Mục đích và cách tiếp cận của công cụ ODRA
Công cụ ODRA đã được thiết kế nhằm hỗ trợ Ngân hàng Thế giới và các đối tác xác định và ưu tiên các hành động trong chương trình dữ liệu mở và xác định các giải pháp cần can thiệp để áp dụng một cách hiệu quả nhất. Công cụ đã được thiết kế đặc biệt để cho phép đánh giá một cách nhanh chóng để đáp ứng các yêu cầu này. Tuy nhiên, các tác giả hy vọng rằng bộ công cụ sẽ phục vụ như một công cụ hữu ích cho những người khác sử dụng hoặc là định hướng cho sự phát triển của các công cụ, quy trình đánh giá khác bám sát hơn nhu cầu địa phương. Khung đánh giá mức độ sẵn sàng đã được thiết kế để hỗ trợ đánh giá và định hướng hành động liên quan đến sự sẵn sàng của chính quyền các nước, khu vực hoặc địa phương - hoặc thậm chí là một cơ quan tư nhân, một khu vực riêng lẻ - để đánh giá, thiết kế và thực hiện chương trình dữ liệu mở.
Đối với Ngân hàng Thế giới, chương trình dữ liệu mở không chỉ đơn giản là thiết kế và ra mắt cổng dữ liệu mở. Thay vào đó, một chương trình nên nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái dữ liệu mở một cách năng động, phát triển mạnh mẽ cả việc cung cấp và tái sử dụng dữ liệu mở, thúc đẩy sự đổi mới của nhiều bên liên quan. Kinh nghiệm giữa các chính phủ được xếp hạng cao đã chứng minh rằng các chương trình dữ liệu mở bền vững và có tác động cao hơn khi các nỗ lực của dữ liệu mở sử dụng cách tiếp cận "hệ sinh thái" - có nghĩa là các chính phủ không chỉ đầu tư vào việc cung cấp dữ liệu mà còn giải quyết khung chính sách/pháp lý, sự sẵn sàng của thể chế, nâng cao năng lực, sự tham gia của người dân, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng công nghệ. Các chính phủ cần đóng vai trò đa chiều trong Hệ sinh thái dữ liệu mở và tạo ra các loại quan hệ đối tác mới với nhiều bên liên quan. Do đó, công cụ đánh giá này được xây dựng để giải quyết cả phía cung và cầu của dữ liệu mở.
Mặc dù các câu hỏi phục vụ việc đánh giá được liệt kê có thể được sử dụng trong các bối cảnh khác, việc đánh giá tập trung vào tám khía cạnh quan trọng nhất đã được minh chứng là các hành động ở giai đoạn đầu của một chương trình dữ liệu mở điển hình gồm: (1) quyết tâm chính trị, (2) khung chính sách/pháp lý, (3) khung thể chế, trách nhiệm và năng lực cơ quan nhà nước, (4) chính sách và quy trình quản lý dữ liệu, (5) nhu cầu về dữ liệu mở, (6) sự tham gia và khả năng của người dân đối với dữ liệu mở, (7) tài trợ cho chương trình dữ liệu mở và (8) cơ sở hạ tầng công nghệ.
Việc sử dụng bộ công cụ này cũng cần phải nhận thức rằng không có gì thay thế hoặc được ưu tiên hơn nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân, riêng tư. Về cơ bản, dữ liệu phải được ẩn danh trước khi có thể được phát hành dưới dạng dữ liệu mở. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cũng đưa ra một số ngoại lệ khi so sánh với lợi ích chung (ví dụ công khai tiền lương người có chức trách, công khai những vụ tiền án hình sự). Cơ quan nhà nước cần phải thực hiện các bước thích hợp - có thể bao gồm sự kết hợp của quy định pháp luật, chính sách, quy trình và các biện pháp bảo vệ khác - để đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân có thể nhận dạng cá nhân không được công bố như một phần của chương trình dữ liệu mở.
Chương trình đánh giá
Đối với Ngân hàng Thế giới và các đối tác, việc đánh giá mức độ sẵn sàng dự định sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, thông thường trong vòng ba đến bốn tuần kể từ khi bắt đầu triển khai thực tế và có sự tùy thuộc vào các quốc gia khác nhau. Cụ thể các hoạt động được diễn ra theo trình tự, tuần đầu tiên sẽ nghiên cứu tài liệu và theo dõi các yêu cầu về cung cấp thông tin, tuần này cũng tiến hành xác nhận lịch trình phỏng vấn cho tuần nghiên cứu thực địa. Các đối tác được đánh giá sẽ sắp xếp lịch hẹn và cung cấp thông tin tóm tắt cho người được phỏng vấn. Tuần 2 đến tuần 3 sẽ tiến hành nghiên cứu thực địa bao gồm việc họp nhóm, phỏng vấn, tổ chức cuộc họp chung với những người được phỏng vấn, ngày cuối cùng sẽ trao đổi tóm lược các thông tin về những đánh giá sơ bộ. Tuần 3 đến tuần 4 sẽ tiến hành dự thảo báo cáo đánh giá.
Hình 1: Các nội dung cần quan tâm khi đánh giá mức độ sẵn sàng
Thời gian biểu trên là thời gian thực của tuần làm việc thực tế. Thời gian này không bao gồm thời gian để thỏa thuận bắt đầu công việc, tìm kiếm nguồn tài chính và nhân lực cũng như tìm kiếm và cung cấp các thông tin cần thiết để đưa ra đánh giá. Những khoảng thời gian này rất khác nhau và phụ thuộc vào hoàn cảnh và cam kết khác nhau của các quốc gia. Một thời gian biểu chi tiết phục vụ đánh giá thường qua các mốc như sau: 4 tuần trước khi chính thức triển khai sẽ hoạt động để xác định phạm vi bao gồm thảo luận với đối tác, với các văn phòng đại diện và các bên liên quan khác về các mục tiêu của đánh giá mức độ sẵn sàng và các công cụ sẽ được tiến hành. Tại tuần bắt đầu triển khai sẽ là việc huy động nhóm thực hiện bao gồm xác định những thành viên và kỹ năng cần thiết cho nhóm đánh giá. Tại tuần đầu tiên sau khi chính thức bắt đầu sẽ tập trung chuẩn bị nghiên cứu thực địa bao gồm việc đồng ý về danh sách những người được phỏng vấn được ánh xạ theo từng tiêu chí của việc đánh giá cũng như các thông tin phục vụ đánh giá. Ở 2 tuần tiếp theo sẽ tiến hành các hoạt động đối chiếu và kiểm tra thông tin nhận được. Theo dõi việc cung cấp thông tin và đồng ý lịch trình phỏng vấn cho tuần nghiên cứu thực địa. Đối với các đối tác, sẽ thực hiện các buổi làm việc và cung cấp thông tin tóm tắt cho người được phỏng vấn. Các cá nhân và cơ quan được phỏng vấn, khảo sát sẽ xác nhận các cuộc hẹn và sẵn sàng cho giai đoạn nghiên cứu thực địa. Ở tuần này, các hoạt động hậu cần sẽ được thực hiện để đảm bảo lịch trình của các chuyên gia tư vấn. Ở tuần 4-5 sẽ là tuần nghiên cứu thực địa, buổi đầu tiên sẽ bao gồm tiến hành họp nhóm, phỏng vấn các đối tác và có thể thực hiện một cuộc họp giao ban "khởi động" cho những người được phỏng vấn. Ở buổi cuối cùng của của tuần nghiên cứu thực địa sẽ tổ chức trao đổi những đánh giá sơ bộ ban đầu. Ở các tuần 5-7 sẽ tiến hành theo dõi việc cung cấp thông tin về các yêu cầu đã được đưa ra và đã thống nhất trao đổi tại các cuộc phỏng vấn, đồng thời thời gian này nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành dự thảo báo cáo đánh giá. Tại tuần thứ 8 sẽ tiến hành việc đánh giá bao gồm đánh giá về dự thảo báo cáo và các đối tác, ở tuần thứ 9 sẽ tiến hành hoàn thiện báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng và trình bày đánh giá báo cáo, cũng như tổ chức hội thảo về các bước triển khai tiếp theo.
Các hạng mục và tiêu chí đánh giá
Đối với khung pháp lý và sự quan tâm của những người đứng đầu, bao gồm các nội dung như: Việc ban hành các luật hoặc chính sách hiện hành về tự do thông tin, quyền tiếp cận và truy cập thông tin. Nếu không có các văn bản này thì cần phải có mô tả ngắn gọn về các quy trình hiện hành để cho phép người dân yêu cầu thông tin từ các cơ quan nhà nước. Các văn bản hoặc thông báo kết luận của những người có thẩm quyền đối với dữ liệu mở, yêu cầu đối với dữ liệu mở cơ quan nhà nước. Các văn bản luật hoặc chính sách hiện hành về việc chủ động cung cấp hoặc tái sử dụng thông tin của cơ quan nhà nước. Các văn bản về giấy phép hoặc điều kiện sử dụng dữ liệu của cơ quan nhà nước cũng là một trong những nội dung được đánh giá. Chi tiết về các thỏa thuận cung cấp dữ liệu cụ thể của cơ quan nhà nước cho một công ty nhất định hoặc việc có hay không tính chất độc quyền về các tập dữ liệu nhất định của cơ quan nhà nước. Bất cứ các văn bản pháp luật về bản quyền hoặc các quy định pháp lý thể hiện rõ ai là chủ "sở hữu" dữ liệu của cơ quan nhà nước. Các văn bản pháp luật về thống kê hoặc các văn bản pháp lý tương tự trong đó đề cập các số liệu thống kê nào cần được công bố và hệ thống thống kê được quy định như thế nào cũng là một trong những nội dung được đánh giá. Ngoài ra, việc đánh giá còn liên quan đến các luật hoặc chính sách chính thức về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư. Cuối cùng, bất cứ các văn bản pháp luật nhằm hạn chế việc người dân, doanh nghiệp sử dụng thông tin của cơ quan nhà nước (ví dụ: luật về bí mật, báo chí và truyền thông, quy định Internet, luật về bí mật thương mại) cũng được đánh giá trong nội dung khung pháp lý.
Liên quan đến khung thể chế, rà soát đánh giá các nội dung về các văn bản thể hiện việc quản trị tổng thể kiến trúc, chính sách và ứng dụng công nghệ thông tin, việc xây dựng chức danh Giám đốc thông tin, Giám đốc công nghệ hoặc các công chức chuyên trách có vai trò tương đương trong các cơ quan chủ chốt. Các văn bản thể hiện quy trình thường xuyên phục vụ việc quản lý quá trình triển khai tiếp cận theo hướng tổng thể hay đơn lẻ nhằm đo lường hiệu quả chất lượng cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, các mô tả đối với các chương trình đào tạo chính thức hoặc cơ chế mạng lưới phi chính thức cho các công chức trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu số, sự tham gia của người dân, phương tiện truyền thông xã hội và các kỹ năng khác liên quan đến dữ liệu mở cũng là thành phần được đánh giá. Danh sách về các trang Web, dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ dạng ứng dụng di động của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến dữ liệu số.
Với hạng mục dữ liệu trong cơ quan nhà nước bao gồm việc đánh giá công việc kiểm kê một cách toàn diện hoặc danh sách các dữ liệu mà cơ quan nhà nước đang sở hữu. Các chính sách hoặc quy định chính thức về việc quản lý thông tin, bảo mật dữ liệu, chất lượng dữ liệu, lưu trữ dữ liệu và bảo quản số cũng như các tiêu chuẩn áp dụng trong toàn bộ cơ quan nhà nước cũng được xem xét. Ngoài ra, các quy định hoặc chính sách về mua sắm đề cập đến việc cơ quan nhà nước có nắm quyền sở hữu thông tin được tạo ra hoặc nắm giữ bởi các nhà thầu, trong các quan hệ đối tác công tư hoặc các nhà cung cấp thuê ngoài hay không. Một nội dung quan trọng khác là việc xác định các tập dữ liệu có sẵn ở các cổng dữ liệu mở. Đây là một việc cần nhiều thời gian và không thể hoàn thành nhanh chỉ trong 7-10 ngày, do đó, nhiệm vụ này cần được thực hiện bởi các nhóm đánh giá sơ bộ trước khi thực hiện đánh giá của chuyên gia. Nhóm đánh giá sơ bộ cần xác định các bộ dữ liệu có sẵn, các bộ dữ liệu nên được đánh giá riêng lẻ, tập trung vào cả tính khả thi của việc phát hành và lợi ích của việc công bố. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ này, một danh sách dữ liệu phổ quát cũng cần được ban hành để có sở cứ trong việc đánh giá.
Về nhóm tiêu chí nhu cầu về dữ liệu mở, các đánh giá sẽ tập trung vào đã có những trường hợp thực tiễn nào thể hiện dữ liệu cơ quan nhà nước đã được sử dụng bởi khu vực tư nhân và người dân hay không. Các dữ liệu về số lượng và các nội dung được quy định tại Luật tiếp cận thông tin và các yêu cần liên quan trong giai đoạn cập nhật nhất.
Đối với hạng mục sự tham gia của người dân, các đánh giá sẽ tập trung vào các chính sách của cơ quan nhà nước như sử dụng mạng xã hội trong việc tham gia của người dân. Danh sách các ví dụ thực tiễn về các tổ chức sử dụng công nghệ để trao quyền cho người dân và các giải thưởng trong việc ứng dụng dữ liệu mở. Danh sách các cơ quan thường xuyên tương tác với người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan khác để nhận phản hồi và các yêu cầu đầu vào đối với các dịch vụ, các quyết định, hoạt động thu thập thông tin để tạo các ứng dụng và dịch vụ số cũng là nội dung được xem xét đánh giá. Thông tin về các trường và đại học liên quan đến kỹ thuật và chương trình khoa học máy tính đào tạo và cấp bằng cho các sinh viên tốt nghiệp mỗi năm với bằng cấp kỹ thuật cũng phản ánh mức độ đối với hạng mục này. Ngoài ra, sự tham gia của người dân cũng thể hiện qua danh sách các phương tiện truyền thông liên quan đến chủ đề trên.
Với hạng mục tài trợ cho dữ liệu mở, thông tin về quá trình cấp kinh phí, các nguồn tài trợ tiềm năng cho các chương trình dữ liệu mở bao gồm phát triển và duy trì cổng dữ liệu mở hoặc để phát triển các ứng dụng và dịch vụ điện tử có mức độ ưu tiên cao để thúc đẩy dữ liệu mở. Các thông tin chi tiết khác về cơ chế tài trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo cũng được xem xét để đánh giá. Đối với hạng mục cơ sở hạ tầng, việc đánh giá tập trung vào danh sách các nhà cung cấp dịch vụ internet và di động.
Kết luận
Để xác định được hiện trạng và đề xuất các kế hoạch triển khai tiếp theo về dữ liệu mở, việc nhìn nhận được hiện trạng và mục tiêu cần hướng đến là điều quan trọng. Những bộ công cụ đánh giá với các hạng mục và tiêu chí sẽ giúp cho cơ quan nhà nước nhìn nhận được tổng thể và chi tiết những nội dung để hướng đến mục tiêu. Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở của Ngân hàng Thế giới là một bộ công cụ hữu ích và thiết thực đối với nội dung dữ liệu mở trong giai đoạn hiện nay./.
Nguyễn Huy Kháng
Tài liệu tham khảo
- [Online] // World Bank Open Data. - 2022. - https://data.worldbank.org/.
- Open Data Handbook [Online]. - 2022. - http://opendatahandbook.org/.
- Open Data Policy Hub [Online]. - 2022. - https://sunlightfoundation.com/.
- Open Standards for Data [Online]. - 2022. - https://standards.theodi.org/.
- Readiness Assessment Tool [Online]. - 2022. - http://opendatatoolkit.worldbank.org/en/odra.html.
- Releasing data on data.govt.nz [Online]. - 2022. - https://www.data.govt.nz/catalogue-guide/releasing-data-on-data-govt-nz/.
- The Impact of Open Data – Initial Findings from Case Studies [Online]. - 2022. - https://blog.thegovlab.org/post/the-impact-of-open-data-initial-findings-from-case-studies.
- Using data.govt.nz APIs [Online]. - 2022. - https://www.data.govt.nz/catalogue-guide/using-data-govt-nz-apis/.