Tại Ấn Độ, hàng triệu người sống ở các vùng nông thôn nghèo phải đi một quãng đường dài với chi phí rất lớn chỉ để được chẩn đoán y tế. Y tế từ xa Telemedicine giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương Ấn Độ tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa ở các thị trấn và thành phố để phục vụ cho công việc và cho phép nhiều bệnh nhân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Ấn Độ được điều trị tại địa phương mà không cần tốn kém chi phí và thời gian đi lại.
1. Mô hình nghiệp vụ của Y tế từ xa Telemedicine
Hàng triệu người ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa của Ấn Độ đều không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản. Những bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt lại phải đi một quãng đường dài, với chi phí rất lớn, chỉ để nhận được chẩn đoán. Telemedicine là việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa tại Ấn Độ thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa bệnh tật. Nó có thể mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người không được tiếp cận với dịch vụ y tế vì họ sống quá xa cơ sở y tế hoặc cơ sở đó thiếu trang thiết bị cần thiết hoặc khan hiếm lực lượng y - bác sĩ.
Hình 1. Những điểm nổi bật của Y tế từ xa Telemedicine
Telemedicine là một mô hình độc lập. Đặc biệt ở những nơi có thu nhập thấp của Ấn Độ, thì Telemedicine có xu hướng là giải pháp quan trọng kết hợp với các mô hình hiện có, chẳng hạn như chuỗi phòng khám hoặc bệnh viện, tận dụng các nhà cung cấp và cấu trúc hiện có để tương tác với bệnh nhân tại phòng khám hoặc bệnh viện. Y tế từ xa là một hình thức sử dụng các thiết bị không dây và công nghệ điện thoại di động là mHealth, hoặc sức khỏe di động. mHealth thường được sử dụng trên các thiết bị hướng đến việc lấy người dùng làm trung tâm.
Telemedicine bao gồm tư vấn từ xa, hội nghị truyền hình và theo dõi bệnh nhân từ xa. Bệnh nhân thường sử dụng dịch vụ Y tế từ xa tại bệnh viện, phòng khám, hiệu thuốc hoặc kiosk địa phương, nơi các nhân viên y tế địa phương tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về cách thức chẩn đoán và điều trị. Telemedicine tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế địa phương theo một số cách như sau:
• Telemedicine cung cấp cho nhân viên y tế tại các bệnh viện, phòng khám hoặc nhà thuốc địa phương tiếp cận với sự trợ giúp chuyên môn từ các bác sĩ hoặc chuyên gia có kinh nghiệm hơn.
• Telemedicine mang lại sự yên tâm cho cả nhân viên y tế địa phương và bệnh nhân.
• Telemedicine làm giảm chi phí thời gian đi lại liên quan đến việc tìm kiếm sự chăm sóc chuyên khoa. Telemedicine cũng khuyến khích nhân viên y tế địa phương ở lại các vùng nông thôn, bằng cách tăng cường hỗ trợ chuyên môn và cho phép họ tiếp tục phát triển chuyên môn.
Telemedicine truyền thông tin qua văn bản, âm thanh, video và hình ảnh tĩnh đến một loạt các bác sĩ chuyên khoa. Hình ảnh chụp các khối u da đơn giản có thể được truyền đến các bệnh viện lớn để diễn giải và hội chẩn; Chụp X-quang có thể được gửi đi để xin ý kiến chuyên gia. Khi có kết nối Internet ổn định, bệnh nhân có thể hội nghị truyền hình với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc gửi thông tin qua email để phân tích. Các bác sĩ có thể theo dõi huyết áp hoặc mức đường huyết của bệnh nhân trong phòng khám bằng cách nhìn vào màn hình máy tính.
Hình 2. Đặc điểm của mô hình Y tế từ xa cải thiện sức khỏe cho người nghèo ở khu vực nông thôn của Ấn Độ
Chi phí vận hành
Vận hành hệ thống Y tế từ xa Telemedicine của Ấn Độ bao gồm việc mua các thiết bị cần thiết để thiết lập hệ thống trong bệnh viện, phòng khám hoặc nhà thuốc; bảo trì thiết bị; và đào tạo về công nghệ cho các bác sĩ và nhân viên y tế địa phương.
Chi phí cho Y tế từ xa thường cao ở các nước có thu nhập thấp do nhận thức của cả bệnh nhân và nhân viên y tế địa phương còn thấp, trình độ công nghệ thông tin thấp và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và công nghệ còn hạn chế. Do vậy, hầu hết các chương trình và dịch vụ Y tế từ xa được Chính phủ Ấn Độ, chính quyền địa phương hoặc các đối tác phát triển trợ cấp. Ngoài ra, còn có một số tổ chức, doanh nghiệp của Ấn Độ như Apollo Healthcare, Narayana đứng ra nhận tài trợ các dịch vụ Y tế từ xa Telemedicine.
(1) Apollo Healthcare cung cấp tư vấn qua điện thoại cho các bệnh nhân. Chi phí khám từ xa khoảng từ 20-30 USD do bệnh nhân chi trả hoàn toàn.
(2) Narayana đọc kết quả và đọc điện tâm đồ từ xa. Chi phí tư vấn qua điện thoại khoảng từ 30-50 USD do các bệnh viện tư chi trả hoàn toàn. Chi phí đọc điện tâm đồ được miễn phí cho người dân.
Chương trình chẩn đoán và tầm soát ung thư vú OBCSDP (Opportune Breast Cancer Screening and Diagnosis Program) được khởi xướng ở Mexico vào năm 2006 nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 69. Chính phủ liên bang và tiểu bang của Ấn Độ cũng như các nhóm phi lợi nhuận đã cung cấp khoảng 2,8 triệu USD để thiết lập chương trình Y tế từ xa này ở 11 tiểu bang.
Các dự án Y tế từ xa Telemedicine thành công gắn kết lợi ích và nguồn lực của các bên liên quan khác nhau để tạo ra một giải pháp phù hợp với thị trường địa phương. Các đối tác này bao gồm: các công ty tư nhân; chính phủ và các đối tác phát triển; phòng khám và nhà thuốc địa phương; các bệnh viện, bác sĩ và chuyên gia chẩn đoán từ xa.
- Các công ty tư nhân phát triển và thực hiện các giải pháp Y tế từ xa Telemedicine.
- Các nhà cung cấp dịch vụ thiết lập hệ thống Y tế từ xa Telemedicine cho bệnh viện, cung cấp màn hình, kết nối Internet, công nghệ phù hợp với môi trường và đào tạo cách sử dụng. Do đó, Telemedicine hoạt động mang tính chất B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
- Chính phủ và các đối tác phát triển của Ấn Độ cung cấp tài trợ, thường là dưới hình thức liên doanh của các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi lợi nhuận. Chính phủ Ấn Độ mở rộng phạm vi tiếp cận kết nối Internet băng thông rộng cho khu vực nông thôn để phát triển và thúc đẩy y tế từ xa; xây dựng các chính sách bảo đảm trải nghiệm Y tế từ xa hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; và bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả bác sĩ và bệnh nhân.
- Các phòng khám và hiệu thuốc địa phương xử lý các tương tác giữa công nghệ Y tế từ xa và bệnh nhân. Họ được đào tạo để thực hiện các phần của cuộc tư vấn và gửi cho bác sĩ hoặc chuyên gia những thông tin cần thiết.
- Các bệnh viện, bác sĩ và chuyên gia cung cấp lời khuyên chuyên môn, chẩn đoán và các lựa chọn điều trị cho nhân viên y tế địa phương. Họ cũng có thể cung cấp giáo dục thường xuyên và phát triển chuyên môn cho nhân viên địa phương.
2. Kết quả thu được
Nhận thức
Y tế từ xa Telemedicine là một trong những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế của Ấn Độ. Nhận thức đóng vai trò quyết định, vì vậy việc nâng cao nhận thức của người dân và chuyên gia y tế về lợi ích và cách sử dụng của Y tế từ xa Telemedicine là chìa khóa để giảm sự đề kháng và khả năng ứng dụng công nghệ mới hiện nay tại Ấn Độ.
Sự chấp nhận
Nhiều nhân viên y tế địa phương Ấn Độ không quen hoặc không thoải mái khi làm việc với máy tính; họ cũng lo sợ rằng Y tế từ xa có thể dẫn đến mất việc làm hoặc giảm sự hiện diện trong công việc của họ. Để được họ chấp nhận, các chương trình Y tế từ xa Telemedicine phải được thiết kế đơn giản nhất có thể. Để xoa dịu nỗi lo về công nghệ, Sanjeevani, một công ty Ấn Độ, đã tích hợp công nghệ cũ, chẳng hạn như: điện thoại và máy quét tài liệu đơn giản với công nghệ hội nghị truyền hình phức tạp. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách về kinh nghiệm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng là một giải pháp thay thế đáng tin cậy nếu kết nối Internet bị chậm hoặc bị mất.
Hiệu quả
Do sự khan hiếm các bác sĩ và chuyên gia tại các vùng nông thôn của Ấn Độ, Y tế từ xa cho phép bệnh nhân thu nhập thấp tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, nhằm giảm bớt các chi phí phát sinh như: chi phí đi lại cho các bác sĩ chuyên khoa và chi phí di chuyển bệnh nhân.
Telemedicine cung cấp cho người dân ở các cộng đồng nghèo của Ấn Độ khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc đặc biệt không có sẵn trong cộng đồng của họ, tiết kiệm nhu cầu và chi phí đi lại. Telemedicine tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các địa phương và giữa các quốc gia, cung cấp cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khả năng tiếp cận với các lời khuyên chuyên khoa tốt nhất.
Y tế từ xa Telemedicine cũng là một cách tốt để đào tạo nhân viên y tế địa phương từ xa. World Health Partners, một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, đã mở rộng mạng lưới Y tế từ xa của mình ở Uttar Pradesh bao gồm khoảng 1.200 “nhân viên chăm sóc Sky Care” và 120 trung tâm do doanh nhân điều hành, được đặt tên là “trung tâm sức khỏe Sky Care”. Nhân viên chăm sóc sức khỏe Sky Care được đào tạo để chẩn đoán bệnh, thực hiện các phương pháp điều trị dựa trên triệu chứng, sử dụng tư vấn từ xa và giới thiệu đến các Trung tâm Y tế Sky.
Tùy thuộc vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng thì có hai mức độ phát triển Y tế từ xa ở khu vực nông thôn của Ấn Độ, đó là:
(1) Các bệnh viện nông thôn ở các thành phố lớn, người dân có quyền truy cập vào mạng vệ tinh của Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ ISRO (Indian Space Research Organisation) được sự hỗ trợ bởi Apollo Telemedicine, Narayana Hrudayalaya và các bệnh viện lớn khác.
Mạng lưới bệnh viện và chăm sóc sức khỏe của Narayana ở Ấn Độ đã kết nối 850 trung tâm từ khắp nơi trên thế giới với cơ sở hàng đầu của nó ở Bangalore. Các bác sĩ tim mạch chẩn đoán từ xa khoảng 600-700 điện tâm đồ ECG mỗi ngày.
Ngoài ra, còn có dịch vụ tư vấn từ xa MeraDoctor sử dụng WhatsApp và điện thoại, đã cung cấp hơn 55.000 cuộc tư vấn về hơn 400 bệnh cho 500.000 khách hàng ước tính của mình ở các vùng nông thôn của Ấn Độ. Nó đã làm giảm nhu cầu tái khám cho các bác sĩ truyền thống đối với các tình trạng y tế đơn giản và giúp nhanh chóng giải quyết các thắc mắc. Bằng cách tránh các khu vực tập trung bệnh nhân quá nhiều, MeraDoctor cũng giúp bệnh nhân tiết kiệm tiền mua thuốc.
(2) Ở những vùng sâu, vùng xa hơn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế và không có các nhà cung cấp / bệnh viện quy mô lớn thì người dân có thể tới các phòng khám sức khỏe di động, chẳng hạn như các bệnh viện do Apollo, Philips, ISRO và Tổ chức Dhan tạo ra như một phần của dự án cải tiến chăm sóc sức khỏe từ xa DISHA (Dhan Foundation as part of the Distance Healthcare Advancement Project).
Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ ISRO (Indian Space Research Organization) kết nối 22 bệnh viện chuyên khoa, chẳng hạn như Narayana Hrudayalaya, tập trung vào việc chăm sóc tim, với 78 bệnh viện vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa trên khắp Ấn Độ thông qua vệ tinh địa tĩnh. ISRO đã cung cấp cho hơn 25.000 bệnh nhân tư vấn và điều trị từ xa. Narayan Hrudayalya báo cáo rằng họ đã điều trị cho 17.400 bệnh nhân sử dụng kết nối Y tế từ xa ở nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ, chủ yếu là các vùng nông thôn, từ năm 1999 đến nay.
3. Những rào cản, thách thức
Y tế từ xa Telemedicine có tiềm năng to lớn, nhưng nó phải đối mặt với những rào cản đáng kể đối với việc áp dụng ở các thị trường có thu nhập thấp và trung bình, vì nhiều lý do:
• Thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là băng thông rộng: Các mạng băng thông rộng có thể truyền video vẫn còn hạn chế ở nhiều khu vực.
• Nhận thức về lợi ích thấp: Một số bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, do dự về công nghệ mới. Nhiều bệnh viện và phòng khám nhận thấy rằng các giải pháp Y tế từ xa quá đắt để thực hiện chẩn đoán cho bệnh nhân.
• Thiếu hoặc phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cộng đồng: Các giải pháp Y tế từ xa có xu hướng được chính phủ tài trợ, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Nếu quỹ cạn kiệt và không có mô hình kinh doanh thay thế, hệ thống sẽ trở nên không bền vững.
• Thiếu quy định và luật pháp: Không có khuôn khổ quốc tế về Y tế từ xa; có rất ít sự đồng thuận hoặc hiểu biết về những gì tạo nên một dịch vụ Y tế từ xa chất lượng cao.
• Các vấn đề về trách nhiệm pháp lý: Một số bác sĩ có thể miễn cưỡng hành nghề Y tế từ xa vì lo sợ các vấn đề bồi thường y tế.
• Mối quan tâm về quyền riêng tư: Để giải quyết mối lo ngại về quyền riêng tư, các tổ chức phi lợi nhuận như Trung tâm Sức khỏe đang làm việc Skype Care tuân thủ các mã y tế liên quan đến quyền riêng tư để các bác sĩ có thể trao đổi qua đó mà không vi phạm tính bảo mật của bác sĩ-bệnh nhân.
4. Vai trò của chính phủ và chính sách công tại Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ có thể giải quyết những thách thức đối với Y tế từ xa Telemedicine theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:
• Cải thiện cơ sở hạ tầng: Chính phủ có thể giúp tăng cường truy cập băng thông rộng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa không được phục vụ bởi các công ty viễn thông khu vực tư nhân.
• Thể chế hóa Y tế từ xa: Thành lập các cơ quan quốc gia để phát triển và quảng bá y học từ xa và các ứng dụng của nó.
• Áp dụng luật pháp: Pháp luật là điều kiện quan trọng để bảo vệ dữ liệu điện tử cá nhân liên quan đến sức khỏe, đồng thời bảo đảm rằng bệnh nhân có thể truy cập và kiểm soát hồ sơ sức khỏe của chính họ. Cần xây dựng luật bảo vệ thông tin của bệnh nhân trên Internet.
• Nguồn tài trợ: Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế là những nhà cung cấp ngân quỹ chính cho các dự án Y tế từ xa ở hầu hết các nước đang phát triển. Họ có thể cung cấp vốn để thiết lập dự án Y tế từ xa.
• Nâng cao nhận thức: Thúc đẩy Y tế từ xa bằng cách xác định và phân tích việc sử dụng và chính sách Y tế từ xa trên toàn thế giới.
Kết luận
Mô hình Y tế từ xa Telemedicine và những lợi ích thu được ở những vùng nông thôn của Ấn Độ là bài học để các nước tham khảo hiện nay. Triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, trực tuyến, cũng là một trong những nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam theo quan điểm, chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngoài ra, ngày 22/6/2020, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đặt ra là “100% các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, trực tuyến cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng gặp khó khăn”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
[1] Using Telemedicine to Treat Patients in Underserved Areas.
[2] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
[3] Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.