Để đón đầu xu hướng toàn cầu, “Xã hội 5.0” được trình bày như một khái niệm cốt lõi trong Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5 (Science and Technology Basic Plan), được Văn phòng nội các Nhật Bản (Japanese Cabinet) thông qua vào tháng 01 năm 2016; và được xác định là một trong những chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản. Xã hội 5.0 - Xã hội siêu thông minh, cũng là một phần cốt lõi của Chiến lược “Đầu tư cho tương lai năm 2017: Cải cách để đạt được Xã hội 5.0”. Nhật Bản là đất nước đầu tiên trên thế giới dẫn đầu xây dựng Xã hội 5.0 - Hướng tới một xã hội mới lấy người dân làm trung tâm.
Chuyển đổi số tại Nhật Bản
Giờ đây, chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số như Internet vạn vật (IoT - Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và học máy (Machine Learning) đang mang lại những thay đổi đáng kể cho toàn thể xã hội. Làn sóng chuyển đổi số trở thành trụ cột chính cho chính sách về công nghiệp của Nhật Bản.
Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức trên quy mô toàn cầu, chẳng hạn như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, trái đất nóng lên, chênh lệch kinh tế ngày càng tăng…Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tận dụng CNTT-TT tối đa để đạt được kiến thức mới và tạo ra các giá trị mới bằng cách tạo kết nối giữa “con người với vạn vật (People and Things)” và giữa “thế giới thực và thế giới ảo (Real world and Cyber world)”, như một phương tiện hữu hiệu và hiệu quả để giải quyết các vấn đề trong xã hội, tạo ra cuộc sống tốt hơn cho người dân và duy trì tăng trưởng kinh tế lành mạnh.
Dữ liệu lớn được thu thập từ quá trình kết nối vạn vật IoT, kết hợp với công nghệ AI sẽ tạo ra một tài nguyên mới tiếp cận mọi ngóc ngách của xã hội. Khi chúng ta chuyển sang ứng dụng các công nghệ mới trong xã hội mới thì cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ thoải mái và bền vững hơn, được cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với số lượng cụ thể và vào thời điểm cần thiết.
Vào tháng 9 năm 2015, Liên Hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 (Agenda for Sustainable Development) vì sự phát triển bền vững, với 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs (Sustainable Development Goals) là cốt lõi. Đây là một chương trình toàn diện, trong đó tất cả các quốc gia cùng làm việc hướng tới một thế giới bền vững cả về lĩnh vực phát triển kinh tế và giải pháp cho các vấn đề xã hội. Nguyên tắc của Chương trình nghị sự 2030 chính là xây dựng xã hội hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người trên hành tinh để “không bỏ lại ai phía sau”.
Những thách thức đối với Nhật Bản
Có rất nhiều thách thức đối với Nhật Bản trong quá trình hướng tới Xã hội 5.0 là:
Thứ nhất là tỷ lệ dân số già ngày càng tăng, tỷ lệ sinh giảm nên Nhật Bản phải đối mặt với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp và chi phí an sinh xã hội tăng. Hiện nay, tại Nhật Bản, lực lượng lao động là hơn 77 triệu người, dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 70% là khoảng 53 triệu người vào năm 2050. Mặt khác, chi phí an sinh xã hội sẽ tăng do dân số già từ 120 nghìn tỷ yên trong năm 2015 lên 150 nghìn tỷ yên vào năm 2025 (nguồn: https://www.jef.or.jp/journal/pdf/220th_Special_Article_02.pdf).
Từ năm 1950 đến năm 1970, phần lớn cơ sở hạ tầng cơ bản của Nhật Bản được thiết lập như một phần của sự phát triển quy mô lớn trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao. Sau hơn 50 năm, thì cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu và đường ống nước đang bị xuống cấp và dự kiến tổng ngân sách mà Nhật Bản phải chi để thay thế là 190.000 tỷ yên trong 50 năm từ 2011 đến 2060.
Xã hội 5.0
Khái niệm Xã hội 5.0 đã được chính phủ Nhật Bản đưa ra trong Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5 (Science and Technology Basic Plan) của Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (Council for Science, Technology and Innovation), và được Văn phòng nội các phê duyệt vào tháng 01 năm 2016.
Xã hội 1.0 được định nghĩa là những nhóm người săn bắt và hái lượm chung sống hài hòa với thiên nhiên;
Xã hội 2.0 hình thành các nhóm dựa trên canh tác nông nghiệp, tăng cường tổ chức và xây dựng quốc gia;
Xã hội 3.0 là xã hội thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua cách mạng công nghiệp và thực hiện sản xuất sản xuất hàng loạt;
Xã hội 4.0 là xã hội thông tin hiện thực hóa giá trị gia tăng bằng cách kết nối các tài sản vô hình dưới dạng mạng thông tin;
Xã hội 5.0 là một xã hội thông tin được xây dựng dựa trên Xã hội 4.0, hướng tới một xã hội thịnh vượng lấy người dân làm trung tâm.
Hình 1. Con đường hướng tới Xã hội 5.0 tại Nhật Bản
Hình 2. Xã hội 5.0
Mục tiêu của Xã hội 5.0 là tạo ra một xã hội lấy người dân làm trung tâm, để đạt được sự phát triển kinh tế, giải quyết các thách thức xã hội, mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống chất lượng cao, đầy đủ và thoải mái. Đó là một xã hội sẽ đáp ứng chi tiết các nhu cầu khác nhau của con người, không phân biệt vùng miền, độ tuổi, giới tính, ngôn ngữ,... bằng cách cung cấp các vật dụng và dịch vụ cần thiết. Chìa khóa để hiện thực hóa Xã hội 5.0 là sự kết hợp giữa không gian mạng và thế giới thực (không gian vật lý) để tạo ra chất lượng, giá trị và giải pháp mới cho dữ liệu, giải quyết các thách thức và các vấn đề khác nhau của xã hội.
Hình 3. Xây dựng nền tảng cho Xã hội 5.0
Tăng cường xã hội 5.0
Sau quyết định của Nội các về Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5, Trụ sở Phục hồi Kinh tế Nhật Bản đã thành lập “Hội đồng Đầu tư cho Tương lai” nhằm thúc đẩy chiến lược tăng trưởng và đẩy nhanh cải cách cơ cấu để tăng “đầu tư cho tương lai”. Vào tháng 6 năm 2017, “Đầu tư cho Chiến lược Tương lai 2017” để hiện thực hóa Xã hội 5.0 đã được Nội các thông qua như một biện pháp cụ thể để đạt được Xã hội 5.0. Theo chiến lược này, chìa khóa để đạt được tăng trưởng trung và dài hạn là hiện thực hóa Xã hội 5.0 giải quyết các thách thức xã hội khác nhau bằng cách kết hợp những đổi mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chẳng hạn như Internet vạn vật IoT, dữ liệu lớn Big data, trí tuệ nhân tạo AI, robot và nền kinh tế chia sẻ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bằng cách đó, xã hội của tương lai sẽ là một xã hội trong đó các giá trị và dịch vụ mới được tạo ra liên tục, làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn.
Nhật Bản đã chọn ra năm lĩnh vực chính có thể tận dụng thế mạnh và thu hút nhà đầu tư trên thế giới như: “Tăng cường sức khỏe”, “Kéo dài tuổi thọ”, “Hiện thực hóa cuộc cách mạng di động”, “Tạo ra các chuỗi cung ứng thế hệ tiếp theo”, “Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng” và “Tận dụng công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính FinTech”. Với thách thức dân số ngày càng già đi, Nhật Bản đang phải gánh chịu chi phí y tế và an sinh xã hội ngày càng tăng về nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên trên thế giới hướng tới một xã hội già hóa, thiết lập một “hệ thống y tế mới” để kéo dài hơn nữa tuổi thọ của người dân được thực hiện thông qua việc chăm sóc y tế, chăm sóc điều dưỡng với trọng tâm là quản lý sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và tự hỗ trợ. Bằng cách kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế hiện được phân tán trong các bệnh viện khác nhau, điều trị y tế hiệu quả dựa trên dữ liệu được cung cấp. Việc chăm sóc y tế từ xa giúp người cao tuổi không còn phải đến bệnh viện thường xuyên. Ngoài ra, cũng có thể đo lường và quản lý dữ liệu sức khỏe, chẳng hạn như đo nhịp tim khi ở nhà, để có thể kéo dài tuổi thọ của người dân.
Hình 4. Hệ thống y tế mới tại Nhật Bản
Vào tháng 12 năm 2017, “Gói Chính sách Kinh tế Mới (New Economic Policy Package)” đã được thông qua để thực hiện các biện pháp trong Chiến lược “Đầu tư cho Tương lai năm 2017 (Investment for the Future Strategy 2017)”, bao gồm cuộc cách mạng phát triển nguồn nhân lực và đổi mới hệ thống cung ứng là những chính sách quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Bằng cách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, chính phủ Nhật Bản hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội trong đó mọi công dân, bao gồm cả người già và trẻ, phụ nữ và nam giới, người khuyết tật và người mắc các bệnh nan y, đều có một cuộc sống viên mãn. Trong cuộc cách mạng hệ thống cung ứng, giá trị mới sẽ được tạo ra bởi những đổi mới về công nghệ như: IoT, dữ liệu lớn, robot và AI là lái xe tự động, sức khỏe, chăm sóc y tế, chăm sóc dài hạn, giao dịch tài chính và thương mại, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và du lịch, thể thao, văn hóa và nghệ thuật. Nhật Bản đang thúc đẩy Xã hội 5.0 bằng cách giới thiệu các công nghệ số trong nhiều hệ thống khác nhau, cũng như đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ số để đạt được một xã hội mà trong đó mọi công dân đều được tham gia vào các lĩnh vực của xã hội một cách năng động.
Kết luận
Mục tiêu của Xã hội 5.0 ở Nhật Bản là hiện thực hóa một xã hội nơi mọi người tận hưởng cuộc sống một cách đầy đủ nhất, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ. Theo quan niệm này, Xã hội 5.0 không chỉ phát triển vì sự thịnh vượng của một quốc gia mà còn giải quyết các thách thức của xã hội, đổi mới sản phẩm, dịch vụ và tổ chức.
Số hóa là một phương tiện, nhưng con người chúng ta chính là tác nhân trung tâm. Theo truyền thống, sự đổi mới do công nghệ thúc đẩy phát triển xã hội, nhưng trong tương lai thì xây dựng một “xã hội” sẽ là nền tảng cho cuộc sống của con người, khiến chúng ta hạnh phúc và mang lại cảm giác có giá trị.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
1. Society 5.0 and sustainability digital innovations: A social process
https://www.abacademies.org/articles/Society-5.0-and-Sustainability-Digital-Innovations-A-Social-Process-1939-4691-23-1-129.pdf
2. Society 5.0: Aiming for a New Human-Centered Society
https://www.jef.or.jp/journal/pdf/220th_Special_Article_02.pdf
3. Realizing Society 5.0
https://www.jef.or.jp/journal/pdf/220th_Special_Article_02.pdf