Đang xử lý.....

Vai trò của Kiến trúc đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế (Phần 1)  

Phần 1. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế trong quá trình nghiên cứu kiến trúc EA (Enterprise Architechture) đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa. Trường hợp cụ thể nghiên cứu trong bài viết này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở quốc gia Nam Phi.
Thứ Tư, 30/12/2020 365
|

Hạn chế chính đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các kỹ năng kinh doanh cần thiết để phát triển doanh nghiệp qua các giai đoạn chuyển đổi. Các chỉ trích đối với các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn (growth stage models) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là đáng quan ngại, các mô hình này chứa đựng những tri thức phổ quát thu hút các nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ giống như việc hướng dẫn cách quản lý tăng trưởng. Trong bài viết này, các chuyên gia đề xuất mô hình SMEAG để khai phá sự phù hợp của kiến ​​trúc (Enterprise Architecture - EA) đối với việc cải tiến các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn hiện có để phản biện lại một số chỉ trích này. Kiến trúc EA được biết đến bởi nó như một công cụ, lĩnh vực yêu cầu có sự quản lý thay đổi và quản lý sự phức tạp. Cơ sở lý luận để kết hợp khái niệm về mô hình tăng trưởng theo giai đoạn và Kiến trúc EA là dựa trên mức độ thay đổi và mức độ phức tạp liên quan đến việc tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa. Mô hình SMEAG kết hợp mô hình tăng trưởng theo giai đoạn hiện có của Scott và Bruce (tác giả mô hình tăng trưởng 5 giai đoạn của doanh nghiệp nhỏ), Khung kiến ​​trúc của Hoogervorst và Kiến trúc EA với tư cách là Nền tảng Mô hình kinh doanh.

Giới thiệu

Phát triển các doanh nghiệp nhỏ thành các doanh nghiệp vừa với mục tiêu tạo ra việc làm ở Nam Phi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, hạn chế chính là yêu cầu kỹ năng kinh doanh  để phát triển các doanh nghiệp nhỏ thông qua các giai đoạn chuyển đổi khác nhau. Sự thiếu hụt các kỹ năng này là một hạn chế đã được các chuyên gia quốc tế chỉ ra.

Giả định ban đầu có thể là có sẵn các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng kinh doanh này. Tuy nhiên, khi xem xét các tài liệu có liên quan, các tác giả có bằng chứng cho thấy giả định này có thể có vấn đề, đặc biệt là do thực trạng của các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn như vậy đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đánh giá nghiên cứu về tăng trưởng doanh nghiệp nhỏ, các chuyên gia xác định các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn là mô tả về các giai đoạn khác biệt về tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa và tập hợp các vấn đề phổ biến cùng với phản hồi của tổ chức liên quan đến từng giai đoạn.

Kiến trúc EA được thừa nhận rộng rãi là một cách tiếp cận để quản lý sự thay đổi và quản lý sự phức tạp. Kiến trúc EA không chỉ tạo nền tảng để quản lý sự thay đổi mà còn cung cấp cơ chế mà thực tế doanh nghiệp và các hệ thống của doanh nghiệp có thể phù hợp với ý định quản lý. Kiến trúc EA có thể đóng góp một giải pháp cho những chỉ trích chống lại các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn mà một doanh nghiệp nhỏ có thể không vượt qua các giai đoạn chuyển đổi.

Bài viết này trình bày nghiên cứu việc khám phá việc sử dụng EA để nâng cao các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có với mục tiêu cung cấp hướng dẫn cho các nhà quản lý trong quá trình chuyển đổi từ một doanh nghiệp nhỏ thành một doanh nghiệp vừa. Cơ sở lý luận để kết hợp các khái niệm về mô hình tăng trưởng theo giai đoạn và kiến trúc EA là dựa trên mức độ thay đổi và mức độ phức tạp liên quan đến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa.

Kết quả là Mô hình tăng trưởng SME EA (SMEAG) được đề xuất. Các trải nghiệm trong ngành được hỗ trợ với việc phát triển mô hình SMEAG thông qua kết hợp lý thuyết từ các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn của doanh nghiệp nhỏ và vừa và các miền kiến trúc. Mô hình SMEAG được hình thành bằng cách kết hợp mô hình tăng trưởng theo giai đoạn hiện có, Khung kiến trúc của Hoogervorst  và kiến trúc EA. Mô hình SMEAG đã đề xuất, sử dụng như một trường hợp điển hình về mô hình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa.

Giá trị đóng góp của mô hình SMEAG có thể tóm tắt là việc bổ sung cho mô hình tăng trưởng theo giai đoạn hiện tại ba khái niệm sau từ kiến EA:

- Thay thế khái niệm giai đoạn bằng cách tiếp cận chuyển đổi trạng thái hiện tại sang trạng thái tương lai.

- Khung Kiến trúc Hoogervorst chỉ ra các lĩnh vực quan tâm, các lĩnh vực thiết kế và các nguyên tắc và tiêu chuẩn kiến trúc.

- Nền tảng Mô hình điều hành doanh nghiệp là để xác định mô hình hoạt động và mức độ tiêu chuẩn hóa và yêu cầu tích hợp cần thiết.

Mô hình SMEAG được phát triển nhằm quan tâm đến tình trạng “đói” nguồn lực trong thế giới doanh nghiệp nhỏ và vừa về mặt tư duy.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, mô hình tăng trưởng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để hiểu rõ hơn các vấn đề, cần phải hiểu bản chất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa so với các đối tác lớn hơn của họ. Một số yếu tố có thể đóng vai trò nhận biết như:

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là một phần của nền kinh tế toàn cầu và ở mỗi quốc gia. Các chuyên gia khi nghiên cứu về quản lý nguồn lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ ra rằng xấp xỉ 99% các công ty ở Châu Âu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng số lao động khoảng 65 triệu người (Exploring human resource management practices in small and medium sized enterprises của Cassell, C., Nadin, S., Gray, M., Clegg,.). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu chiếm 99% hoạt động kinh doanh và 40% đến 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

- Thực tế về tình trạng “đói” tài nguyên trong thế giới doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chuyên gia cho rằng quy mô của một doanh nghiệp nhỏ tạo ra một điều kiện đặc biệt, được gọi là sự nghèo nàn về tài nguyên, phân biệt họ với các đối tác lớn hơn và đòi hỏi cách tiếp cận quản lý khác với doanh nghiệp lớn hơn.

- Chỉ có một tỷ lệ nhỏ chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa hình dung được sự phát triển từ một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở các quốc gia, tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là tiêu chuẩn. Hầu hết các công ty bắt đầu nhỏ, tồn tại/duy trì nhỏ và khi giải thể cũng nhỏ và hầu hết các nhà sáng lập doanh nghiệp có nguyện vọng tăng trưởng khiêm tốn. Chu kỳ sống trung bình của doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong khu vực từ năm năm trở xuống.

Từ Báo cáo Global Entrepreneurship Monitor, một số thống kê và tuyên bố liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nam Phi có thể được liệt kê để giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân của vấn đề được đề cập ở trên. Trong số 2,4 triệu công ty đã đăng ký ở Nam Phi vào năm 2009, 2,2 triệu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp (3,9%) trong giai đoạn khởi nghiệp sử dụng một vài nhân viên và chỉ một phần nhỏ (<3%) các doanh nghiệp theo định hướng nhu cầu tạo ra từ sáu việc làm trở lên. Báo cáo Global Entrepreneurship Monitor cũng đề cập rằng hoạt động kinh doanh chính thức đòi hỏi phải được đào tạo các kỹ năng, chẳng hạn như cách lưu giữ hồ sơ, ngân sách, quản lý dòng tiền, tối đa hóa tín dụng thương mại và viết kế hoạch kinh doanh.

Mô hình tăng trưởng theo giai đoạn doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hiểu, quản lý và dự đoán các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình phát triển kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là liệu các mô hình tăng trưởng giai đoạn có thể hỗ trợ thành công nhà quản lý muốn chuyển đổi doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa hay không.

Nhiều mô hình khác nhau đã được đề xuất giải quyết cụ thể những chỉ trích liên quan đến các giai đoạn tuần tự. Ví dụ chuyên gia đề xuất một mô hình khái niệm với trọng tâm là sự chuyển đổi giữa các giai đoạn trong vòng đời. Những chuyển đổi này có thể chỉ ra sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không hạn chế mô hình bằng cách áp đặt bản chất tuần tự của các giai đoạn. Trong khi tác giả khác lại đề xuất mỗi giai đoạn trong vòng đời bao gồm một cấu hình duy nhất của các biến liên quan đến bối cảnh và cấu trúc của tổ chức.

Tuy nhiên, các mô hình tăng trưởng theo giai đoạn tập trung vào các vấn đề chung mà tổ chức có thể gặp phải trong quá trình tăng trưởng, có giá trị đối với việc xác định các mô hình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ các nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra các quyết định quan trọng. Mô hình của Greiner giúp các doanh nhân nhận thức được các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra và các giải pháp như một phần của quá trình chuyển đổi qua các giai đoạn khác nhau. Mô hình năm giai đoạn trong đó được minh họa trong Hình 1 dựa trên mô hình của Greiner.

Hình 1. Mô hình tăng trưởng 5 giai đoạn SME

Trong mô hình, các tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như giai đoạn của ngành, các vấn đề chính,... được trình bày liên quan đến từng giai đoạn, từ giai đoạn khởi đầu đến giai đoạn trưởng thành. Ví dụ, trong giai đoạn khởi đầu, khi thành lập, các vấn đề quan trọng là giành được khách hàng và sản xuất kinh tế, những vấn đề này sẽ thay đổi trong giai đoạn trưởng thành thành kiểm soát chi phí, năng suất và tiếp thị ngách nếu ngành đang suy giảm.

Nguyễn Thanh Thảo

Nguồn tham khảo:

- Davidsson, P., Achtenhagen, L., Naldi, L.: Research on Small Firm Growth: A Review.

- Ross, J., Weill, P., Robertson, D.: Enterprise Architecture as Strategy Creating a Foundation for Business Execution.

- Hoogervorst, J.A.P.: Enterprise Governance and Enterprise Engineering.

- Khung Kiến trúc Zachman.