Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và gần đây nhất là Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, có thể nói hoạt động phát triển Chính phủ điện tử đã và đang được tăng tốc, triển khai rộng khắp, từ không chỉ gói gọn trong hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn hướng tới xây dựng nền kinh tế số và xã hội số. Với nhiều chủ trương, chỉ đạo đã được ban hành, có thể nói giai đoạn hiện nay đã chứng kiến sự phát triển sôi động của thị trường Chính phủ. So với giai đoạn trước, về đối tượng tham gia thị trường, bên cạnh các đối tượng truyền thống là cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã thể hiện rõ vai trò của các doanh nghiệp dẫn dắt, là những doanh nghiệp có năng lực về kỹ thuật, nhân lực, tài chính tham gia vào các dự án có tính nền tảng. Theo đó, các hình thức chi trả cũng chuyển dần từ đầu tư mua sắm truyền thống sang thuê dịch vụ và hợp tác công tư nhằm khắc phục các rào cản về kinh phí triển khai của cơ quan nhà nước, tận dụng thế mạnh về sản phẩm và nguồn lực của doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động nghiên cứu các biện pháp tháo gỡ, đề xuất với Chính phủ để đổi mới các chính sách về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Một trong những tư tưởng đổi mới là làm sao để tận dụng được nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn dồi dào hơn so với nguồn vốn chi thường xuyên để sử dụng cho hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Bài viết này sẽ hướng dẫn quy trình cụ thể đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn đầu tư công và vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin
Tại Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ cquy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước có quy định cho phép việc sử dụng nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển, tức nguồn vốn đầu tư công cho hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Đến ngày 05/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (bãi bỏ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014) có hiệu lực từ 01/01/2020 cũng có điều khoản quy định về dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Như vậy, có thể thấy cơ sở pháp lý hiện hành cho phép các cơ quan nhà nước được sử dụng cả vốn đầu tư công và vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
2. Quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công
Quy trình thực hiện đối với một hoạt động thuê dịch vụ sử dụng vốn đầu tư công (sau đây gọi là dự án thuê dịch vụ) phải tuân thủ pháp luật về đầu tư công, cụ thể bao gồm 03 bước chính là: chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư.
2.1. Chuẩn bị đầu tư
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư của dự án thuê bao gồm các bước:
- Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
- Thực hiện khảo sát.
- Lập, thẩm định, quyết định đầu tư tự án.
Trong ba bước trên, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thuê được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Một điểm quan trọng trong việc lập tổng mức đầu tư dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin là xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin có thể được xác định theo một trong các phương pháp sau:
- Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường được xác định trên cơ sở giá thị trường (tính theo đơn giá của từng dịch vụ sử dụng hoặc đơn giá sản phẩm đầu ra của dịch vụ) được công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc thông qua phương tiện khác được nhiều người tiếp cận tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thuê hoặc kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
- Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường được xác định bằng một trong các phương pháp: Phương pháp so sánh; phương pháp chuyên gia; phương pháp lấy báo giá thị trường; phương pháp tính chi phí; kết hợp các phương pháp. Trong đó:
+ Phương pháp so sánh: Trường hợp xét thấy có dịch vụ công nghệ thông tin đã hoặc đang triển khai có tính chất tương tự về phạm vi, quy mô và có sự tương đồng về yêu cầu chất lượng dịch vụ, yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ thì lấy làm cơ sở xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
+ Phương pháp chuyên gia: Trên cơ sở phạm vi, quy mô và yêu cầu về chất lượng dịch vụ, yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ thì chủ trì thuê để xuất thành lập tổ chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực phù hợp để xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
+ Phương pháp lấy báo giá thị trường: Chủ trì thuê xác định và yêu cầu tối thiểu 03 tổ chức, cá nhân nghiên cứu, xây dựng báo giá trên cơ sở các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ.
+ Phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin được tính toán trên cơ sở chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ. Phương pháp tính chi phí này sẽ được giới thiệu tại bài viết Hướng dẫn về phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
2.2. Thực hiện đầu tư
Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án thuê, chủ trì thuê dịch vụ công nghệ thông tin tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Tại bước này, câu hỏi đặt ra là có cần phải tổ chức lập, phê duyệt thiết kế chi tiết đối với dự án thuê không? Câu trả lời ở đây là không, do hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin chỉ yêu cầu xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin, do vậy bước thiết kế để xây dựng, hình thành dịch vụ do bên cung cấp chịu trách nhiệm thực hiện để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu chất lượng dịch vụ. Do đó, để xác định dịch vụ được cung cấp đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ của bên thuê, thì chủ trì thuê dịch vụ công nghệ thông tin cần phải có bước tổ chức kiểm thử hoặc vận hành thử trước khi đưa dịch vụ vào sử dụng và đặc biệt trong quá trình cung cấp dịch vụ, bên thuê luôn phải tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm thử bảo đảm dịch vụ được cung cấp đáp ứng theo yêu cầu.
3. Quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước
- Đối với dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường: Chủ trì thuê dịch vụ công nghệ thông tin tổ chức thực hiện thuê dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; pháp luật về mua sắm hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và pháp luật về đấu thầu.
- Đối với dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường: Chủ trì thuê dịch vụ công nghệ thông tin tổ chức lập kế hoạch thuê dịch vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy trình thực hiện như sau:
Theo sơ đồ nêu trên, Chủ trì thuê tổ chức lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tại điểm này có có ba tác nhân tham gia vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê: (1) Chủ trì thuê là đơn vị sử dụng ngân sách được giao nhiệm vụ thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ tổ chức lập kế hoạch thuê; (2) Cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê là thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên theo quy định; (3) Đơn vị thẩm định là đơn vị chuyên môn trực thuộc cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê.
Một trong những nội dung quan trọng trong quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước đó là nội dung của kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin gồm hai nội dung chính: nội dung thuyết minh và dự toán thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó,
- Nội dung thuyết minh kế hoạch thuê phải phân tích, thuyết minh các nội dung về hiện trạng, sự cần thiết thuê dịch vụ; quy mô, phạm vi các hạng mục chính cần thuê; yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin, an toàn bảo mật, dữ liệu, …; thời gian thuê dịch vụ; …
- Dự toán thuê dịch vụ gồm (1) Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin; (2) Chi phí quản lý; (3) Chi phí tư vấn; (4) Chi phí khác và (5) Chi phí dự phòng.
Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin được xác định bằng các phương pháp so sánh; phương pháp chuyên gia; phương pháp lấy báo giá thị trường; phương pháp tính chi phí và kết hợp các phương pháp.
Chi phí quản lý, chi phí tư vấn được xác định bằng cách lập dự toán hoặc theo định mức chi phí theo tỷ lệ.
Sau khi kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ trì thuê tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trước khi nhà cung cấp bàn giao, đưa dịch vụ vào sử dụng, chủ trì thuê phải tổ chức kiểm thử, vận hành thử nhằm bảo đảm dịch vụ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ được duyệt trong kế hoạch thuê.
Chúng ta có thể thấy quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công và quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước đều có ba bước cơ bản chính, đó là bước lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi/kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin; bước tổ chức lựa chọn nhà cung cấp và ký kết hợp đồng; bước thực hiện và sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin. Căn cứ trên Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn về cách tính chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin, mẫu hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin và những phân tích, hướng dẫn quy trình thực hiện nêu trên, việc triển khai hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã có những cơ sở hướng dẫn rõ ràng, từ đó tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị triển khai tốt hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Đây chính là một trong những phương án huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp vào công cuộc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Nguyễn Trung Kiên
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.