Đang xử lý.....

Những chủ trương, chính sách và hiện trạng trong việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam  

Việt Nam là một trong những quốc gia đang quan tâm xây dựng đô thị thông minh cũng là cách tiếp cận phù hợp với xu hướng chung của thế giới về phát triển đô thị thông minh nhằm giải quyết các thách thức đang tồn tại và nảy sinh trong quá trình phát triển đô thị trong những năm vừa qua. Chủ trương về phát triển đô thị thông minh đã được chỉ đạo thống nhất từ các cấp lãnh đạo của Đảng và Chính phủ hướng đến chủ động xúc tiến các hoạt động xây dựng những định hướng phát triển đô thị thông minh.
Thứ Sáu, 16/12/2022 276
|

Những chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ “Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính-kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số ĐTTM”. Đây là quyết định quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa đất nước, cải cách hành chính, chính quyền đô thị, phát triển công nghiệp 4.0 để xây dựng các đô thị thông minh tại Việt Nam, giải quyết các vấn đề bất cập nảy sinh trong phát triển đô thị trong nước cũng như các vấn đề mang tính toàn cầu về môi trường, khí hậu; cũng như nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranhtrong nước; cải thiện môi trường văn hóa, xã hội, chất lượng sống của cư dân trong các đô thị.

Trên cơ sở chủ trương đã được đề ra, những năm vừa qua Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản; chỉ đạo các bộ ngành xúc tiến triển khai các hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương nói trên; trong đó thể hiện định hướng, tầm nhìn, mục tiêu lộ trình phát triển đô thị thông minh trong nước. Ngày 26/10/2015 Thủ tướng Chính phủ Quyết định 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, trong đó yêu cầu “Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn”.

Ngày 01/12/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10384/VPCP-KGVX gửi các bộ, ngành, địa phương về việc phát triển thành phố thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam trong đó Thủ tướng có ý kiến: Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực trong đó có thành phố thông minh.

Ngày 01/8/2018 Chính phủ ban hành Quyết định số 950/2018/QĐ-TTg “Quyết định phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để các thành phố triển khai xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh của địa phương mình. Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã nêu đầy đủ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Những mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 bao gồm:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể được chia thành 3 giai đoạn:

a) Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Các nội dung thực hiện trong giai đoạn này bao gồm:

- Rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển đô thị thông minh bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm;

- Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam;

- Xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng mô hình phù hợp trong quản lý dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng tại các khu vực đô thị thực hiện thí điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia giai đoạn 1;

- Hướng dẫn và triển khai áp dụng hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch đô thị;

- Hỗ trợ tối thiểu 03 đô thị phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh;

- Hỗ trợ tối thiểu 03 khu đô thị mới được đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm các giải pháp đô thị thông minh;

- 50% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin truyền thông, các sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh;

- Xây dựng, trình phê duyệt chương trình, dự án ưu tiên thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.

b) Giai đoạn đến năm 2025: Thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh, bao gồm các nội dung:

- Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam;

- Công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các đô thị thông minh, ưu tiên cho các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai và hệ thống hạ tầng ICT;

- Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại các đô thị thí điểm giai đoạn 1;

- Thí điểm áp dụng hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch đô thị và hệ thống tra cứu thông tin quy hoạch đô thị tại tối thiểu 3 đô thị từ loại II trở lên;

- Hỗ trợ ít nhất 6 đô thị/6 vùng kinh tế phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức triển khai thực hiện các tiện ích đô thị thông minh phục vụ cư dân đô thị; hình thành thí điểm Trung tâm kết nối công dân kết hợp bộ phận 1 cửa;

- Thí điểm áp dụng cơ chế cấp chứng nhận khu đô thị mới thông minh;

- 100% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin truyền thông, các sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh;

- Thực hiện các mục tiêu được duyệt của chương trình, dự án ưu tiên thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.

c) Định hướng đến năm 2030: Hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết cá đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa, bao gồm các nội dung:

- Tổng kết các cơ chế, chính sách thí điểm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai áp dụng trên diện rộng;

- Hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Quyết định số 950/QĐ-TTg cũng đã đề ra những nhiệm vụ giải pháp không chỉ chỉ phục vụ cho việc xây dựng các đô thị thông minh mà còn hướng tới thúc đẩy hình thành hệ sinh thái các đô thị thông minh. Trong đó đặc biệt lưu ý đến các nhóm nhiệm vụ giải pháp có các nội dung dưới đây:

- Nhóm 3: Hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia.

- Nhóm 4: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

- Nhóm 6: Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị.

- Nhóm 7: Xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững.

- Nhóm 8: Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước.

- Nhóm 9: Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về phát triển đô thị thông minh bền vững.

- Nhóm 10: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh:

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số văn bản hướng dẫn dưới đây liên quan đến những vấn đề cụ thể của việc xây dựng, triển khai đô thị thông minh:

- Công văn số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam;

- Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0);

- Công văn số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0);

- Công văn số 4176/BTTT-THH ngày 22/11/2019 của Bộ Thông tin và truyền thông về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh;

- Công văn số 587/THH-DVCNTT ngày 15/5/2020 của Cục Tin học hóa hướng dẫn các yêu cầu chức năng của hệ thống trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh;

Kết quả thực hiện

Nói chung, phát triển “đô thị thông minh” ở nước ta đang ở trong các giai đoạn ban đầu. Một số đô thị ở Việt Nam cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh, điển hình như TP. HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng... Trong quá trình đó, các công ty viễn thông, công nghệ thông tin đóng vai trò khá tích cực và quan trọng trong việc giới thiệu các giải pháp xây dựng đô thị thông minh cho chính quyền. Thời gian qua, nhiều tỉnh, đô thị đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, lựa chọn một chiến lược phát triển “đúng và trúng” để phát triển đô thị thông minh trên khắp cả nước có hiệu quả còn là việc cần làm rõ trong các giai đoạn sắp tới. Tính đến hết năm 2021 trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã, đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

 

Hình 1. Hiện trạng các dự án, đề án về đô thị thông minh tại Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn nhất cả nước, ngày 08/9/2016 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4693/QĐ-UBND về thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” gồm 22 thành viên. Ngay sau khi có Quyết định số 4693/QĐ-UBND, Ban điều hành đề án đã họp bàn để triển khai nhiệm vụ quan trọng, thực tế của thành phố đang đòi hỏi phải ứng dụng các giải pháp của đô thị thông minh. Để xây dựng đô thị thông minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký thỏa thuận hợp tác Tư vấn khung về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Thành phố cũng đang tìm kiếm các đối tác tư vấn công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft (Hoa Kỳ) để có các kế hoạch đầu tư phát triển thực tế trong tương lai.

Tại Đà Nẵng, ngày 25/3/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định số 1797/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2014-2020” trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung nội dung Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng đã được phê duyệt trước đó. Chiến lược phát triển thành phố thông minh tại Đà Nẵng sẽ theo hướng xây dựng một chính quyền thông minh kết nối được với những công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh. Mới đây nhất, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn nước ngoài được chọn là Tập đoàn IBM.

Tại Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020- 2025), Đảng bộ thành phố Hà Nội chỉ ra lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm 3 giai đoạn.

- Giai đoạn 1 (2018-2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, như nền tảng cơ sở hạ tầng, các cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, các hệ thống thông minh trong những lĩnh vực thiết yếu: giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường và an ninh trật tự.

- Giai đoạn 2 (2020-2025), sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số.

- Giai đoạn 3 (sau năm 2025), sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Cụ thể, Tháng 10/2019, dự án đô thị thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD trên diện tích 272 ha tại huyện Đông Anh đã được khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh, với 6 yếu tố: năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ hình thành Trung tâm điều hành thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất. Trung tâm điều hành thông minh với 8 chức năng, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của đời sống đô thị hiện đại, cụ thể: Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng, chống tội phạm công cộng; Trung tâm Giám sát bảo mật và an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và truyền thông; Trung tâm Ấn định dữ liệu... Đây chính là “bộ não” của chính quyền thành phố, là công cụ để điều hành, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các tỉnh/thành phố khác đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh ở nhiều phạm vi và quy mô khác nhau như Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Lào Cai, Tiền Giang, Đắk Lắk...

Kết luận

Chủ trương xây dựng thành phố thông minh đã được ban hành trong các văn bản của Đảng và Chính phủ cũng như các cấp bộ, ngành. Các địa phương, tỉnh thành phố cũng đã xúc triến triển khai các dự án xây dựng thành phố thông minh của địa phương mình, Tuy vậy hệ thống pháp luật hiện hành có thể là rào cản cho quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Bởi vì trọng tâm quản lý đô thị thông minh là quản lý môi trường pháp lý. Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh sẽ phát sinh một số vấn đề mới trong quản lý như vai trò chức năng của các cấp chính quyền phải có những đổi mới thậm chí là thay đổi để phù hợp; vai trò trách nhiệm của một số ban, ngành phải được nâng cao nội dung quản lý các lĩnh vực phải được bổ sung hoặc giảm bớt… Tuy nhiên các hoạt động quản lý nhà nước về đô thị vẫn theo luật cũ chưa thể thay đổi kịp như mục tiêu được nêu trong Quyết định số 950/QĐ-TTg. Chuyển đổi mô hình quản lý đô thị sẽ gặp nhiều khó khăn. Mô hình quản lý đô thị hiện nay của chúng ta là mô hình hỗn hợp đang trong quá trình chuyển đổi, môi trường pháp lý đang còn nhiều bất cập. Mô hình quản lý đô thị thông minh đòi hỏi hệ thống pháp lý hoàn chỉnh trình độ dân trí cao, hệ thống tài chính ngân hàng hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hệ thống thông tin hiện đại, giao thông tốt… Vì vậy, việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là chủ trương, định hướng và mục tiêu chung để xây dựng Việt Nam thông minh bền vững.

Trần Thanh Hà

Tài liệu tham khảo:

[1] Chính sách xây dựng đô thị thông minh và thực trạng phát triển tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 năm 2019;

[2] Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng thành phố thông minh của một số tỉnh, thành phố;

[3] Các tài liệu khác từ nguồn của Bộ Thông tin và Truyền thông trên Internet.