Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên thế giới
Hình 1. Người dân muốn tiếp cận kỹ thuật số đối với vấn đề về sức khỏe
Chuyển đổi số y tế hay y tế số là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử nhưng có tính đột phá. Nếu như y tế điện tử sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ thì y tế số sử dụng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khỏe.
Các nước trên thế giới chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến y tế số để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội, bao gồm: (i) Chiến lược y tế số quốc gia; (ii) Thiết kế chương trình chuyển đổi số ngành y tế có sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm, y bác sỹ và sinh viên y khoa; (iii) Lồng ghép nội dung về công nghệ số, y tế số trong giáo dục và đào tạo; (iv) Nâng cao năng lực, kỹ năng số cho đội ngũ nhân viên y tế.
a) Chiến lược y tế số quốc gia
Tại Astralia: Cơ quan Y tế số Astralia được chính phủ thành lập với nhiệm vụ phát triển năng lực y tế số thông qua đổi mới, hợp tác và lãnh đạo để tạo điều kiện tích hợp y tế số trong hệ thống y tế. Cơ quan này đã phát triển Chiến lược y tế số quốc gia với 07 đề xuất ưu tiên thông qua việc tham vấn sâu rộng cộng đồng dân cư và phân tích toàn diện các yếu tố, bao gồm:
Hình 2. Tầm nhìn, chủ đề chính, chiến lược ưu tiên về y tế số quốc gia tại Australia
- Thông tin sức khỏe sẵn có bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào cần thiết. Cuối năm 2018, mọi cư dân Astralia có hồ sơ sức khỏe cá nhân được lưu lại. Đến năm 2022, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đóng góp và sử dụng thông tin sức khỏe trong Hồ sơ sức khỏe cá nhân, báo cáo dữ liệu sử dụng thuốc, dị ứng, các xét nghiệm, tình trạng bệnh mãn tính, cải thiện đáng kể chất lượng, hiệu quả và an toàn chăm sóc sức khỏe. Bệnh nhân và người sử dung có thể truy cập thông tin sức khỏe khi cần thông qua các ứng dụng dành cho thiết bị di động;
- Thông tin sức khỏe có thể được trao đổi một cách an toàn thông qua các kênh kỹ thuật số vào năm 2022. Bệnh nhân có thể tương tác với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng các kênh kỹ thuật số, chấm dứt sự phụ thuộc vào hồ sơ giấy, máy fax hoặc bưu điện;
- Dữ liệu chất lượng cao được sử dụng với độ tin cậy cao;
- Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin kê đơn và thông tin thuốc. Astralia muốn quản lý thuốc bằng kỹ thuật số an toàn và thuận tiện. Cuối năm 2018, tất cả bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ có quyền xem các loại thuốc được kê đón và cấp phát thông qua hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đến năm 2022, quy trình quản lý thuốc sẽ được số hóa, loại bỏ việc sử dụng giấy tờ ở nhiều khâu;
- Phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi kỹ thuật số, có thể kể tới như: mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ từ xa, đặc biệt ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của Astralia; chia sẻ thông tin trong chăm sóc sức khỏe khẩn cấp; dịch vụ kỹ thuật số hỗ trợ sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; thử nghiệm mô hình Health Care Homes để quản lý tổng thể các bệnh mãn tính;…
- Cải thiện chất lượng lao động, lực lượng lao động tự tin sử dụng các công nghệ y tế số để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cơ quan y tế kỹ thuật số Astralia hợp tác với các chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các đối tác trong việc giáo dục và phát triển lực lượng lao động, đến năm 2022 các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể tự tin và sử dụng hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật số;
- Hướng tới phát triển ngành công nghiệp y tế kỹ thuật số đổi mới sáng tạo. Chính phủ kiến tạo nền tảng cho ngành công nghiệp y tế số và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy hệ thống y tế nhanh nhạy và bền vững.
b) Thiết kế chương trình chuyển đổi số ngành y tế có sự tham gia của các bên liên quan
Thiết kế chương trình chuyển đổi số ngành y tế có sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm, y bác sỹ và sinh viên y khoa giúp tăng cường tính hiệu quả và thực tiễn của các công cụ số. Điển hình là Nauy. Từ năm 2018, Nauy đã thực hiện thu hút các nhà tuyển dụng và sinh viên tham gia vào việc thiết kế và xem xét các chương trình giáo dục chăm sóc sức khỏe và phúc lợi nhằm bảo đảm việc sửa đổi chương trình giảng dạy kịp thời và hiệu quả cùng với sự phát triển của công nghệ y tế số. Cách làm này là việc lập các nhóm chương trình giáo dục, trong đó một nửa số thành viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học, một nửa còn lại đại diện cho những người sử dụng lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mỗi nhóm cũng bao gồm đại diện là các sinh viên. Các nhóm có nhiệm vụ chuẩn bị chương trình giảng dạy và sau đó xem xét để sửa đổi nếu cần thiết. Chương trình giảng dạy được thiết kế cho 20 nhóm nhân viên y tế và chăm sóc xã hội, bao gồm nha sĩ, y tá đa khoa, bác sĩ, vật lý trị liệu hoặc nhân viên xã hội.
c) Lồng ghép nội dung về công nghệ số, y tế số trong giáo dục và đào tạo
Nhằm khắc phục sự thiếu hụt về kỹ năng số của người lao động ngành y tế trong bối cảnh chuyển đổi số, Chính phủ một số quốc gia trên thế giới đã tích hợp các nội dung về công nghệ số trong giáo dục và đào tạo, hoặc ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc lồng ghép các chủ đề y tế số vào chương trình đào tạo cho nhân viên y tế. Điển hình là Thụy Sĩ, Canada, Australia.
(i) Trong “Chiến lược sức khỏe điện tử 2.0 của Thụy Sĩ” đã có hướng dẫn tích hợp các chủ đề về y tế số và giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp cho các nhân viên y tế. Thụy Sĩ cũng có nhóm điều phối quốc gia về giáo dục y tế số với các thành viên gồm các tổ chức giáo dục, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức bảo trợ và các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực y tế.
(ii) Tại Canada, tổ chức Canada Health Infoway, một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được chính phủ liên bang tài trợ hoàn toàn, đã hợp tác với các địa phương và vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự tham gia tích cực của các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến việc triển khai hệ thống y tế số. Một trong những kết quả của tổ chức này là sáng kiến của Hiệp hội các Khoa Y tại Canada (AFMC) giúp các sinh viên y khoa chuẩn bị và thực hành tốt nhất với sự hỗ trự của các công nghệ số, hình thành bộ công cụ y tế số. Infoway cũng làm việc với Hiệp hội các trường điều dưỡng tại Canada (CASN) và Hiệp hội các khoa dược Canada (AFPC) về các sáng kiến nhằm cải thiện sự sẵn sàng của sinh viên tốt nghiệp ngành dược để làm việc trong môi trường có sự hỗ trợ của công nghệ. Thông qua hợp tác với các tổ chức, Infoway phát triển Chương trình y tế số (FACTS) thu hút giảng viên và sinh viên từ 17 khoa Y, 10 khoa Dược và 94 trường điều dưỡng để mở rộng quy mô và truyền bá giáo dục về chăm sóc sức khỏe số, thúc đẩy phương pháp tiếp cận liên ngành, cũng như phát triển các nguồn lực cần thiết cho giảng viên và sinh viên để sử dụng các công cụ số, hướng tới việc chăm sóc bệnh nhận được chuyên nghiệp hơn.
(iii) Tại Australia, Metro South Health là một trong những dịch vụ y tế lớn nhất của Queensland, đã làm việc chặt chẽ với các trường đại học và các cơ sở đào tạo để bảo đảm nhân viên được tuyển dụng có kiến thức và kỹ năng cần thiết. Những giải pháp này đòi hỏi vai trò không chỉ của nhân viên y tế mà còn cả vai trò của các nhà quản lý.
d) Nâng cao năng lực, kỹ năng số cho đội ngũ nhân viên y tế
Estonia là một ví dụ điển hình về đầu tư phối hợp trong việc triển khai các dịch vụ y tế số và phát triển các kỹ năng số cần thiết cho các nhân viên y tế. Vào đầu năm 2020, Bộ Kinh tế và Truyền thông Estonia đã triển khai các khóa đào tạo từ nguồn ngân sách công dành cho các bác sĩ và y tá, các khóa học do Trường Đại học Công nghệ Tallinn cung cấp. Kinh phí thực hiện chương trình (do chính quyền trung ương, khu vực và thành phố cấp) bao gồm chi phí xây dựng và đào tạo cho các nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi các mô hình số hóa mới, chi phí đào tạo lại cho các giảng viên. Các khóa đào tạo được cung cấp bởi đơn vị công, nội dung bám sát nhu cầu kỹ năng thu thập được từ các thí điểm ban đầu của dịch vụ khám chữa bệnh từ xa (telehealth).
Bài học rút ra đối với Việt Nam
Chuyển đổi số y tế hướng vào ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe. Một số chính sách lớn thúc đẩy chuyển đổi số y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế tại Việt Nam như:
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Chương trình chuyển đổi số y tế theo Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 ban hành Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mặc dù đã có rất nhiều những chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế tại Việt Nam nhưng tiến trình số hóa quy trình quản lý hành chính ngành y tế và xây dựng hồ sơ sức khỏe người dân chưa có giải pháp rõ ràng về quản trị và khai thác dữ liệu. Sự liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh án của người dân vẫn thực hiện trên giấy truyền thống. Vì vậy,
Cần có lộ trình chuyển đổi số ngành y tế quốc gia với các giải pháp và mục tiêu cụ thể, tương ứng với từng giai đoạn.
Việc thiết kế chương trình chuyển đổi số ngành y tế cần khuyến khích và động viên sự tham gia của các bên liên quan (như y tế, giáo dục, cơ sở y tế…) nhằm tăng cường tính hiệu quả và thực tiễn của ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số y tế.
Nội dung về công nghệ số, y tế số cần được lồng ghép vào nội dung giáo dục và đào tạo các cấp. nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho chuyển đổi số lĩnh vực y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế với các trường đại học và cơ sở đào tạo để bảo đảm cung cấp đủ số lượng nhân lực cần thiết và thực hiện đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực không chỉ đối với nhân viên y tế mà cả các nhà quản lý.
Thực hiện các chương trình nâng cao năng lực, kỹ năng số cho đội ngũ nhân viên y tế hiện đại. Việc đầu tư vào phát triển hạ tầng dịch vụ kỹ thuật số trong y tế cần đi kèm với đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật số vận hành và làm chủ các thiết bị số của lực lượng cán bộ y tế hiện đại để bảo đảm đồng bộ và hiệu quả cao của chương trình.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1] Australia’s National Digital Health Strategy
https://www.digitalhealth.gov.au/sites/default/files/2020-11/Australia%27s%20National%20Digital%20Health%20Strategy%20-%20Safe%2C%20seamless%20and%20secure.pdf
[2] Research and innovation in health and care in Norway Case study - Innovation Policy Review of Norway
https://www.oecd.org/norway/research-and-innovation-in-heath-and-care-in-norway.pdf
[3] Swiss eHealth Strategy 2.0 (2018 - 2022)
https://www.e-health-suisse.ch/fileadmin/user_upload/Dokumente/E/Strategy_2.0_en_summary.pdf
[4] Canada Health Infoway EHR’s in the Canadian Context
https://ncvhs.hhs.gov/wp-content/uploads/2014/05/050607p4.pdf
[5] An Estonian example - Digital Health in Estonia
https://www.escardio.org/static-file/Escardio/Advocacy/Spring%20Summit/2019-Presentations/Digital-Healthcare-M.Viigimaa.pdf