Đang xử lý.....

Ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Trà Vinh: Một số kết quả đạt được  

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tính đến hết Quý I/2018, tỉnh Trà Vinh đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử đạt một số kết quả cụ thể như sau:
Thứ Năm, 27/12/2018 2461
|

1. Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ

          Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vĩnh đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp triển khai việc tích hợp hệ thống một cửa điện tử cấp Sở, ngành và cấp huyện trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhằm công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Cụ thể:

          Trong năm 2017, Tỉnh đã triển khai tích hợp hệ thống một cửa điện tử tại 05/18 Sở và 02/09 đơn vị cấp huyện: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế; UBND thành phố Trà Vinh; UBND huyện Cầu Ngang. Tiếp nhận tổng số 2.002 hồ sơ, xử lý đúng hạn 65 hồ sơ, xử lý trong hạn 1.856 hồ sơ (đạt 95,95%), xử lý trễ hạn 81 hồ sơ. Đến Quý I/2018, Tỉnh có thêm 08 đơn vị cấp Sở, ngành tỉnh và 01 đơn vị cấp huyện (UBND huyện Càng Long) đã triển khai tích hợp hệ thống một cửa điện tử trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tiếp nhận 650 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 338 hồ sơ.  

          Hiện nay, UBND tỉnh Trà Vinh đang triển khai thí điểm phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm hành chính công tỉnh Trà Vinh; theo đó sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của tỉnh, cơ bản tích hợp, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của tất cả các Sở, ban, ngành tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

2. Thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành

          Theo Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP số 43/BC-UBND ngày 15/3/2018 của UBNT tỉnh Trà Vinh, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành được Tỉnh triển khai rộng rãi, kết quả triển khai năm 2017 là phần mềm được triển khai áp dụng tại 86 cơ quan, đơn vị, thiết lập tài khoản cho 117 người sử dụng, nâng tổng số 7.582 người sử dụng trên hệ thống; sang năm 2018, Tỉnh đã triển khai nội bộ và liên thông tại 195 cơ quan, thiết lập và cấp 451 tài khoản người dùng, nâng tổng số 7.703 người sử dụng trong hệ thống. Đến nay, trên 90% các văn bản (trừ tài liệu mật) chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử. Hệ thống kết nối thông suốt với Văn phòng Chính phủ, đáp ứng việc trao đổi văn bản điện tử giữa Tỉnh với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, thành phố tham gia trục liên thông của Chính phủ. Kết quả, Tỉnh đã tích hợp công khai 635.594 văn bản điện tử trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử: 56,21%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị trong tỉnh dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy: 41,85%.

3. Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 (ISO điện tử) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng được Tỉnh quan tâm thực hiện, hiện tại Tỉnh đang triển khai dự án hệ thống Chính quyền điện tử nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính tỉnh Trà Vinh (Dự án này kết hợp giữa dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử) và dự án nhân rộng hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cấp xã trong tỉnh Trà Vinh), theo đó hệ thống ISO điện tử sẽ được triển khai tại Trung tâm Quản lý Cổng thông tin điện tử và 106 UBND cấp xã được trang bị máy vi tính.

4. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp

          Năm 2016, tỉnh Trà Vinh có 06 đơn vị cấp Sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số lượng dịch vụ công trực tuyến ít, nhưng đến năm 2017 với 10 đơn vị cấp Sở cung cấp triển khai được 238 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Trong đó, 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 112/15.068 hồ sơ/62 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 513/805 hồ sơ/04 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến.

          Đến Tháng 3/2018, tỉnh Trà Vĩnh đã triển khai được 354 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 (trong đó, 258 dịch vụ công mức 3 và 96 dịch vụ công trực tuyến mức 4); số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 321/4319 hồ sơ, mức độ 4 là 99/4319 hồ sơ.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

          Tại tỉnh Trà Vinh, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai cụ thể, Tỉnh đã quan tâm đến vấn đề chứng thư số phục vụ ký số văn bản điện tử, khai báo thuế trực tuyến, bảo hiểm xã hội,…Cụ thể, 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được cấp chứng thư số, toàn tỉnh có tổng số 475 chứng thư số (trong đó, 459 tổ chức và 16 cá nhân).

          Hệ thống email của Tỉnh đến nay đã thiết lập và cấp tổng số 6.195 hộp thư điện tử công vụ góp phần tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

          Hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai và duy trì với 14 điểm cầu phục vụ các cuộc họp định kỳ hàng tháng và đột xuất giữa Tỉnh với Trung ương và giữa Tỉnh với cấp huyện.

          Ngoài ra, các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, bảo hiểm xã hội,… cũng được quan tâm triển khai tương đối đồng bộ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của ngành nghề, nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý, chuyên môn.

6. Hạ tầng kỹ thuật, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

          Hiện nay, 90% cán bộ, công chức của tỉnh được trang bị máy tính. 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp cấp có mạng LAN và có kết nối internet băng thông tộng với tỷ lệ gần 100% máy tính được kết nối mạng.

          Hạ tầng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được trang bị giải pháp an toàn thông tin với nhiều mức độ khác nhau.

          Các Sở, ban, ngành, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đều có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huẩn cho cán bộ.

7. Triển khai Khung kiến trúc Chính quyền điện tử: Hiện nay UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 1).

Khó khăn vướng mắc dẫn đến một số mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra chưa đạt kết quả như mong muốn

          Căn cứ các Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-Cp ngày ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử của UBND tỉnh Trà Vinh số: 166/BC-UBND ngày 06/7/2017, 217/BC-UBND ngày 15/9/2017, 13/BC-UBND ngày 24/1/2018 và 43/BC-UBND ngày 15/3/2018 cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ trong thời gian qua của Tỉnh đã đạt một số mục tiêu nhất định được UBND tỉnh đề ra theo kế hoạch, chương trình hàng năm của Tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có một số hạn chế như: Chưa đạt chỉ tiêu 30% hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến cho cơ quan, tổ chức đạt mức độ 3; Số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 thấp. Công tác triển khai tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong gửi nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 ở các đơn vị cũng như trên địa bàn Tỉnh chưa được triển khai rộng rãi dẫn đến người dân, doanh nghiệp vẫn trực tiếp gửi nhận hồ sơ trực tiếp theo thói quen. Do tính chất phức tạp trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tính pháp lý của văn bản điện tử khi giao dịch trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Cơ sở vật chất, trang thiết bị để hỗ trợ người dân khi đến bộ phận một cửa chưa bảo đảm và không phải bất kỳ công dân nào cũng có máy tính hay có đủ điều kiện hiểu biết để thực hiện qua mạng; Chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa giữa Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc việc xác định thủ tục triển khai thực hiện, khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu và tích hợp tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục của tỉnh lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Tỉnh; Hiện nay, tỉnh chưa tích hợp chữ ký số trong hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung; Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng cũng chưa được quan tâm đúng mức; Các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai nhưng không đồng bộ, chưa liên thông được giữa các đơn vị; Nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho ứng dụng chưa đảm bảo.

Giải pháp triển khai trong thời gian tới

          Trong thời gian qua, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, không chỉ có Trà Vinh mà tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều rất tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nói Trà Vinh là một trong những tỉnh miền Tây Nam bộ đã rất tích cực trong triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Song, để đạt được kết quả như chương trình, kế hoạch của tỉnh đã đề ra về thực hiện s Chính phủ điện tử, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (các Quyết định số 585/QĐ-UBND ngày 21/3/2016, số 835/QĐ-UBND ngày 14/4/2016), đồng thời để thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chính điện tử phục vụ người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính trong các cơ quan hành chính, trước hết là ở các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm an toàn, có phương án ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin, an ninh mạng. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; phấn đấu nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phối hợp với các cơ quan đánh giá của Liên hợp quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam” tại Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong thời gian tới, UBND tỉnh Trà Vinh cần phải tiếp tục xây dựng và áp dụng kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Trà Vinh phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Ban hành các quy định thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

          Triển khai thực hiện chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020 theo Chương trình phối hợp số 3035/CTPH-BTTTT-BNV ngày 22/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án Hệ thống chính quyền điện tử nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính tỉnh Trà Vinh.

          Xác định bảo đảm an toàn thông tin là một trong những nhiệm vụ trong tâm, gắn liền với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để bảo đảm các hệ thống thông tin dùng chung của Tỉnh hoạt động ổng định thông suốt. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực xử lý khi có sự cố xảy ra.

          Kịp thời kiện toàn, bổ sung thành viên, bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin Tỉnh.

          Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử phải đáp ứng nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư có trọng điểm, trong tâm, tập trung phát huy tính đồng bộ, hiệu quả của dự án./.

Phan Thúy Trinh

Tài liệu tham khảo:

 1. Các Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-Cp ngày ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử của UBND tỉnh Trà Vinh số: 166/BC-UBND ngày 06/7/2017, 217/BC-UBND ngày 15/9/2017, 13/BC-UBND ngày 24/1/2018 và 43/BC-UBND ngày 15/3/2018.

2. Báo cáo kết quả ứng dụng CNTT năm 2017 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh số 263/BC-UBND ngày 08/11/2017 của UBND tỉnh Trà Vinh.

3. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

4. Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

5. Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại tỉnh Trà Vinh năm 2017, năm 2018 tại các Quyết định số 2688/QĐ-UBND ngày 20/12/2016, số 2424/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh Trà Vinh./.