Đang xử lý.....

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh Lâm Đồng  

Trong các năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách chỉ đạo như: Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 18/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 – 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 30/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 61/2012/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 529/KH-UBND ngày 28/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020;...
Chủ Nhật, 10/12/2017 3911
|

Trong các năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách chỉ đạo như: Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 18/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 – 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 30/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 61/2012/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 529/KH-UBND ngày 28/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 4700/KH-UBND ngày 11/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử qua đó tạo môi trường quan trọng để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.

* Những kết quả đạt được trong việc ứng dụng CNTT cho cơ quan nhà nước trong thời gian qua

Đối với việc triển khai hạ tầng một cách đồng bộ hiệu quả và các hệ thống ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo đồng bộ, có khả năng kết nối, liên thông với nhau trong phạm vi tỉnh và có thể kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng luôn đánh giá sự quan trọng của các hệ thống ứng dụng được triển khai trong công tác chỉ đạo, điều hành trong từng cơ quan, lĩnh vực nhằm phát huy tốt nhất khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện đúng các quy định, tiêu chuẩn trong khung Chính phủ điện tử của tỉnh đã được ban hành, việc phát triển phải đảm bảo đúng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đến nay việc ứng dụng CNTT đã đạt được những thành tựu nhất định cụ thể như sau:

Hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin

- Trang bị máy tính cá nhân: Đạt 100% các cơ quan nhà nước các cấp đã trang bị máy tính, trong đó, tại các đơn vị cấp Sở, ban, ngành và cấp huyện đạt 100% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng trong công việc; tại các đơn vị cấp xã đạt 70% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng trong công việc. Tuy nhiên nhiều máy cấu hình thấp và đã hết khấu hao không đảm bảo cho cài đặt, sử dụng cho các ứng mới.

- Hệ thống máy chủ: Đạt 88% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Sở, ban, ngành, huyện trang bị máy chủ với tổng số 131 máy. Trong đó, tại các cơ quan cấp Sở, ban, ngành có 106 máy (trung bình mỗi đơn vị có 4,8 máy), tại các cơ quan cấp huyện có 25 máy (trung bình mỗi đơn vị có 2,5 máy). Tuy nhiên, do thời gian được trang bị đã lâu, số lượng máy chủ có cấu hình thấp, cũ hỏng, không sử dụng chiếm số lượng khá nhiều, khoảng 25%.

- Hạ tầng mạng diện rộng (WAN): Mạng WAN của tỉnh sử dụng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 35/35 đơn vị Sở, ban, ngành địa phương trong toàn tỉnh. Hiện nay 35/35 đơn vị được cấu hình truy cập ưu tiên các ứng dụng dùng chung, hội nghị truyền hình, truyền dữ liệu, các ứng dụng chuyên ngành, kết nối mạng riêng ảo… đảm bảo khả năng an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định, độ sẵn sàng cao, vận hành tin cậy, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành các cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo chỉ đạo thông suốt, kịp thời, an toàn, an ninh thông tin từ cấp tỉnh đến các Sở, ban, ngành và địa phương.

- Hạ tầng mạng LAN: Đạt 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Sở, ban, ngành, cấp huyện và 97% cơ quan nhà nước cấp xã kết nối mạng LAN, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nội bộ cơ quan; ngoài ra các đơn vị sử dụng mạng LAN cũng được thực hiện kết nối mạng bên ngoài (mạng Internet).

- Hạ tầng kết nối Internet băng rộng: Đạt 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Sở, ban, ngành, huyện và 85% cơ quan nhà nước cấp xã kết nối Internet, với 94% máy tính được kết nối Internet.

- Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa đồng loạt đến Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, 100% các đơn vị Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và 147 Ủy ban nhân dân cấp cấp xã.

Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

- Triển khai 534 chữ ký số cho các cơ quan nhà nước thuộc khối Đảng và khối chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai hệ thống phòng chống thư rác (SPAM), tường lửa Foretigate, mã CAPTCHA, sử dụng phương thức bảo mật SSL/TLS... cho Cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử công vụ.

- Đối với Cổng thông tin điện tử thì có cơ chế xác thực, cấp phép truy cập và được thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên.

Công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Cung cấp thông tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng (http://lamdong.gov.vn) đã được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp thông tin tiếng Anh và tiếng Việt; cung cấp các chức năng hỗ trợ khai thác thông tin và chức năng hỗ trợ cho từng mục thông tin (cho phép tải về văn bản quy phạm pháp luật; công cụ tìm kiếm, tra cứu thuận tiện các dịch vụ công trực tuyến, văn bản quy phạm pháp luật; chức năng công dân, doanh nghiệp hỏi, cơ quan chức năng trả lời…) nhằm đẩy mạnh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Đây cũng là văn phòng điện tử mở 24/7 để cung cấp, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra 100% các cơ quan cấp Sở, ban, ngành, huyện đã có Trang thông tin điện tử ở mức cơ bản, được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến (http://motcua.lamdong.gov.vn/)[2]: Cung cấp 3.478 thủ tục hành chính công, trong đó gồm: 3.125 thủ tục mức độ 2 (chiếm 90%), 276 thủ tục mức độ 3 (chiếm 8%) và 77 thủ tục mức 4 (chiếm 2%). Đã kết nối liên thông, tích hợp hệ thống dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 của tỉnh với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại chuyên trang “Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của địa phương” từ tháng 12/2015. Cấp Sở, ban, ngành cung cấp 686 thủ tục mức độ 2; 182 thủ tục mức độ 3 và 58 thủ tục mức độ 4. Cấp huyện cung cấp 2.439 thủ tục mức độ 2; 94 thủ tục mức độ 3 và 19 thủ tục mức độ 4. Có 23 đơn vị cung cấp thủ tục mức độ 3 và mức độ 4.

Các hệ thống phần mềm dùng chung

- Hệ thống thư điện tử công vụ (@lamdong.gov.vn): Đã được đầu tư nâng cấp mở rộng, triển khai đồng bộ tại 100% đơn vị thuộc khối Đảng và khối các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện và 80% các huyện, thành phố triển khai hộp thư công vụ đến cấp xã. Đã cung cấp được 6.041 tài khoản thư điện tử công vụ cho tổ chức, cá nhân từ cấp tỉnh tới cấp xã (đạt 67% cán bộ, công chức trên toàn địa phương, mỗi địa chỉ thư cá nhân có dung lượng 4Gb, tổ chức 10 Gb); trong đó có 60% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử (chủ yếu là các lãnh đạo và chuyên viên sử dụng). Có khoảng 267.500 văn bản điện tử được trao đổi trong hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước qua hệ thống thư điện tử (đạt 75%).

- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc: Phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp tại khối Đảng, đã được triển khai thống nhất theo quy định của Trung ương; Phần mềm TD Office, sử dụng tại Văn phòng UBND tỉnh, đã liên thông với phần mềm quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ; Phần mềm eOffice được triển khai tại 44 đơn vị cấp Sở, ban, ngành, huyện và 54/147 xã, trong đó: huyện Cát Tiên (11/11 xã), huyện Đạ Tẻh (11/11 xã), huyện Đức Trọng (15/15 xã), huyện Lạc Dương (6/6 xã), Bảo Lộc (11/11 xã), đã liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa tất cả các đơn vị sử dụng phần mềm eOffice. Kết quả đạt được tới 95% văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trong nội bộ Ủy ban nhân dân tỉnh; 80% văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trong nội bộ các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện; 70% văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với cơ quan bên ngoài.

- Hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến[3]: Năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã hiện thực hóa chủ trương thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg. Đến nay, đã triển khai kết nối, liên thông cho 18 Sở, ban, ngành và 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 3.478 thủ tục hành chính công, trong đó gồm: 3.125 thủ tục mức độ 2 (chiếm 90%), 276 thủ tục mức độ 3 (chiếm 8%) và 77 thủ tục mức 4 (chiếm 2%). Tổng số hồ sơ tiếp nhận qua bộ phận một cửa là 62.172; trong đó có 53.707 hồ sơ được giải quyết (chiếm 86%), 71% hồ sơ được giải quyết trước hạn, 9,2% hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại bộ phận một cửa.

Hệ thống các phần mềm chuyên ngành triển khai tại tỉnh

- Phần mềm quản lý cán bộ, công chức: Do Bộ Nội vụ triển khai theo mô hình tập trung tại 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp sở, ban, ngành, huyện. Với các chức năng chính quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cácthông tin cá nhân, quá trình công tác, thang bậc lương…), phục vụ tra cứu, tìm kiếm thông tin, thêm, xóa, chỉnh sửa dữ liệu thống kê.

- Phần mềm quản lý tài sản: Được triển khai đồng bộ tại 32 cơ quan, đơn vị nhà nước cấp Sở, ban, ngành, huyện (đạt 91%), đảm bảo kết nối trao đổi và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Với các chức năng chính quản lý tài sản công các đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Phần mềm quản lý thanh tra, khiếu nại, tố cáo: Do Trung tâm thông tin - Thanh tra chính phủ chủ trì triển khai, đã được triển khai thống nhất và đồng bộ tại 27 cơ quan, đơn vị nhà nước cấp Sở, ban, ngành, huyện (chiếm 77%), đảm bảo tính liên thông trong gửi nhận dữ liệu giữa các cấp theo quy định. Với các chức năng chính quản lý thông tin khiếu nại tố cáo....

- Ngoài ra còn triển khai rất nhiều các phần mềm phục vụ sở bàn ngành như: Phần mềm quản lý kế toán - tài chính; Phần mềm thống kê khoa học và công nghệ; Phần mềm quản lý trong giáo dục và đào tạo; Phần mềm quản lý bệnh viện…

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Hàng năm Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Nội vụ đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho các đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ phụ trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đến nay, hầu hết cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã sử dụng thành thạo các kỹ năng cơ bản về tin học như: soạn thảo văn bản, bảng tính, sử dụng hệ thống điều hành tác nghiệp, sử dụng thư điện tử, tìm kiếm thông tin phục vụ công việc. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin còn ít, tỷ lệ qua đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin chưa cao. Hiện tại, đa phần nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước là bán chuyên trách, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm; chỉ có Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh là có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.

* Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trong thời gian tới

Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước:

Từng bước triển khai các dịch vụ chia sẻ và tích hợp để kết nối các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.

Kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện, xã. Thực hiện giải pháp liên thông văn bản điện tử giữa các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện, xã với Ủy ban nhân dân tỉnh và Chính phủ. Thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản tất cả các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện, xã.

Đầu tư trang bị thiết bị và phần mềm triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã.

Nâng cấp, mở rộng phần mềm dùng chung toàn tỉnh gồm: Hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử.

Xây dựng, mở rộng các phần mềm chuyên ngành thiết yếu có hiệu quả cao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, tài nguyên môi trường và thống kê phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở tích hợp với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành và địa phương đáp ứng yêu cầu cập nhật, tra cứu, khai thác thông tin nhanh chóng, thuận lợi.

Tiếp tục duy trì, nâng cấp, mở rộng hệ thống phòng họp trực tuyến từ tỉnh đến các huyện đảm bảo sự điều hành chỉ đạo của tỉnh.

Tin học hóa các hoạt động nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước. Chuẩn hóa các quy trình hành chính, quy trình nghiệp vụ và nội dung thông tin.

Hạ tầng kỹ thuật:

Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, bao gồm:

Thay thế, bổ sung, nâng cấp một số máy tính, mạng máy tính, hệ thống tiếp đất chống sét thiết bị công nghệ thông tin ở cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.

Nâng cấp, mở rộng trung tâm Tích hợp dữ liệu và hoàn thiện Trung tâm Tích hợp dữ liệu Data center của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng diện rộng kết nối Ủy ban nhân dân tỉnh với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

Xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN) cho 100% đơn vị cấp xã. Đảm bảo 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã có máy tính kết nối mạng LAN và Internet.

Trang bị các giải pháp an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan từ tỉnh, huyện, xã; ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Đảm bảo an toàn thông tin:

Xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin số cho hệ thống mạng của các cơ quan nhà nước.

Tích hợp chứng thư số của Ban cơ yếu Chính phủ vào các ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh; cung cấp chứng thư số cho các cá nhân là lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiến tới việc sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy.

Đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại; đào tạo nâng cao chuyên môn cho các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp:

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO.

Nâng cấp, chuẩn hóa nội dung trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.

Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc lên Cổng thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Triển khai cung cấp dịch vụ công qua mạng điện tử theo hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Triển khai dự án hệ thống một cửa điện tử phục vụ hoạt động một cửa điện tử tại các cơ quan nhà nước cấp Sở, huyện, xã.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: giải quyết việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, vùng nông thôn và ngành dịch vụ thuế, ngân hàng, hải quan, thương mại, du lịch… phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin:

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; tạo điều kiện để một số chuyên gia về công nghệ thông tin, cán bộ lãnh đạo, quản lý có điều kiện nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Tăng cường đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa. Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước./.

Tài liệu tham khảo: Hiện trạng ứng dụng CNTT của tỉnh Lâm Đồng.

Bùi Hồng Hiếu

 


[1]Nguồn: Cổng thông tin một cửa điện tử tỉnh Lâm Đồng (http://motcua.lamdong.gov.vn)

[2]Nguồn: Cổng thông tin một cửa điện tử tỉnh Lâm Đồng (http://motcua.lamdong.gov.vn)

[3]Nguồn: Cổng thông tin một cửa điện tử tỉnh Lâm Đồng (http://motcua.lamdong.gov.vn)