Đang xử lý.....

Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của một số quốc gia trên thế giới và bài học rút ra đối với Việt Nam  

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu...
Thứ Hai, 01/08/2022 1377
|

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng được thực hiện thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến và được thể hiện ở những thay đổi về: (1) khả năng kết nối giữa con người và máy móc, theo đó mối quan hệ giữa con người và máy móc là mối quan hệ cộng tác thay vì quá trình điều khiển đơn thuần; (2) quy trình sản xuất thông minh, bao gồm thời gian sản xuất, xử lý công việc được rút ngắn nhờ quy trình sản xuất thông minh cho phép các vấn đề phát sinh được giải quyết ngay tức thì và loại bỏ hoặc giảm thiểu các chi phí; (3) mô hình dịch vụ cấp tiến có tên gọi là các dịch vụ internet IOS (Internet of services), tại đó công nghệ thông minh được sử dụng để giám sát và phân tích dữ liệu được thu thập từ các thiết bị thông minh; (4) khả năng tách biệt, tức là các quá trình có thể được tách rời ra để giảm bớt tính phức tạp của hệ thống.

Xu hướng chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên thế giới

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo có tác động tới cấu trúc lao động tại nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, ước tính đến năm 2027 có 23% các công việc trong lĩnh vực tài chính sẽ được cắt giảm bớt bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, hoặc sẽ được chuyển đổi thành các vị trí mới, 77% các công việc còn lại tuy không được thay thế nhưng hiệu quả của các công việc này sẽ tăng lên. Ngoài ra, Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu thế giới về FinTech. Kể từ năm 2016, một mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp về kinh tế tài chính đa quốc gia KPMG Trung Quốc (Klynveld Peat Marwick Goerdeler) đã phát hành thành công năm ấn phẩm hàng năm về các doanh nghiệp FinTech hàng đầu của Trung Quốc để công bố và thúc đẩy sự phát triển FinTech ở Trung Quốc. Để tiếp tục củng cố hệ sinh thái fintech, KPMG Trung Quốc đã khởi động cuộc bình chọn thường niên lần thứ sáu về các doanh nghiệp fintech hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 7 năm 2021. Sau nhiều tháng đánh giá và lựa chọn, Trung Quốc đã công bố danh sách Fintech 50 hàng đầu Trung Quốc năm 2021. KPMG đã độc lập phát triển Mô hình Nền tảng Thông tin chi tiết Khởi nghiệp SIP (Startup Insights Platform), kết hợp với năm khía cạnh cốt lõi ở hình 1 dưới đây để đánh giá định lượng doanh nghiệp từ nhiều khía cạnh bao gồm cộng tác, công nghệ, sản phẩm, thị trường và tài chính.

Hình 1. Năm khía cạnh cốt lõi của quá trình lựa chọn FinTech 50 của KPMG Trung Quốc

Trong một số ngành công nghệ tài chính, chẳng hạn như giao dịch thương mại điện tử thì từ năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới. Theo Báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, lượng giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn con số cộng gộp của năm nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Tổng giá trị thanh toán di động tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trong năm 2016 đạt tới 790 tỷ USD, gấp 11 lần con số này tại thị trường Mỹ. Ba công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent đã phát triển đến trình độ có thể cạnh tranh với các ông lớn về công nghệ ở Mỹ là Amazon, Apple, Facebook, Google và Netflix. Ba doanh nghiệp này kết hợp với nhau có thể kiểm soát 50% đến 60% thị trường FinTech. Từ 3 doanh nghiệp nền móng đóng vai trò hạt nhân, Trung Quốc dần tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ số.

Trung Quốc hiện được coi là một trong những thị trường thanh toán di động tiên tiến nhất thế giới với sự phủ sóng rộng khắp của WeChat Pay và Alipay. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân tiêu dùng trực tuyến. Mục tiêu là tới cuối năm 2020, hoạt động tiêu dùng trực tuyến tại nước này sẽ có tổng doanh thu khoảng 900 tỷ USD.

Tại Thâm Quyến, công ty điều hành tàu điện ngầm địa phương đang thử nghiệm nhiều công nghệ tiên tiến được hỗ trợ bởi mạng 5G, trong đó có thanh toán tiền vé bằng nhận diện gương mặt. Tại ga Futian, thay vì trình vé hay quét mã QR trên smartphone, hành khách có thể quét gương mặt trên màn hình cỡ lớn như tablet gắn trên cổng ra vào, tiền vé tự động được trừ từ tài khoản liên kết. Việc giới thiệu dịch vụ thanh toán bằng nhận diện gương mặt cho hệ thống giao thông công cộng đánh dấu bước tiến tiếp theo của Trung Quốc trong tích hợp nhận diện gương mặt và công nghệ trí tuệ nhân tạo khác trong cuộc sống thường nhật của đất nước đông dân nhất thế giới. Hiện tại, khách hàng đã có thể mua gà KFC bằng hệ thống nhận diện gương mặt “Smile to Pay”, được giới thiệu lần đầu tại Hàng Châu tháng 01/2017.

Tại Singapore, Chương trình hỗ trợ phát triển Fintech của Singapore được thiết kế trên cơ sở đã có Khung pháp lý thử nghiệm Sandbox. Từ năm 2016, cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore MAS (Monetary Authority of Singapore) là ngân hàng trung ương tại Singapore, đây là cơ quan quốc gia quản lý về lĩnh vực tài chính tổng thể với sứ mệnh nâng cao vị thế của Singapore trong vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế, cho phép các tổ chức tài chính, doanh nghiệp FinTech thử nghiệm các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính sáng tạo trong không gian và thời gian được xác định rõ. MAS sẽ hỗ trợ pháp lý phù hợp bằng cách nới lỏng các quy định cụ thể mà doanh nghiệp tham gia sandbox phải tuân theo trong thời gian thử nghiệm. Sandbox còn bao gồm các biện pháp bảo hộ thích hợp để giải quyết hậu quả khi thất bài và duy trì sự an toàn, lành mạnh chung của hệ thống tài chính. Sau khi thử nghiệm thành công sandbox thì các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý và quy định có liên quan.

Trong các nước ASEAN, Singapore hiện là thị trường thanh toán điện tử phát triển mạnh nhất với tỷ lệ dân số sử dụng Internet khoảng 80%, năm 2015 chỉ số thanh toán điện tử của Singpore vào khoảng 56%-57%. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, hầu hết người dân Singapore đều có điện thoại thông minh, nhưng cứ 10 người thì lại có 9 người vẫn muốn trả tiền cho các giao dịch hàng ngày theo cách cũ bằng tiền mặt. Để khắc phục điều này, bên cạnh hệ thống máy thanh toán thẻ POS thì Chính phủ Singapore đang lập kế hoạch phát triển một hệ thống thanh toán nhanh, sử dụng mã QR (một dạng mã có thể được quét bằng điện thoại di động thông minh) để thực hiện thanh toán điện tử trên toàn quốc.

Bài học rút ra đối với Việt Nam

Cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hoá quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính FinTech và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phúc vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng. Hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.

Các chính sách, chương trình hành động về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam thể hiện trong các văn bản như:

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025;

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, mặc dù hệ thống chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn khoảng trống chính sách và nhất là trong việc thực thi chính sách tài chính - ngân hàng. Thách thức về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng thực điện tử, định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ.

(1) Đối với khung pháp lý cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

(2) Đối với định danh và xác thực điện tử, cần ban hành quy định về định danh và xác thực điện tử, xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng. Ngoài ra, về dữ liệu, cần sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có cơ chế cho phép ngành tài chính - ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả phối hợp của các bên (chính phủ - doanh nghiệp, tổ chức tài chính, hiệp hội ngân hàng, tài chính - hệ thống giáo dục) để phát triển và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo chuyển đổi số; nâng cao kỹ năng cho nhân lực ngành công nghệ thông tin và hỗ trợ nhân lực ngoài ngành chuyển sang ngành công nghệ thông tin. Khuyến khích, thúc đẩy tư duy đổi mới, linh hoạt và có lợi cho việc bồi dưỡng nhân tài.

Nguyễn Phương Nhung

 

Tài liệu tham khảo

[1] FinTech in China’s Capital Market

https://www.nomurafoundation.or.jp/en/wordpress/wp-content/uploads/2017/09/NJACM2-1AU17-03_CHINA.pdf

[2] 2021 China FinTech 50 Report

https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/cn/pdf/en/2021/12/china-fintech-50-2021.pdf

[3] https://ictnews.vn/cntt/cac-nuoc-tren-the-gioi-lam-gi-de-phat-trien-nen-kinh-te-so-180394.ict