Đang xử lý.....

Công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology) và ứng dụng thực tiễn ban đầu  

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 các quốc gia đang áp dụng, thử nghiệm các công nghệ mới, các công nghệ làm thay đổi nhận thức và tác động sâu sắc tới cách điều hành Chính phủ của các nước...
Thứ Năm, 27/12/2018 2070
|

Các Chính phủ áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào trong khu vực công như dữ liệu lớn, điện toán đám mây…, từ những công nghệ này đã làm cho xã hội thay đổi, người dân và doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ những dịch vụ trực tuyến đem lại, các dịch vụ được cung cấp phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và đáp ứng nhanh hơn, cụ thể hơn, chất lượng hơn với chi phí thấp hơn và không làm mất nhiều thời gian của người sử dụng. Việc áp dụng công nghệ mới là đòi hỏi tất yếu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và cao hơn là Chính phủ số. Chính vì lẽ đó các nhà khoa học hàng đầu của Chính phủ Anh đã đưa ra tại một báo cáo có tựa đề “Distributed Ledger Technology - Beyond Blockchain” được hiểu là Công nghệ sổ cái phân tán: vượt xa công nghệ chuỗi khối. Trong đó, nhấn mạnh công nghệ này có thể là cuộc cách mạng hóa các dịch vụ ở trong và ngoài Chính phủ. Công nghệ sổ cái phân tán là một cơ sở dữ liệu có thể ghi lại các tài sản tài chính, vật chất hoặc điện tử một cách an toàn để chia sẻ qua mạng thông qua các cập nhật thông tin hoàn toàn công khai, minh bạch. Hiện hữu đầu tiên của Công nghệ sổ cái phân tán là 'Blockchain' vào năm 2008, công nghệ Blockchain đã đẻ ra các hệ thống tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Công nghệ này hiện đã phát triển thành một loạt các mô hình có thể được áp dụng cho các vấn đề kinh doanh khác nhau và cải thiện đáng kể việc chia sẻ thông tin.

Ví dụ, một giao dịch tiền tệ kỹ thuật số mới sẽ được ghi lại và truyền tới một mạng trong một khối dữ liệu, được xác nhận lần đầu bởi các thành viên mạng và sau đó được liên kết với một chuỗi khối hiện có theo cách chắp thêm vào, do đó tạo ra một Blockchain. Khi chuỗi tuyến tính phát triển là khi các khối mới được thêm vào, các khối trước đó không thể bị thay đổi bởi bất kỳ thành viên mạng nào tham gia. Lưu ý rằng không phải tất cả sổ cái phân tán đều cần phải sử dụng công nghệ chuỗi khối và ngược lại, công nghệ chuỗi khối có thể được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Công nghệ sổ cái phân tán có thể cung cấp cho Chính phủ các công cụ mới để giảm gian lận, bị lỗi và chi phí cho các quy trình thủ tục hành chính sử dụng giấy. Nó cũng có khả năng cung cấp những cách thức mới để đảm bảo quyền sở hữu, xuất xứ cho hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Công nghệ sổ cái phân tán có tiềm năng giúp Chính phủ thu thuế, mang lại nhiều lợi ích trong việc cung cấp dịch vụ như: cấp hộ chiếu, đăng ký đất đai, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa và thường đảm bảo tính toàn vẹn của hồ sơ, dịch vụ của Chính phủ. Trong các ứng dụng dịch vụ về sức khỏe của ngành Y tế, công nghệ có thể cung cấp tiềm năng về việc cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bằng cách cải tiến việc xác thực việc cung cấp dịch vụ và chia sẻ hồ sơ một cách an toàn theo các quy định, quy tắc một cách chính xác theo yêu cầu đề ra. Đối với người tiêu dùng của tất cả các dịch vụ này, công nghệ cung cấp tiềm năng, theo hoàn cảnh, cho người sử dụng cá nhân có thể kiểm soát quyền truy cập và biết được ai đã truy cập vào hồ sơ cá nhân của mình. Các phương pháp quản lý dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu cá nhân, thường liên quan đến các hệ thống công nghệ thông tin lớn hiện có và nằm trong một tổ chức, đơn vị duy nhất. Chính vì điều đó sẽ làm tăng chi phí, phức tạp khi thêm vào những kết nối hệ thống mạng và nhắn tin để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Các hệ thống thường triển khai tập trung nên xảy ra các sự cố lớn sẽ gây ra tốn kém, chi phí lớn, chúng có thể dễ bị tấn công mạng, dữ liệu thường không đồng bộ, lỗi thời hay đơn giản là không chính xác.

Ngược lại các sổ cái phân tán vốn dĩ đã khó tấn công hơn vì thay bằng chỉ có một cơ sở dữ liệu duy nhất thì lại có rất nhiều bản sao dùng chung của cơ sở dữ liệu này, do đó, một cuộc tấn công mạng muốn thành công sẽ phải tấn công tất cả các bản sao cùng lúc. Công nghệ này cũng có khả năng chống lại sự thay đổi trái phép hoặc giả mạo độc hại, trong đó, những người tham gia trong mạng sẽ ngay lập tức phát hiện một sự thay đổi đối với một phần của sổ cái. Thêm vào đó, các phương thức bảo mật thông tin được cập nhật có nghĩa là người tham gia có thể chia sẻ dữ liệu và tự tin rằng tất cả các bản sao của sổ cái tại bất kỳ thời điểm nào phù hợp với nhau. Nhưng điều này không có nghĩa là các sổ cái được phân tán là không thể bị tấn công mạng, bởi vì về nguyên tắc bất kỳ ai có thể tìm cách để 'hợp pháp' sửa đổi một bản sao sẽ sửa đổi tất cả các bản sao sổ kế toán. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh của sổ cái phân phối là một nhiệm vụ quan trọng và là một phần của thách thức chung về bảo đảm an ninh của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mà hiện nay các xã hội hiện đang phụ thuộc.

Một số quốc gia trên thế giới đang bắt đầu áp dụng công nghệ sổ cái phân tán để tiến hành triển khai trong Chính phủ điện tử. Một dạng công nghệ sổ cái phân tán được gọi là Cơ sở hạ tầng Chữ ký Keyless (KSI), được phát triển bởi một công ty Estonia Guardtime và đã được thí điểm triển khai trong phát triển chính phủ điện tử. KSI cho phép người dân xác minh được tính toàn vẹn của hồ sơ của họ trên cơ sở dữ liệu của Chính phủ. Nó cũng đảm bảo an toàn trong trường hợp những người được giao nhiệm vụ, có đặc quyền thực hiện các hành vi bất hợp pháp bên trong các mạng lưới Chính phủ. Khả năng đảm bảo với công dân rằng dữ liệu của họ được tổ chức một cách an toàn và chính xác đã giúp quốc gia đó khởi động cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số như Đăng ký Kinh doanh điện tử và Thuế điện tử. Điều này làm giảm gánh nặng hành chính đối với tiểu bang và công dân.

          Cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng đánh giá cao khả năng công nghệ sổ cái phân tán có thể cung cấp những cách thức mới để đảm bảo quyền sở hữu, xuất xứ cho hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Ví dụ, công ty Everledger cung cấp sổ cái phân tán đảm bảo nguồn gốc, danh tính của kim cương, được khai thác, cắt để bán và được bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật. Trong một thị trường có mức độ giả mạo giấy tương đối cao, nó làm cho phân phối một cách hiệu quả hơn và có khả năng làm giảm gian lận, ngăn chặn 'kim cương máu' xâm nhập vào thị trường’.

          Một thách thức quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng của công nghệ mới này là các nhà hoạch định chính sách chưa hiểu đúng giá trị và tầm quan trọng của nó để đưa ra các hướng dẫn, áp dụng cho công chúng, doanh nghiệp biết và sự hiệu quả của nó để sử dụng, ứng dụng trong các lĩnh vực thực tiễn. Trên thực tế, công nghệ sổ cái và cơ sở dữ liệu được chia sẻ, ứng dụng vào Chính phủ và các dịch vụ tài chính sẽ đem lại lợi ích, hiệu quả to lớn nhờ bốn đặc tính quan trọng của công nghệ chuỗi khối sau:

1) Thống nhất thông qua mã hóa: Các thông tin (tin nhắn) trao đổi giữa tổ chức với Chính phủ được thực hiện qua các giao dịch điện tử. Sau khi tổ chức nhận được thông tin sẽ cập nhật vào sổ cái của riêng tổ chức mình, tuy nhiên, các thông tin đó không kiểm tra được tính khớp nhau giữa các bản sao thông tin. Với công nghệ chuỗi khối có thể giải quyết vấn đề này theo một số cách: bằng cách cùng chia sẻ dữ liệu cơ bản, ví dụ như cung cấp các điểm bằng chứng để xác minh dữ liệu. Cách tiếp cận này cũng có thể áp dụng cho bộ dữ liệu của Chính phủ (ví dụ: Proof of Work, Proof of Stake).

2) Nhân rộng cho nhiều tổ chức: Mỗi tổ chức có thể có một phần của bản sao dữ liệu hoặc tất cả dữ liệu, điều đó làm cho khó có khả năng xảy ra bị lỗi ở một điểm mà anh hưởng đến dữ liệu. Nhân rộng là một thách thức lớn đối với với các công nghệ dữ liệu hiện tại, tạo ra nhiều chi phí và sự phức tạp trong các dự án CNTT của các đơn vị và Chính phủ. Lợi ích của công nghệ này chính là sự xác nhận, đối chiếu của các tổ chức khác nhau nếu hồ sơ tại một sổ cái bị tổn hại, phần còn lại thì không.

3) Kiểm soát truy cập chi tiết: Sổ cái được phân phối sử dụng chìa khóa và chữ ký để kiểm soát những ai có thể được làm những gì bên trong sổ cái đã được chia sẻ. Các khóa này được kiểm soát, chỉ định các khả năng của người truy cập trong phạm vi nhất định trong sổ cái. Ví dụ, Người quản lý có thể ‘khóa chế độ xem’ và cho phép xem tất cả các giao dịch của một tổ chức nhưng chỉ khi người quản lý đó có quyền sở hữu (có quyền kiểm soát) mới được làm như vậy.

4) Tính minh bạch và bảo mật chi tiết: Do nhiều bên có được bản sao của sổ cái (điểm 1) và nhiều bên có thểkiểm chứng được bản ghi (điểm 2), nên sổ cái được chia sẻ có tính minh bạch, công khai ở mức độ cao. Điều này cho phép một cơ quan quản lý hoặc một cơ quan độc lập, ví dụ, như cơ quan tư pháp có thể chắc chắn rằng nội dung của cơ sở dữ liệu không bị chỉnh sửa hoặc sửa đổi bằng bất kỳ hình thức gian lận nào. Trong điều kiện thích hợp, điều đó cũng cho phép họ mở khóa các bản ghi, nếu không như vậy thì những bản ghi này hoàn toàn riêng tư và không thể xem được. Điều đó có thể hữu ích đối với các doanh nghiệp (ví dụ như ngân hàng) trong báo cáo pháp lý, phòng chống gian lận của họ và thậm chí có thể trao quyền cho người dân yêu cầu giải trình của Chính phủ. Các bản ghi được thêm chữ ký mã hóa duy nhất để chứng minh đúng người tham gia đã bổ sung đúng bản ghi theo đúng quy tắc.

Kết luận: Trong làn sóng hòa nhập, bắt kịp thời đại công nghệ 4.0 các tổ chức cần xác định rõ và đưa ra các chiến lược áp dụng công nghệ mới nói chung hay công nghệ sổ cái phân tán nói riêng vào hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của tổ chức mình. Công nghệ sổ cái phân tán đã được nhiều nước phát triển ứng dụng trong xây dựng chính phủ điện tử. Những ứng công nghệ sổ cái phân tán sẽ giúp chính phủ thu thuế, mang lại nhiều lợi ích trong việc cung cấp dịch vụ như: cấp hộ chiếu, đăng ký đất đai, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa và thường đảm bảo tính toàn vẹn của hồ sơ, dịch vụ của chính phủ. Nhờ đặc điểm của công nghệ sổ cái phân tán nên mỗi dịch vụ được triển khai của chính phủ sẽ đảm bảo được tính minh bạch và an toàn bảo mật, kiểm soát được những người truy cập, nhân rộng dữ liệu tránh bị lỗi mà không sử dụng được và cuối cùng là có thể thống nhất mã hóa để thực hiện các giao dịch điện tử giữa các cơ quan trong Chính phủ.

Để áp dụng công nghệ này, cần có các nghiên cứu, triển khai thử nghiệm công nghệ sổ cái phân tán cho các lĩnh vực, ứng dụng đã được các nước triển khai. Các cơ quan, tổ chức cần có các phân tích, đánh giá các dịch vụ mình cung cấp để có thể chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ phân sổ cái tán vào việc cung cấp dịch vụ trong tương lai. Ở cấp quốc gia nên hỗ trợ về chính sách, tài chính ứng dụng thử nghiệm công nghệ sổ cái phân tán trong khu vực công để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn từ những tiềm năng, hiệu quả của công nghệ mới này đem lại.

Bùi Hồng Hiếu

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo của các nhà khoa học tư vấn hàng đầu của chính phủ Anh: “Distributed Ledger Technology - Beyond Blockchain”.

- Báo cáo của Tổ chức ngân hàng thế giới về công nghệ sổ cái phân tán.

- Cổng thông tin điện tử của chính phủ Anh tại địa chỉ: https://www.gov.uk

- Trên cổng thông tin bách khoa tại địa chỉ: https://en.wikipedia.org/wiki/Distributed_ledger