Đang xử lý.....

Đại dịch Covid 19 - Động lực thúc đẩy chuyển đổi đô thị thông minh  

Trong lịch sử hình thành đô thị lâu dài của thế giới, nhiều thành phố đã trải qua những cuộc khủng hoảng lớn gây ra bởi hỏa hoạn, động đất, chiến tranh, lũ lụt, sóng thần, bão, thảm họa công nghệ và đại dịch... Lợi thế chủ yếu của các đô thị là hiện diện của sự tập trung về mặt địa lý và sự kết tụ kinh tế - xã hội, nhưng chính đó dường như cũng là một nguy cơ nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra các cú sốc thảm họa, thiên tai bất ngờ.
Thứ Năm, 16/12/2021 1050
|

Ngày nay, sự gần gũi và mật độ dân cư cao rõ ràng là một nguồn gây ra những tác động tàn phá lớn đến sức khỏe, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ cấu xã hội đô thị. Tuy vậy, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội do các thảm họa đô thị, nhìn chung, các thành phố trên khắp thế giới vẫn có khả năng chống chọi với những cú sốc như vậy một cách phi thường. Vụ tấn công 11/9 vào Tháp Đôi không dẫn đến bất kỳ sự dịch chuyển đáng kể nào của người dân từ New York về vùng nông thôn. Tương tự như vậy, cơn bão Katrina - mặc dù có những ảnh hưởng sâu rộng - đã không dẫn đến sự suy giảm cấu trúc của New Orleans. Điển hình, các thành phố của Đức bị ném bom trong Thế chiến thứ hai đã cho thấy một mô hình phục hồi đáng kể và không bị ảnh hưởng bởi một làn sóng di cư tràn về vùng nông thôn.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra khủng hoảng y tế nghiêm trọng, tạo ra sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và làm sự gián đoạn cuộc sống của tất cả thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, thông qua đánh giá khía cạnh chiều dài lịch sử phát triển của các đô thị để xem xét tương lai của nó trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, chính nó sẽ xuất hiện cơ hội để phục hồi kinh tế với các giải pháp bền vững, là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đô thị thông minh và bền vững.

Covid 19 - Bước ngoặt mới cho quá trình chuyển đổi đô thị thông minh và bền vững

Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự thảm khốc về nhân mạng và tàn phá kinh tế - xã hội trên diện rộng. Những nỗ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng như các biện pháp phong tỏa cứng hay giãn cách diện rộng đã khiến nền kinh tế trên toàn thế giới mất khả năng phát triển. Các ước tính gần đây cho thấy nền kinh tế toàn cầu giảm -3,3% vào năm 2020. Tác động kinh tế rõ nét này được thể hiện trong hình ảnh thống kê dưới đây.

Hình 1: Tăng trưởng GDP thực trung bình toàn cầu – Nguồn IMF 2021

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, Tổ chức tài chính quốc tế, ngay trong quá trình đối phó cuộc khủng hoảng tàn khốc đó đã bắt đầu xuất hiện những xu hướng tích cực nhất định. Thông qua lược dịch, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, bài viết này sẽ đề cập đến tiềm năng của công nghệ đô thị thông minh, tầm quan trọng ngày càng tăng của các thành phố trong quá trình quản lý khủng hoảng toàn cầu, đặc biệt đại dịch Covid-19. Nó như một cơ hội để thúc đẩy các mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững trong tương lai.

Xu hướng mới của đô thị trong thời kỳ thích ứng và phục hồi sau Covid-19

Với đặc tính truyền nhiễm nhanh của vi rút corona và đặc điểm sống tập trung của khu vực đô thị đã khiến tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong vì đại dịch Covid-19 ở các khu vực thành thị chiếm đa số. Từ thực tế đó, cùng với  yêu cầu từ chính quyền trung ương, các thành phố đã đi đầu trong quá trình ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Các chiến lược ngăn chặn, phục hồi, thích ứng phù hợp với đặc điểm từng đô thị được ban hành và thực thi trên khắp thế giới. Điều này đã mang lại tính linh hoạt, chủ động, sức mạnh mới cho chính quyền đô thị trong bối cảnh toàn cầu ứng phó với đại dịch.

Bên cạnh đó, xu hướng mới “xây dựng để trở lại tốt hơn” được đề xuất và phổ biến, nói cách khác đây là một quá trình phục hồi không chỉ có những biện pháp cơ bản để khôi phục sự ổn định kinh tế, mà còn kêu gọi có những hành động thực tiễn và đổi mới để gắn việc thích ứng - phục hồi với các biện pháp bền vững trong khi các biện pháp phong tỏa đã đã mang lại những hậu quả to lớn cho đời sống, kinh tế và xã hội toàn cầu .

Một xu hướng khác được ghi nhận là vai trò của công nghệ trong thời kỳ đại dịch. Những công nghệ này đã tạo ra sự khác biệt, có thể nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng ban đầu để tham gia hỗ trợ quá trình kiểm soát, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Một ví dụ điển hình như thành phố Florence - Italia, các cảm biến và camera được sử dụng để theo dõi giao thông được chuyển đổi để giám sát quá trình tuân thủ các biện pháp phong tỏa. Ở thành phố Newdeli hay Newcastle, trung tâm điều hành tập trung đa nhiệm đô thị thông minh đã chuyển đổi một phần công năng để trở thành Trung tâm chỉ huy chuyên dụng phòng chống đại dịch, cung cấp thông tin cập nhật, kiến thức – kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy một số thay đổi này có thể chỉ mang tính tạm thời, nhưng một số xu hướng như việc tiếp tục sử dụng các cảm biến công cộng và camera quản lý giao thông đã được lên kế hoạch kéo dài.

Tiềm năng của các thành phố thông minh - Động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi

Thành phố thông minh - hay ý tưởng về các thành phố tận dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và đạt được các mục tiêu bền vững - đã trở nên phổ biến trong các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Trong đại dịch Covid-19, các đô thị đã sử dụng rộng rãi các loại giải pháp này để chuyển đổi công năng góp phần quản lý đại dịch tốt hơn. Hơn thế nữa, một số giải pháp thông minh đã và đang chứng tỏ những tiềm năng nhất định sẽ được tiếp tục nâng cấp, sử dụng và phát triển tại các thành phố trong thế giới hậu Covid.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá tác động của đại dịch đối với sự phát triển bền vững đô thị và thành phố thông minh, các quan chức đô thị trên khắp thế giới đã thừa nhận những thất bại, nhưng vẫn kiên quyết trong sứ mệnh triển khai các giải pháp thành phố thông minh do những lợi ích kinh tế đã được công nhận từ quá trình số hóa. Một điển hình, thành phố Vancouver, giải pháp chiếu sáng bằng đèn LED thông minh đã minh chứng hiệu quả trong tiết kiệm chi phí và năng lượng trong thời gian qua và vẫn được tiếp tục triển khai nhân rộng theo kế hoạch. Động lực này là điểm nhấn trong các dự báo về chi tiêu cho đô thị thông minh trong 5 năm tới được ước tính quy mô thị trường toàn cầu đạt 820,7 tỷ USD vào năm 2025. Do hậu quả của đại dịch, chi tiêu của thành phố dự kiến ​​sẽ giảm trong năm tới, các kế hoạch phục hồi cấp quốc gia và khu vực có thể giúp thúc đẩy các khoản đầu tư bền vững của địa phương.

Bên cạnh đó, một số dự án thành phố thông minh và bền vững đã bị bỏ rơi khi đại dịch bắt đầu. Điển hình nhất là dự án đô thị thông minh đã bị loại bỏ ở Toronto - Canada, được dẫn đầu bởi công ty SideWalk Labs của Alphabet, Inc (công ty mẹ của Google). Căng thẳng kinh tế do đại dịch Covid-19 được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của dự án, mặc dù trước đó khi đại dịch bắt đầu, bản thân dự án này đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của công chúng.

Các gói ngân sách phục hồi kinh tế - Động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi

Động lực mới cho các thành phố thông minh có thể được chuyển sang thông qua các gói phục hồi kinh tế lớn nhằm thúc đẩy đồng thời tăng trưởng kinh tế và việc làm. Xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng có thể đồng thời đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và khí hậu để cải thiện quản lý tài nguyên và giảm lượng khí thải carbon.

“Kế hoạch việc làm của Mỹ ” được đề xuất (nhưng chưa được thông qua) đã đưa ra tầm nhìn sửa chữa nền kinh tế Mỹ thông qua việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng trong nước. Kế hoạch này bao gồm tập trung vào các công nghệ thông minh để cải thiện giao thông và quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các chuyên gia đề nghị nguồn vốn này nên được tập trung một phần vào việc phát triển các thành phố thông minh vì chúng có tiềm năng cải thiện hiệu quả đô thị, thúc đẩy hoạt động kinh tế và thúc đẩy tính bền vững.

Ở bên kia Đại Tây Dương, Ủy ban Châu Âu đã kết hợp gói ngân sách phục hồi “Thỏa thuận Xanh Châu Âu” để kết hợp tăng trưởng kinh tế với các biện pháp bền vững. Điều này nhằm mục đích cải thiện (trong nhiều các mục tiêu khác) tính bền vững của các thành phố thông qua các công nghệ “thông minh” khác nhau, đặc biệt là di chuyển thông minh. Với 621 tỷ USD đầu tư được đề xuất từ Mỹ để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và tăng cường khả năng phục hồi thông qua cải thiện các dịch vụ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (trong tổng số hơn 2 nghìn tỷ đô la tài trợ tương lai cho các hoạt động khác). Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu đã thiết lập một kế hoạch khôi phục 750 tỷ euro, được gọi là “Thế hệ tiếp theo của Liên minh Châu Âu - Next Generation EU”. Trong đó ngân sách ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ số bao gồm: số hóa cơ quan hành chính công (~ 36%) và doanh nghiệp (~ 17%) (xem hình 2).

Ngoài ra, thành phố London và năm thành phố khác của châu Âu đã đầu tư 250 triệu euro vào các công nghệ thông minh thông qua chương trình “Các thành phố chia sẻ”, quy tụ 34 đối tác từ khắp các chính phủ, ngành công nghiệp và học viện để thử nghiệm và mở rộng quy mô việc sử dụng công nghệ thông minh. Các khoản đầu tư chiến lược và mô hình kinh doanh sáng tạo sẽ là chìa khóa để mở rộng thành công việc sử dụng công nghệ này trong tương lai.

Hình 2: Ngân sách EU 2021-2027 và kế hoạch phục hồi

“Kế hoạch phục hồi và ứng phó kinh tế xã hội” của Ghana đã vạch ra một chương trình phục hồi bền vững, được củng cố bằng việc tăng cường tiếp cận công nghệ. Với giải pháp được đề xuất là thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế, như thương mại điện tử.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia nổi bật nhờ cam kết 100% kinh phí phục hồi là “kinh tế xanh”, hoặc nhằm cải thiện đồng thời các điều kiện môi trường.

Do đó, các nỗ lực phục hồi được coi là phương tiện vừa để khắc phục các tác động tiêu cực của Covid-19 đến kinh tế và xã hội. Thông qua các khoản đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai, vừa là một cách để tăng cường tính bền vững và đáp ứng các mục tiêu liên quan.

Các chính sách mới nhắm đến sự kết hợp phục hồi và kích thích kinh tế, tài trợ mạnh mẽ hơn cho các biện pháp bền vững, hỗ trợ số hóa và vai trò ngày càng tăng của các thành phố trong quá trình theo đuổi những nỗ lực này. Do đó, các gói khôi phục Covid-19 có tiềm năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi đô thị thông minh và bền vững. Do hậu quả của đại dịch, các thành phố dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với khả năng suy giảm tài chính dẫn đến sự phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ngân sách quốc gia và các nhà hoạch định chính sách trong quá trình hướng dẫn, ra quyết định và cấp vốn cho các dự án đô thị thông minh. Chú trọng đến bình đẳng sẽ đảm bảo tất cả người dân đều cảm nhận được những nỗ lực phục hồi, sự ưu tiên giải quyết trước cho các khu vực nghèo hơn để có thể tạo ra những hiệu ứng ảnh hưởng tích cực về kinh tế và phúc lợi nói chung.

Hướng tới tương lai với chuyển đổi đô thị thông minh và bền vững

Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, mặc dù cùng một lúc, một số dự án xây dựng đô thị thông minh đã thất bại hoặc đã bị hủy bỏ, nhưng tầm quan trọng của các thành phố trong quá trình khống chế - kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ giải quyết khủng hoảng khí hậu và phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19 là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đô thị thông minh và bền vững. Tuy nhiên, với ngân sách ít đi hoặc đã cạn kiệt của nhiều đô thị sau hơn gần 2 năm để khống chế, quản lý dịch bệnh, các gói phục hồi kinh tế quốc gia do Chính phủ hay do các khu vực tài khác trợ nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi bền vững có thể là nguồn đầu tư quan trọng tiếp theo cho các dự án xây dựng đô thị thông minh. Chính sự hợp tác quy mô giữa Chính phủ, các địa phương và các đô thị sẽ một đóng vai trò then chốt.

Cuối cùng, trong thời kỳ hậu Covid-19, quá trình chuyển đổi đô thị thông minh chắc chắn sẽ không còn diễn ra một cách tự phát. Ở cấp quốc gia, và đặc biệt là ở cấp địa phương, với các kế hoạch và chiến lược toàn diện sẽ có những định hướng tiếp theo cho quá trình thực hiện để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng.

                                                                                    Lê Việt Hưng    

                                                  

Tài liệu tham khảo

https://ec.europa.eu/info/strategy/recovery-plan-europe_en

https://www.csis.org/blogs/strategic-technologies-blog/lessons-pandemic-future-smart-cities

https://www2.deloitte.com/global/en/pages/about-deloitte/press-releases/as-cities-recover-from-covid-19-trends-emerge-to-guide-urban-transformation-deloitte-global-report.html

https://www.forbes.com/sites/deloitte/2021/08/30/urban-transformation-post-pandemic-not-business-as-usual/?sh=22f3e74f34f1