Đang xử lý.....

Vai trò của Chính quyền thông minh với Đô thị thông minh  

Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay. Không thể hình dung cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu Internet và các tiến bộ khoa học công nghệ. Cho dù là bất kì lĩnh vực nào, từ giao thông, viễn thông, y tế, an ninh, giáo dục, đến hầu hết mọi ngành nghề của xã hội đều phụ thuộc vào ICT.
Thứ Tư, 30/12/2020 2033
|

Để quản lý hiệu quả các ngành này của xã hội, các đô thị của chúng ta cần có sự quản lý và điều hành thông minh. Thông qua việc áp dụng ICT trong quản lý, chính phủ có thể thiết kế và thực hiện các chính sách hiệu quả cho toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo, thành viên chính phủ cần các hệ thống và công cụ thông minh để phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các lĩnh vực khác nhau để có thể truy cập dữ liệu thời gian thực, chia sẻ thông tin và thực hiện các kế hoạch phát triển, an sinh xã hội.

Chính quyền (chính phủ) thông minh hay Chính quyền hoạt động hiệu quả giống như hai mặt của cùng một đồng xu. Việc sử dụng internet và công nghệ kỹ thuật số đang tạo ra mối quan hệ giữa chính phủ và các đối tác công, củng cố các thể chế chính phủ và hội nhập tất cả các thành phần của xã hội.

Chính quyền thông minh là gì

Giống như Đô thị thông minh, không có bất kì một sự thống nhất nào trong việc đưa ra các định nghĩa cụ thể về Chính quyền hay Chính phủ thông minh. Cách tiếp cận hiệu quả nhất với các khái niệm này là nhìn vào những tính năng và đặc trưng của nó, cũng như việc nhìn vào những tiến bộ của nó so với hiện tại.

Về mặt kỹ thuật, Chính quyền thông minh có thể coi là việc sử dụng công nghệ để tạo điều kiện, hỗ trợ việc lập kế hoạch và ra quyết định tốt hơn. Mục tiêu hành động là các quy trình có tính dân chủ và chuyển đổi cách thức cung cấp dịch vụ công. Chính quyền thông minh bao gồm chính quyền điện tử, kế hoạch hiệu quả và hoạt động làm việc trên thiết bị di động. Đó là tương lai của dịch vụ công, mang lại hiệu quả cao hơn, hỗ trợ làm việc từ xa và liên tục cải tiến, đổi mới.

Hay nói một cách khác, đặc trưng của Chính quyền thông mình là: quản trị Đơn giản, Đạo đức, Rõ ràng, Trách nhiệm và Minh bạch. Các đặc trưng này là những thay đổi cơ bản trong hoạt động của Chính quyền và trách nhiệm đối với Cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp cũng như Công dân.

  • Đơn giản nghĩa là đơn giản hóa các quy tắc, quy định và quy trình của chính phủ thông qua việc áp dụng tiến bộ CNTT-TT và nhờ đó trở thành một chính phủ thân thiện với người dân.
  • Đạo đức cho thấy sự xuất hiện của một hệ thống giá trị đạo đức hoàn toàn mới trong bộ máy chính trị và hành chính. Ứng dụng công nghệ còn giúp nâng cao hiệu quả của cơ quan giám sát, cảnh sát, tư pháp, v.v.
  • Rõ ràng - tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế, phát triển và đơn giản hóa thông tin, quản lý hiệu quả Hệ thống và cơ chế đo lường hoạt động hiệu quả,  đảm bảo trách nhiệm giải trình của dịch vụ công.
  • Trách nhiệm - hợp lý hóa các quy trình để tăng tốc độ cung cấp dịch vụ và làm cho những ý kiến, yêu cầu được phản hồi nhanh hơn.
  • Minh bạch – thông tin giới hạn trong các tài liệu của chính phủ được chia sẻ đến với cộng đồng và làm cho các quy trình, chức năng trở nên rõ ràng. Từ đó mang lại sự công bằng và chuẩn xác trong các chỉ đạo của chính quyền.

Chia sẻ thông tin ở tất cả các lĩnh vực:

Trong hơn 1 thập kỉ nay, các nước phát triển đang xây dựng cơ sở hạ tầng của họ dựa trên cơ sở quản trị thông minh và phát triển bền vững. Các nước đang phát triển trên thế giới cũng không bị tụt lại quá xa. Khi các đô thị được phát triển dựa trên cơ sở mô hình đô thị thông minh, chính quyền ở đó cũng ứng dụng chính phủ điện tử để tăng cường tính dân chủ, sự tham gia của người dân và an sinh xã hội.

Mục đích của chính quyền thông minh, chính phủ điện tử là làm cho hệ thống minh bạch hơn và người dân được cung cấp thông tin nhiều hơn. Thông tin của chính phủ sẽ không còn là kho lưu trữ của một số ít bộ ngành, mà mọi thành phần xã hội đều có thể truy cập được.

Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Nigeria, Angola và nhiều quốc gia khác đang cung cấp thông tin chính phủ số trên tất cả các phân ngành. Điều này đã mang lại nhiều kết quả tích cực và giá trị cho người dân.

Cổng thông tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, ứng dụng dành cho thiết bị di động và các dịch vụ hợp nhất đã giúp công chúng chia sẻ trực tiếp các vấn đề, đề xuất và khiếu nại của họ với các cơ quan chính phủ. Ví dụ, ở Ấn Độ, đạo luật về Quyền lợi đối với Thông tin (Rights To Information - RTI) đã được thông qua để trao quyền cho người dân đối trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Bất kỳ ai cũng có thể nộp gửi yêu cầu RTI và được cung cấp chính xác câu trả lời về chính sách của chính phủ, phân bổ và thực hiện vốn, công bố đấu thầu với thời gian phản hồi được quy định rõ ràng. Ở Ấn Độ trước đây, RTI thường được thực hiện qua đường bưu điện nhưng bây giờ, chính phủ Ấn Độ đã ra mắt trang web RTIonline.gov.in giúp quy trình trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. Diễn đàn trên trang web cung cấp cho các người dân không gian để chia sẻ ý tưởng, đề xuất và biết tình trạng của những yêu cầu trước đó.

Cũng tại Ấn Độ, có nhiều trang web và ứng dụng để báo cáo về các vấn đề tiêu cực, đề xuất của quần chúng về chính sách, báo cáo các vấn đề dân sự theo chiến dịch Swachh Bharat, chuyển đơn khiếu nại đến cơ quan tiếp công dân theo từng khu vực, ứng dụng bảo mật đảm bảo quyền lợi trẻ em, phụ nữ, Cổng thông tin Thuế hàng hóa và Dịch vụ (Good and Service Tax - GST) dành cho doanh nghiệp, v.v. đều là mục tiêu của chính phủ Ấn Độ hiện tại để trở thành một quốc gia số, nó cho thấy sự cần thiết của CNTT-TT trong việc phát triển một quốc gia dẫn đầu.

Các tính năng của chính quyền (chính phủ) thông minh

Chính phủ điện tử và sự tham gia của công chúng vào quá trình ra quyết định là khía cạnh quan trọng nhất của chính quyền thông minh. Các phương thức được sử dụng nhằm đạt mục tiêu được liệt kê như sau:

Áp dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT): là sử dụng máy tính, Internet, mạng viễn thông, thiết bị số để thu thập, xử lý, chia sẻ và truy xuất dữ liệu, truy cập tốt hơn các kênh như cáp viễn thông, radio, điện thoại và các hệ thống vệ tinh để truyền thông tin. Sử dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (Geographic Information System - GIS) cho du lịch và vận tải, hội nghị truyền hình, nhắn tin nhanh trong các dịch vụ ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và an ninh.

Tham vấn điện tử: Sự tham gia của người dân là đặc điểm chính của quản trị thông minh. Phải có một kênh tương tác thích hợp giữa chính phủ và người dân. Họ phải được trao quyền để nói lên quan điểm, ý tưởng của mình về các chương trình, kế hoạch của chính quyền, v.v. Thông tin phản hồi của họ nên trực tiếp chuyển đến các nhà lãnh đạo, cố vấn, quản lý đô thị hoặc người đứng đầu địa phương.

Dữ liệu điện tử: Dễ dàng truy cập vào nền tảng chia sẻ dữ liệu của chính phủ, dữ liệu chi tiêu, đầu tư công và thông tin công khai phải luôn có sẵn để truy cập. Ngoại trừ thông tin quan trọng liên quan đến an ninh và bảo mật của công dân, dữ liệu phải được cung cấp miễn phí và công khai. Điều này sẽ làm cho chính phủ có trách nhiệm hơn, tạo động lực người dân tham gia vào các hoạt động của chính quyền.

Các mô hình Chính phủ thông minh:

Hình 1: Các mô hình phủ thông minh

Mô hình Chính phủ với Công dân (Gorvernment to Citizen G2C): Theo cách tiếp cận này, chính phủ tương tác trực tiếp với người dân thông qua các kênh liên lạc khác nhau như báo chí, cổng thông tin điện tử, diễn đàn, đài phát thanh, Ứng dụng, v.v. Mục đích là để tiếp cận với công dân và cho phép họ tự nói, lắng nghe các vấn đề, khiếu nại, lời khuyên của họ và biến chúng thành những ý tưởng để áp dụng. Các quốc gia như Hoa Kỳ, các Quốc gia Châu Âu và Singapore là những ví dụ hàng đầu của mô hình này.

Mô hình Chính quyền với Doanh nghiệp (Gorvernment to Business): Doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế phát triển. Mô hình này nhằm hướng tới sự tương tác trực tiếp giữa chính quyền trung ương, đô thị với doanh nghiệp,  giảm thiểu những quy định cứng nhắc và những nút thắt mà các doanh nhân, thương gia và công ty khởi nghiệp gặp phải. Các doanh nghiệp có thể nhận được thông tin trực tiếp về các chính sách, quy định, thuế, chương trình và cơ sở tín dụng mới nhất để cải thiện và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Mô hình này cũng khuyến khích việc giao dịch, kinh doanh trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và cung cấp dữ liệu thời gian thực, có thể được sử dụng để lập kế hoạch và dự báo nền kinh tế. Doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các cuộc khảo sát, báo cáo, dữ liệu thu thập bởi chính phủ để bắt đầu các dự án kinh tế mới.

Ngoài ra, phát triển bền vững là điều không thể thiếu trong mọi vấn đề quản lý. Chính phủ có thể thông báo cho các doanh nghiệp về quy định, hướng dẫn về vấn đề môi trường để tuân theo và áp dụng trong việc thiết lập các đơn vị sản xuất, quy cách sản phẩm, xử lý chất thải nhà máy, v.v..

Chính phủ với Chính phủ (Government to Gorvernment): Mô hình hướng tới sự tương tác trực tiếp giữa chính phủ với các tổ chức chính phủ, các sở, ban, ngành. Mục đích là tích hợp tất cả các kênh quản trị để có một hệ thống tổng thể, đơn giản hơn. Điều này sẽ dẫn đến minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình và việc phân phối các nhiệm vụ hành chính thông suốt hơn.

Với việc áp dụng CNTT-TT, một mô hình dịch vụ công số, không cần giấy tờ sẽ ra đời. Điều này làm giảm tình trạng tiêu cực không đáng có trong các cơ quan hành chính công. Một kênh giao tiếp hai chiều thích hợp sẽ được thiết lập giữa các cán bộ và công dân, đặc biệt là ở cấp đô thị và cấp địa phương, mang lại trách nhiệm, tiến trình hiệu quả hơn trong các thủ tục của chính phủ.

Chính phủ với Người lao động (Government to Employee G2E): Mô hình hướng tới việc cung cấp hệ thống phần mềm trực tuyến và các công cụ nhằm tạo ra kênh tương tác giữa người lao động, chính phủ và Doanh nghiệp sử dụng lap động. Ý tưởng là duy trì một tài khoản cá nhân cho mỗi nhân viên với số an sinh xã hội, số tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân của người lao động. Nhiều vấn đề liên quan đến nhân viên như trả lương, bồi thường y tế, quỹ dự phòng, chế độ hưu trí, khoản vay ngân hàng có thể được thực hiện trực tuyến.

Những thách thức mà Chính phủ phải đối mặt

Kinh phí: Để tạo ra một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và liên kết mọi thứ với nhau, chính phủ cần rất nhiều kinh phí và đầu tư. Nhất là các nước đang phát triển, có thể sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tiền tệ do các hoạt động phát triển, thu thuế thấp, vay nợ quốc tế nhiều, nhập siêu và các vấn đề xã hội khác.

Thiếu sự quan tâm: Mặc dù quản trị tốt nghĩa là có nhiều người tham gia hơn, nhưng các cơ quan chính phủ không muốn thu hút công chúng tham gia vào mọi hoạt động mà họ làm. Đôi khi vì lý do an ninh và chính trị, chính quyền cố gắng duy trì khoảng cách với công chúng.

Công dân thiếu hiểu biết về Công nghệ: Không phải ai cũng hiểu biết về công nghệ. Để cảm nhận được những lợi ích của quản trị điện tử, cần phải có kiến ​​thức cơ bản về máy tính và internet. Những người sống ở các vùng nông thôn, vùng hẻo lánh, hộ gia đình nghèo và các cộng đồng thiểu số vùng sâu vùng xa  không dễ dàng để truy cập được Internet hoặc các hệ thống kỹ thuật số. Để sử dụng CNTT một cách hiệu quả, chính phủ cần tổ chức các chương trình công cộng và các hoạt động đào tạo để phổ biến Công nghệ thông tin đến mọi thành phần trong xã hội. Chỉ khi đó mọi người thuộc nhiều tầng lớp mới có thể hưởng lợi từ những dịch vụ này và sẽ có sự phát triển xuyên suốt của xã hội số nói chung.

Kết luận: Vai trò của chính quyền thông minh, chính phủ thông minh đối với Đô thị thông minh là rất to lớn. Chính quyền thông minh với những thay đổi trước tiên về nhận thức sẽ là tiền đề cho việc phát triển một đô thị thông minh. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, với những kinh nghiệm được đúc kết từ các quốc gia đi trước, Việt Nam luôn chủ động học hỏi và tiếp thu nhằm múc đích nâng cao hiệu quả và phấn đấu vì lợi ích cao nhất của người dân để từ đó, xây dựng một quốc gia dân chủ, phát triển và giàu mạnh.

                                                                                      Lê Việt Hưng

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.smartcity.press/smart-governance-for-smart-cities/

[2] https://www.civilsdaily.com/mains/what-do-you-mean-by-smart-governance-highlight-its-significance-in-the-context-of-indian-bureaucracy-150w-10m/