Đang xử lý.....

Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ  

Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ xác định mục tiêu “trao quyền cho người dân bằng các công cụ kỹ thuật số và biến Ấn Độ thành một xã hội số”. Ấn Độ là một quốc gia tại Nam Á, là quốc gia lớn thứ bảy về diện tích, và đông dân thứ 2 trên thế giới với trên 1,38 tỷ người. Ấn Độ có nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới theo GDP năm 2018. Sau các cải cách kinh tế dựa trên cơ sở thị trường vào năm 1991, Ấn Độ trở thành một trong số các nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh và được nhận định là một nước công nghiệp mới.
Thứ Năm, 08/09/2022 467
|

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016-2017, Ấn Độ đứng thứ 130 trên 197 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số phát triển con người của Liên Hợp quốc năm 2018 và được xếp vào nhóm có chỉ số phát triển trung bình.

Nội dung Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ

Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ là một chương trình có sự tham gia của nhiều bộ, ngành kết hợp với những ý tưởng và suy nghĩ lớn thành một tầm nhìn toàn diện, duy nhất. Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ được ban hành bởi Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ (DeitY), có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 đã xác định mục tiêu “trao quyền cho người dân bằng các công cụ kỹ thuật số và biến Ấn Độ thành một xã hội số”. Chiến lược này bảo đảm rằng các dịch vụ của chính phủ luôn có sẵn cho công dân điện tử, tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ Internet tốc độ cao cho người dân và các dịch vụ có sẵn theo thời gian thực trên nền tảng trực tuyến và di động.

Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ đã xác định 03 mục tiêu chính:

1. CƠ SỞ HẠ TẦNG. Đối với mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ bảo đảm (1) cung cấp các dịch vụ Internet tốc độ cao; (2) dễ dàng truy cập Trung tâm dịch vụ công cộng; (3) nhận dạng số trọn đời; (4) bảo đảm an toàn và bảo mật không gian mạng; (5) người dân dễ dàng tham gia vào không gian tài chính và không gian số thông qua điện thoại di động và tài khoản ngân hàng.

2. QUẢN TRỊ VÀ DỊCH VỤ THEO YÊU CẦU. Đối với mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ bảo đảm (1) các dịch vụ được tích hợp liền mạch giữa các phòng ban trong khu vực công; (2) các dịch vụ có sẵn theo thời gian thực từ các nền tảng trực tuyến và di động; (3) Mọi quyền lợi của người dân được có sẵn trên đám mây; (4) thực hiện giao dịch tài chính điện tử và không dùng tiền mặt; (5) tận dụng hệ thống thông tin không gian địa lý GIS để phục vụ việc phát triển và ra quyết định.

3. TRAO QUYỀN KỸ THUẬT SỐ CHO NGƯỜI DÂN. Đối với mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ thực hiện các giải pháp (1) phổ cập kỹ năng số cho người dân Ấn Độ; (2) cung cấp các tài nguyên số được truy cập phổ biến; (3) cung cấp các tài nguyên hoặc dịch vụ số bằng tiếng Ấn Độ; (4) xây dựng nền tảng số hợp tác có sự tham gia của người dân để phục vụ các hoạt động quản trị.

Các dự án lớn theo Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ được xác định như sau:

Hình 1. Các dự án theo Chiến lược Chuyển đổi số Ấn Độ

1) Sản xuất thiết bị điện tử. Hãy tưởng tượng một quốc gia nơi mà bạn có thể tự sản xuất sản phẩm, thiết bị điện tử của mình mà không cần nhập khẩu từ các nước khác? Sản xuất thiết bị điện tử ở Ấn Độ và không cần nhập khẩu từ quốc gia khác là một sáng kiến đầy thách thức. Trụ cột này tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất thiết bị điện tử trong nước với mục tiêu Nhập khẩu ròng bằng không. Chính phủ Ấn Độ tập trung vào việc không nhập khẩu hàng điện tử của quốc gia khác. Để đạt được điều này, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp như:

  • Khuyến khích, đánh thuế, loại bỏ các bất lợi về chi phí và tính kinh tế theo quy mô để mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất địa phương.
  • Thúc đẩy sản xuất đồng hồ năng lượng thông minh, các máy ATM siêu nhỏ, điện thoại di động, thiết bị điện tử y tế và điện tử tiêu dùng.
  • Thực hiện các chương trình cải tiến.

2) Chương trình truy cập Internet công cộng. Chương trình Truy cập Internet công cộng là một trong những sáng kiến quan trọng nhất thuộc 9 trụ cột của sứ mệnh Chuyển đổi số Ấn Độ. Chương trình này nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ truy cập kỹ thuật số cho người dân Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ các dịch vụ Internet tới 25.000 ngôi làng vào tháng 3 năm 2017 và 1.500 bưu cục trong hai năm từ năm 2018 đến năm 2019. Những bưu cục này sẽ trở thành trung tâm đa dịch vụ cho người dân. Tính đến hết năm 2021, Ấn Độ đã cung cấp các dịch vụ Internet tới khoảng 43 vạn bưu cục.

3) Cung cấp các dịch vụ băng thông rộng. Băng thông rộng tốc độ cao là một trong 9 trụ cột của Chiến lược chuyển đổi Ấn Độ nhằm kết nối các khu vực nông thôn với băng thông rộng, cải thiện băng thông rộng ở các khu vực thành thị và tích hợp cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đưa mạng cáp quang quốc gia đến tất cả các làng.

  • Đối với khu vực Nông thôn: Kết nối băng thông rộng cho tất cả các vùng nông thôn. Chính phủ đặt mục tiêu kết nối 250.000 ngôi làng và tiếp tục lan rộng theo chương trình Bharat Net.
  • Đối với khu vực Đô thị: Chính phủ tăng cường nâng cao chất lượng kết nối băng thông rộng trong các khu vực đô thị thông qua việc cấp giấy phép cho nhiều nhà khai thác cung cấp dịch vụ hoặc Nhà khai thác mạng ảo VNO (Virtual Network Operators).
  • NII: NII là viết tắt của Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia (National Information Infrastructure) nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ băng thông rộng chất lượng cao cho các lĩnh vực, bao gồm giáo dục, y tế, tài chính…, để đóng góp vào sứ mệnh Chuyển đổi số Ấn Độ.

4) Truy cập kết nối di động dễ dàng. Năm 2021, Chính phủ Ấn Độ thực hiện cung cấp các truy cập kết nối di động để bảo đảm rằng tất cả các làng được bao phủ mạng di động, tăng cường tỷ lệ thuê bao và giảm vùng lõm của mạng di động.

  • Theo thông tin do Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin MeitY (Ministry of Electronics and Information Technology) cung cấp, đến tháng 2 năm 2021, sẽ có khoảng 37.439 ngôi làng ở Ấn Độ không được phủ sóng Internet. Sáng kiến này đang nỗ lực để mở rộng phạm vi phủ sóng Internet tại các thị trấn và làng mạc của Ấn Độ.
  • Khu vực nông thôn thường bị bỏ rơi khi nói đến các dịch vụ di động. Nó dẫn đến sự tham gia hạn chế của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet khu vực tư nhân, khiến sứ mệnh Chuyển đổi số Ấn Độ trở nên khó khăn ở nhiều vùng của Ấn Độ.

5) Quản trị điện tử tốt. Cải cách chính phủ thông qua công nghệ theo Chương trình Chuyển đổi số Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cải thiện quy trình và phân phối dịch vụ thông qua Quản trị điện tử với Hệ thống cấp số định danh duy nhất UIDAI, cổng thanh toán, EDI và nền tảng di động. Chứng chỉ bằng cấp, thẻ ID cử tri sẽ được cung cấp trực tuyến, nhằm mục đích kiểm tra dữ liệu nhanh hơn.

Hình 2. Cải cách chính phủ thông qua công nghệ theo Chương trình Chuyển đổi số Ấn Độ

  • Các Sở và Bộ tại Ấn Độ đang triển khai công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ của chính phủ hiệu quả hơn.
  • Chính phủ số hóa dữ liệu thông qua việc triển khai các công nghệ và hướng dẫn như: tiện ích theo dõi và ứng dụng trực tuyến, biểu mẫu được thực hiện dễ dàng bằng cách giảm bớt các trường thông tin không cần thiết.
  • Cung cấp tài liệu đơn và an toàn. Chính phủ Ấn Độ sử dụng Giao diện lập trình ứng dụng API mở (Application Programming Interface) để gửi dữ liệu, sử dụng các Hệ thống cấp số định danh duy nhất UIDI như Adhaar để nhận dạng và cung cấp tất cả các cơ sở dữ liệu dưới dạng điện tử.

6) Đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin trong công việc. Lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển ở Ấn Độ với tốc độ nhanh chóng. Trụ cột này nhằm mục đích cung cấp các kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ ở Ấn Độ. Chính phủ tập trung đào tạo các kỹ năng về công nghệ thông tin cho:

  • Những sinh viên sống ở các thị trấn nhỏ và làng mạc trong 5 năm để giúp họ có được việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
  • Số hóa các bang ở Đông Bắc Ấn Độ bằng cách cung cấp các dịch vụ tăng trưởng hỗ trợ CNTT-TT và thiết lập các dịch vụ thuê ngoài BPO (Business Process Outsourcing) để tạo điều kiện, sử dụng, đánh giá và cung cấp các dịch vụ dưới dạng điện tử.
  • Đào tạo ba vạn dịch vụ cung cấp, đại lý.

7) e-Kranti. Chính phủ Ấn Độ cung cấp các dịch vụ điện tử về sức khỏe, giáo dục, nông dân, tư pháp, an ninh và tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

  • Sứ mệnh của e-Kranti là thay đổi cách người dân tương tác với các dịch vụ của chính phủ bằng cách bảo đảm rằng tất cả các dịch vụ đều có thể được cung cấp dưới dạng điện tử.
  • Việc số hóa khả năng cung cấp dịch vụ của chính phủ hiệu quả hơn, minh bạch hơn và đáng tin cậy hơn.
  • Sứ mệnh thúc đẩy các công nghệ mới nổi để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ điện tử của chính phủ.

8) Công nghệ thông tin cho tất cả mọi người. Sứ mệnh “Công nghệ thông tin cho tất cả mọi người” thuộc 9 trụ cột của Chuyển đổi số Ấn Độ nhằm mục đích phá vỡ rào cản giữa các dịch vụ của chính phủ để rút ngắn khoảng cách giao tiếp giữa Chính phủ và người dân. Ý tưởng đã trở thành hiện thực khi người dân có thể nhận được mọi thông tin mà họ cần ở một nơi, chỉ với một vài cú nhấp chuột hoặc chạm trên màn hình điện thoại của họ! Vào năm 2020, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đào tạo khoảng 10 triệu sinh viên từ các thị trấn và làng mạc nhỏ cho ngành công nghệ thông tin, và thành lập các khu vực BPO ở các bang Đông Bắc. Mục tiêu là lưu trữ dữ liệu trực tuyến và cung cấp các nền tảng truyền thông xã hội. Thông tin, dữ liệu được truy cập dễ dàng đối với người dân. MyGov.in là một trang web của chính phủ cung cấp giao tiếp 2 chiều giữa công dân và chính phủ. Dựa vào website này, người dân có thể gửi đề xuất của họ và nhận xét về các vấn đề khác nhau được đưa ra bởi chính phủ.

  • Chính phủ sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau để công dân Ấn Độ nhận được các thông báo về các dịch vụ và sáng kiến.
  • Chính phủ sử dụng e-mail, Telegram và tin nhắn văn bản làm nền tảng để cung cấp thông tin.
  • Lưu trữ trực tuyến tài liệu và thông tin: Với sự phong phú của thông tin trên web toàn cầu ngày nay, điều quan trọng là bảo đảm rằng mọi người đều có quyền truy cập. Lưu trữ tài liệu và tệp trực tuyến sẽ giúp công dân dễ dàng truy cập nguồn mở và khuyến khích họ tìm kiếm sự thật một cách dễ dàng và thuận tiện!

9) Xây dựng các chương trình giáo dục: Chính phủ Ấn Độ (1) xây dựng kế hoạch thiết lập các thiết bị Wi-Fi ở tất cả các trường đại học trên toàn quốc; (2) triển khai hệ thống chấm điểm sinh trắc học Aadhar tại tất cả các Văn phòng Chính phủ Trung ương.

Kết luận

Chuyển đổi số là con đường để tiến về phía trước. Ấn Độ đã xây dựng thành công Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia thông qua các giải pháp công nghệ thông tin mới trong nhiều lĩnh vực và đưa Ấn Độ trở thành một xã hội số, trao quyền cho người dân bằng kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn Chuyển đổi số đến năm 2025 đưa đất nước trở thành nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Với dân số trẻ và năng động, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu Chuyển đổi số đã đặt ra.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Digital India

https://digitalindia.gov.in/content/introduction

[2] https://digitalindiainsight.com/9-pillars-of-digital-india/