Xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và logistics càng trở nên cần thiết và được thúc đẩy nhanh trên toàn cầu.
Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và logistics trên thế giới
Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và có tính cấp bách đối với các doanh nghiệp logistics nhằm giải quyết sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.
Hội đồng quản lý logistics đã định nghĩa rằng “Logistics đề cập đến quá trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm soát dòng chảy và lưu trữ hiệu quả các hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng”. Vai trò của logistics trải dài từ kho bãi và vận chuyển đến tích hợp các hoạt động logistics của toàn bộ chuỗi cung ứng. Hệ sinh thái logistics tạo thuận lợi thương mại bao gồm các yếu tố sau:
(1) Các nhà sản xuất, thương nhân, tổ chức kinh doanh điện tử, nhà cung cấp dịch vụ logistics, những người có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ;
(2) Nhân viên hải quan hỗ trợ việc lập hồ sơ và thông quan hàng hóa di chuyển và lưu kho;
(3) Cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt giấy phép và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cấp phép và phê duyệt các hoạt động kinh doanh.
Hình 1. Dịch vụ logistics và giá trị gia tăng dọc theo chuỗi cung ứng
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều công nghệ mới đang được áp dụng vào hoạt động logistics như: e-logistics, green logistics, big data… Sự tích hợp trí tuệ nhân tạo với Internet kết nối vạn vật IoT và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi những dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa vốn tốn nhiều công sức. Trong lĩnh vực số hóa, Internet kết nối vạn vật giữ một vị trí nổi bật như một giải pháp công nghệ mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực logistics. IoT giúp các công ty giám sát hàng tồn kho, quản lý kho hàng, tối ưu hóa các tuyến tàu.
Hệ thống logistics của một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia có sự phát triển đồng bộ hơn tại Việt Nam. Điều này giúp cho chi phí về logistics ở các quốc gia này chỉ dao động trong khoảng từ 10% đến 12% của GDP. Singapore có thế mạnh về phát triển các dịch vụ tài chính và logistics nên Singapore đi đầu trong chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics nói riêng.
Hình 2. Các yếu tố góp phần vào sự thành công của ngành giao thông vận tải và logistics tại Singapore
Singapore ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về chuyển đổi số vào phát triển và hiện đại hóa lĩnh vực logistics. Từ những năm 1980, chính phủ Singapore đã tạo điều kiện cho trung chuyển hàng hóa và logistics ở Singapore phát triển mạnh. Năm 2012, Singapore được Ngân hàng thế giới xếp hạng là Trung tâm logistics số 1 của thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở Singapore được đầu tư phát triển hiện đại ở mọi phương thức như: vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không từ những năm 1980 và từ đó đến nay không ngừng nâng cấp, hiện đại hóa. Singapore xây dựng hệ thống kho bãi phân bố rộng khắp toàn quốc, đây cũng là yếu tố then chốt cho sự phát triển logistics của Singapore. Quy trình quản lý kho bãi của Singapore cũng rất hiện đại, thủ tục đơn giản, thực hiện nhanh chóng. Các chính sách về thủ tục hải quan của Singapore được minh bạch hóa với những quy định rõ ràng, chặt chẽ và hiệu lực thi hành nhanh chóng. Thêm vào đó, thông qua mạng Trade Net, quy trình hải quan được tự động hóa, làm cho hàng hóa thông quan dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian lưu hàng tại cảng, giảm thời gian và chi phí lưu kho, lưu bãi, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và trung chuyển hàng hóa tại Singapore. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sân bay, đường sá, cảng, kho bãi hiện đại đã góp phần cắt giảm được nhiều chi phí logistics, thúc đẩy quá trình tối ưu hóa từ đầu vào đến đầu ra của hoạt động logistics ở Singapore.
Malaysia đã nhận thức được tầm quan trọng việc xây dựng hệ thống phân phối ít tốn kém và chiến lược phân phối hiệu quả nên đã quan tâm phát triển logistics. Từ đó, ngành logistics Malaysia được thúc đẩy phát triển với nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Malaysia cương quyết dồn toàn bộ nỗ lực để mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng; không ngừng nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, viễn thông. Malaysia chú trọng xây dựng các trạm container và các cảng thông quan nội địa ICD để liên kết các phương tiện vận tải mang lại hiệu quả trong phân phối hàng hóa. Malaysia xây dựng các khu thương mại tự do với vai trò hỗ trợ các cảng chính trở thành trung tâm chuyển tải trong khu vực. Bên cạnh đó, Malaysia đưa ra các mức phí liên quan đến các hoạt động logistics liên tục được điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải. Việc thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Malaysia không chỉ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đưa sự phát triển của ngành giao thông vận tải và logistics tiếp cận với những tiến bộ mới trên thế giới.
Thái Lan đã lồng ghép kế hoạch của ngành giao thông vận tải và logistics với những ưu tiên phát triển của quốc gia. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế và thị trường nội địa, logistics đã trở thành vấn đề cấp bách và cần được nâng cao hiệu quả ở tầm vĩ mô và vi mô. Từ năm 2005, Chính phủ Thái Lan đã có những biện pháp mạnh để thúc đẩy logistics phát triển như đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng cơ sở đường bộ (bao gồm các hệ thống đường liên thông, đường quốc lộ và đường cao tốc) với các điểm nút giao đa phương tiện cho cả vận chuyển hàng không và đường biển, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thương mại. Thái Lan tăng cường sử dụng internet và điện thoại di động cũng như cải thiện hệ thống logistics và thanh toán điện tử. Chương trình Thái Lan 4.0 là chính sách điển hình thúc đẩy thương mại điện tử Thái Lan. Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng đã tạo ra nhu cầu về không gian logistics và đã mang lại những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng và hoạt động logistics tại Thái Lan, đặc biệt là ở phân khúc kho và giao hàng chặng cuối. Các trung tâm logistics, mạng lưới nhà kho lớn và nhỏ phân bố trên khắp Thái Lan đang từng bước hình thành và ngày càng tối ưu hơn. Những cải tiến về hạ tầng logistics và dịch vụ Logistics bên thứ 3, Logistics hợp đồng 3PLs (Third Party Logistics) giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thái Lan thuận tiện hơn trong quá trình cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng, với chi phí thấp hơn nhiều. Ngoài ra, khối lượng hàng hóa được xử lý tại các sân bay Thái Lan đang tăng đáng kể, do nhu cầu liên tục được tạo ra bởi thương mại điện tử. Chương trình Thái Lan 4.0 còn đưa đến thành công của các chuỗi cung ứng hàng công nghiệp. Ví dụ, logistics phục vụ chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia như Toyota, Isuzu, Honda, Mitsubishi, Nissan và BMW giúp các doanh nghiệp 3PL nội địa của Thái Lan trở nên chuyên nghiệp hơn. ANJI-NYK Thái Lan là nhà cung cấp dịch vụ logistics oto hàng đầu tại Thái Lan. Sáng kiến Thái Lan 4.0 đã tăng cơ hội cho các giao dịch xuyên biên giới và xuất nhập khẩu của Thái Lan.
Bài học rút ra đối với Việt Nam
Điểm yếu của ngành logistics hiện nay tại Việt Nam là cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và hoàn thiện, hệ thống đường bộ nhiều tuyến đường xuống cấp, quá tải, đường sắt chưa được đầu tư và nâng cấp, hạ tầng cảng biển kém và chưa có dịch vụ hàng hải kết nối trực tiếp với cảng biển tại Châu Âu và Mỹ. Kinh nghiệm của các nước phát triển về giao thông vận tải và logistics trên thế giới cho thấy Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho ngành logistics. Ngoài ra, chi phí logistics của Việt Nam hiện còn cao, điều này không chỉ làm tăng chi phí cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà còn không cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực. Hiện đại hóa ngành logistics để giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh là gợi ý của các nước phát triển logistics cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp cận ngay với các công nghệ tiên tiến và thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics theo chủ trương và định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy logistics có mối quan hệ mật thiết với hệ thống giao thông vận tải nên khi triển khai chuyển đổi số cũng cần tập trung phát triển hệ thống giao thông thông minh, giao thông đô thị, đường cao tốc, đường quốc lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận.
Xây dựng và nâng cấp các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải, 100% phương tiện oto sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ. Người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm và khai thác sử dụng hầu hết các loại dữ liệu (trừ dữ liệu mật) của ngành Giao thông vận tải trên cổng cung cấp dữ liệu mở. Hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông thông minh các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Chuyển đổi việc quản lý phương tiện vận tải, quản lý người lái xe, cho phép đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép lái xe số.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1] Singapore’s Logistics Industry Development Experience
https://surbanajurong.com/wp-content/uploads/2018/05/Perspectives-26.pdf
[2] Role of the Logistics Industry in Thailand’s Economy
https://www.econ.cmu.ac.th/econmag/journals/issue22-1_2.pdf
[3] Logistics and trade facilitation masterplan (2015-2020)
https://www.mot.gov.my/en/Penerbitan%20Rasmi/Executive%20Summary%20Logistics%20and%20Trade%20Facilitation%20Masterplan.pdf