Đang xử lý.....

Xây dựng Đô thị thông minh – Người dân phải là trung tâm  

Xây dựng và phát triển Đô thị thông minh là 1 xu hướng tất yếu trên thế giới. Khi nói đến mục đích của xu hướng này, chúng ta nói đến nhiều lợi ích như phát triển bền vững, quản lý hiệu quả, hay đơn giản là tạo ra một thành phố hiện đại, tiện nghi và đáng sống. Tuy nhiên, để nói một cách ngắn gọn thì mục tiêu phát triển của thành phố thông minh hay mọi quá trình nâng cấp, cải tiến khác chính là lấy người dân làm trung tâm.
Thứ Tư, 30/12/2020 3123
|

Một Thành phố đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân, khiến người dân hài lòng, mọi công trình, phương tiện được xây dựng và phát triển đều nhằm cải thiện đời sống ngươi dân và người dân tham gia vào mọi hoạt động của thành phố thì chưa cần kể đến các ứng dụng khoa học công nghệ, thành phố đó tự nó đã trở thành 1 thành phố thông minh. Lấy người dân làm trung tâm không chỉ là mục đích cuối cùng mà còn là mục tiêu của mọi quá trình trong phát triển Thành phố thông minh.

Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ cũng đã nhận thức được điều này. Thủ tướng Chính phủ đã đưa mục tiêu lấy người dân làm trung tâm vào trong mọi văn bản về đường lối, chính sách, chiến lược chuyển đổi số cũng như phát triển đô thị thông minh của Việt Nam. Mục tiêu này cũng cần phải được đặt ra trong mọi đề án, dự án phát triển của từng địa phương. Cần nhớ rằng, phát triển đô thị thông minh không phải việc áp dụng một loạt công nghệ lên mọi lĩnh vực của thành phố mà là việc tìm cách nâng cao lợi ích của người dân, coi người dân là trung tâm của mọi hành động và để làm được điều này thì công nghệ chỉ là công cụ.

 

Hình 1: Người dân là trung tâm của mọi lĩnh vực

Câu chuyện về quản lý đô thị tại thành phố New York

Tháng 11 năm 2018, một cơn bão tuyết vào đầu mùa đông đã khiến mọi hoạt động ở thành phố New York bị đình trệ. Điều đáng nói của trận bão này là tuyết đã rơi nhiều hơn dự báo của nhà chức trách. Nó làm sạt lở đường, đổ cây, tắc nghẽn các cây cầu và gây hỗn loạn cho hệ thống giao thông. Một vụ tắc đường kéo dài lên đến 10 giờ đã xảy ra và nó là vụ tắc đường nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại New York.

Cơn bão đã ảnh hưởng đến hàng ngàn người. Hàng trăm người bỏ lại xe trên cầu George Washington – ranh giới giữa New York và New Jersey. Các giáo viên buộc phải qua đêm tại trường học. Đám đông đã đứng hàng giờ trong gió lạnh tại một sân bay để chờ những chuyến xe buýt đến Manhattan, mà cuối cùng thì không có chiếc xe buýt nào tới được sân bay cả.

Đó là một thất bại kinh hoàng do lỗi trong vấn đề xử lý thông tin và khả năng quyết định.

Tình trạng của những thiệt hại này có thể đã được ngăn chặn hoặc giảm thiểu nếu những người lãnh đạo thành phố, cũng như những người điều hành thuộc các ngành giao thông vận tải, tiện ích, cảnh sát và các cơ quan ứng phó khẩn cấp khác, có một hệ thống quản lý dữ liệu tốt hơn trong tầm tay để họ nhìn nhận được toàn cảnh của sự việc. Công nghệ thành phố thông minh có thể tính toán và hiển thị các tác động tích lũy trong các sự kiện bất ngờ như vậy. Những công cụ mới này thậm chí có thể dự đoán tác động của sự việc ở nhiều khía cạnh, từ đó có thể khiến người dân cảm thấy yên tâm khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn cả là sự thay đổi tư duy của những người có trách nhiệm. Thông thường, các cơ quan chính quyền nhìn nhận công việc của họ tách biệt với nhau, và họ tập trung vào việc cố gắng hoàn thành công việc của riêng mình thay vì có cái nhìn rộng hơn và suy nghĩ lại cách thức tổ chức hoạt động.

Thay đổi tư duy từ những người lãnh đạo

Chính quyền có thể học các bài học từ nhiều nhà bán lẻ thành công, những người không ngừng tập trung vào sự hài lòng của khách hàng hơn mọi thứ khác – để làm cho những khách hàng có hiểu biết về chuyên môn nhìn thấy điều đó và cố gắng đáp ứng mọi mong muốn của khách hàng.

Sự tập trung vào người dân là một trong những vấn đề được nói đến một cách rõ ràng dành cho các nhà lãnh đạo trong một báo cáo đặc biệt được xuất bản bởi tổ chức Knowledge @ Wharton (Tổ chức tư vấn kết nối với Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania). Báo cáo có tên là "Các thành phố thông minh: Bộ công cụ cho nhà lãnh đạo", nó kêu gọi các nhà lãnh đạo thành phố suy nghĩ lại về vai trò của họ. Họ nên thấy rằng mình không phải là người quản lý các cơ quan hành chính mà là những người xây dựng cộng đồng, những người giúp nuôi dưỡng lòng tin, sự hòa hợp và coi đó là 1 niềm vinh dự.

Theo báo cáo này, việc phát triển thành phố thông minh ở những quốc gia dẫn đầu hiện đang ở giai đoạn thứ ba, trong đó chính thành phố đã trở thành một nền tảng để tương tác, hợp tác và đồng sáng tạo với người dân. Thành công trong giai đoạn mới này có nghĩa là nhà quản lý đô thị phải xác định lại các mục tiêu của thành phố thông minh để đáp ứng nhu cầu nội tại của người dân và những bên liên quan đến họ.

Những người đứng đầu có thể bắt đầu bằng cách xác định lại các mục tiêu của thành phố thông minh để công dân là trung tâm của mọi mục tiêu, thay vì các lĩnh vực đô thị thông thường như tiện ích và giao thông. Để đáp ứng lại những yêu cầu trải nghiệm mà công dân số ngày nay mong đợi, họ nên thúc đẩy sự hợp tác giữa các ban ngành thành phố cũng như khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào các cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo đô thị.

Những người đứng đầu có thể bắt đầu bằng cách xác định lại các mục tiêu của thành phố thông minh để công dân trở thành trung tâm của mọi quá trình, thay vì các lĩnh vực đô thị thông thường như tiện ích và giao thông. Để cung cấp các loại trải nghiệm theo yêu cầu mà người dân sống trong thời kì tiến bộ ngày nay mong đợi, họ nên thúc đẩy sự hợp tác giữa các ban ngành thành phố cũng như khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào những cuộc tọa đàm với các nhà lãnh đạo.

Hình mẫu cho cách tiếp cận mới này là cựu thị trưởng Jordi Hereu của thành phố Barcelona, ​​Tây Ban Nha, người đã làm nên quá trình chuyển đổi của thành phố Barcelona thành một trong những thành phố ứng dụng kĩ thuật số tốt nhất thế giới và mở ra một kỷ nguyên mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Tầm nhìn của Hereu là xây dựng một “Barcelona khiêu vũ” (Dancing Barcelona), nơi người dân cũng như du khách đều vui vẻ và cảm thấy an toàn. Bằng cách khai thác công nghệ kỹ thuật số, Hereu đã cải thiện việc thu gom rác để thành phố gọn gàng và sạch đẹp hơn, cải thiện hệ thống chiếu sáng công cộng để mọi người cảm thấy an toàn hơn, đồng thời thiết lập một hệ thống giúp người lái xe ô tô tìm chỗ đậu xe nhanh chóng, giảm căng thẳng.

Nói về đất nước Bhutan nhỏ bé, ở vùng núi phía bắc Ấn Độ. Quốc gia này từ lâu đã duy trì cái mà họ gọi là Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia Tổng hợp. Cụm từ “Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia” được đặt ra bởi Vua Jigme Singye Wangchuck, người đã tuyên bố vào năm 1972 rằng “Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn Tổng chỉ số sản phẩm quốc nội”.

Kể từ khi nhà vua đưa ra góc nhìn tuyệt vời sâu sắc này, các tổ chức trên khắp thế giới đã bắt đầu công bố các chỉ số tương tự. Các chỉ số này giúp lãnh đạo thành phố thiết lập ưu tiên và đo lường tiến độ. Ví dụ, một cuộc khảo sát an sinh được thực hiện ở Connecticut cho thấy rằng các thành phố có thể cải chỉ số thiện hạnh phúc của người dân theo những cách hiệu quả về chi phí bằng cách nhắm mục tiêu vào một số chỉ số chất lượng cuộc sống cụ thể. Đó có thể là tăng cường khả năng tiếp cận của những người có thể trạng đặc biệt với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tăng cường hệ thống vận chuyển và các tuyến phố đi bộ, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ của người dân với cơ quan chính phủ.

Các chỉ số hạnh phúc này là yếu tố quan trọng của bất kỳ chiến lược thành phố thông minh nào, nhưng để đạt được sự hài lòng của người dân, nhà lãnh đạo thành phố cần tuân theo các mục tiêu xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm trong suy nghĩ và kế hoạch của họ. Khi các nhà lãnh đạo nghĩ về tương lai các thành phố của họ, họ nên xem xét ba yếu tố chiến lược. Những yếu tố này có thể sẽ là rất mới với nhiều quốc gia.

i./ Hình thành quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương

Các doanh nghiệp thường phải gặp gỡ khách hàng chính là những người dân trong một thành phố, việc kinh doanh thành công hay thất bại dựa trên khả năng của họ trong việc đọc được những kỳ vọng thay đổi của người dân. Bằng cách hình thành quan hệ đối tác với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thành phố có thể sử dụng họ như cảm biến của mình để giúp thu thập dữ liệu liên quan về nhu cầu của người dân. Đến khi cần hành động, họ có thể cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các sáng kiến ​​và thay đổi chính sách.

Ví dụ, vào năm 2016, Hà Lan đã triển khai mạng lưới Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) cấp quốc gia để kết nối vô số cảm biến đô thị và cơ sở hạ tầng thành phố với Internet. Điều này đã khuyến khích sự đổi mới của các công ty địa phương, những công ty đã phát triển các sản phẩm mẫu giống như một ứng dụng để giám sát và kiểm soát hệ thống thoát nước hay kiểm soát lũ lụt trên toàn đất nước. Cách tiếp cận này của một quốc gia diện tích nhỏ như Hà Lan đã đưa ra một kế hoạch chi tiết có thể được áp dụng cho các thành phố ở khắp mọi nơi về cách họ hợp tác với các công ty địa phương để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Một trường hợp điển hình khác là Bristol, Anh. Thay vì đẩy mạnh chương trình công nghệ của mình nhằm tiếp cận với người dân, Hội đồng thành phố Bristol hợp tác với Trung tâm Truyền thông Knowle West, một tổ chức nghệ thuật và công nghệ phi lợi nhuận tại địa phương, để họ trực tiếp bày tỏ mối quan tâm của mình. “Độ ẩm trong nhà” nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng. Thông qua sự hợp tác, họ đã thiết kế một bộ cảm biến có hình dạng một con ếch mà người dân đặt trong nhà của họ để đo mức độ ẩm. Cách tiếp cận sáng tạo này trao quyền cho người dân để tìm ra hoạt động nào đang gây ra sự gia tăng độ ẩm, chẳng hạn như nấu ăn hoặc tắm vòi hoa sen và tìm cách giải quyết nó.

ii./ Gắn kết hơn nữa với các công đoàn

Các tổ chức của người lao động vẫn có những tác động  mạnh mẽ ở nhiều thành phố của Hoa Kỳ, vì vậy, điều cần thiết đối với nhà lãnh đạo thành phố là biến các nhà lãnh đạo lao động từ đối thủ thành đồng minh. Với tốc độ tự động hóa nhanh chóng trong các lĩnh vực như sản xuất, ô tô và bán lẻ, công việc của tương lai sẽ đòi hỏi những kỹ năng rất khác so với công việc ngày nay.

Việt Nam không tồn tại những xung đột như tại Mỹ, thay vào đó, Chính phủ luôn tìm cách giải quyết các vấn đề của người lao động và liên kết với các công đoàn như một phương pháp để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, trong thời kì đổi mới, sẽ có những công việc mất đi và những công việc mới sinh ra. Những công việc lao động có thể tự động hóa sẽ được tự động hóa, do vậy, một bộ phận khá lớn người lao động phổ thông sẽ cảm thấy bị đe dọa bởi công nghệ mới.

Thay vì lo lắng, nhà lãnh đạo có trách nhiệm đảm bảo các trường học, cao đẳng và dạy nghề ở địa phương cung cấp các khóa học và chương trình phù hợp để đào tạo lại lực lượng lao động cho những vai trò mới. Bằng cách hình thành quan hệ đối tác công tư để giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, các thị trưởng thành phố có thể chủ động giải quyết sự chênh lệch xã hội tồn tại ở nhiều nơi.

Lịch sử chỉ ra một bài học về cách đầu tư của khu vực công vào nguồn nhân lực có thể dẫn đến sự thịnh vượng cho phát triển quốc gia. Theo một báo cáo của Đại học Harvard, trong ba thập kỷ sau năm 1910, tuyển sinh trung học ở Mỹ tăng từ 18% lên 73%, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp tăng từ 9% lên 51%. Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ vượt xa các nền kinh tế công nghiệp khác về trình độ học vấn và thu nhập.

iii./ Đảm bảo thành phố thông minh có cơ chế thông minh

Mỗi thành phố đều có những cơ chế dày đặc được thiết kế để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân, đồng thời tránh việc xây dựng và phát triển không được kiểm soát. Tuy nhiên, rất nhiều cơ chế được đặt ra hàng thập kỷ trước vẫn còn trên giấy tờ mặc dù chúng đã trở nên lỗi thời. Nhà lãnh đạo thành phố nên xem xét lại các quy định của họ với sự chuyển đổi thành phố thông minh. Thay đổi những quy tắc gây cản trở tiến độ một cách không cần thiết. Và, khi họ đặt ra cơ chế mới, hãy xem xét tác động tiềm tàng của chúng đối với khả năng đổi mới một cách tự do của thành phố, doanh nghiệp và công dân của thành phố.

Hiện nay, vẫn còn nhiều lãnh đạo địa phương bác bỏ các sáng kiến ​​thành phố thông minh, cho rằng chúng quá phức tạp hoặc tốn kém, coi thành phố thông minh là 1 tương lai còn quá xa vời. Tuy nhiên, với mục tiêu hàng đầu là coi người dân là trung tâm thay vì những ý nghĩ chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ thì chúng ta có thể thấy rằng thành phố thông minh là hoàn toàn khả thi.

Bước đầu tiên vô cùng quan trọng là hình dung lại vai trò của lãnh đạo thành phố. Họ nên coi bản thân mình trước hết là người quản lý sự hài lòng của người dân. Một khi họ thay đổi suy nghĩ và hành động phù hợp, các thành phố sẽ sẵn sàng trên con đường hướng tới cải thiện an sinh, hạnh phúc và kinh tế.

Và có lẽ mọi thành phố sẽ tránh được tình trạng tắc đường kéo dài 10 giờ như ở New York.

                                                                                      Nguyễn Công Minh      

 

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.smartcitiesdive.com/news/a-warning-for-cities-become-citizen-centric-or-fail/