Đang xử lý.....

Các chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng - Kinh nghiệm từ Hàn Quốc  

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, đi cùng với tiến trình chuyển đổi số thì ngày càng nhiều thông tin cá nhân của người dân, tổ chức, doanh nghiệp được lưu trữ, chia sẻ và sử dụng rộng rãi trên môi trường mạng. Vì thế, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng rất quan trọng đối với cuộc sống, hoạt động hàng ngày của người dân và cũng như đối với các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp và hoạt động của chính phủ, bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ cơ bản.
Thứ Năm, 08/09/2022 172
|

Tuy nhiên, sự kết nối giữa các thiết bị thông tin và truyền thông khác nhau cũng đang làm tăng mạnh tính phức tạp của không gian mạng, khiến việc quản lý một cách an toàn trở nên khó khăn hơn. Hàn Quốc đã xây dựng một trong những môi trường không gian mạng thuận tiện và thịnh vượng nhất, dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông và các cơ sở hạ tầng liên quan; đồng thời, cũng là một trong những quốc gia đã phát triển công nghiệp an ninh mạng lớn trên thế giới.

Giới thiệu tổng quan

Hàn Quốc là một trong những quốc gia Châu Á phát triển mạnh về công nghệ thông tin cũng như an toàn, an ninh mạng. Từ những năm 1980, lần đầu tiên Chính phủ bắt đầu tích cực thúc đẩy thông tin hoá nền kinh tế, chính phủ và xã hội. Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào việc cải thiện dịch vụ dân sự điện tử và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc thực hiện các dịch vụ chính phủ điện tử.

Trong những năm qua, các tuyên bố của Chính phủ Hàn Quốc về các cuộc tấn công mạng đã nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và công chúng về vai trò và hành động của chính phủ để giải quyết mối đe dọa cyả các cuộc tấn công mạng. Quản trị an ninh mạng bao gồm ba thành phần: (1) Trung tâm An ninh mạng Quốc gia NCSC (National Cybersecurity Center) thuộc Dịch vụ Tình báo Quốc gia cho chính phủ và khu vực công; (2) Bộ Khoa học và CNTT-TT cho khu vực tư nhân; (3) và sau đó là các hệ thống phản ứng riêng lẻ cho một nhóm đa dạng các cơ quan, chẳng hạn như cơ quan ở Bộ Quốc phòng cho lĩnh vực quân sự (Hình 1).

Hình 1. Quản trị an ninh mạng của Hàn Quốc

Cho đến giai đoạn hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc có định hướng tập trung về sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao thay vì phát triển sản phẩm, dịch vụ tập trung vào giá cả. Việc ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao tại thị trường trong nước thông qua các chính sách ưu đãi về thuế đối với các khoản đầu tư vào bảo mật thông tin và các hoạt động nghiên cứu phát triển cũng góp phần mở rộng thị trường an toàn, an ninh mạng nội địa. Các chính sách về quản lý giá trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin cũng được quan tâm để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Hàn Quốc coi ngành công nghiệp an ninh mạng có tính chất thương mại và cần được gia tăng tính cạnh tranh. Nói cách khác, họ coi đây là một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cụ thể tương tự như các loại sản phẩm, dịch vụ khác và cần được khuyến khích cạnh tranh tự do. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các ý tưởng sáng tạo, đột phá để khuyến khích phát triển và bảo vệ những nghiên cứu này trước sức cạnh tranh của thị trường. Bên cạnh đó, để hỗ trợ phát triển thị trường quốc tế đối với các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin cũng như các sản phẩm công nghệ thông tin nói chung của Hàn Quốc, tại một số thị trường mục tiêu, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các văn phòng đại diện hợp tác công nghệ thông tin (hiện tại có 5 văn phòng Trung tâm Hợp tác Công nghệ thông tin Hàn Quốc KICC (Korea IT Cooperation Center) tại Việt Nam (Hà Nội), Singapore (Singapore), Mỹ (Silicon Valley), Nhật Bản (Tokyo), Trung Quốc (Bắc Kinh), và tại Việt Nam là Trung tâm hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam - Hàn Quốc. Việc đề cao vai trò dẫn dắt của các cơ quan Chính phủ trong hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác quốc tế của Hàn Quốc mang lại các kết quả hữu ích cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thông thường, các doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc với quốc tế thông qua các văn phòng đại diện này thường nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ nước sở tại và văn phòng đại diện để tiếp cận tới các khách hàng tiềm năng. Cụ thể hơn nữa, khi các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận được yêu cầu hợp tác hoặc có nhu cầu muốn hợp tác với các doanh nghiệp tại một quốc gia cụ thể thì có thể thông báo với văn phòng đại diện của Chính phủ tại khu vực đó để nhận được sự hỗ trợ kết nối. Việc này góp phần gia tăng vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, cũng như bảo đảm kết quả của các hoạt động hợp tác quốc tế của doanh nghiệp.

Năm 2015, Hàn Quốc ban hành Đạo luật sửa đổi đạo luật số 11436 ngày 23/5/2012 nhằm thúc đẩy phát triển, đặt nền móng cho nghành công nghiệp phần mềm nói chung và sản phẩm an toàn thông tin nói riêng. Đạo luật này được giao cho Bộ Khoa học công nghệ và Kế hoạch tương lai xây dựng các kế hoạch trung hạn và dài hạn bao gồm các vấn đề:

- Định hướng, chính sách phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng;

- Thiết lập cơ sở hạ tầng cho phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng;

- Phát triển các nhà khai thác sản phẩm, các doanh nghiệp khởi nghiệp;

- Đào tạo các chuyên gia phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng;

- Phát triển và phổ biến các công nghệ phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng;

- Các vấn đề liên quan đến mở rộng thương hiệu, phát triển thị trường.

Từ đó các chính sách và các chương trình hỗ trợ được xây dựng tại Hàn Quốc như:

(1) Hỗ trợ khởi nghiệp, Bộ Khoa học công nghệ và Kế hoạch tương lai cho phép các doanh nghiệp mới khởi nghiệp được sử dụng miễn phí tài sản của nhà nước để phục vụ phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng. Đồng thời, Bộ cũng thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ vỗn đầu tư cho các doanh nghiệp.

(2) Hỗ trợ đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ và Kế hoạch tương lai tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng. Bộ chỉ định các Viện nghiên cứu, Trường Đại học hoặc các tổ chức khác và hỗ trợ kinh phí để thực hiện các khóa đào tạo về công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng. Việc chỉ định các cơ sở đào tạo tuân thủ theo các quy định về các yêu cầu cho các cơ sở đào tào.

(3) Về xúc tiến thương mại, Bộ Khoa học công nghệ và Kế hoạch tương lai xây dựng, ban hành các quy định về các yêu cầu đối với các cơ sở xúc tiến thương mại. Căn cứ vào các yêu cầu, Bộ có thể chỉ định hoặc lựa chọn cơ quan, tổ chức đáp ứng các yêu cầu.

Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ các chương trình, dự án liên quan đến các hoạt động tổ chức hội thảo, triển lãm nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuẩn hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ... Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính trong các hoạt động quảng cáo nhằm phát triển, mở rộng thị trường...

(4) Hỗ trợ hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng, Bộ Khoa học công nghệ và Kế hoạch tương lai chỉ định và hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng hợp chuẩn, hợp quy và cũng hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng trong các hoạt động này. Bộ cũng cấp chứng chỉ hoặc công nhận đạt chuẩn khi có kết quả đánh giá của các cơ quan, tổ chức.

(5) Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng, Bộ Khoa học công nghệ và Kế hoạch tương lai thiết lập một hệ thống thông tin và có thể chỉ định một đơn vị thực hiện quản lý tập trung các hoạt động liên quan đến phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng như: tiêu chuẩn kỹ thuật; xu hướng nghiên cứu, phát triển; xu hướng thị trường; tình trạng kinh doanh.

(6) Hỗ trợ tài chính, Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục tăng ngân sách an ninh mạng và đầu tư vào việc bồi dưỡng thêm nhân lực an ninh mạng. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh cho các dự án phát triển sản phẩm công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng do cơ quan, tổ chức đề xuất và được phê duyệt.

(7) Chính sách thuế, Chính phủ Hàn Quốc ban hành những chính sách miễn, giảm nhiều loại thế khác nhau cho doanh nghiệp trong các hoạt động thành lập công ty, phát triển và kinh doanh công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng.

Kết luận

Có thể nói, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt trong tiến trình chuyển đổi số thì an toàn, an ninh mạng lại là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững và đồng thời cũng là thành phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Hàn Quốc đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn, an ninh mạng, và coi ngành công nghiệp an ninh mạng có tính chất thương mại và cần được gia tăng tính cạnh tranh để từ đó đưa ra những chính sách hợp lý, kịp thời và bắt cùng với sự phát triển của công nghệ toàn cầu.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp an ninh mạng hiện nay là sự phát triển kết hợp lĩnh vực dân sự với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối tác công tư. Để tăng cường năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia theo hướng chủ động, linh hoạt thông qua việc sử dụng giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì: (1) cần có sự thống nhất về nhận thức; (2) xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp an ninh mạng, an ninh thông tin; (3) tập trung phát triển nguồn nhân lực cao thông qua đổi mới phương pháp giáo dục; (4) xây dựng các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Quốc gia trong việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn; (5) tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mạnh trong và ngoài nước thì Việt Nam có thể khai thác hết các lợi thế, các thành tựu để phát triển và tiến tới làm chủ các công nghệ tiên tiến.

Nguyễn Phương Nhung

Tài liệu tham khảo

[1] https://carnegieendowment.org/2021/08/17/korean-policies-of-cybersecurity-and-data-resilience-pub-85164 

[2] Policy Recommendation for South Korea’s Middle Power Diplomacy: Cyber Security

https://www.eai.or.kr/data/bbs/eng_report/201503121530342.pdf