Khác với Chính phủ điện tử tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra các dịch vụ chính phủ truyền thống có sẵn thông qua các kênh trực tuyến. Gartner cũng giới thiệu Mô hình trưởng thành chính phủ số có 05 mức độ: (1) Mở đầu - Chính phủ điện tử, (2) Phát triển - Mở, (3) Xác định - Lấy dữ liệu làm trung tâm, (4) Quản lý - Kỹ thuật số hoàn toàn, (5) Tối ưu hóa - Thông minh. Mức (1) có ít sự khác biệt giữa chính phủ số và chính phủ điện tử trong tư duy của các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách; các chính phủ đang tiến trên con đường chính phủ điện tử truyền thống. Mức (2) có thể diễn ra song song với Mức (1); ở mức này, các chương trình chính phủ điện tử và chính phủ mở thường cùng tồn tại với sự lãnh đạo và ưu tiên khác nhau. Mức (3) đại diện cho điểm nhấn để kích hoạt và tăng tốc việc chuyển đổi số thực sự. Ở Mức (4), chính phủ đã nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của cách tiếp cận lấy dữ liệu làm trung tâm và thường xuyên theo đuổi các cơ hội đổi mới dựa trên các nguyên tắc dữ liệu mở. Ở Mức (5), chuyển đổi số đã trở thành tiêu chuẩn; các chính phủ có thể tích cực theo đuổi việc xác định và phát triển các cơ hội chuyển đổi [1].
Ở mức độ trưởng thành thứ hai, các sáng kiến chính phủ mở thường được thực hiện nhằm thúc đẩy sự minh bạch, sự cam kết của người dân và sự phát triển kinh tế dữ liệu. Những sáng kiến dữ liệu mở thường được thực hiện trong bối cảnh các chương trình thành phố thông minh như Hệ thống City Data Exchange của Cô-pen-ha-ghen [2].
Bài viết này sẽ giới thiệu về kinh nghiệm trao đổi dữ liệu của Cô-pen-ha-ghen qua Hệ thống nói trên.
Giới thiệu chung [3] [4]
Theo Bà Bettina Tratz-Ryan, Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner: “Thành phố trở nên “thông minh” khi dữ liệu được thu thập và quản lý theo cách có thể tạo ra các luồng dữ liệu thời gian thực có giá trị chứ không chỉ là các số liệu thống kê hoặc báo cáo lạc hậu”.
Do sự gia tăng các luồng dữ liệu từ Internet kết nối vạn vật (IoT), một số thành phố đã xây dựng các thị trường dữ liệu. Một trong những thị trường dữ liệu đầu tiên là City Data Exchange (CDE) của Cô-pen-ha-ghen; bước đầu đã kết nối người dân với dữ liệu, cung cấp hồ sơ trực tuyến của thành phố và một loạt các khung nhìn để xem thông tin.
Bước tiếp theo trong việc xây dựng một thị trường thực sự là biểu diễn và sắp xếp dữ liệu này để có thêm nhiều lợi ích theo định hướng nghiệp vụ. Gartner dự đoán rằng 20% cơ quan chính quyền địa phương sẽ tạo ra doanh thu từ các dữ liệu mở giá trị gia tăng thông qua các thị trường dữ liệu vào năm 2020. Điểm chính là tự động hóa và mở rộng trải nghiệm người dùng để cho phép người dân, doanh nghiệp khám phá và chuẩn bị dữ liệu, tìm mẫu và chia sẻ chúng trong cộng đồng hoặc tổ chức của mình.
Bà Tratz-Ryan nói: “Người dùng sẽ có một số lựa chọn để trả tiền truy cập dữ liệu tùy thuộc vào trường hợp sử dụng. Một người dân bình thường chỉ có thể tham gia ở mức đơn giản và có quyền truy cập miễn phí để đổi lại việc cung cấp dữ liệu của chính họ, trong khi đó việc sử dụng dữ liệu mang tính thương mại có thể yêu cầu chia sẻ doanh thu với chủ sở hữu dữ liệu hoặc mua một giấy phép để truy cập vào một nguồn dữ liệu phong phú.”
Cô-pen-ha-ghen, Đan Mạch đang tích cực hướng tới việc trở thành một thành phố thông minh, không có cácbon vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang bắt đầu các chương trình thành phố thông minh như chiếu sáng thông minh, quản lý giao thông dựa trên cảm biến, quản lý tòa nhà thông minh và nhiều hơn nữa. Cho đến nay, dữ liệu từ các sáng kiến thành phố thông minh riêng lẻ đã được lưu giữ cô lập. Cô-pen-ha-ghen và Hitachi đã hợp tác để khởi động một dịch vụ dữ liệu tích hợp để loại bỏ sự cô lập này.
Định hướng của sự hợp tác này là tạo ra một trung tâm dữ liệu chia sẻ nhằm thúc đẩy đổi mới và truyền cảm hứng cho những ý tưởng mới nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống ở khu vực Cô-pen-ha-ghen, kích thích hoạt động kinh doanh và giúp đạt được mục tiêu của Cô-pen-ha-ghen là không có cácbon vào năm 2025. Giải pháp này tạo nên một thị trường dữ liệu của thành phố Cô-pen-ha-ghen cho dữ liệu thuộc sở hữu của các cơ quan khu vực công và tư.
Tổng quan về Hệ thống trao đổi dữ liệu thành phố (City Data Exchange - CDE) [4]
CDE là một giải pháp phần mềm như một dịch vụ cho phép mua, bán và chia sẻ nhiều dữ liệu từ nhiều nguồn bao gồm tất cả các loại người dùng trong một thành phố - người dân, doanh nghiệp, chính quyền thành phố. Sự trao đổi này cho phép các công ty lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp cũng như các khu vực học thuật và công cộng hợp nhất nhiều nguồn thông tin để đáp ứng những thách thức về tính bền vững và chất lượng cuộc sống.
Theo thời gian, CDE có thể được sử dụng để tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, chẳng hạn như nhân khẩu học, thống kê tội phạm, tiêu thụ năng lượng, cảm biến chất lượng không khí và cảm biến giao thông. Giải pháp được thiết kế để cho phép các nhà phát triển khác như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng phát triển các ứng dụng sử dụng thông tin chia sẻ này. Tận dụng thị trường dữ liệu này sẽ giúp thành phố Cô-pen-ha-ghen, khu vực thủ đô của Đan Mạch và các doanh nghiệp hoạt động tại đó cải thiện hoạt động của mình và cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và thu thập dữ liệu. Hình 1 là trang chủ của Hệ thống City Data Exchange.
Hình 1. Trang chủ của Hệ thống City Data Exchange
Dữ liệu trên CDE đến từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm dữ liệu công cộng cũng như dữ liệu do các tổ chức khu vực tư nhân cung cấp. Dữ liệu trên CDE mong muốn sẽ được cung cấp từ nhiều tổ chức và khu vực khác nhau. Một số dữ liệu là miễn phí, một số dữ liệu sẽ được định giá bởi nhà cung cấp. Tuy nhiên, một yếu tố chung là các điều khoản sử dụng CDE cho phép tất cả dữ liệu phải ở mức tổng hợp; vì vậy, sẽ không có dữ liệu cá nhân hoặc dữ liệu riêng tư trên CDE.
Tất cả người dùng của CDE (người cung cấp và người sử dụng) đều phải chấp nhận các điều khoản sử dụng trước khi tải lên hoặc sử dụng bất kỳ dữ liệu nào thông qua CDE.
Với CDE, người dùng có thể khai thác (tìm kiếm, xem trước, xem trên bản đồ và đăng ký), sử dụng (xem tất cả các tập dữ liệu đã đăng ký hoặc mua) và cung cấp dữ liệu (cung cấp cho thị trường hoặc bán cho người dùng tiềm năng). Để khai thác CDE và xem những dữ liệu nào có sẵn, người dùng không cần phải đăng ký. Nếu muốn trở thành “Người sử dụng dữ liệu”, với quyền truy cập đầy đủ vào các tập dữ liệu (mất phí hoặc miễn phí) thì người dùng phải đăng ký trên CDE trước khi có thể thêm dữ liệu vào “giỏ hàng” của mình. Nếu người dùng muốn trở thành “Người cung cấp dữ liệu” để có thể cung cấp dữ liệu miễn phí hoặc để bán thông qua CDE, thì người dùng cũng cần phải đăng ký trước khi có thể gửi mẫu và xuất bản dữ liệu.
CDE cung cấp một điểm duy nhất để truy cập dữ liệu công cộng và dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau. Người sử dụng có thể khai thác dữ liệu và đăng ký dữ liệu từ nhiều nguồn thông qua một trang duy nhất, sử dụng một tài khoản đã đăng ký và một bộ các giao thức.
Người cung cấp sẽ có thể xuất bản dữ liệu để bán trên thị trường, cho phép người cung cấp có thu nhập từ dữ liệu hiện có của mình. Người cung cấp cũng có thể xuất bản dữ liệu miễn phí. Trang web chỉ cung cấp một tài khoản người sử dụng và một tập các giao thức chuẩn để tạo điều kiện cho quá trình xuất bản và cung cấp dữ liệu này.
CDE là một thị trường cung cấp và tiêu thụ dữ liệu. Dữ liệu tải lên CDE và xuất bản vẫn thuộc sở hữu của người cung cấp. CDE cung cấp cơ chế để đăng ký và truy cập dữ liệu mà người dùng quan tâm.
CDE khác với cổng dữ liệu mở ở chỗ CDE sẽ bao gồm cả dữ liệu công cộng và dữ liệu riêng tư trong khi cổng dữ liệu mở chỉ bao gồm dữ liệu công cộng. CDE sẽ bao gồm dữ liệu từ nhiều nguồn dữ liệu công cộng, trong khi hầu hết các cổng dữ liệu mở cung cấp dữ liệu từ một nhà cung cấp (chính quyền thành phố, chính phủ...). CDE sẽ cung cấp cho người dùng các mức dịch vụ cao hơn khi cung cấp truy cập dữ liệu.
Bất cứ ai cũng có thể sử dụng CDE. Điều này không giới hạn đối với các doanh nghiệp hoặc tổ chức lớn. Hạn chế duy nhất là để truy cập tập dữ liệu hoặc tải lên tập dữ liệu của riêng, người dùng cần phải đăng ký bằng cách tạo một tài khoản CDE. Để đăng ký dữ liệu, người dùng cũng cần phải cung cấp thông tin thanh toán để có thể trả phí thuê bao dữ liệu và phí dịch vụ.
Các tập dữ liệu có thể được tải lên dưới dạng tệp hoặc bằng cách cung cấp cho CDE bằng API. Sử dụng API có thể yêu cầu nhiều tác vụ hơn để thiết lập nhưng sẽ cho phép người cung cấp dữ liệu cập nhật tập dữ liệu một cách thường xuyên.
CDE đã trải qua thử nghiệm bảo mật nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho thông tin hồ sơ tài khoản của người dùng cũng như các tập dữ liệu được lưu trữ trên CDE.
Chức năng khai thác dữ liệu của Hệ thống City Data Exchange (CDE) [4]
Hình 2 trình bày các chức năng chính của Hệ thống City Data Exchange gồm có chức năng khai thác dữ liệu (tìm kiếm dữ liệu, xem trước dữ liệu, xem trên bản đồ và đăng ký), chức năng sử dụng dữ liệu (xem tất cả các tập dữ liệu đã đăng ký hoặc mua) và chức năng cung cấp dữ liệu (dữ liệu người dùng muốn cung cấp cho thị trường hoặc bán cho khách hàng tiềm năng). Bài viết này chỉ giới thiệu chức năng khai thác dữ liệu do các chức năng còn lại phải đăng ký tài khoản để sử dụng.
Hình 2. Các chức năng chính của Hệ thống City Data Exchange
Chức năng khai thác dữ liệu của CDE cho phép người dùng duyệt qua và tìm kiếm dữ liệu một cách dễ dàng và trực quan. Người dùng có thể khai thác dữ liệu từ nhiều chủ đề khác nhau mà mình quan tâm với tư cách cá nhân hoặc tổ chức. Khi tìm thấy các tập dữ liệu mong muốn, người dùng có thể xem trước dữ liệu mẫu và xem dữ liệu mẫu trên bản đồ.
Người dùng không phải đăng ký và đăng nhập để khai thác dữ liệu. Nếu muốn xuất bản/bán hoặc mua/tải dữ liệu thì người dùng cần phải đăng ký và đăng nhập để sử dụng.
Tìm kiếm
Nếu người dùng đang tìm kiếm một tập dữ liệu hoặc loại dữ liệu cụ thể, chỉ cần tìm kiếm tên của nhà xuất bản, từ khóa hoặc cụm từ trong hộp tìm kiếm trên trang khai thác (Hình 3).
Hình 3. Chức năng Tìm kiếm trong khai thác dữ liệu
Lọc
Sử dụng tùy chọn lọc để thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Các tùy chọn lọc có sẵn là:
- Loại phí: Tập dữ liệu miễn phí/có giá (Hình 4)
Hình 4. Chức năng lọc theo loại phí
- Tần suất cập nhật: Tập dữ liệu được cập nhật một lần/hàng ngày/hàng tuần/hàng tháng/hàng năm (Hình 5)
Hình 5. Chức năng lọc theo tần suất cập nhật
- Người xuất bản: Tập dữ liệu được xuất bản bởi cá nhân/tổ chức (Hình 6)
Hình 6. Chức năng lọc theo người xuất bản
- Loại dữ liệu: Tập dữ liệu được phân loại theo dữ liệu kinh doanh và kinh tế (số liệu thống kê về kinh tế, thu nhập bình quân)/sử dụng các tiện ích (sử dụng năng lượng và nước)/khí hậu, môi trường (thời tiết, chất lượng nước và chất lượng không khí)/nhà ở, công trình xây dựng (thông tin về các công trình xây dựng riêng lẻ hoặc nhóm)/cơ sở hạ tầng (giao thông, các dự án xây dựng, sự kiện, công viên, bảo tàng...)/cuộc sống thành phố (vận tải, viễn thông, tài chính, bán lẻ, bệnh viện, du lịch và các hoạt động truyền thông xã hội trong thành phố)/nhân khẩu học (số liệu thống kê về con người trong thành phố bao gồm tội phạm, sức khỏe và giáo dục) (Hình 7)
Hình 7. Chức năng lọc theo loại dữ liệu
Sắp xếp
Sắp xếp kết quả tìm kiếm theo ngày xuất bản dữ liệu hoặc sắp xếp thứ tự bảng chữ cái theo tên tập dữ liệu (Hình 8).
Hình 8. Chức năng Sắp xếp trong khai thác dữ liệu
Bản đồ
Người dùng cũng có thể xem bản đồ cho dữ liệu có sẵn bằng cách nhấp vào nút bản đồ phía trên các dữ liệu (Hình 9).
Người dùng sẽ thấy bản đồ của thành phố Cô-pen-ha-ghen với điểm đánh dấu các phần tử dữ liệu. Nếu người dùng bấm vào một trong những điểm này thì sẽ nhận được một màn hình pop-up nhỏ với một văn bản giải thích các dữ liệu gắn liền với điểm địa lý này. Dữ liệu được hiển thị ở đây được lấy từ dữ liệu mẫu.
Nếu người dùng nhấn vào trang tiếp theo của tập dữ liệu, các điểm đánh dấu sẽ thay đổi để phản ánh các bộ dữ liệu mới đang được hiển thị.
Hình 9. Chức năng Bản đồ trong khai thác dữ liệu
Chi tiết tập dữ liệu
Nếu người dùng muốn biết thêm thông tin về một tập dữ liệu cụ thể có thể nhấp vào tên tập dữ liệu. Thao tác này sẽ mở một trang mới với các chi tiết về tập dữ liệu, giá, kích thước và các thông tin quan trọng khác như kết quả đánh giá được đưa ra bởi những người đã mua bộ dữ liệu (Hình 10).
Hình 10. Chức năng xem chi tiết tập dữ liệu
Kết luận
Ngày 16/01/2018, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo khởi động “Đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số” tại Hà Nội. Đưa tin về sự kiện này, Báo điện tử Chính phủ có bài viết “Đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số tại Việt Nam”. Bài viết đã trích dẫn chia sẻ của bà Alla Morrison, Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của WB, về vai trò rất quan trọng của dữ liệu số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh “Dữ liệu sẽ là loại tài sản kinh tế mới, là loại tài nguyên có thể khai thác và tạo ra các sản phẩm có giá trị” [5]. Để có thể khai thác và tạo ra các sản phẩm có giá trị từ dữ liệu, các cơ quan nhà nước Việt Nam cần đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Việc triển khai Hệ thống CDE góp phần hình thành và phát triển thị trường dữ liệu của thành phố Cô-pen-ha-ghen là một ý tưởng hay mà các cơ quan nhà nước Việt Nam có thể tham khảo để thúc đẩy việc trao đổi dữ liệu trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
[1] Andrea Di Maio, Rick Howard, Introducing the Gartner Digital Government Maturity Model 2.0, Gartner, Inc, 2017.
[2] Rob van der Meulen, 5 Levels of Digital Government Maturity, Gartner, Inc, 2017.
[3] Egham, Gartner Predicts Fifty Percent of Citizens in Large Cities Will Share Personal Data With Smart City Programs by 2019, Gartner, Inc, 2016.
[4] https://www.citydataexchange.com
[5] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Danh-gia-muc-do-san-sang-cho-Chinh-phu-so-tai-Viet-Nam/327338.vgp
Phạm Văn Thịnh