Đang xử lý.....

NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CÔNG CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ  

Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số của Việt Nam sau một năm tổng diễn tập về chuyển đổi số. Kể từ năm 2022, đầu tư về chuyển đổi số tại các Bộ, ngành, địa phương sẽ được đẩy mạnh và tập trung hơn. Khi các khoản đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngày càng tăng, càng có nhiều lo ngại về số lượng lớn các dự án thất bại, dẫn đến thất thoát, lãng phí các khoản đầu tư lớn. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, ngay cả ở các nước phát triển cũng đang gặp phải những thách thức này.
Thứ Tư, 09/11/2022 390
|

Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra liên tục đòi hỏi phải hài hòa các cơ chế thúc đẩy các nguồn lực, trong đó phân bổ đầy đủ nguồn lực kinh phí là điều kiện thiết yếu. Mức độ phức tạp và nhu cầu nguồn lực cho chuyển đổi số có thể đẩy các quốc gia, các tổ chức đang bắt đầu hành trình này vào cảnh loay hoay trong quỹ đạo số của mình mà không đạt được những chuyển đổi thực sự.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Theo số liệu trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đến ngày 30/3/2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực công nghệ thông tin khoảng 10.157 tỷ đồng, trong đó 8.312 tỷ đồng bố trí cho một số cơ quan trung ương, 1.845 tỷ đồng bố trí cho một số địa phương. Về tổng thể tình hình đầu tư các dự án đầu tư công lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Theo đó, các bộ và ngành rút ra được một số kinh nghiệm như sau:

Trước tiên, Bộ Tài chính kết hợp nhiều phương pháp khi xác định dự toán đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Việc kết hợp nhiều phương pháp xác định chi phí sẽ giúp so sánh được các mức giá khi tính toán theo các phương pháp khác nhau và chọn được giá phù hợp.

Ví dụ, trong bối cảnh chưa có quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về xác định đơn giá nhân công trong quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, khi xác định đơn giá ngày công thuê chuyên gia công nghệ thông tin thực hiện vận hành, bảo trì hệ thống công nghệ thông tin, để xây dựng dự toán cho nội dung này, chủ đầu tư đã lập và so sánh dự toán theo 2 phương pháp là: thực hiện thẩm định giá và lấy báo giá của 03 nhà cung cấp; để tham khảo và bổ sung cho thuyết minh dự toán theo 2 phương pháp trên, chủ đầu tư thậm chí cũng vận dụng quy định về mức lương thuê chuyên gia tư vấn trong nước ở mức tương đương tại các văn bản pháp luật liên quan như xây dựng, lao động. Sau khi tính toán dựa trên các phương pháp khác nhau này, chủ đầu tư lựa chọn được đơn giá nhân công phù hợp với công việc.

Tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống định mức công nghệ thông tin chuyên ngành làm cơ sở lập dự toán. Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ đi đầu trong việc ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật về công nghệ thông tin trong ngành trong nhiều năm. Các định mức bao gồm: định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; định mức kinh

tế - kỹ thuật kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường; định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin ngành tài nguyên và môi trường.

Với việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về công nghệ thông tin trong ngành đã giúp bổ sung đầy đủ hơn vào hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật về công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị của ngành tài nguyên và môi trường làm căn cứ để tính đơn giá sản phẩm công việc, lập, bảo vệ, giao dự toán và quyết toán giá trị sản phẩm hoàn thành.

Cuối cùng, văn phòng Chính phủ triển khai mạnh mẽ thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Văn phòng Chính phủ là một trong số ít cơ quan đẩy mạnh thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Từ hạ tầng công nghệ thông tin cho tới các hệ thống lớn, nền tảng quốc gia đều được Văn phòng Chính phủ triển khai theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin như: thuê dịch vụ công nghệ thông tin Cổng dịch vụ công quốc gia, thuê dịch vụ hệ thống e-Cabinet, thuê dịch vụ Trục liên thông văn bản quốc gia, thuê dịch vụ cung cấp trang thiết bị tin học và phần mềm ứng dụng tại Văn phòng Chính phủ.

Việc đầu tư theo các quy định và thủ tục hiện hành cần nhiều thời gian (mất từ 2 – 3 năm) để triển khai và thường xuyên gặp vấn đề về công nghệ khi tốc độ phát triển giải pháp, công nghệ mới ngày một nhanh. Đồng thời, để xây dựng, duy trì các hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng cần một nguồn ngân sách lớn, tập trung trong thời gian ngắn, chi phí duy trì hằng năm cho các thiết bị, phần mềm lớn đặc biệt là chi phí vận hành, khai thác, trong đó có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư quản trị hệ thống có trình độ và chuyên nghiệp. Thuê dịch vụ công nghệ thông tin chính là phương án tối ưu cho vấn đề này, giúp vận hành các hệ thống thông suốt. Đội ngũ quản trị của nhà cung cấp là một đội ngũ chuyên nghiệp, hiểu biết sâu về phần mềm và công tác vận hành hệ thống và có đủ trình độ cũng như kỹ năng để xử lý các sự cố của hệ thống một cách nhanh nhất, an toàn nhất.

 

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp

Ngoài các kinh nghiệm của bộ và ngành, các địa phương cũng có một số kinh nghiệm sau:

Đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, sử dụng ngân sách công nghệ thông tin. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc giao dự toán ngân sách chi thường xuyên cho các nhiệm vụ công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố có sự tham gia ngay từ bước chủ trương, giao nhiệm vụ. Khi lập thuyết minh dự toán, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện gửi thuyết minh về quy mô trang bị, mục tiêu, sự cần thiết thực hiện, dự toán đến Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định chuyên môn, kỹ thuật (sự phù hợp với định hướng chung về ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố; kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố), dự toán kinh phí để tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương cho phép thực hiện.

Riêng đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có nguồn vốn trên 15 tỷ để thiết lập mới, mở rộng, nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị (sở, ban, ngành, UBND các quận huyện), UBND thành phố bố trí tổng dự toán chung cho Sở Thông tin và Truyền thông làm cơ sở triển khai cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Cách làm này cũng tương tự tại UBND Tp. Hà Nội. Việc này giúp rà soát, đánh giá nhiệm vụ có phù hợp với mục tiêu định hướng chung của Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình chuyển đổi số hay không, có tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh không. Trong bối cảnh ngân sách công còn hạn hẹp, hoạt động “tiền kiểm” này giúp đầu tư tập trung, đúng mục tiêu.

Thứ hai là Lào Cai ban hành đơn giá ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, các hệ thống thông tin, phần mềm sau khi được đầu tư khó được bố trí kinh phí cho hoạt động bảo trì, quản trị, vận hành, dẫn tới việc khai thác sau đầu tư không phát huy được hiệu quả cao. Một phần nguyên nhân là do chưa xác định được đơn giá, chưa ban hành được quy chế quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì công nghệ thông tin làm cơ sở xác định khối lượng công việc thực hiện.

UBND tỉnh Lào Cai đã giải quyết tốt các vấn đề này từ khá sớm bằng việc ban hành 2 Quyết định quan trọng là: Quyết định số 57/2015/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 ban hành Quy chế quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì Mạng thông tin tỉnh Lào Cai và Quyết định số 2686/QĐ-UBND ngày 18/8/2016 về việc công bố đơn giá bảo trì mạng thông tin tỉnh Lào Cai.

Các văn bản này được UBND tỉnh ban hành có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho công tác lập, thẩm định, bảo vệ, xét duyệt dự toán kinh phí bảo trì, bảo dưỡng công nghệ thông tin tại địa phương. Bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác là để thực hiện được việc này, Sở Thông tin và Truyền thông cần chủ động đề xuất, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự thảo đơn giá, lấy ý kiến các cơ quan và Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện và trình UBND tỉnh công bố.

Cuối cùng là Thừa Thiên Huế đầu tư hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung. Việc phát triển các ứng dụng riêng lẻ và thiếu đồng bộ có thể khiến chi phí tăng lên và giảm tác động đáng kể. Nhằm tăng cường, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư công nghệ thông tin, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trương đầu tư hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung ngay từ thời gian đầu triển khai chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, vận hành hệ thống cho các ngành, địa phương các cấp; các đơn vị chỉ đầu tư thiết bị đầu cuối và kết nối mạng để sử dụng.

Đối với hệ thống phần mềm triển khai toàn tỉnh, các ứng dụng và cơ sở dữ liệu được xây dựng thống nhất chung cho từng lĩnh vực, từng ngành nhằm phục vụ cho các đối tượng sử dụng theo chức năng được phân quyền sử dụng cho từng cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

Tỉnh cũng thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh thông qua cách làm là lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công.

Theo đó, kinh nghiệm của thế giới có những điểm như sau:

Trước hết là đầu tư các nền tảng công nghệ dùng chung. Singapore xác định trọng tâm cốt lõi về tài chính để thực hiện các kết quả đề ra trong Kế hoạch Chi tiết về Chính phủ số là xây dựng 05 dự án chiến lược quốc gia: Nhận dạng kỹ thuật số quốc gia, Thanh toán điện tử, Khoảnh khắc cuộc sống, Nền tảng cảm biến quốc gia thông minh và Giao thông đô thị thông minh.

Nhóm Quốc gia thông minh và Chính phủ số (the Smart Nation and Digital Government Group) có trách nhiệm làm việc với Bộ Tài chính, đánh giá các đề xuất kinh phí cho dự án của các cơ quan để tránh trùng lặp và đưa ra hướng dẫn về cách xây dựng các dự án được phê duyệt. Trong năm tài khóa 2019, 05 nền tảng trên chiếm 60% các hợp đồng công nghệ thông tin của Chính phủ với trị giá 2,5 tỷ đô Singapore.

Ấn Độ đầu tư gói công nghệ India Stack giải quyết 03 bài toán kinh tế số cơ bản gồm: Danh tính số (định danh) – Thanh toán số - Dữ liệu số. India Stack được xây dựng trên nguyên tắc: tận dụng tối đa công nghệ - đầu tư tập trung, cam kết giải quyết các vấn đề kinh tế số sơ khai của đất nước. Kết quả là 1,3 tỷ người Ấn Độ hiện đang được hưởng các quyền truy cập vào các dịch vụ số cơ bản.

Kinh nghiệm từ các quốc gia này cho thấy các nền tảng công nghệ chung của Chính phủ và/hoặc tăng cường chia sẻ, tích hợp dữ liệu mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả sử dụng.

Tiếp theo là thống kê, theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện các dự án. Australia thực hiện đánh giá dự án theo giai đoạn để kịp thời đưa ra các quyết định đầu tư. Chính quyền phía Bắc của nước này đã xây dựng và ban hành Khung quản lý dự án công nghệ thông tin nhằm vạch ra một cách tiếp cận tiêu chuẩn để hướng dẫn triển khai các dự án. Khung này bao gồm: các giai đoạn vòng đời dự án, quản trị, vai trò và trách nhiệm các cơ quan liên quan, báo cáo, đánh giá dự án. Điểm lưu ý của Khung quản lý dự án này là các dự án được đánh giá, kiểm tra tại các thời điểm quan trọng của dự án để xác định xem một dự án công nghệ thông tin có đang đi đúng hướng và sẽ mang lại kết quả mong đợi trong khung thời gian và ngân sách đã định hay không. Đánh giá theo giai đoạn cung cấp cho cơ quan chủ quản một đánh giá độc lập về tiến độ, những nguy cơ của một dự án, giúp đảm bảo rằng dự án đang đi đúng hướng và có thể tiếp tục thực hiện hay cần điều chỉnh, chấm dứt.

Ấn Độ xây dựng Hệ thống thông tin quản lý các dự án chuyển đổi số quốc gia (Digital India) và các dự án Chính phủ điện tử khác. Hệ thống thông tin quản lý dự án là một trong những sáng kiến quan trọng của Ấn Độ nhằm cung cấp một công cụ tập trung, dựa trên web để thống kê, theo dõi, phân tích và đánh giá các thông số về tiến độ thực hiện dự án, tài chính và kết quả của các dự án chuyển đổi số quốc gia và các dự án Chính phủ điện tử khác. Dữ liệu được cập nhật trực tuyến và tích hợp với các hệ thống liên quan (hệ thống đánh giá nhanh, cổng Digital India).

Tiếp theo là đầu tư cho chuyển đổi số có trọng tâm, xác định rõ mục tiêu, hiệu quả cần đạt được. Ấn Độ ban hành Kế hoạch quản trị điện tử quốc gia (National e-Governance Plan - NeGP). Trong đó xác định 44 dự án “sứ mệnh” (Mission mode Projects - MMPs). Đây là các dự án đã xác định rõ ràng các mục tiêu, phạm vi cũng như tiến trình và mốc thời gian thực hiện, các kết quả và mức độ dịch vụ có thể đo lường được. Trong đó, bao gồm 15 MMPs trung tâm, 17 MMPs tiểu bang và 12 MMPs tích hợp. Các MMPs do các bộ quản lý ngành làm chủ quản và thực hiện. Chính phủ các Bang chịu trách nhiệm thực hiện MMPs của Bang dưới sự hướng dẫn chung của các Bộ chủ quản tương ứng trong trường hợp cần có sự Hỗ trợ của Trung ương. Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin đóng vai trò là người hỗ trợ và xúc tác cho việc thực hiện NeGP và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các Bộ/ Ban ngành và Chính phủ các bang. Điều này giúp Ấn Độ đầu tư tập trung, trọng điểm có mục tiêu và vạch ra kế hoạch thực hiện rõ ràng, giám sát, đánh giá, đo lường được kết quả.

Australia kể từ cuối thập kỷ 1980, ngân sách của nước này duy trì một cơ chế gọi là “lợi ích qua hiệu suất”. Cách làm là giảm vốn hàng năm cho chi phí hoạt động, vận hành của các cơ quan. Ngân sách năm 2016-2017 cho thấy 500 triệu AUD tiết kiệm được tái đầu tư vào những cải cách như: dịch vụ công trực tuyến và tái thiết kế quy trình nghiệp vụ. Trong đó có 350 triệu AUD cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bao gồm: sử dụng tốt hơn dữ liệu trong Chính phủ; cải thiện khả năng của người dân truy cập vào các dịch vụ của Chính phủ; đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ công chức; cung cấp các dịch vụ sự nghiệp và 150 triệu AUD dành cho các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ các cơ quan này trong giai đoạn quá độ sang các mô hình hoạt động hiện đại và bền vững hơn.

Quốc gia này cũng đã tiến hành nhiều bước đi về thể chế và phân bổ nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số. Năm 2018, Australia ban hành Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, trong đó đã xác định danh mục các dự án cần thực hiện. Theo một báo cáo về ngân sách 03 năm của nước này về những ưu tiên, nguồn vốn và tiến độ của toàn bộ các khoản đầu tư quan trọng của liên bang, danh mục các dự án đầu tư lên đến 68,2 tỷ AUD trong 68 dự án. 63% số vốn này được dành cho các dự án chuyển đổi số lớn, 12% dành cải thiện các dịch vụ hiện hành và 25% để duy trì các dịch vụ hiện hành. Đồng thời, do được phân cấp, các bang đóng vai trò quan trọng trong ngân sách và các nỗ lực chuyển đổi Chính phủ số. Các Bang đã tự lập ra chương trình và chiến lược của riêng mình.

Cuối cùng là xây dựng chương trình phân bổ tài chính rõ ràng cho chuyển đổi số. Chính phủ Anh không những đầu tư ngân sách tương đối lớn vào chuyển đổi số trong những năm đầu (khoảng 50 tỉ đô la Mỹ) mà còn tập trung vào loại bỏ những hệ thống và công nghệ cũ không thể tích hợp. Hàn Quốc khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số tập trung đầu tư vào một số hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi lên đến vài tỉ đô la Mỹ. Singpore dành khoảng 2,5 tỉ đô la hàng năm cho Chương trình Quốc gia thông minh. Chính phủ Estonia ước tính dành 1,3% ngân sách đầu tư hàng năm trong những bước đầu của lộ trình chuyển đối số của mình.

Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong Chính chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho thấy Việt Nam cần xây dựng một chương trình phân bổ tài chính rõ ràng để đạt được nhiều kết quả mang tính chuyển đổi.

Qua những kinh nghiệm trên, chúng ta rút ra được một loạt những đề xuất như sau:

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số đồng nghĩa với việc tăng chi từ ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số. Chi tiêu luôn đi kèm theo rủi ro. Vì vậy, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm hàng đầu trong việc chỉ đạo các biện pháp quản lý và phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn khi chi cho chuyển đổi số.

Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc 05 nội dung sau để bảo đảm đầu tư, chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số hiệu quả, an toàn:

  • Tăng cường dùng chung. Việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án cần tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, đồng bộ, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan liên quan, đạt được các mục tiêu đã đề ra; tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp, chồng chéo. Hệ thống công nghệ thông tin phải bảo đảm các yêu cầu an toàn thông tin theo cấp độ, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

  • Xác định rõ hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư chuyển đổi số phải đo lường, định lượng. Tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phân tích chi phí - lợi ích, xác định được khả năng tiết kiệm được nhờ đầu tư trước khi quyết định đầu tư.

  • Xác định đúng bài toán. Xác định bài toán đúng là cơ sở để xác định đúng sản phẩm. Để xác định đúng sản phẩm cần xác định rõ giải pháp kỹ thuật, công nghệ đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với quy mô, tính chất, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn là các sản phẩm, dịch vụ tốt ở thời điểm lựa chọn. Các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật, giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, tỉnh các mô hình, cách làm hay, hiệu quả; các thiết kế điển hình, thông dụng để các Bộ, ngành và địa phương quan tâm trao đổi, học hỏi, tham khảo áp dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường công bố các nội dung nói trên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

  • Tính đúng, tính đủ dự toán, chi phí, đúng giá. Dự toán phải được tính đúng, tính đủ, đúng quy định, định mức và đơn giá của nhà nước, phù hợp với thị trường, tham khảo giá và công bố giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ các quy trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất.

  • Tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư. Công tác đầu tư, mua sắm phục vụ chuyển đổi số cần theo nguyên tắc: Có người làm, có người giám sát độc lập, thực hiện việc kiểm tra, giám sát kịp thời ngay từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương, lập dự toán đến các khâu thực hiện đầu tư, mua sắm và quyết toán.

Việc huy động và sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật nguồn lực đầu tư công cho chuyển đổi số là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Kết luận

Chuyển đổi số đang là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Vì vậy, đầu tư cho chuyển đổi số cần trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải và có hình thức. Muốn thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện: Cần hợp sức từ mọi nguồn lực.

 

Trần Chí Nam

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.vietnamplus.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-toan-dien-can-hop-suc-tu-moi-nguon-luc/810675.vnp
  2. https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html