Bên cạnh những cơ hội và lợi ích như có thể cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, có thêm nhiều dịch vụ mới, các dữ liệu có thể được chia sẻ giữa nhiều cơ quan trong bộ máy, giúp thuận tiện trong việc cung cấp và quản lý dữ liệu, từ đó giúp đưa ra các quyết định kịp thời thì việc xây dựng chính phủ số cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức vô cùng to lớn. Câu chuyện của đất nước Ba Lan là một ví dụ điển hình về những thách thức và triển vọng mà một quốc gia sẽ gặp phải khi xây dựng chính phủ số.
Ba Lan là một quốc gia với hơn 1000 năm lịch sử, có số lượng dân gốc Ba Lan chiếm đến 96,7%, chính vì thế, văn hóa của Ba Lan là một nền văn hóa giàu bản sắc. Ngoài ra, Ba Lan là một trong các đất nước phát triển nhất thế giới, được xếp hạng cao về chất lượng cuộc sống, an toàn công cộng, giáo dục và tự do kinh tế. Chính phủ Ba Lan luôn đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân lên hàng đầu, giáo dục đại học được miễn phí hoàn toàn, hệ thống an sinh xã hội được phát triển rộng rãi và hệ thống chăm sóc sức khỏe được phổ cập toàn dân. Chính vì vậy, Ba Lan cũng là một trong các quốc gia tham gia chuyển đổi chính phủ số từ rất sớm để có thể cung cấp các dịch vụ công chất lượng hơn tới người dân.
Chuyển đổi số chính phủ đang là một xu thế phổ biến hiện nay, đại dịch Covid-19 đã làm khẳng định và nhấn mạnh tính tất yếu của xu thế này. Khi đại dịch bùng nổ trên quy mô toàn cầu, các lệnh phong tỏa và giãn cách gây cản trở cho việc tương tác trực tiếp giữa người dân và chính phủ, dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh tế, xã hội, các dịch vụ công không thể được cung cấp trực tiếp đến người dân, người ta nhận ra rằng việc quản trị thông tin trực tuyến vô cùng quan trọng.
Chính phủ số là chính phủ chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công mới.
Theo khảo sát của Fujitsu năm 2021, trên toàn thế giới, có đến 81% các chính phủ khẳng định sẽ chú trọng vào đầu tư chuyển đổi số, tự động hóa các quy trình sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các chính phủ trên khắp châu Âu và các khu vực khác trên thế giới cuối cùng cũng bị thuyết phục rằng một nền tảng công nghệ số được thiết kế tốt có thể là cầu nối giữa công dân và chính phủ. Đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số, việc áp dụng các giải pháp về chính phủ số ở Ba Lan diễn ra vô cùng nhanh chóng. Trước năm 2006, chỉ có một số dịch vụ của chính phủ được cung cấp trực tuyến. Tuy nhiên, trong vòng vài năm, hầu như tất cả các chức năng chính đã chuyển sang nền tảng kỹ thuật số. Ba Lan xếp thứ 24 trên 193 quốc gia theo Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EDGI). Mặc dù chỉ đứng thứ 24 trên 27 quốc gia trong khối EU trong việc số hóa công cộng, nhưng những tiến bộ của Ba Lan là vô cùng đáng khích lệ.
Để đạt được những thành tựu trong việc chính phủ số, Trung tâm kỹ thuật số của Ba Lan đã tập hợp một số nguyên tắc hướng dẫn quan trọng làm điểm tham chiếu cho các hành động của chính phủ điện tử. Đầu tiên, Nhà nước phải phục vụ công dân. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, nhà nước nên kết nối các dữ liệu từ các bộ phận khác nhau và thay đổi các thủ tục phức tạp để đơn giản hóa các dịch vụ công và giúp quy trình hành chính đạt hiệu quả cao hơn. Thứ hai, quyền truy cập vào mạng công cộng và các dịch vụ phải được đảm bảo an toàn, giúp cho dữ liệu và các giao dịch trực tuyến của người dân được bảo vệ. Thứ ba, để theo đuổi các mục tiêu chính phủ số thì mục tiêu xã hội và kinh tế cũng cần được đảm bảo, đây là nguồn lực để thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Thứ tư, việc tiếp cận và truy cập dữ liệu thu thập được từ dịch vụ công có tác động rất lớn trong việc nghiên cứu và phát triển nền kinh tế. Cuối cùng, cần liên tục trau dồi kỹ năng kỹ thuật số cho mọi người dân, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp để đảm bảo dịch vụ công được cung cấp đến tận tay mọi người dùng.
Ngoài ra, trung tâm kỹ thuật số Ba Lan còn chỉ ra 18 lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm và tiếp tục phát triển. Chúng bao gồm: Hành chính công hướng tới các dịch vụ kỹ thuật số; Cổng thông tin một chiều và dịch vụ của chính phủ; Cổng đến các dịch vụ; Tích hợp và phát triển sổ đăng ký công cộng; Thông qua tiêu chuẩn thống nhất về nhận dạng kỹ thuật số của công dân; Cung cấp quyền truy cập an toàn vào mạng và các dịch vụ của quản trị điện tử; Hệ thống quản trị điện tử theo dõi và tiếp nhận dữ liệu; Thực hiện trình tự tổ chức và ra quyết định; Các giải pháp về thể chế - thiết lập cơ cấu điều phối; Phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và chính quyền địa phương; Phát triển các trung tâm xử lý dữ liệu quản trị điện tử; Nâng cao năng lực của bộ phận quản trị; BIP - Bản tin thông tin công khai; Áp dụng tiêu chuẩn luân chuyển văn bản điện tử trong quản lý hành chính; Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn từ POPC 2014-2020; Tham vấn cộng đồng và sự tham gia của người dân vào quá trình chính phủ số; Giáo dục kỹ thuật số của xã hội; Học tập từ các bài học của EU trong chính phủ số.
Mục tiêu của các chương trình chuyển đổi số của chính phủ Ba Lan là củng cố nền tảng cho sự phát triển của kỹ thuật số quốc gia, bao gồm quyền truy cập rộng rãi vào Internet tốc độ cao, hiệu quả và thân thiện với người dùng dịch vụ công điện tử và gia tăng trình độ kỹ thuật số của người dân Ba Lan. Tuy nhiên, Ba Lan vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề vì chưa thể sử dụng tốt tiềm năng của công nghệ thông tin. Một trong những vấn đề nan giải mà chính phủ Ba Lan cần giải quyết là: phạm vi phủ sóng băng thông rộng còn ít khiến cho người dân chưa được hưởng internet tốc độ cao; hiệu quả quản lý hành chính công chưa được cao; mức độ sử dụng Chính phủ số tương đối ít do người dân chưa được phổ cập về kỹ thuật số cũng như những người dân khó khăn chưa có điều kiện sử dụng các dịch vụ công; việc bảo mật thông tin chưa thực sự hiệu quả khiến nhiều người dân còn nghi ngại về việc thông tin của mình có thể bị lộ ra bất cứ lúc nào.
Bên cạnh việc đưa ra những điểm hạn chế, chính phủ Ba Lan cũng đã có những hướng giải quyết cụ thể. Các hướng hỗ trợ chính sẽ là phát triển mạng băng thông rộng và nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công thông qua số hóa. Phương pháp triển khai eServices sẽ bao gồm các cơ chế để ngăn chặn hiện tượng 'quan liêu số hóa', giúp lấy được lòng tin từ người dân. Tiếp đó, việc đào tạo nhân lực có chuyên môn cao về việc sử dụng CNTT-TT để nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp bảo đảm sự vận hành của hệ thống. Ngoài ra, việc đào tạo kỹ thuật số cho chính người dân của là cách giúp đời sống của họ tốt hơn và tăng sức cạnh tranh của thị trường lao động.
Một cổng thông tin chung của quốc gia được Ba Lan xây dựng từ những năm 2016 nhằm mục đích cung cấp các dữ liệu điện tử cho người dân và cho phép các cơ quan chính quyền truy cập, sử dụng và phân tích thông tin. Các công cụ được thiết lập dựa trên nguyên tắc hữu ích, an toàn, dễ truy cập và sửa đổi khi cần thiết. Đặc biệt, việc phân cấp cấp quyền cũng giúp cho tính bảo mật thông tin được nâng cao.
Hiện nay, chính quyền Ba Lan đang tích cực phát triển “Cổng dữ liệu mở” – Nơi mà mọi người có thể tìm kiếm được thông tin về các lĩnh vực khác nhau: từ giáo dục, kinh tế, giao thông đến các vấn đề môi trường và tài nguyên nước. Cổng thông tin ePUAP cho phép các tổ chức chính phủ cung cấp dịch vụ cho công chúng thông qua các kênh liên lạc điện tử. Nó cho phép công dân hoặc doanh nghiệp giải quyết các vấn đề chính thức và thủ tục hành chính mà không phải trả phí. Cổng thông tin plid.obywatel.gov.pl do cơ quan hành chính Ba Lan quản lý chuyên cung cấp các dịch vụ phổ biến về thủ tục hành chính như: Số định danh cá nhân, sổ đăng ký thẻ căn cước, đăng ký hộ tịch,… Đây là một trong những dự án lớn nhất của chính phủ ở Ba Lan. Mục tiêu chính của Bộ Nội vụ là xây dựng một giải pháp, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống ở Ba Lan trong lĩnh vực dịch vụ dân sự. Chương trình pl.ID sẽ cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp mỗi khi họ đến các cơ quan hành chính quốc gia. Từ đó giảm thiểu tối đa thời gian đi lại, chi phí di chuyển và loại bớt các thủ tục hành chính rườm rà. Đây là việc có lợi cho cả phía cơ quan chính quyền và cả cho người dân.
Ứng dụng di động mobywatel
Ngoài ra, trang web moj.gov.pl và ứng dụng di động mobywatel là trang tin của bộ tư pháp, nơi sẽ tiếp nhận các thông tin, quản lý và gửi thông báo đến người dân về các công việc phải làm. Ví dụ khi bạn mua một chiếc ô tô cũ, khi khai báo trên trang web, bạn sẽ nhận được sự nhắc nhở nộp thuê tự động. Đây là điều mà chính phủ Ba Lan đang hướng tới. Nó giúp giảm tải khối lượng công việc của các công chức hành chính quốc gia, cũng như giúp người dân tiết kiệm được thời gian và được nhắc nhở công việc một cách thông minh, khoa học.
Bên cạnh những tiến bộ đang đạt được, vẫn còn nhiều thách thức đang chờ Ba Lan ở phía trước nếu quốc gia này muốn trở thành nước đi đầu về chính phủ điện tử. Đầu tiên có thể kể đến là khả năng tiếp cận của người dân. Để mọi người dân có thể nhận được sự phục vụ từ những dịch vụ công trực tuyến thì trước tiên, tất cả mọi người phải truy cập và sử dụng những công cụ mà chính phủ đã thiết kế ra để cung cấp những dịch vụ này. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người dân phải có những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và nhiệm vụ của Chính phủ đó là phổ cập những kiến thức này đến người dân.
Tiếp đó, trong thời đại của Chính phủ điện tử, dữ liệu chi phối mọi mặt của đời sống, việc bảo mật thông tin là vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, tính riêng tư của từng cá nhân trong xã hội. Nói cách khác, chính phủ phải bảo vệ an toàn thông tin chính là bảo vệ sự quyền lợi của người dân. Cùng với sự ra đời của các cổng thông tin, thách thức đặt ra với Ba Lan đó là một hệ thống mạng lưới đủ mạnh để kiểm soát được toàn bộ thông tin của người dân và những người đủ năng lực để kiểm soát, vận hành và xử lý sự cố ngay lập tức.
Ba Lan nổi tiếng là một quốc gia có rất ít dân vãng lai, đối với những người dân bản địa, họ đã quá quen thuộc với các phương thức dịch vụ công truyền thống. Để có thể thực hiện chính phủ số, Ba Lan rất cần niềm tin của người dân. Sự phát triển của tất cả các hệ thống sẽ không có ý nghĩa gì khi mà người dân không tin tưởng, không phát triển theo.
Kết luận
Mặc dù có nhiều thách thức, tuy nhiên chính phủ Ba Lan đang rất tích cực để cải thiện tình hình và phát triển công nghệ số. Chính phủ luôn nỗ lực tìm cách khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công điện tử. Ví dụ như khuyến khích trường học sử dụng nhiều hơn các ứng dụng và băng thông rộng miễn phí và nhanh chóng có sẵn trong Mạng lưới Giáo dục Toàn quốc (OSE). Trong năm 2022, Ba Lan cũng công bố một kế hoạch đầu tư mới vào mạng cáp quang quốc gia do Liên minh châu Âu đồng tài trợ với hy vọng “Băng thông rộng nhanh sẽ đến được với mọi hộ gia đình Ba Lan vào năm 2030”. Ngoài ra, dự án “xây dựng mạng 5G trên toàn quốc và giảm chi phí” cũng đang được chính phủ khẩn trương thực hiện. Hy vọng chính phủ Ba Lan sẽ sử dụng tốt các tiềm năng của mình để vượt qua những thách thức hiện tại, vươn mình thành một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng chính phủ số.
Nguyễn Trung Kiên
Tài liệu tham khảo:
1.https://www.linkedin.com/pulse/challenges-prospects-digital-government-poland-mohammad-j-sear
2. https://www.polskieradio.pl/395/7789/Artykul/2878681,Poland-to-expand-egovernment-services-in-2022