Xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục trên thế giới
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là việc chuyển đổi cách dạy, cách học, quản trị và quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận với mọi người dân. Chuyển đổi số trong giáo dục được xem là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo… vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, tận dụng các công nghệ số thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý, làm việc của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong hoạt động giáo dục cũng như cung cấp điều kiện giáo dục thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số. Như vậy, có thể hiểu chuyển đổi số trong giáo dục là việc các cơ sở giáo dục đổi mới mô hình tổ chức giảng dạy và quản lý; đội ngũ giáo viên đổi mới nội dung và cách dạy dựa trên các bài học điện tử; học sinh được học chủ động hơn, trải nghiệm nhiều hơn qua việc tương tác trên môi trường số, từ đó nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn và chất lượng giáo dục cũng được nâng cao hơn nhờ có học liệu số và môi trường học tập số mà mô hình, cách thức dạy học được đổi mới theo hướng hiệu quả hơn.
Xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục được tập trung vào các nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.
Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (như Trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, phân tích dữ liệu…) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục một cách nhanh chóng, chính xác.
Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (như sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường học ảo (cyber university).
Kể từ khi Đại dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng tới nền giáo dục, Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đào tạo trực tuyến. Tại Canada, Bangladesh và Mauritius, việc học tập dựa trên công việc, học nghề hoặc nội dung thực hành đã được chuyển giao một phần thông qua các nền tảng trực tuyến và cũng đang phát triển các gói đào tạo trực tuyến.
Tại Chile, các cơ sở giáo dục sử dụng công cụ Padlet để đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên thông qua các bản ghi video khi thực hiện các kỹ năng và sử dụng mô phỏng kỹ thuật số.
Bắc Mỹ ứng dụng e-learning để biến đổi mô hình học tập truyền thống. Số lượng học sinh trong giáo dục truyền thống được dự đoán sẽ giảm 2 triệu trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2030. Tuy nhiên, sự thiếu hụt sẽ được bù đắp khi số học sinh đăng ký học trực tuyến tăng 18 lần, dự kiến sẽ tăng đến gần 6 triệu vào năm 2030, chiếm gần một phần tư thị trường giáo dục. Nghiên cứu của GeSI cho thấy ở Bắc Mỹ, e-learning cuối cùng sẽ cắt giảm hơn 5.000 đô/năm/học sinh vào năm 2030. E-learning cũng được áp dụng trong đào tạo nghề: khoảng 10% các công ty sử dụng các khóa học trực tuyến mở rộng (MOOCs) để đào tạo nhân viên của họ nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số, và dự kiến sẽ tăng thêm khoảng một phần ba vào năm 2030.
Hình 1. Chia sẻ của sinh viên đại học học dưới hình thức trực tuyến trong tổng số sinh viên đại học ở Bắc Mỹ, từ năm 2014 đến năm 2030
Tại Mỹ, Kế hoạch công nghệ giáo dục quốc gia đã được ban hành từ năm 2010, theo đó, đã giải thích việc giáo dục cá nhân hóa là việc đặt sinh viên làm trung tâm, trao quyền cho sinh viên trong việc tự kiểm soát việc học tập của mình bằng cách cung cấp sự linh hoạt trong nhiều khía cạnh khác nhau.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã cung cấp các biện pháp hỗ trợ đa dạng cho giáo viên và giảng viên thông qua đào tạo, hội thảo và hội nghị trực tuyến. Những hoạt động này nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên và giảng viên và hỗ trợ chuẩn bị các tài liệu học tập điện tử như:
Ai Cập, Hoa Kỳ sử dụng hệ thống quản lý học tập mã nguồn mở và miễn phí như Moodle (Modular Object-Oriented Dynamic Learning Environment - Hệ thống môi trường học tập năng động hướng tới đối tượng mô-đun) là một nền tảng học tập được tạo ra để cung cấp cho giáo viên, giảng viên, giám sát viên và người học tùy chỉnh cài đặt lựa chọn học tập cho mình. Moodle ban đầu được thiết kế như một hướng dẫn để hỗ trợ và thúc đẩy những người dùng quan tâm đến việc phát triển môi trường học tập theo chủ nghĩa kiến tạo, lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm. Trường Cao đẳng Du lịch Oman OTC (Oman Tourism College) đã sử dụng hệ thống Moodle làm hệ thống quản lý học tập bắt đầu vào năm 2014 với 20 khóa giáo dục đại học và 560 người dùng, năm 2017 đã tăng tên 122 khóa học, cung cấp cho tất cả sinh viên chương trình cơ sở giáo dục chung và chương trình đại học.
Môi trường học tập, định hướng cũng như kiến tạo bắt nguồn từ năm nền tảng cốt lõi, đó là: tâm lý, sư phạm, công nghệ, văn hóa và thực dụng. Hình 2 nêu bật năm thành phần của những nền tảng cốt lõi này khi được áp dụng cho việc thiết kế môi trường học tập lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm.
Hình 2. Năm nền tảng cốt lõi của Moodle lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm
Philippines, Canada cung cấp hỗ trợ cho giáo viên và giảng viên trao đổi chiến lược giảng dạy, kinh nghiệm và thực tiễn của họ dưới dạng các công cụ, thiết bị trực tuyến, phòng thí nghiệm công nghệ thông tin, Internet chất lượng tốt. Ngoài ra, các nhà cung cấp viễn thông hỗ trợ cho các giáo viên và giảng viên dưới hình thức giảm thuế đối với băng thông dữ liệu.
Bài học rút ra đối với Việt Nam
Các nước trên thế giới đang nỗ lực thay đổi phương pháp dạy và học từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến thông qua việc ứng dụng các công nghệ số. Hình thức học tập tương tác trực tiếp không phải là phương pháp duy nhất, việc kết hợp phương pháp, hình thức học tập giữa trực tiếp và trực tuyến là một lựa chọn lâu dài để bảo đảm đào tạo liên tục trong mọi tình huống. Mặc dù đã có chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số trong giáo dục, chẳng hạn như:
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục với nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của Việt Nam nói chung và của ngành giáo dục nói riêng, diễn ra với tốc độ nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh “dừng đến trường, không dừng học” do ảnh hưởng của Đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, cần phải thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn ngành giáo dục, hoàn thiện các chính sách, quy định cụ thể về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả trên môi trường số, an toàn thông tin cá nhân, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số.
Các chính sách liên quan đến chất lượng dạy và học trên môi trường mạng như an toàn thông tin mạng; các chính sách liên quan đến chính trị, tư tưởng, đạo đức người dạy, người học như bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh thông tin trên môi trường mạng; các chính sách quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy và học trên mạng, kiểm định chất lượng, tính pháp lý và công nhận kết quả khi dạy - học trực tuyến.
Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hoá và tạo cơ hội mạnh mẽ giảm khoảng cách trong việc tiếp cận và hiệu quả trong việc học tập.
Cần tạo khung pháp lý cho việc học tập kết hợp giữa hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trang bị đầy đủ các trang thiết bị cho học tập như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh… cho học sinh, sinh viên nhất là đối với những học sinh nghèo vùng sâu vùng xa, các đối tượng chính sách.
Chương trình, giáo trình phát triển theo các mô-đun học tập với sự hỗ trợ của ngành viễn thông.
Học sinh, sinh viên phải được chuẩn bị tinh thần, cách thức, phương pháp học tập độc lập.
Giáo viên cần linh hoạt hơn để tạo ra các phương pháp và tài liệu mới.
Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông rất quan trọng cho cả giáo viên cũng như học sinh, sinh viên.
Đầu tư, phát triển và cung cấp các nền tảng học tập với mức chi phí phù hợp, hội nghị trực tuyến và các công cụ thực tế ảo VR tools phải đáp ứng nhu cầu và năng lực của người học cũng như các yêu cầu của các cơ sở giáo dục.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1] Aguide to Padlet for online learning
https://www.imperial.ac.uk/media/imperial-college/staff/education-development-unit/public/Padlet-for-online-teaching-and-learning.pdf
[2] https://gesi.org/report/detail/system-transformation
[3] http://genk.vn/40-trang-hoc-online-day-ban-moi-thu-tren-doi-20160804181819647.chn
[4] https://ybox.vn/ky-nang/hoc-truc-tuyen-mien-phi-khoa-hoc-cua-harvard-stanford-mit-iqqaem4nje
[5] http://neatoday.org/2017/06/09/personalized-learning/
[6] Modular Object-Oriented Dynamic Learning Environment
http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.113.8186&rep=rep1&type=pdf
[7] The Impact and Effectiveness of E-Learning on Teaching and Learning
https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED613533.pdf
[8] Hồ sơ Đề án Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ.