Đang xử lý.....

AN TOÀN, AN NINH MẠNG - YẾU TỐ SỐNG CÒN TRONG CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ  

Chuyển đổi số là xu hướng quan trọng mang tính tất yếu đối với mỗi quốc gia để hình thành và thúc đẩy nền kinh tế số - xã hội số. Việt Nam cũng là một trong các nước đang bước vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là điều kiện cần thiết để chuyển đổi số nhanh, bền vững. Thậm chí, trong nhiều tình huống, an toàn, an ninh mạng cần phải đi trước một bước. Đó cũng là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn lên, phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Vì vậy, an toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn, không thể tách rời.
Thứ Tư, 09/11/2022 194
|

Có thể nhận thấy, trong các chiến lược và chương trình về chuyển đối số của Việt Nam thì việc sử dụng các nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ quá trình này. Điều trên cũng đồng nghĩa với việc, hiện tại và cũng như trong tương lai, tất cả các hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đều sẽ được đưa lên không gian số.

Với tốc độ “di cư” lên thế giới số đang ngày một lớn tại Việt Nam, các nền tảng số cũng ngày càng phát sinh lượng lớn dữ liệu quan trọng như thông tin cá nhân người dùng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay tài liệu nội bộ của cơ quan Nhà nước … Cũng từ đó nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin cho các dữ liệu này đã trở thành yếu tố sống còn của các nền tảng số, bởi đây đều là “miếng mồi ngon” đối với tội phạm mạng.

Tại sao an ninh mạng lại là một mắt xích quan trọng trong quá trình chính phủ số của mọi quốc gia trên thế giới? Vì mức độ an ninh sẽ quyết định độ tin cậy của các dịch vụ công do chính phủ cung cấp, nó có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định sử dụng các dịch vụ công của người dân. Người dân cần được đảm bảo rằng họ có thể sử dụng các dịch vụ chính phủ số một cách an toàn và những dữ liệu mà họ cung cấp sẽ không bị sử dụng sai mục đích cũng như bị rò rỉ ra ngoài. Ở đây chúng ta có thể kết luận rằng an ninh là yếu tố then chốt để tạo ra chính phủ đáng tin cậy, minh bạch và khoa học. Một nghiên cứu cho rằng “bảo mật” trong nền tảng chính phủ số và các dịch vụ công bao gồm tính xác thực của thông tin, tính toàn vẹn, tính khả dụng, trách nhiệm giải trình và đảm bảo thông tin. Tùy thuộc vào môi trường, mức độ quan trọng của các tính chất này có thể thay đổi. Ví dụ, đối với các dịch vụ chính phủ số trong quốc phòng, tính chính xác có thể là yêu cầu chính, trong khi tính toàn vẹn thông tin trong lĩnh vực kinh doanh lại là điều quan trọng hơn cả.

An ninh mạng

Mặc dù vậy, theo đánh giá từ nhiều tổ chức chuyên về an toàn thông tin của cả trong và ngoài nước, việc đảm bảo tính bảo mật cho các nền tảng số và hệ thống số ở Việt Nam vẫn đang ở mức độ thấp, đặc biệt là trong khối các cơ quan Nhà nước. Có thể kể đến như các hệ thống công nghệ thông tin được xác định và triển khai đảm bảo an toàn theo cấp độ mới chỉ đạt 30%. Hay nhiều hệ thống thông tin chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin trước khi đưa vào sử dụng… Chính sự chủ quan và sơ hở nói trên đã tạo điều kiện cho tội phạm mạng ngắm vào các nền tảng số ngày một gia tăng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị xâm hại thông tin dữ liệu. Đầu tiên, để có thể thực hiện chính phủ số toàn diện, các dịch vụ công phải được cung cấp trên nhiều loại thiết bị khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu sử dụng. Đây chính là cơ hội tốt để những thế lực xấu xâm nhập vào qua các thiết bị của người dân thông qua lịch sử dữ liệu, không phải thiết bị nào cũng được bảo mật tuyệt đối. Ngoài ra, các dịch vụ công hiện nay thường cho phép sử dụng ngay cả khi người dân liên tục di chuyển, chúng sẽ trở thành một nguồn đe dọa an ninh mạng bởi người dân có thể sẽ không được hỗ trợ kịp thời hoặc gặp phải khó khăn trong việc tìm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng. Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm hỗ trợ cổng chính phủ điện tử. Các dịch vụ công do chúng cung cấp và vận hành, chính vì thế, một hệ thống không đủ khỏe sẽ khiến cả hệ thống rơi vào nguy cơ bị đột nhập. Bất kỳ một lỗ hổng nhỏ trong hệ thống, lỗi phần cứng, phần mềm hoặc lỗi sơ suất của người điều hành cũng có thể khiến cả hệ thống bị ảnh hưởng. Nếu không kịp thời xử lý, các thế lực xấu có thể lợi dụng tình hình để xâm nhập vào hệ thống và đánh cắp các thông tin quan trọng hay chỉ đơn giản là phá hoại các dữ liệu đã có trước đó. Có thể thấy, việc số hóa các dịch vụ công cũng gặp phải rất nhiều rủi ro trong việc bảo vệ an ninh mạng.

Theo báo cáo từ Công ty an ninh mạng Viettel Cyber Security, trong năm 2021, số lượng vụ tấn công lừa đảo trên không gian mạng đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020, và có khoảng gần 6.000 trang web giả mạo nhằm đánh bẫy người dùng. Không chỉ gia tăng về số lượng, cách thức của các vụ tấn công mạng cũng ngày một tinh vi, có thể kể đến như tin tặc thiết kế và xây dựng các trang web tương tự như các trang web thật, sau đó gửi tin nhắn SMS cho người dùng và tạo các kịch bản hấp dẫn người dùng truy cập vào các trang giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tiền và tài sản của nạn nhân.

Ngoài ra cũng phải kể đến những vụ lộ dữ liệu người dùng quy mô lớn của nhiều tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam như dữ liệu khách hàng của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn bị rao bán, 2 triệu dữ liệu người dùng của ứng dụng tiền ảo ONUS bị công khai, 17GB dữ liệu về thông tin cá nhân người dùng của Zalo Chat và Zalo Pay bị rao bán…

Trước tình hình đó, ngày 3/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ ra mắt “Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin”. Sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược “Make in Vietnam” và một lần nữa khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu, phát triển và đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thị trường trong nước và có khả năng vươn ra thế giới. Chiến lược khẳng định tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam và đội ngũ chuyên gia xuất sắc để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng.

Chiến lược thể hiện rõ quan điểm an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng; trong đó, cơ quan nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin. Chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm, phát triển đội ngũ chuyên gia và tự chủ về công nghệ, sản phẩm, phổ cập dịch vụ là giải pháp căn cơ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Đặc biệt, Chiến lược đã phân định rõ trách nhiệm và sự phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia giữa 3 lực lượng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng được lựa chọn theo những tiêu chí: Chất lượng tốt, có thể cung cấp dưới dạng dịch vụ, không yêu cầu cơ quan, tổ chức phải có lực lượng chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn an ninh mạng mới triển khai được mà có thể thực hiện ngay.

Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng là những doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; đã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; sẵn sàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 8 doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể bao gồm: Công ty An ninh mạng Viettel; Công ty Công nghệ thông tin VNPT; Trung tâm an ninh mạng, Tập đoàn công nghệ BKAV; Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC; Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT; Công ty Cổ phần an toàn thông tin Cyradar; Công ty Cổ phần công nghệ giải pháp quốc tế VNCS Global; Công ty Cổ phần công nghệ SAVIS.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia

Đồng thời, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư các giải pháp, công nghệ tiên tiến, tiến tới làm chủ và hình thành hệ sinh thái các sản phẩm an toàn thông tin “Make in Vietnam”; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin, khi các chủ quản các hệ thống thông tin sẽ được sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao, tin cậy của các doanh nghiệp Việt Nam và có sự giám sát chéo của cơ quan quản lý nhà nước là Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có thể nói an toàn, an ninh mạng là vấn đề hết sức quan trọng trong chuyển đổi số. Đây cũng là vấn đề được mọi quốc gia trên thế giới quan tâm và nghiên cứu. Theo công bố của Liên hợp quốc, hiện nay đã có hơn 130 quốc gia (trên tổng số 194 quốc gia) đã ban hành các đạo luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của công dân. Tuy nhiên, Châu Phi và Châu Á là hai khu vực có tỷ lệ thông qua các đạo luật về an ninh mạng tương đối thấp. Đây cũng là một thách thức lớn cho các quốc gia trong khu vực này khi muốn mở rộng mạng lưới dịch vụ số ra toàn bộ lãnh thổ và vượt ra ngoài biên giới.  

Vào tháng 4 năm 2011, dự án “An ninh của các hệ thống chính phủ điện tử” được khởi xướng bởi nghị viện châu Âu. Mục đích của dự án là hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các lựa chọn sáng suốt trong việc bảo vệ thông tin của công dân, đặc biệt là hỗ trợ các nước trong khối liên minh có thể đáp ứng được các thách thức trong tương lai, và đảm bảo sự vận hành của hệ thống Chính phủ số. Dự án đã tập trung khai thác những thách thức về an ninh trong việc cung cấp các dịch vụ công qua biên giới. Bằng cách xác định các rào cản trong công tác bảo mật thông tin và các yếu tố hỗ trợ cần thiết, dự án đã đưa ra rất nhiều con đường phát triển an ninh mạng phù hợp với nhiều hoàn cảnh của các quốc gia khác nhau.

Dự án đã phân tích và thảo luận về tính bảo mật của các hệ thống và dịch vụ của Chính phủ số. Bằng cách thu thập các trường hợp thực tế về dịch vụ công của các quốc gia đã và đang thực hiện số hóa, nghị viện Châu Âu tiến hành phân tích các vấn đề liên quan đến an ninh mạng và những giải pháp đã được thực hiện, từ đó rút ra các bài học và phân tích những hướng giải quyết khả thi nhất. Nhờ vậy, dự án đã tổng hợp được rất nhiều vấn đề mà các quốc gia hay gặp phải và dự án cũng đưa ra được các hướng giải quyết có tỷ lệ thành công cao.

Kết luận

Với tính toàn cầu và khả năng kết nối vô hạn của không gian mạng; có thể nói không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và bản chất xã hội của không gian mạng cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, điển hình như: chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng ... Chính vì vậy, bảo đảm an toàn an ninh mạng đã, đang và sẽ là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam

Trịnh Thị Trang

Tài liệu tham khảo:

1. https://congthuong.vn/an-toan-an-ninh-mang-yeu-to-song-con-cua-chuyen-doi-so-139936.html

2. https://tech.vneconomy.vn/an-toan-an-ninh-mang-la-yeu-to-song-con-cua-chuyen-doi-so-quoc-gia.htm

3. https://kinhtedothi.vn/an-toan-thong-tin-uu-tien-hang-dau-trong-chuyen-doi-so.html

4. https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1039142/khang-dinh-tam-quan-trong-cua-an-toan-an-ninh-mang-trong-chuyen-doi-so-quoc-gia