Đang xử lý.....

Kinh nghiệm xây dựng Kiến trúc tổng thể: Tiếp cận kiến trúc tổng thể từ nghiệp vụ  

Chủ Nhật, 27/11/2016 717
|

Các giải pháp chính phủ điện tử thường liên quan đến giải pháp tin học hóa nghiệp vụ cung cho các cơ quan, tổ chức liên quan, bao gồm cả các đối tượng bên ngoài như người dân và doanh nghiệp. Mỗi cơ quan, đơn vị đều có mô hình cung cấp dịch vụ riêng, trong đó cung cấp thủ công hoặc kết hợp thủ công và điện tử. Tuy nhiên, các dịch vụ này thường tồn tại độc lập do thiếu nền tảng cung cấp dịch vụ tích hợp. Để tích hợp việc cung cấp dịch vụ một trong các giải pháp hiện nay là xây dựng kiến trúc tổng thể (kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử).

Các nguyên tắc cơ bản của kiến trúc từ quan điểm nghiệp vụ bao gồm: khả năng cung cấp dịch vụ, sự tích hợp giữa các dịch vụ, một kênh cung cấp dịch vụ duy nhất cho người dùng và dịch vụ được tái cơ cấu và phát triển với công việc nội bộ.

Xây dựng kiến trúc tổng thể, mà trước tiên từ nghiệp vụ là cách tiếp cận cơ bản, xuyên xuốt mang lại hiệu quả trong quá trình xây dựng kiến trúc tổng thể để đạt được các nguyên tắc nêu trên. Quá trình tin học hóa là quá trình xây dựng hệ thống thông tin gắn kết giữa các quy trình nghiệp vụ, con người và tổ chức tham gia. Để hoàn thành kiến trúc tổng thể cần phân tích các quy trình nghiệp vụ (xác định chức năng nghiệp vụ, quy trình, tổ chức và luồng thông tin).

Để nắm bắt được khái quát toàn bộ các quy trình nghiệp vụ cho các dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức khác, cần đánh giá ở mức độ cao những nội dung cơ bản như: Hiện trạng tin học hóa các nghiệp vụ/thủ tục hành chính; đánh giá, phân tích khoảng cách của các nghiệp vụ với các nghiệp vụ điển hình đã thành công và xem xét thiết kế lại quy trình nghiệp vụ để mang lại hiệu quả cung cấp trên môi trường điện tử.

Với cách tiếp cận trên, phương pháp tiếp cận nghiệp vụ thông thường bao gồm: đánh giá hiện trạng, xem xét thiết kế lại quy trình và triển khai thực hiện. Việc đánh giá hiện trạng cần phải được thực hiện nghiêm túc, đẩy đủ toàn bộ hiện trạng tin học hóa các nghiệp vụ liên quan giữa các cơ quan, tổ chức để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong phạm vi kiến trúc tổng thể đề ra.

Kết quả đánh giá hiện trạng mức cao thường thể hiện được các nội dung:

Về mặt chính sách:

Mô hình tích hợp dịch vụ: Các dịch vụ tích hợp nhằm điều phối các ứng dụng hay các dịch vụ để cung cấp các loại dịch vụ mới. Với tích hợp, việc đăng ký và tiếp nhận dịch vụ là càn thiết cùng với dịch vụ thư mục, xác thực/cấp quyền và quản lý tài khoản.

Mô hình chiến lược và nghiệp vụ

Quy định kỹ thuật phân loại dữ liệu của cơ quan, tổ chức: Dịch vụ trao đổi thông tin/dữ liệu cho phép các cơ quan nhà nước trao đổi thông tin. Dịch vụ này thường sử dụng giao diện kế thừa để thiết lập kênh trao đổi với các ứng dụng cũ, các ứng dụng mới thường sử dụng giao thức ngôn ngữ đánh dấu mở rộng để thực hiện trao đổi.

Chữ ký số và thanh toán điện tử: Dịch vụ thanh toán điện tử cung cấp cổng thanh toán điện tử đến các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính phục vụ công dân, doanh  nghiệp và cơ quan nhà nước khi xử lý các giao dịch

Quy định về làm việc qua môi trương điện tử, giao tiếp trực tuyến,…

Về mặt công nghệ:

Yêu cầu kết nối, chia sẻ cho việc cung cấp dịch vụ

An toàn thông tin

Cơ sở hạ tầng phù hợp nhất là các đơn vị cấp dưới

Về mặt con người và quy trình.

Quy trình thiết kế lại

Kỹ năng công nghệ thông tin,…

Hiện trạng phát triển Chính phủ điện tử:

Phát triển Chính phủ điện tử là quá trình lâu dài, liên tục, qua các giai đoạn khác nhau. Việc phân chia các giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử nhằm xác định mức độ phát triển Chính phủ điện tử của mỗi cơ quan, đơn vị cũng như làm cơ sở xác định lộ trình, kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử đúng hướng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế. Các tổ chức khác nhau có cách phân chia các giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử của riêng mình, trong đó nổi bật là cách phân chia của Gartner (một công ty tư vấn, nghiên cứu hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin). Đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành cũng nên dựa theo mô hình tăng trưởng cụ thể, chẳng hạn như mô hình tăng trưởng Chính phủ điện tử của Gartner:

 

 

Hình: Mô hình tăng trưởng Chính phủ điện tử của Gartner

Giai đoạn 1: Hiện diện (Presence)

Sự phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn này được đặc trưng bởi sự hiện diện các cơ quan chính phủ trên mạng Internet, mục đích chính là cung cấp các thông tin cơ bản về các cơ quan chính phủ như chức năng, nhiệm vụ, địa chỉ liên hệ, thời gian làm việc và có thể cung cấp thêm các văn bản liên quan đến xã hội.

Giai đoạn 2: Tương tác (Interaction)

Trong giai đoạn này, các trang thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cung cấp các chức năng tìm kiếm cơ bản, cho phép tải về các biểu mẫu điện tử, các đường liên kết với các trang thông tin điện tử liên quan, cũng như địa chỉ thư điện tử của các cơ quan, cán bộ chính phủ.

Giai đoạn 3: Giao dịch (Transaction)

Trong giai đoạn này, các trang thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cho phép thực hiện hoàn chỉnh các dịch vụ, bao gồm việc nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả phí dịch vụ trực tuyến.

Giai đoạn 4: Chuyển đổi (Transformation)

Giai đoạn này là mục tiêu dài hạn của các cơ quan chính phủ. Ngoài việc thực hiện các chức năng trong giai đoạn 3, Chính phủ điện tử giai đoạn này cung cấp cho người dân một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan chính phủ để thực hiện mọi giao dịch, các hoạt động của cơ quan chính phủ là minh bạch với người dân.

Đối với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc phạm vi của Kiến trúc cần xác định cụ thể trạng thái hiện tại tương ứng các giai đoạn phát triển nêu trên.

Một số nội dung phân tích khoảng cách tin học hóa nghiệp vụ và thiết kế lại quy trình nghiệp vụ nên chỉ rõ trong lộ trình triển khai, chẳng hạn như:

Đơn giản hoá mẫu biểu, minh bạch và hiện đại hóa thông tin, cần ưu tiên tự động hóa dữ liệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.

Xây dựng các cơ sở dữ liệu hỗ trợ tiếp nhận, gửi hồ sơ trực tuyến.

Xác thực dữ liệu người nộp.

Đào tạo, tập huấn kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, cụ thể như: tổ chức mở các lớp đào tạo, quản lý lớp đào tạo, tập huấn một số kỹ năng, chuyên môn cụ thể….

Kết nối, an toàn thông tin đảm bảo liên tục 24x7, cần đặc biệt quan tâm, chú trọng tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật thông tin.

Kho dữ liệu dùng chung: để quản lý, chia sẻ, phục vụ công tác nghiên cứu, sử dụng chung. 

Chữ ký số: Hầu hết các quốc gia có nền kinh tế, công nghệ phát triển và mức độ sẵn sàng của Chính phủ điện tử cao (Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Malaysia...) đều đã ứng dụng chứng thực điện tử một cách đồng bộ và rộng rãi.

Quản lý giao dịch trực tuyến: đảm bảo hoạt động thanh toán trực tuyến của các Cổng thanh toán chính xác, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám sát, đảm bảo giao dịch an toàn, tiện lợi.

Thanh toán điện tử, mô hình tiêu chuẩn cho thanh toán điện tử rộng rãi bao gồm:

Chính sách thanh toán điện tử;

Chính sách quản lí các cổng thanh toán điện tử và tất cả các giao dịch điện tử đã biết.Các khía cạnh an ninh cũng được bao trùm trong chính sách;

Cổng thanh toán cần phải tuân thủ các nguyên tắc bảo mật;

Chứng nhận bản copy điện tử.

Hạ tầng cung cấp dịch vụ dùng chung.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Kiến trúc tổng thể cần phải tuân thủ một số nguyên tắc: tính ưu việt (các nguyên tắc kiến trúc quy định áp dụng đối với tất cả các tổ chức chính phủ, các đơn vị, bộ phận và cơ quan), hướng dịch vụ (xác định và cung cấp các dịch vụ Chính phủ quan trọng, linh hoạt và tái sử dụng được), tuân thủ quy định của Chính phủ và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các nguyên tắc đảm bảo việc thống nhất việc đạt được các mục tiêu dài hạn của chính phủ; các nguyên tắc này sẽ hướng dẫn việc chọn lọc, kiến tạo và thực hiện các giải pháp công nghệ và cung cấp một lộ trình chuyển tiếp hoàn toàn khả thi với công nghệ mục tiêu, duy trì tính linh hoạt và tăng cường khả năng tương tác và chia sẻ; hướng tới tái sử dụng các dịch vụ giữa các cơ quan, đơn vị và loại bỏ sự trung lặp. Nếu tồn tại sự trùng lặp là rất tốn kém và góp phần vào sự phát triển các mâu thuẫn dữ liệu.

Nói chung, việc tiếp cận từ nghiệp vụ là việc làm đầu tiên trong quá trình phát triển kiến trúc tổng thể, thông qua đó xác định được các chức năng, nghiệp vụ, thông tin và dữ liệu, cơ quan, tổ chức liên quan từ đó sẽ đánh giá để loại bỏ sự trùng lặp, đề xuất các nội dung và lộ trình triển khai phù hợp.

Nguồn tham khảo: Mô hình tăng trưởng Chính phủ điện tử của Gartner, Khung Kiến trúc tổng thể Mỹ.

Tạ Thị Hồng Lý