Sau khi xem qua rất nhiều tài liệu nước ngoài, lẫn tài liệu trong nước, tác giả bài viết thấy rằng các thuật ngữ digital cash, digital currency, virtual cash, virtual currency, e-currency, e-money, electronic cash, electroniccurrency, ... được dùng rất nhiều và được hiểu theo các cách khác nhau. Ví dụ như hiện này phần lớn chúng ta đang hay sử dụng thuật ngữ ‘tiền ảo’ để nói về bitcoin, tuy nhiên một số ý kiến lại không thống nhất về cách gọi này.
Do vậy, trong bài viết này tác giả bài viết sẽ dùng thuật ngữ chung nhất là ‘tiền điện tử’ để biên dịch cho thuật ngữ tiếng anh ‘digital currency’ và digital cash’ vì 02 thuật ngữ này đều là tên gọi của loại tiền điện tử.
- Tiền điện tử
1. 1. Khái niệm và đặc điểm của tiền điện tử
Tiền điện tử là đồng tiền chỉ tổn tại dưới dạng điện tử và được chuyển điện tử từ bên giao dịch này sang bên giao dịch khác.
Tiền điện tử có 3 đặc điểm chính sau:
- Đồng tiền tồn tại ở dạng những bit số (đặc điểm này khác với tiền giấy, tiền xu có hình thái vật chất rõ ràng);
- Nó thể hiện tính chất tương tự như tiền thông thường (có thể làm phương tiền trao đổi, mua hàng hóa thật, ngoại trừ đối với việc giao dịch trong một số cộng đồng như trò chơi điện tử, hay các mạng xã hội);
- Đồng tiền được kiểm soát tập trung hoặc phân tán (tức là người tổ chức có quyền kiểm soát việc cấp và ban hành đồng tiền hoặc việc kiểm soát này sẽ được phân tán đến các thành viên khác nhau)
1.2. Phân loại tiền điện tử
Nhìn vào hình bên dưới đây, ta có thể thấy tiền điện tử có thể chia ra 2 dạng là tiền ảo và tiền điện tử.
- Tiền ảo thường được sử dụng trong trò chơi điện tử, khi đó người chủ cuộc chơi có thể tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn của họ.
- Tiền điện tử lại có thể phân chia thành 2 dạng tiền, đó là tiền điện tử thông thường và tiền thuật toán.
Tiền điện tử thông thường chỉ được sử dụng trong môi trường điện tử phục vụ cho những thanh toán điện tử thông qua hệ thống thông tin bao gồm hệ thống mạng máy tính, mạng và các phương tiện điện tử được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của tổ chức phát hành (bên thứ 3) và được biểu hiện dưới dạng bút tệ trên tài khoản mà khách hàng (người mua) mở tại tổ chức phát hành. Một ví dụ điển hình đó chính là thẻ tín dụng credit card.
Tiền thuật toán được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở; loại tiền này được giao dịch mua bán hoàn toàn trên môi trường mạng và không chịu sự quản lý của bất cứ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào. Các ví dụ điển hình đó chính là bitcoin, altcoin.
Khi nhắc đến tiền điện tử thì hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến đồng bitcoin đang làm mưa làm gió trong thời gian qua. Tuy nhiên ít ai biết rằng đồng bitcoin chỉ là một ý tưởng cũ dựa trên công nghệ mới, nghĩa là trước đây đã có rất nhiều ý tưởng về việc hình thành loại tiền điện tử, ví dụ như E-gold (1996), Liberty Reserve (2006), Q Coins (2005), ... tuy nhiên tất cả đều nhưng đều thất bại bởi lý do về công nghệ, quy luật), đến năm 2008 Bitcoin ra đời và tiếp theo đó là có Altcoin là hai loại động tiền điện tử đang thành công hiện nay với giá trị cao nhờ nền tảng công nghệ phân tán.
Với tính thời sự hiện nay của bitcoin, các phần tiếp theo tác giả bài viết sẽ đi sâu vào loại tiền thuật toán “cryptocurrency” và gọi chung đó là tiền điện tử.
- Tiền điện tử (tiền thuật toán)
Như đã nêu ở trên, tiền điện tử được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp. Do đó, tiền điện tử có những đặc điểm là:
- Có khả năng tích lũy giá trị. Tiền điện tử được phát hành phải tuân theo những quy tắc nhất định nhằm đảm bảo số lượng tiền được phát hành không quá nhiều sẽ gây ra tình trạng lạm phát giảm giá trị của đồng tiền;
- Được trao đổi trực tiếp trên mạng mà không qua một tổ chức tài chính trung gian nào, nghĩa là không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào quản lý các giao dịch của đồng tiền.
- Có tính thanh khoản rất cao. Việc chuyển đổi từ tiền điện tử sang các loại tiền mặt thông thường được một số quốc gia chấp nhận phát hành nhanh chóng và thuận tiện.
Với đặc điểm trên, việc sử dụng tiền điện tử sẽ tránh sự độc quyền của nhà nước trong việc kiểm soát và ban hành tiền và tạo ra một thị trường giao dịch tự do: các giao dịch thanh toán bằng tiền điện tử được thực hiện trực tiếp giữa người với người mà không cần thông qua một bên trung gian thứ ba, ví dụ như khi tác giả bài viết muốn chuyển một khoản tiền X cho anh A thì tác giả sẽ thực hiện giao dịch đó mà không cần phải qua một ngân hàng hay tổ chức nào đó.
Cơ chế hoạt động của tiền điện tử dựa trên các mật mã điện tử (cryptography) và một mạng lưới phân phối cho phép giao dịch trực tiếp theo hệ thống mạng ngang hàng P2P (peer-to-peer). Để giữ an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra, tiền điện tử sử dụng các thuật toán trong toán học và một sổ cái công cộng (public ledger, mà sổ cái này hoạt động trên nền tảng công nghệ chuỗi khối blockchain).
Tại đây, ta sẽ đi vào 3 khái niệm cụ thể là mật mã điện tử (cryptography), hệ thống mạng ngang hàng (P2P) và sổ cái công cộng (public ledger):
(1) Mật mã điện tử là cách thức chuyển đổi thông tin từ dạng ‘có thể hiểu được’ sang dạng ‘không thể hiểu được’ và ngược lại. Việc sử dụng mật mã điện tử cryptography giúp đảm bảo những tính bí mật, tính toàn vẹn, tính xác thực, tính không thể chối bỏ.
- Tính bí mật (tiếng anh được gọi là ‘confidentiality’) nghĩa là thông tin chỉ được tiết lộ cho những ai được phép.
- Tính toàn vẹn (tiếng anh được gọi là ‘integrity’) nghĩa là thông tin không thể bị thay đổi mà không bị phát hiện.
- Tính xác thực (tiếng anh được gọi là ‘authentication’) nghĩa là người gửi hoặc người nhận có thể chứng minh đó đúng là họ.
- Tính không chối bỏ (tiếng anh được gọi là ‘non-repudiation’) nghĩa là người gửi hoặc nhận không thể chối bỏ việc đã gửi hoặc nhận thông tin.
(2) Mạng ngang hàng, đúng như tên gọi ‘ngang hàng’, tức quyền lực được phân tán, dân chủ; người tham gia các điểm trong mạng đều có quyền lực như nhau. Khác với mạng tập trung là quyền lực được tập trung vào một điểm, ví dụ như Google hay Facebook dù có phân tán mày chủ (server) trên khắp thế giới, lưu trữ trên điện toán đám mây (cloud), nhưng một khi các công ty này giải thể công ty thì người dùng sẽ mất hết toàn bộ dữ liệu.
(3) Sổ cái công cộng được hoạt động trên nền tàng chuỗi khối blockchain, tên tiếng anh gọi là blockchain. Đây là một cuốn sổ ghi chép và lưu trữ thông tin các giao dịch của tiền điện tử. Công nghệ chuỗi khối Blockchain được phát minh và thiết kế đầu tiên bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008. Khi kiểm tra thông tin về Satoshi Nakamoto trên mạng thì đều ra kết quả là đây là một cá nhân hoặc một nhóm người bí ẩn, không một ai biết chính xác cá nhân hoặc nhóm người này là ai. Quay lại về công nghệ chuỗi khối, có thể nói đây là một cơ sở dữ liệu được tổ chức thành liên kết dạng chuỗi của các khối thông tin (block), cho phép phát triển và mở rộng theo thời gian, nghĩa là bất cứ khi nào có những dữ liệu mới thì sẽ hình thành thêm các khối block mới và các khối này liên kết vào các khối cũ để tạo thành một chuỗi liên kết.
2.1. Giới thiệu về cách thức hoạt động của tiền điện tử
Người dùng trước hết cần có một phần mềm đặc biệt để tải tiền từ tài khoản của họ vào ví tiền của họ trên máy tính. Khi giao dịch, người mua sẽ trao đổi tiền mà họ đã tải về với người bán.
Các giao dịch được mã hóa bằng cách mã hóa khóa công khai (public key encryption – đây chính là cách sử dụng mã hóa cryptography). Hệ thống sẽ sinh ra một cặp khóa, khóa cá nhân (private key cho người thực hiện giao dịch) và khóa công khai (public key cho tất cả mọi người). Theo đó, một giao dịch sẽ được mã hóa bằng khóa cá nhân của người thực hiện giao dịch, người nhận/người xác nhận giao dịch sẽ phải sử dụng khóa công khai theo cặp đó để giải mã.
Quy trình hoạt động
a) Chuyển tiền và xác thực:
- Đề chuyển tiền, người chuyển sử dụng ví tiền điện tử như đã nói ở trên, đăng nhập vào tài khoản của mình, xác định người nhận và tiến hành giao dịch chuyển (giống như giao dịch ngân hàng thông thường). Thông tin giao dịch (dưới dạng mã hoá) sẽ được cập nhật vào các khối thông tin trong chuỗi khối.
- Để xác thực giao dịch chuyển tiền là hợp lệ, cần sử dụng công nghệ mã hoá cũng đã được đề cập ở trên. Thông tin giao dịch sẽ được mã hoá bằng private key của người chuyển (tương tự việc ký trên lệnh chuyển tiền). Việc mã hoá này bảo đảm mọi thông tin sau khi mã hoá là khác nhau. Việc kiểm tra thông tin sẽ thông qua public key (do người chuyển cung cấp). Nếu thông tin sau khi giải mã là đúng thì đồng nghĩa với việc xác thực thông tin giao dịch chuyển tiền của người chuyển tiền.
b) Giao dịch và sổ cái
- Sau khi giao dịch chuyển tiền được xác thực, cần tiến hành kiểm tra (xem ví tiền có đủ số dư không) và cập nhật tài khoản. Khác với tiền thông thường, tiền điện tử không lưu trữ số dư tài khoản (vì nếu như vậy sẽ cần tổ chức tài chính trung gian giữa người chuyển và người nhận). Thay vì đó, hệ thống sẽ kiểm tra các giao dịch trước đó của người chuyển (từ các khối thông tin đã hình thành trước đó) để bảo đảm có đủ số tiền cho giao dịch chuyển tiền này.
- Các giao dịch hợp lệ luôn có số dư lớn hơn hoặc bằng 0 (đối với cả người chuyển và người nhận). Để chuẩn bị giao dịch (ký hiệu zzz) chuyển X đồng, hệ thống sẽ phải tìm kiếm tập hợp gồm n giao dịch chưa sử dụng của người chuyển để có tổng số dư là Y lớn hơn hoặc bằng X. Khi thực hiện giao dịch, toàn bộ n giao dịch trên sẽ được đánh dấu (trên chuỗi khối) là đã sử dụng (không được sử dụng lại nữa) và giao dịch zzz sẽ có số dư là (Y-X) đối với người chuyển, Y đối với người nhận và được đánh dấu là chưa sử dụng. Như vậy số dư tài khoản của người dùng về bản chất là tập hợp các giao dịch trỏ đến người đấy mà chưa được sử dụng.
- Để thực hiện một giao dịch thì cần phải kiểm tra giao dịch trước đó, và để kiểm tra giao dịch trước thì cần kiểm tra giao dịch kế trước giao dịch trước. Vì vậy, khi sử dụng ví tiền điện tử, hệ thống sẽ tiến hành tải về các giao dịch đã thực hiện và kiểm tra toàn bộ giao dịch này (truy vấn đến giao dịch đầu tiên).
2.2. Cách thức để sở hữu tiền điện tử
Một câu hỏi mà ai cũng muốn biết đó là làm thế nào để có được tiền điện tử? Hãy lấy ví dụ cụ thể về Bitcoin.
- Satoshi lập trình ra phần mềm Bitcoin, trong đó Bitcoin được cung ứng tự động, hạn chế, và được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Khi người đào thực hiện giao dịch thành công và tạo thành khối block mới trong 210 nghìn khối block đầu tiên của mạng lưới Blockchain Bitcoin, thì những người đào sẽ nhận được phần thưởng là 50 Bitcoin cho mỗi khối mới; sau 210 nghìn khối block đầu tiên, thì những người đào tạo thêm 210 nghìn khối block tiếp theo sẽ nhận được phần thưởng giảm đi ½, tức là chỉ còn 25 Bitcoin cho mỗi khối mới tạo ra; và lịch trình này giảm theo quy tắc tự động như vậy đến khi phần thưởng Bitcoin cho những người đào là không. Theo quy tắc giảm dần như vậy, tổng số Bitcoin được khai thác là xấp xỉ 21 triệu Bitcoin.
- Bitcoin được cấp tới các máy tính đào Bitcoin(miner) để trả công cho việc xác minh giao dịch Bitcoin và ghi vào sổ cái chạy trên nền blockchain. Nói cụ thể hơn, quá trình đào Bitcoin (mining) là quá trình xác minh các khối và cập nhật chuỗi khối (blockchain); người đào (tức là các miner) sẽ nhận được phần thưởng là những đồng tiền điện tử như là việc trả công cho việc họ xác minh giao dịch tiền điện tử và ghi những giao dịch này vào quyển sổ cái blockchain (đây chính là công việc mã hóa các khối blockchain), đồng thời người đào phải giải các thuật toán để nhận được phần thưởng, càng nhiều người đào tham gia thì các thuật toán càng khó, và dĩ nhiên thuật toán này do hệ thống phần mềm tự sinh ra.
Như vậy, với những nội dung trình bày trên, chúng ta đã phần nào hiểu được thế nào là tiền điện tử, đặc tính cũng như cách thức hoạt động của nó. Ở Việt Nam, tiền điện tử không được công nhận giá trị một cách chính thức, do vậy đồng tiền này không được phép giao dịch trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tồn tại rất nhiều máy tính tham gia thực hiện đào tiền điện tử ở Việt Nam và hoạt động đào tiền thực sự cũng chưa chịu sự quản lý của nhà nước. Do vậy, đây là một thị trường trôi nổi và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người dân tham gia vào mạng lưới tiền điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh những rùi ro tiềm ẩn của tiền điện tử, công nghệ nằm sau nó – Blockchain – đang nổi lên như một công nghệ ưu việt, thu hút giới công nghệ thông tin. Đi sâu vào tìm hiểu những đặc tính của Blockchain, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phát hiện ra tiềm năng cũng như tính khả thi của Blockchain khi được ứng dụng phục vụ đa lĩnh vực khác nhau trong đời sống chúng ta.
Quách Hồng Trang
Tài liệu tham khảo:
- https://en.wikipedia.org/wiki/Blockchain
- https://blockgeeks.com/ PGP Corporation, An introduction to Cryptography, 8/2004.