Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong các Chương trình, kế hoạch, quy hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Điều này được quy định cụ thể tại các văn bản như Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020,….
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đạt được những kết quả nhất định, góp phần lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa cơ quan nhà nước, cải cách hành chính hướng tới Chính phủ điện tử Việt Nam, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước, trong năm 2016 các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã nỗ lực triển khai và đạt được những kết quả cơ bản như sau:
1. Cung cấp thông tin trên Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước [3]
Nghị định số 64/2007/NĐ-CP quy định các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin trên môi trường mạng, xây dựng thống nhất biểu mẫu điện tử, xây dựng trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Cụ thể hóa nội dung của Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, ngày 13/6/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công trực tuyến trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Trong đó thể hiện rõ các nguyên tắc cung cấp thông tin trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, các loại thông tin cần cung cấp. Đến nay, hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang/Cổng thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu theo Khoản 2, Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin. Thông tin cung cấp trên Trang/Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo Khoản 2, Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin gồm: Cung cấp thông tin giới thiệu chung (sơ đồ cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và đơn vị trực thuộc, tóm lược quá trình hình thành và phát triển của cơ quan); Cung cấp thông tin về lãnh đạo trong cơ quan (họ tên, chức vụ, điện thoại, địa chỉ thư điện tử chính thức,...); Cung cấp thông tin giao dịch chính thức của cơ quan (bao gồm địa chỉ, điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử chính thức để giao dịch và tiếp nhận các thông tin); Cung cấp danh sách các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành, số/ký hiệu, ngày ban hành, ngày hiệu lực, trích yếu); Cung cấp thông tin lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân (xin ý kiến văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách,...);… Số lượng tin bài được cung cấp trên Trang/Cổng thông tin điện tử ngày càng tăng, góp phần truyền tải, cung cấp thông tin đến người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, số liệu thống kê,… chưa được cung cấp trên Trang/Cổng thông tin điện tử hoặc cung cấp thông tin với số lượng tin bài rất ít với lý do các đơn vị đầu mối không cung cấp, công khai thông tin đặc biệt là các thông tin về dự án, đề tài khoa học công nghệ.
2. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước[3]
Ngoài việc cung cấp thông tin, các Trang/Cổng thông tin điện tử được các Bộ, ngành, địa phương xây dựng còn có mục đích quan trọng khác đó là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, điều này có ý nghĩa rất lớn trong công tác cải cách hành chính, người dân và doanh nghiệp có thể truy cập các dịch vụ hành chính thông qua mạng Internet, giảm được thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Tại các Trang/Cổng thông tin điện tử, các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở các mức độ khác nhau. Tổng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các Bộ, ngành là 550 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 278 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tổng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 10.309 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.100 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Một số đơn vị điển hình trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 như: Bộ Tài chính cung cấp 56 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 158 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Bộ Giao thông vận tải cung cấp 116 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 39 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Bộ Y tế cung cấp 29 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp 145 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; tỉnh Tiền Giang cung cấp 430 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 114 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỉnh Đồng Nai cung cấp 330 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 138 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp 227 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 141 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp 497 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Thành phố Cần Thơ cung cung cấp 326 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Thành phố Đà Nẵng cung cấp 301 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp 172 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Hà Nội cung cấp 157 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3…. Đối với các Bộ, ngành, nhiều Bộ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt đến hàng triệu hồ sơ như Bộ Tài chính với tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là 21.463.626 hồ sơ trong đó số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 là 80.216 hồ sơ với 04 dịch vụ, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 4 là 21.383.410 hồ sơ với 76 dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là 5.023.656 hồ sơ, trong đó 5.023.656 hồ sơ mức độ 4. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hà Nội có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến cao nhất là 340.027 hồ sơ (số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3); tỉnh An Giang có số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 4 cao nhất là 59.640 hồ sơ với 03 dịch vụ. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã mang lại nhiều lợi ích và sự tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.
3. Cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp[1,4]
Nhằm tạo ra kênh tương tác, trao đổi thông tin, tiếp nhận thông tin, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn và http://doanhnghiep.chinhphu.vn. Thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, các kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trực tiếp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý và trả lời doanh nghiệp. Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp nhận, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, từng cơ quan xử lý; nghiên cứu tiếp thu những đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm tổng hợp những phản ánh, kiến nghị, góp ý cũng như đề xuất của người dân, doanh nghiệp chuyển các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị, ý kiến góp ý của người dân và doanh nghiệp, công khai tình hình, kết quả xử lý các kiến nghị, phản ánh qua Hệ thống này và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CQ ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, công tác cải cách hành chính đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy tổ chức hành chính, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử…
Một số kết quả điển hình trong công tác cải cách thủ tục hành chính như:
Nhằm tạo môi trường kinh doanh tiên tiến, hiệu quả và minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi ra nhập thị trường Việt Nam, đưa hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện trong tiến trình tin học hóa các thông tin kinh tế xã hội để sẵn sàng cho Chính phủ điện tử Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh trong đó có Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp. Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nâng cao chất lượng của quản lý nhà nước đối với sự hình thành và phát triển doanh nghiệp với việc minh bạch hóa thông tin đăng ký doanh nghiệp… Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được vận hành liên tục, đảm bảo việc nộp hồ sơ được thực hiện 24h/ngày, 7 ngày/tuần và tại bất kỳ địa điểm nào có kết nối Internet. Hệ thống hóa quy trình nộp, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thông bảo kết quả giải quyết đăng ký doanh nghiệp. Thông tin được phản hồi và trao đổi hai chiều giữa người thành lập doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử. Kết quả đến nay, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với thông tin được tích hợp đẩy đủ và thống nhất từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố; Chuẩn hóa và thống nhất nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc qua Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; ứng dụng CNTT trong xử lý nghiệp vụ đăng ký kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất công tác và giảm chi phí, thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Hợp nhất quy trình đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế tại một thủ tục thành lập doanh nghiệp duy nhất gọi là “đăng ký doanh nghiệp"; Xây dựng cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chữ ký điện tử để thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và lưu trữ thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp,… Tại tỉnh Tây Ninh, nhờ áp dụng cơ chế một cửa liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan đang ký kinh doanh cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thành lập doanh nghiệp đã giúp giảm thời giam thành lập mới doanh nghiệp xuống 03 ngày, giải thể doanh nghiệp còn 05 ngày và bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh còn 01 ngày.
- Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách mang tính đột phá trong lĩnh vực thuế, cụ thể như đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa nhiều thủ tục về kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, góp phần giảm thời gian nộp thuế (năm 2015, còn 117 giờ/ năm). Ngành thuế đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời góp phần nhằm hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình khai và nộp thuế. Hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đã cung cấp và hỗ trợ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; Triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hơn 200 doanh nghiệp triển khai việc đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực tại Cục thuế Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 20/8/2017, tổng số hóa đơn được xác thực là trên 4,9 triệu hóa đơn, tổng doanh thu đã xác thực là 41,3 nghìn tỷ đồng, tổng số thuế đã xác thực trên 2,6 nghìn tỷ đồng. Đang triển khai thí điểm hệ thống khai, nộp lệ phí trước bạ đất đai qua hệ thống điện tử và quy trình thí điểm quản lý, đăng ký sử dụng và khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân. ….
Ứng dụng CNTT trong công tác hải quan: Thời gian qua, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính dã triển khai Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS). Hiện nay 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 100% quy trình thủ tục hải quan được tự động hóa, hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Qua hệ thống VNACCS/VCIS, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử nói trên đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: Thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi; hồ sơ hải quan đơn giản; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan nhanh (chỉ từ 1 - 3 giây); giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội do không phải thực hiện hồ sơ giấy. Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai quyết liệt các nội dung liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối một cửa ASEAN. Đến tháng 8/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11 Bộ, ngành. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa, 39 thủ tục hành chính của 10 Bộ, ngành đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hơn 478,8 nghìn bộ trên 13,6 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như:
Nhiều cơ quan, đơn vị chưa cung cấp đầy đủ thông tin trên Trang/Cổng thông tin điện tử theo quy định, đặc biệt là các thông tin tiếng nước ngoài, thông tin về các dự án, hạng mục đầu tư,…
Qua thống kê cho thấy, tuy số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên các Trang/Cổng thông tin điện tử ngày càng tăng nhưng số lượng cơ quan, đơn vị cung cấp cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn ít, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến còn hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước còn thấp.
Môi trường pháp lý cho ứng dụng công nghệ thông tin cần tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là những quy định về quy trình trao đổi, xử lý, lưu trữ văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước, tính pháp lý của văn bản điện tử./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử Quý III năm 2017.
[2] Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn
[3] Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.
[4] Báo cáo ứng dụng CNTT năm 2016 của các Bộ, ngành.
Tạ Thị Hồng Lý