Đang xử lý.....

Vài nét về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng đô thị thông minh trên thế giới  

Triển khai đô thị thông minh đã diễn ra tại một số quốc gia trên thế giới. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia đã có thực tiễn triển khai đô thị thông minh, quá trình phát triển thành công các đô thị thông minh là một hành trình đòi hỏi thời gian, nỗ lực lớn để cải cách, đổi mới nhiều mặt...
Thứ Ba, 26/12/2017 1841
|

1. Đặt vấn đề

Triển khai đô thị thông minh đã diễn ra tại một số quốc gia trên thế giới. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia đã có thực tiễn triển khai đô thị thông minh, quá trình phát triển thành công các đô thị thông minh là một hành trình đòi hỏi thời gian, nỗ lực lớn để cải cách, đổi mới nhiều mặt. Chính vì vậy, việc thường xuyên học tập, tiếp thu các bài học kinh nghiệm thực tiễn từ thực tế triển khai đô thị thông minh từ chính quá trình triển khai tại các quốc gia trên thế giới là cần thiết, giúp chúng ta rút ngắn được thời gian định hình, đúc rút được các kinh nghiệm cần thiết để vận dụng trong trường hợp cụ thể. Bài viết này xem xét một số trường hợp triển khai đô thị thông minh tại một số quốc gia bao gồm cộng đồng châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, nơi có nhiều hoạt động triển khai thực tế các đô thị thông minh, từ đó tại mỗi trường hợp, xem xét rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn có giá trị để tham khảo cho xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

2. Triển khai đô thị thông minh tại một số quốc gia trên thế giới

2.1. Tại cộng đồng Châu Âu

a) Tóm lược về tính hình triển khai

Cộng đồng châu Âu với 28 quốc gia thành viên với tổng dân số khoảng 500 triệu người, diện tích hơn 4,4 triệu km2. Thúc đẩy triển khai đô thị thông minh như một chiến lược để tái thiết, cân bằng và nâng cao khả năng cạnh tranh của châu Âu trên trường quốc tế. Cộng động châu Âu cũng đã hình thành những liên minh của các thành phố, xây dựng thỏa ước hợp tác ở cấp thị trưởng, xây dựng cộng đồng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng những khuôn khổ thống nhất trong việc triển khai đô thị thông minh. Với những liên kết nội khối, những đề xuất nền tảng để triển khai thống nhất như hệ thống giao thức đô thị thông minh, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung, các cộng đồng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã hỗ trợ quá trình triển khai đô thị thông minh ở khu vực mang lại sự sáng tạo, đổi mới để giải quyết các vấn đề của đô thị như tình trạng thất nghiệp, ô nhiễm môi trường sự gia tăng dân số không thể kiểm soát và tạo ra những xung lực, tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế và nâng cao chất lượng sống.

Kết quả xem xét các trường hợp triển khai thành phố thông minh ở châu Âu, tập trung vào nhóm thành phố với dân số lớn hơn 100.000 người cho thấy, có tới 51% các thành phố đã có sáng kiến triển khai thành phố thông minh, trong số đó: có 43% thành phố trong nhóm các thành phố được xem xét có triển khai thành phố thông minh với dân số từ 100.000 – 200.000 dân, 90% các thành phố được xem xét thông minh với dân số lớn hơn 500.000 dân. Các thành phố có dân số lớn, triển khai thành phố thông minh là ở Anh, Tây Ban Nha và Italia.

Cho đến thời điểm hiện tại, trong số các thành phố có sáng kiến triển khai thành phố thông minh thì chỉ khoảng ½ đã bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai dự án, số còn lại đều mới ở giai đoạn xây dựng kế hoạch hoặc còn xem xét. Trong nhóm thành phố có hoạt động triển khai thực tế, thành phố thông minh ở châu Âu, tập trung trong 06 không gian vấn đề bao gồm: (1) quản trị thông minh, (2) kinh tế thông minh, (3) giao thông thông minh, (4) môi trường thông minh, (5) công dân thông minh và (6) sống thông minh, trong đó 02 lĩnh vực có sự tập trung triển khai cao là lĩnh vực môi trường thông minh và giao thông thông minh.

Điển hình, đối với lĩnh vực quản trị thông minh, các quốc gia có triển khai lĩnh vực đô thị thông minh bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và Thụy Điển. Lĩnh vực thông minh có sự triển khai tích hợp nhiều nhất là Sống thông minh và Công dân thông minh.

b) Một số nhận xét:

- Các dự án thành công thường là các dự án có mục đích, mục tiêu rõ ràng, được áp dụng hệ thống đo lường cơ sở (KPIs) trong quản trị dự án. Ngoài ra, các dự án thành công thường có xu hướng được gắn kết trong một tầm nhìn toàn diện về sự phát triển của thành phố.

- Cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan của dự án là quan hệ hợp tác công tư (PPPs), trong đó, khu vực tư thường đóng góp về kinh nghiệm chuyên môn, tài chính, năng lực công nghệ cũng như sự tham gia của người dân và các đối tượng thụ hưởng khác của dự án. Phần vốn đầu tư lớn nhất của khu vực công vào các giải pháp đô thị thông minh thường trong lĩnh vực giao thông, các dự án xây dựng cộng đồng dân cư thông minh.

2.2. Trung Quốc

a) Tóm lược về tính hình triển khai

Tại Trung Quốc hiện nay, quá trình phát triển đô thị thông minh đang ở giai đoạn sơ khởi và quốc gia này cũng đang phát triển những cơ chế mới cho việc vận hành và quản lý đô thị. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có tới hơn 300 dự án thử nghiệm thành phố thông minh. Cùng với các đô thị cấp 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến, hiện có rất nhiều các thành phố cấp 2 đang làm việc để thúc đẩy phát triển thành phố thông minh. Trong danh sách các dự án thử nghiệm đô thị thông minh, còn có một số dự án ở cấp quận ở một số thành phố lớn.

Khảo sát hiện trạng triển khai hiện tại ở Trung Quốc, cho thấy có một số vấn đề chính trong việc phát triển các đô thị thông minh như sau:

Mặc dù chính quyền Trung ương đã ban hành một số văn bản hướng dẫn phát triển đô thị thông minh tuy nhiên, phần lớn các văn bản hướng dẫn mới chỉ tập trung vào chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu chung cho các đô thị thông minh. Mặc dù các hướng dẫn này là hữu ích, cung cấp một bối cảnh tổng thể cho việc xây dựng kế hoạch phát triển tuy nhiên, vẫn có rất ít các quy định có tính thực tế. Các hướng dẫn được ban hành thường giúp cho việc định hướng chung chứ không phải những hướng dẫn bắt buộc các địa phương cần tuân thủ để thực hiện. Ngoài ra, do triển khai đô thị thông minh ở Trung Quốc đang mới ở thời kỳ sơ khai, kinh nghiệm thiết kế các đô thị thông minh, đặc biệt là các thiết kế bậc cao vẫn còn thiếu vắng ở Trung Quốc vì vậy, các hướng dẫn có thể thay đổi do những sự thay đổi về nhận thức của cơ quan ban hành. Tính pháp lý của các văn bản hướng dẫn này cũng là vấn đề đáng lo ngại đối các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Trung Quốc trong lĩnh vực này trong các dự án phát triển dài hạn.

Nhiều lĩnh vực đô thị thông minh tại Trung Quốc chưa được chuẩn hóa cho việc phát triển (chẳng hạn quy trình, quy định, áp dụng tiêu chuẩn…), do vậy, sẽ dẫn đến những thách thức thực sự khi đo lường, đánh giá, quản trị dự án và xây dựng kế hoạch hành động. Ngoài ra, mô hình hợp tác công tư vẫn chưa thực sự được hiện thực hóa tại Trung Quốc, vẫn còn những tranh cãi chưa kết thúc về tính hiệu quả của mô hình này đối với các dự án phát triển hạ tầng tại Trung Quốc trong khi kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, mô hình hợp tác này là phù hợp với tính chất và đặc điểm của các dự án xây dựng đô thị thông minh, nơi mà sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan như các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các cộng đồng và người dân có tính quyết định đối với dự án.

Ngoài ra, mặc dù chính quyền Trung ương đã ban hành những văn bản hướng dẫn chung, tuy nhiên, vẫn thiếu vắng các chính sách hoặc quy định cụ thể được ban hành bởi các địa phương, trong khi, các quy định đó là rất cần thiết để giúp các đối tác của các địa phương có thể có căn cứ để phối hợp. Đây cũng là một trong những lo ngại của các nhả đầu tư, các doanh nghiệp khi triển khai đầu tư hoặc phát triển các dự án đô thị thông minh tại Trung Quốc bởi vì sự cam kết của Chính quyền và các bên đối tác chưa có các cơ sở pháp lý để đảm bảo.

Sự không nhất quán về chính sách giữa các cơ quan công quyền cũng là một rào cản lớn cho sự phát triển các đô thị thông minh tại Trung Quốc, bởi vì việc triển khai các đô thị thông minh, đặc biệt các dự án lớn thường có sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Nếu dự án đang trong giai đoạn tiến hành, bất cứ sự thay đổi nào về chính sách, hành xử của một bên đối tác đều ảnh hưởng tới kết quả của dự án, thậm chí dẫn đến thất bại.

Một trong những khó khăn khác đó là không có một cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan công quyền. Trong một số dự án phát triển đô thị thông minh lớn ở Trung Quốc, có những dự án có sự tham gia của tới 11 Bộ mặc dù vậy, không có bộ nào trong số các bộ đó đóng vai trò dẫn dặt quá trình triển khai. Mỗi Bộ ngành đều có mục tiêu cần đạt trong dự án, do đó thường tập trung để hoàn thành các mục tiêu của mình, chính vì vậy, đây cũng là một khó khăn khi triển khai các dự án, trong đó vai trò lãnh đạo và điều chỉnh các trách nhiệm là hết sức quan trọng.

b) Một số nhận xét:

Trong bối cảnh của việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam hiện tại, rõ ràng có rất nhiều điểm tương đồng với hiện trạng của Trung Quốc thời gian này. Chính vì vậy, một số nhận định có thể rút ra như sau:

- Các văn bản hướng dẫn phát triển đô thị thông minh là cần thiết ở giai đoạn đầu định hình phát triển đô thị thông minh, tuy nhiên, sau giai đoạn này, cần thiết phải ban hành các văn bản pháp lý, quy định về các nội dung triển khai cần phải tuân thủ. Văn bản quy định triển khai đô thị thông minh phải ở mức văn bản Luật hoặc tối thiểu phải là Nghị định của Chính phủ.

- Cần có hệ thống văn bản quy định đồng bộ, nhất quán về vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đô thị thông minh.

- Việc thay đổi về mặt chính sách có thể dẫn đến những rủi ro lớn cho các dự án phát triển đô thị thông minh.

- Cần có cơ chế phối hợp, phân công rõ ràng vai trò chủ trì, vai trò phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc triển khai các dự án đô thị thông minh.

2.3. Ấn Độ

a) Tóm lược tình hình triển khai

Ấn Độ cũng đang đối mặt với những thách thức của tình trạng đô thị hóa và sự dịch chuyển của dân số tới sinh sống, làm việc, học tập ở các đô thị. Tại Ấn Độ hiện nay, theo thống kê có 31% dân số đang sống tại các đô thị và đóng góp tới 63% GDP của đất nước. Dự báo tới năm 2030, có 40% dân số sống ở đô thị và tỷ lệ đóng góp vào GDP của đất nước lên đến 75%. Do đó, triển khai đô thị thông minh cũng là giải pháp rất được quan tâm, Chính phủ nước này đã xây dựng “Nhiệm vụ chiến lược phát triển các thành phố thông minh – Smart city mission. Được điều hành bởi cơ quan đại diện Chính phủ triển khai là Bộ Phát triển đô thị, nhiệm vụ chiến lược này nhằm tới mục tiêu, dẫn hướng cho sự phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân bằng cách kích hoạt sự phát triển của các địa phương và khai thác khả năng của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thông minh. Nhiệm vụ này có phạm vi áp dụng tới 100 thành phố, tiến hành triển khai từ năm 2015 tới 2020.

Về cách thức triển khai, Chính phủ Ấn Độ không đưa ra mô hình đặc biệt nào cho đô thị thông minh, nghĩa là quan điểm của Ấn Độ là không sử dụng một chiếc áo một kích cỡ cho tất cả mọi người. Thay vào đó, mỗi thành phố sẽ chủ động xây dựng khái niệm, tầm nhìn, mục tiêu và đề xuất kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh, nguồn lực và kỳ vọng của địa phương. Để thực hiện điều này, các địa phương sẽ chuẩn bị bản đề xuất về đô thị thông minh trong đó bao gồm tầm nhìn, kế hoạch bố trí nguồn lực và dự kiến kết quả đạt được trong việc nâng cấp hạ tầng và các ứng dụng thông minh. Bản đề xuất này được chuẩn bị trên cơ sở tuân thủ các quy định chung về quy trình lập kế hoạch. Xây dựng bản đề xuất này là một thách thức đối với các cơ quan chính quyền địa phương, do vậy, họ được phép thuê các công ty tư vấn hoặc yêu cầu trợ giúp từ các tổ chức nước ngoài có cam kết hợp tác với Chính phủ Ấn Độ như World bank, ADB, JICA, USTDA...

Điểm đặc biệt của việc triển khai nhiệm vụ thành phố thông minh là các thành phố sẽ tham gia cuộc thi để được lọt vào danh sách thành phố được Chính phủ đưa vào danh các thành phố triển khai đô thị thông minh chính thức. Các bước thực hiện bao gồm:

Sau khi đã thực hiện tuyển chọn được các thành phố lọt vào danh sách 100 thành phố sẽ được đầu tư xây dựng thông minh, việc hỗ trợ tài chính của dự án sẽ được quản trị, điều hành bởi mô hình quỹ tài trợ tập trung và các địa phương sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ mô hình quỹ này. Mỗi dự án của các địa phương sẽ có tổng đầu tư khác nhau nên Chính phủ cho phép các các cơ quan trung ương và địa phương tìm cách thu hút đầu tư bởi nguồn tài chính từ trong và ngoài Chính phủ vào quỹ này. Cơ cấu kinh phí cấp cho các địa phương hàng năm sẽ bao gồm: 93% giành cho quỹ dự án; 5% giành cho quỹ quản trị và văn phòng (A&OE); 2% của quỹ A&OE được khấu trừ để trả cho Bộ Kế hoạch đô thị (giành cho các công việc định hướng, điều phối, nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo và thẩm định).

Về giải ngân, trong năm đầu tiên, Chính phủ sẽ cấp một khoản kinh phí khoảng 2 tỷ Rupi cho các địa phương được lựa chọn. Sau khi khấu trừ các kinh phí theo cơ cấu trên, mỗi địa phương sẽ được cấp khoảng 1.94 tỷ Rupi cho năm đầu tiên và 980 triệu rupi cho mỗi năm tiếp theo.

Việc triển khai các kế hoạch dự án được giám sát chặt chẽ và đánh giá hàng năm. Tại thời điểm hiện tại tháng 10 năm 2017, thông qua cơ chế tuyển chọn này, Ấn Độ đã đánh giá và lựa chọn được 90 hồ sơ đề xuất đạt yêu cầu, với tổng kinh phí cho các dự án lên tới 189,256 ₹ Cr.

b) Nhận xét:

Cơ chế triển khai theo hình thức cạnh tranh như trường hợp của Chính phủ Ấn Độ là một trong những cơ chế thực hiện có nhiều ưu điểm như chọn lựa được đúng các đô thị có nhu cầu và có khả năng triển khai, phát triển đô thị thông minh và đúc rút được ngay những bài học quý giá ngay từ quá trình chuẩn bị, thực hiện các đề án đô thị thông minh. Mô hình quản lý quỹ tập trung, phân bổ định kỳ cung với việc đánh giá, giám sát chặt chẽ yêu cầu, nhu cầu vốn cho phát triển đô thị thông minh là một cơ chế tương đối hiệu quả, đảm bảo nguồn lực được phân bổ kịp thời, phù hợp với nhu cầu phát triển liên tục khi các đô thị đã bắt đầu hành trình cải cách, đổi mới.

3. Kết luận

Triển khai đô thị thông minh thực sự là một hành trình mà khi đã bắt đầu, đòi hỏi những nỗ lực liên tục để cải cách, đổi mới và thích nghi để giải quyết được những thách thức thực sự mà các đô thị ngày nay đang gặp phải cũng như xây dựng một môi trường sống tốt hơn trong bối cảnh đất nước đã hội nhập với thế giới. Bài viết cũng góp phần nâng cao nhận thức về sự phát triển của đô thị thông minh, chọn lọc và cho phép rút ra một số bài học hữu ích khi bắt tay vào quá trình phát triển đô thị thông minh.

Danh mục tài liệu tham khảo:

- Smart cities – Preliminary report 2014

- Smart cities study: International study on the situation of ICT, innovation and knowledge in cities.

- Smart cities: Ranking of European medium-sized cities. www.smartcites.eu

- How smart are our cities – PWC

- Smart city: Mission statement & Guideline.

- An internation review of eco-city Nan Zhou and Chritopher Williams.

 

Nguyễn Hồng Quân