Đang xử lý.....

Lựa chọn ứng dụng triển khai trên điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước  

Điện toán đám mây là xu hướng chung của việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để triển khai điện toán đám mây thì cần những yêu cầu gì, những ứng dụng gì phù hợp để triển khai điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước. Nội dung bài báo này sẽ thảo luận cụ thể về những vấn đề này
Thứ Hai, 21/07/2014 3095
|

Yêu cầu các ứng dụng triển khai điện toán đám mây

Để triển khai các ứng dụng, phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây thì điều quan trọng là phải có hệ thống hạ tầng mạng kết nối đảm bảo. Ứng dụng được triển khai tại trung tâm dữ liệu, người dùng cuối tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ứng dụng tại trung tâm dữ liệu qua hệ thống mạng được triển khi. Hệ thống mạng có thể là mạng internet hoặc hệ thống mạng chuyên dùng phục vụ mục đích riêng. Vì vậy, mạng kết nối là yếu tố quan trọng trong việc sử dụng ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây.

Đối với các ứng dụng thông thường triển khai trên đám mây cơ sở hạ tầng IaaS không có gì thay đổi so với triển khai trên cơ sở hạ tầng truyền thống. Vì vậy, ta chỉ xem xét đến các yêu cầu đối với các ứng dụng có nhu cầu chuyển đổi sang điện toán đám mây theo hình thức sử dụng phần mềm như dịch vụ - SaaS.

Về đặc tính

- Phần mềm triển khai SaaS cần đáp ứng yêu cầu hỗ trợ nhiều người sử dụng. Khả năng chấp nhận nhiều kết nối đồng thời trong cùng một thời điểm

- Phần mềm cần hỗ trợ thao tác quản lý tài khoản người sử dụng, quản lý nhóm người sử dụng. Do đặc trưng phần mềm phục vụ nhiều cơ quan nhà nước khác nhau nên cần phải có tính cá nhân hóa, tách biệt dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước khác nhau đồng thời đảm bảo tính an toàn an ninh giữa các nhóm người sử dụng, các tổ chức sử dụng phần mềm.

Về kỹ thuật

Điện toán đám mây được hình thành trên cơ sở internet. Vì vậy các phần mềm cần chuyển sang triển khai theo SaaS cũng phải xây dựng trên cơ sở mạng Internet. Cụ thể:

- Phần mềm được xây dựng theo công nghệ web truy nhập từ xa qua trình duyệt thường sử dụng công nghệ web 2.0 trở lên.

- Phần mềm được thiết kế theo kiến trúc hướng dịch vụ SOA bao gồm nhiều lớp có sự phân tách về chức năng thuận lợi trong việc triển khai, bảo trì và sử dụng.

Ngoài ra, về đặc tính kỹ thuật nói chung phải được xem xét toàn diện để đánh giá tính khả chuyển đối với phần mềm cụ thể.

Về sử dụng và tổ chức triển khai.

Ngoài các đặc tính và kỹ thuật nói trên, khi đánh giá về phương hướng tổ chức và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thì các ứng dụng chuyển đổi cần phù hợp với định hướng ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước như: tăng cường tính dùng chung, tạo cơ sở cho việc chia sẻ dữ liệu, tính liên thông và các quy định khác về tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Ứng dụng hoạt động hiệu quả trên nền điện toán đám mây

Trên cơ sở ưu nhược điểm của điện toán đám mây và đặc tính của các ứng dụng, một số chuyên gia nghiên cứu khuyên người sử dụng cuối sử dụng điện toán đám mây công cộng được cung cấp bởi một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho những loại ứng dụng sau:

Dự án thí điểm: Dự án thí điểm là cách tốt nhất để một cơ quan, tổ chức đánh giá dịch vụ điện toán đám mây thực sự hữu ích, tin cậy và giá thành phù hợp. Dự án thí điểm có thể không chứa các thông tin nhạy cảm, quan trọng và có sự giới hạn về phạm vi. Dự án thí điểm cũng mang lại lợi ích cho một đơn vị cách thức sử dụng dịch vụ điện toán đám mây và từng bước sử dụng dịch vụ.

Ứng dụng yêu cầu khả năng tính toán biến thiên: Một số ứng dụng bình thường yêu cầu khả năng tính toán thấp và duy trì vận hành liên thục theo thời gian. Yêu cầu khả năng đáp ứng cao không liên tục hoặc gián đoạn chỉ trong giai đoạn nhất thời. Đối với loại ứng dụng này, tổ chức vận hành phải đầu tư hệ thống thiết bị lớn tuy nhiên lại không tận dụng hết tài nguyên và phần lớn hoạt động trong chế độ nghỉ. Sử dụng điện toán đám mây cho các ứng dụng này sẽ góp phần giảm chi phí vận hành do chỉ phải trả chi phí đối với năng lực tính toán nhất định theo nhu cầu tại mỗi thời điểm.

Ứng dụng thực hiện các nhiệm vụ không thiết yếu: Một vài ứng dụng là thiết yếu đối với một tổ chức và cần thiết để duy trì hoạt động của một tổ chức. Nếu hệ thống sự cố sẽ làm gián đoạn hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên đối với các ứng dụng ít ảnh hưởng hơn thì có thể di chuyển lên đám mây để tiết kiệm tài nguyên tính toán cho tổ chức để phục vụ các ứng dụng khác. Lý do của đề xuất này một phần là do tính toàn an ninh của đám mây công cộng. Tuy nhiên đối với đám mây riêng và hạ tầng được đảm bảo an toàn an ninh và tin cậy thì đề xuất này chưa được thích hợp.

Khai phá dữ liệu: Khai phá dữ liệu yêu cầu năng lực phần cứng lớn để xử lý khối dữ liệu khổng lồ. Nếu tự duy trì và vận hành, cơ quan đơn vị phải đầu tư hệ thống phần cứng lớn và các thiết bị kèm theo. Sử dụng điện toán đám mây có lợi thế là năng lực tính toán chỉ được huy động để xử lý trong trường hợp cần thiết và dành phục vụ các mục đích khác.

Phát triển và kiểm tra: Phát triển và kiểm tra ứng dụng đòi hỏi số lượng tài nguyên lớn. Phát triển ứng dụng đòi hỏi có cùng một môi trường phát triển trên nhiều hệ thống khác nhau. Kiểm tra yêu cầu số lượng  máy kiểm thử lớn khác nhau về môi trường vận hành và cần thay đổi liên tục. Điện toán đám mây là môi trường đáp ứng tốt nhất cho mục đích này nhờ khả năng triển khai đồng bộ nhanh chóng và thời gian xác lập lại môi trường cũng như thay đổi hiện trạng máy kiểm thử nhanh.

Các mục đích và ứng dụng trên là phù hợp với người sử dụng cuối nói chung sử dụng các dịch vụ đám mây công cộng. Tuy nhiên trên quan điểm chung về quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin và cả hai vai trò các cơ quan nhà nước sử dụng ứng dụng và cơ quan xây dựng và vận hành dịch vụ phần mềm được vận hành trong trung tâm thông tin dữ liệu Chính phủ chúng ta đang xem xét thì chúng tôi cho rằng các loại ứng dụng, phần mềm sau phù hợp trong việc triển khai lên đám mây:

Ứng dụng phù hợp triển khai theo mô hình phần mềm hướng dịch vụ SaaS

- Ứng dụng phổ biến có số lượng cơ quan đơn vị sử dụng lớn. Khi triển khai sẽ có số lượng người dùng đông đảo và mang lại nhiều lợi ích trong việc chuẩn hóa quy trình làm việc.

- Ứng dụng có phạm vi sử dụng rộng về mặt địa lý. Các ứng dụng được nhiều tỉnh, thành sử dụng.

- Ứng dụng đòi hỏi sử dụng đồng bộ và góp phần vào việc chuẩn hóa thủ tục hành chính như các ứng dụng về quản lý văn bản điều hành.

Ứng dụng phù hợp triển khai trên cơ sở hạ tầng đám mây IaaS

Đối với các ứng dụng triển khai trên cơ sở hạ tầng đám mây, các cơ quan đơn vị có thể lựa chọn hạ tầng để triển khai bất kỳ ứng dụng nào hiện có. Tuy nhiên nên xem xét các điểm sau đây để mang lại lợi ích cao nhất:

- Ứng dụng đòi hỏi cơ sở hạ tầng cao, năng lực tính toán lớn. Nếu các cơ quan đơn vị đầu tư sẽ phải lập dự án đầu tư với vốn đầu tư lớn dẫn đến khả năng rủi ro cao. Sử dụng hạ tầng điện toán đám mây sẽ giúp cho chi phí ban đầu nhỏ.

- Ứng dụng có vòng đời sử dụng ngắn. Một số ứng dụng có thời gian sử dụng ngắn cho các công việc chuyên môn hay các dự án. Đối với loại này có thể sử dụng hạ tầng đám mây để triển khai để tránh đầu tư sử dụng sau đó thanh lý gây lãng phí.

- Ứng dụng có nhu cầu tài nguyên không đồng đều theo thời gian. Ví dụ như những ứng dụng có nhu cầu tài nguyên lớn vào một số giờ nào đó trong ngày để đáp ứng công việc sau đó có thể vận hành cầm chừng đáp ứng phục vụ hạn chế.

- Ứng dụng và cơ sở dữ liệu có nhu cầu chia sẻ dữ liệu lớn nhu các cơ sở dữ liệu quốc gia. Các ứng dụng và cơ sở dữ liệu này nên lưu trữ tập trung và khai thác theo hình thức dịch vụ để tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng đồng bộ, giảm sao chép, duy trì chồng chéo và cát cứ dữ liệu.

Các ứng dụng cần ưu tiên chuyển đổi trong cơ quan nhà nước

Hiện tại các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chủ yếu tập trung vào một số ứng dụng sau:

-  Cổng thông tin điện tử

-  Ứng dụng phục vụ điều hành, tác nghiệp

-  Ứng dụng quản lý văn bản.

-  Ứng dụng nghiệp vụ xử lý hồ sơ một cửa

-  Ứng dụng thư điện tử

-  Các hệ thống thông tin chuyên ngành: quản lý giấy phép kinh doanh, thuế, quản lý đất đai, kế toán, thuế, kho bạc…

-  Các cơ sở dữ liệu: địa lý, giấy phép kinh doanh..

-  Một số hệ thống khác.

Như vậy, đối với các đơn vị trong cơ quan nhà nước, các ứng dụng có số lượng người sử dụng lớn đồng thời cũng là ứng dụng được hầu hết các cơ quan tổ chức triển khai xây dựng và sử dụng là: thư điện tử, cổng thông tin điện tử, ứng dụng quản lý văn bản. Các ứng dụng chuyên ngành thường yêu cầu khả năng xử lý cao và không đồng đều về mặt thời gian, các cơ sở dữ liệu đòi hỏi phải triển khai, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị  liên quan.

Qua phân tích yêu cầu của các ứng dụng triển khai trên điện toán đám mây, ứng dụng hoạt động hiệu quả trên nền điện toán đám mây kết hợp với  hiện trạng cơ sở hạ tầng truyền dẫn trong cơ quan nhà nước tương đối hoàn thiện với mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ta thấy rằng một số ứng dụng sau có thể chuyển đổi mô hình lên điện toán đám mây là:

- Ứng dụng chuyển đổi theo mô hình phần mềm như dịch vụ bao gồm các ứng dụng: cổng thông tin điện tử tích hợp cả các dịch vụ công trực tuyến, phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành, quy trình tác nghiệp; hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản; ứng dụng nghiệp vụ xử lý hồ sơ một cửa và các ứng dụng khác thông dụng đã triển khai trên môi trường web.

- Ứng dụng được triển khai trên cơ sở hạ tầng điện toán đám mây là các ứng dụng nghiệp vụ chuyên ngành và phần dịch vụ cơ bản như chữ ký số.

Ngoài ra các cơ sở dữ liệu phục vụ chia sẻ sẽ được triển khai trên cơ sở hạ tầng đám mây và cung cấp hình thức chia sẻ qua giao diện API, webservice có thể coi như là nền tảng hướng dịch vụ. 

 

Nguyễn Trọng Khánh (Cục Tin học hóa)