dịch bệnh như các số liệu về bệnh nhân, tình trạng dịch bệnh các địa phương, thông tin về các cơ sở y tế, giường bệnh còn trống, tình trạng máy thở oxy.

Dữ liệu chính phủ mở đã và đang tạo ra các cơ hội kinh tế mới cho cả khu vực công và tư. Việc mở các dữ liệu chính phủ có thể mang lại những lợi ích đáng kể về mặt kinh tế. Điều này có thể giúp chuyển đổi các lĩnh vực kinh tế và thúc đẩy các dịch vụ đổi mới sáng tạo qua đó cải thiện tình trạng việc làm và giá trị cho xã hội. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi McKinsey đã chỉ ra rằng xét ở quy mô toàn cầu, 7 lĩnh vực bao gồm giáo dục, giao thông vận tải, sản phẩm tiêu dùng, điện, dầu khí, y tế và tài chính tiêu dùng có thể tạo ra hơn 3 nghìn tỷ mỗi năm thông qua dữ liệu mở được cung cấp bởi chính phủ các nước (McKinsey, 2013). Những nghiên cứu tương tự khác được tiến hành bởi Liên minh châu Âu và chính phủ một số quốc gia cụ thể cũng đã thể hiện rằng việc tái sử dụng dữ liệu chính phủ có thể mang đến những lợi ích kinh tế lớn và tiềm năng của dữ liệu chính phủ mở vẫn còn chưa được khai phá hết. Thêm vào đó, nhiều minh chứng đã thể hiện rõ các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã và đang nhận được những lợi ích từ việc tái sử dụng dữ liệu chính phủ (báo cáo World Bank, 2014). Tạo điều kiện để dữ liệu có thể được tái sử dụng cho phép mọi người có thể phát triển các dịch vụ thương mại và từ đó tạo ra các cơ hội việc làm mới cũng như tạo điều kiện để ra đời các công ty khởi nghiệp (ví dụ như các ứng dụng dịch vụ về giao thông công cộng). Theo một báo cáo của Deloitte đã chỉ ra dữ liệu mở sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế của Vương quốc Anh khi việc khai thác dữ liệu có sự phát triển bền vững, hiệu quả và có sự tham gia thực chất của các thành phần liên quan. Trong một nghiên cứu khác, công ty tư vấn Cap Gemini đã chỉ ra thông qua dữ liệu mở, các doanh nghiệp có thể tạo ra được lợi ích kinh tế như trường hợp của Tây Ban Nha khi hơn 150 doanh nghiệp đã tập trung trong việc khai thác và bán các dịch vụ dựa trên dữ liệu mở chính phủ. Báo cáo của Cap Gemini cũng đã đề cập đến việc chính phủ có thể tiết kiệm được ngân sách, kinh phí nhờ việc minh bạch mà dữ liệu chính phủ mở mang lại cũng như tạo ra được các công việc mới, phát triển các lao động có kỹ năng. Báo cáo cũng chỉ dẫn như trường hợp ngành thông tin không gian của Úc được phát triển dựa nhiều vào dữ liệu mở đã tạo việc làm, đóng góp hơn 31.000 người lao động. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Viện nghiên cứu Kinh tế Phần Lan, các doanh nghiệp ở các quốc gia mà cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, dữ liệu về địa lý cơ bản sẽ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm so với các doanh nghiệp ở các quốc gia mà các thông tin này được thương mại hóa. Một số nghiên cứu khác cũng đã đánh giá khi được triển khai hiệu quả, một nền tảng dữ liệu mở sẽ mang lại ít nhất gấp mười lần lợi tức đầu tư. Ở trong giai đoạn đầu, đóng góp lớn nhất của giá trị mang lại là tiết kiệm về chi phí và tăng hiệu quả nội bộ.

Mặc dù có nhiều lợi ích mà dữ liệu mở đang thúc đẩy sự thay đổi, nhưng các nhà nghiên cứu cũng đánh giá có sự khác biệt về các chương trình dữ liệu mở. Nói cách khác, một số chương trình thành công hơn những chương trình khác hoặc một số chương trình dữ liệu mở có thể thành công hơn trong một khía cạnh cụ thể so với các chương trình khác. Theo các tổng kết, một số điểm tạo điều kiện thuận lợi nhằm tối đa hóa tác động tích cực của các chương trình dữ liệu mở. Trước hết, các chương trình dữ liệu mở được đánh giá là thành công nhất khi được xây dựng không chỉ đến từ nỗ lực của các tổ chức đơn lẻ hoặc các cơ quan nhà nước cụ thể, mà chúng xuất hiện từ quan hệ đối tác giữa các khu vực khác nhau. Cụ thể như vai trò của các bên trung gian như các nhóm truyền thông hay các nhóm "cộng tác dữ liệu" là đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, các chương trình thành công thường khi cơ sở hạ tầng về dữ liệu mở, cụ thể như khía cạnh hỗ trợ kỹ thuật và quy trình tổ chức cần thiết để cho phép việc cung cấp dữ liệu được thường xuyên để dữ liệu có khả năng tác động cho công chúng. Thứ ba, các chính sách dữ liệu mở rõ ràng, bao gồm các chỉ số đánh giá về mục tiêu được xác định rõ ràng cũng rất cần thiết; Các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi nhưng cũng cần tính linh hoạt để thúc đẩy nội dung dữ liệu mở. Cuối cùng, các chương trình dữ liệu mở thành công nhất cũng thường có xu hướng là những chương trình có mục tiêu vào một vấn đề hoặc vấn đề được xác định rõ ràng. Nói cách khác, các chương trình này đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân dân.

Kết luận

Trên đây là những thông tin giúp chúng ta hiểu được tác động, lợi ích cũng như một số vấn đề rút ra được để triển khai một chương trình dữ liệu mở thành công. Có thể thấy dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ sẽ mang lại nhiều giá trị và tác động tích cực về mặt kinh tế - xã hội. Do đó, việc nghiên cứu các chính sách thúc đẩy, xây dựng hành lang pháp lý và các hoạt động để dữ liệu mở được phát triển mạnh mẽ là điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay./.

Nguyễn Huy Kháng

Tài liệu tham khảo

  • [Online] // World Bank Open Data. - 2022. - https://data.worldbank.org/.
  • Open Data Handbook [Online]. - 2022. - http://opendatahandbook.org/.
  • Open Data Policy Hub [Online]. - 2022. - https://sunlightfoundation.com/.
  • Open Standards for Data [Online]. - 2022. - https://standards.theodi.org/.
  • Readiness Assessment Tool [Online]. - 2022. - http://opendatatoolkit.worldbank.org/en/odra.html.
  • Releasing data on data.govt.nz [Online]. - 2022. - https://www.data.govt.nz/catalogue-guide/releasing-data-on-data-govt-nz/.
  • The Impact of Open Data – Initial Findings from Case Studies [Online]. - 2022. - https://blog.thegovlab.org/post/the-impact-of-open-data-initial-findings-from-case-studies.
  • Using data.govt.nz APIs [Online]. - 2022. - https://www.data.govt.nz/catalogue-guide/using-data-govt-nz-apis/.