1. Giới thiệu
1.1. Thông tin chung
Ngày 28/9/2022, Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Theo đó, Báo cáo xếp hạng là ấn phẩm chính thức của Liên Hợp Quốc, được thực hiện bởi Cơ quan về các vấn đề Kinh tế và Xã hội. Báo cáo được công bố lần đầu năm 2001, định kỳ 2 năm một lần. Chủ đề qua 12 lần công bố như sau:
STT
|
Năm
|
Chủ đề báo cáo
|
1
|
2022
|
Tương lai của Chính phủ số
|
2
|
2020
|
Chính phủ số trong một thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững
|
3
|
2018
|
Chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển đổi xã hội bền vững, phục hồi nhanh
|
4
|
2016
|
Chính phủ điện tử vì sự phát triển bền vững
|
5
|
2014
|
Chính phủ điện tử vì tương lai của chúng ta
|
6
|
2012
|
Chính phủ điện tử vì con người
|
7
|
2010
|
Chính phủ điện tử trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế tài chính
|
8
|
2008
|
Từ Chính phủ điện tử đến việc liên thông quản lý
|
9
|
2005
|
Từ Chính phủ điện tử đến sự tham gia của mọi người
|
10
|
2004
|
Chính phủ điện tử mang đến cơ hội cho mọi người
|
11
|
2003
|
Chính phủ điện tử ở ngã ba đường
|
12
|
2001
|
Chính phủ điện tử: Một cái nhìn toàn cầu
|
Bảng 1: Danh sách chủ đề của 12 kỳ Báo cáo xếp hạng là ấn phẩm chính thức của Liên Hợp Quốc
Năm 2022 sẽ chỉ còn 8 năm nữa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đến năm 2030, trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng với những tác động nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh, ổn định xã hội, sức khỏe cộng đồng, khí hậu và các hệ sinh thái. Do đó, Báo cáo năm 2022 nhấn mạnh đến những đóng góp ngày càng tăng của chuyển đổi số, chính phủ số trong việc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại kỹ thuật số. Đồng thời, khẳng định trong tương lai chính phủ số sẽ tiếp tục hỗ trợ con người giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác.
1.2. Chỉ số đánh giá
Báo cáo xếp hạng 193 quốc gia, vùng lãnh thổ (gồm 43 quốc gia Châu Âu; 47 quốc gia Châu Á; 35 quốc gia Châu Mỹ; 54 quốc gia Châu Phi; 14 quốc gia Châu Đại Dương), được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9/2021, trên cơ sở đánh giá chỉ số phát triển, được cấu thành bởi 03 chỉ số chính, có trọng số như nhau: Chỉ số Hạ tầng viễn thông, Chỉ số Nguồn nhân lực và Chỉ số Dịch vụ trực tuyến.
Mỗi chỉ số có giá trị từ 0 (tối thiểu) đến 1 (tối đa). Chỉ số tổng hợp là trung bình cộng của các chỉ số thành phần. Cụ thể:
- Chỉ số Hạ tầng viễn thông dựa trên dữ liệu cung cấp bởi Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU);
- Chỉ số Nguồn nhân lực dựa trên dữ liệu cung cấp bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá (UNESCO);
- Chỉ số Dịch vụ trực tuyến được tính toán dựa trên dữ liệu thu thập thông qua phiếu khảo sát gửi tới các quốc gia thành viên và phiếu khảo sát ý kiến chuyên gia được thực hiện độc lập bởi Cơ quan về các vấn đề Kinh tế và Xã hội (UNDESA).
Bên cạnh đó, Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử còn khảo sát và đánh giá thêm 3 chỉ số phụ khác, gồm Chỉ số Tham gia điện tử, Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương và Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ.
1.3. Phân loại mức độ phát triển
Báo cáo phân loại mức độ phát triển thành 4 nhóm:
- Rất cao: Chỉ số lớn hơn 0,75;
- Cao: Chỉ số từ 0,5 đến 0,75;
- Trung bình: Chỉ số từ 0.25 đến 0,5;
- Thấp: Chỉ số nhỏ hơn 0,25.
2. Xếp hạng của các nước trên thế giới
Ở góc độ châu lục, Châu Âu dẫn đầu về chỉ số phát triển, tiếp theo lần lượt là Châu Á, Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Phi.
Ở góc độ quốc gia, có 60 quốc gia (chiếm 31%) ở mức Rất cao, 73 quốc gia (38%) ở mức Cao, 53 quốc gia ở mức Trung bình (27%) và 07 (4%) quốc gia ở mức Thấp. Trong số 60 quốc gia ở mức Rất cao, có 35 quốc gia ở Châu Âu; 15 quốc gia ở Châu Á; 8 quốc gia Châu Mỹ và chỉ có 2 quốc gia Châu Mỹ.
So với năm 2020, Chỉ số tổng thể trung bình toàn cầu khoảng 2%; trong đó, Chỉ số Nguồn nhân lực và Chỉ số Hạ tầng viễn thông trung bình toàn cầu tăng lần lượt 2% và 5%, Chỉ số Dịch vụ trực tuyến giảm 1% (do sự thay đổi này phương pháp khảo sát).
Nhóm 15 quốc gia dẫn đầu thế giới đều là các quốc gia có thu nhập cao và 13/15 quốc gia trong số này vẫn nằm thuộc nhóm dẫn đầu thế giới từ năm 2020.
Trong nhóm 15 quốc gia dẫn đầu thế giới có 8 quốc gia Châu Âu (6 quốc gia Bắc Âu), 2 quốc gia Châu Đại Dương, 1 quốc gia Châu Mỹ và 4 quốc gia Châu Á (1 quốc gia Đông Nam Á là Singapore). Một số nét đáng chú ý:
- Đan Mạch vẫn tiếp tục vị trí dẫn đầu thế giới tính từ năm 2018, với tất cả các chỉ số đều ở ngưỡng gần tối đa.
- Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất lần đầu tiên được vào nhóm dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử, xếp thứ 13, tăng 8 hạng so với năm 2020. Quốc gia này được xếp hạng thứ tư toàn cầu về đầu tư các dịch vụ viễn thông và sự phù hợp của khung pháp lý.
- Có 3/4 quốc gia ở Châu Á bị giảm hoặc không tăng hạng, trong đó Hàn Quốc, Singapore đều bị giảm cả chỉ số tổng hợp và thứ hạng, Nhật Bản giữ nguyên thứ hạng.
- Estonia giảm 5 hạng, xếp thứ 8 về Chỉ số tổng hợp nhưng vươn lên đứng đầu thế giới về Chỉ số Dịch vụ trực tuyến.
3. Xếp hạng của Việt Nam
3.1. Xếp hạng tổng thể
Chỉ số tổng hợp của Việt Nam có giá trị là 0,6787, tăng so với năm 2020 (0,6667), xếp thứ hạng 86/193 quốc gia (giữ nguyên so với năm 2020), 25/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là một trong số 9 quốc gia có thu nhập dưới trung bình nhưng có Chỉ số tổng hợp và Chỉ số Dịch vụ trực tuyến cao trên mức trung bình của thế giới.
Bảng 2 - Xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam từ 2012 – 2022
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2022 đạt 0,6787, xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức Cao và cao hơn so với Chỉ số Chính phủ điện tử trung bình của thế giới (0,6102), của khu vực Châu Á (0,6493), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6405).
So với năm 2020, giá trị Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 2% (năm 2020 là 0,6667), nhưng giữ nguyên thứ hạng.
Hình 1 - Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2022 của Việt Nam so với các chỉ số trung bình khu vực và thế giới
Trong khu vực Đông Nam Á, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ 6 trên tổng số 11 quốc gia trong khu vực, sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bruinei và Indonesia.
Hình 2 - Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2022 của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á
So với năm 2020, 6/11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á giảm cả giá trị và xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, gồm Singapore, Malaysia, Brunei Darussalam, Philippines, Cambodia, Timor-Leste. Trong đó, có 03 quốc gia (Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam) xếp hạng trên Việt Nam.
Đáng lưu ý, Indonesia xếp hạng 77 và Myanmar xếp hạng 134, lần lượt tăng 12 bậc và 13 bậc so với năm 2020, liên tiếp tăng nhiều bậc từ năm 2018 cho đến nay. Indonesia đã chiếm vị trí của Phillippines để vượt qua Việt Nam; Myanmar, Campuchia được Liên Hợp Quốc xếp vào Top 10 quốc gia kém phát triển nhất nhưng có giá trị Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.
Bảng 3 - Xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2022 của Việt Nam và các nước trong khu vực
* Ghi chú: Số quốc gia được đánh giá xếp hạng theo từng năm là: 2004: 178/191, 2005: 179/191, 2008: 182/192 và 2010: 183/192; 2012: 190/192; 2014, 2016, 2018, 2020: 193/193; Ký hiệu: (ì): Tăng hạng so với năm trước; (î): Giảm hạng so với năm trước.
3.2. Xếp hạng các chỉ số chính
Theo kết quả tại khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2022, các chỉ số thành phần của Việt Nam về Dịch vụ trực tuyến (OSI), Hạ tầng viễn thông (TII) và Nguồn nhân lực (HCI) lần lượt là: 0,6484; 0,6973 và 0,6903.
So với năm 2020, vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2022 có ít thay đổi. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến xếp hạng 76/193 (tăng 5 bậc); Chỉ số thành phần Nguồn nhân lực xếp hạng 115/193 (tăng 2 bậc); Chỉ số thành phần Hạ tầng viễn thông xếp hạng 74/193 (giảm 5 bậc).
Hình 3 - Các chỉ số Dịch vụ trực tuyến, Nguồn nhân lực và Hạ tầng viễn thông của Việt Nam năm 2022
Bảng 4 - Xếp hạng và chỉ số đánh giá theo từng chỉ số thành phần về phát triển Chính phủ điện tử CPĐT của Việt Nam giai đoạn 2012-2022
3.3. Xếp hạng các chỉ số phụ
Tất cả các chỉ số phụ của Việt Nam đều được xếp ở mức Cao, có giá trị cao hơn mức trung bình của thế giới. Cụ thể xếp hạng các chỉ số như sau:
- Chỉ số Tham gia điện tử (EPI) xếp hạng 72/193, giảm 02 bậc;
- Chỉ số Dữ liệu mở (OGDI) xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020;
- Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương (LOSI): Liên Hợp Quốc lựa chọn thành phố đông dân nhất của mỗi quốc gia để đánh giá. Ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn và xếp thứ 54/193 (năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 42/86).
4. Kết luận
Báo cáo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử năm 2022 của Liên Hợp Quốc cho thấy: Chỉ số tổng hợp của Việt Nam năm 2022 tăng 2% so với năm 2020, tương đương với mức tăng trung bình của thế giới, chưa thay đổi thứ hạng so với thế giới và trong khu vực Đông Nam Á. Tất cả các chỉ số thành phần và chỉ số phụ của Việt Nam đều được xếp ở mức Cao, trong đó có 5/6 chỉ số có giá trị cao hơn mức trung bình của thế giới (trừ Chỉ số Nguồn nhân lực thấp hơn mức trung bình của thế giới). Trong số 03 chỉ số thành phần, có 02 chỉ số (Dịch vụ trực tuyến, Nguồn nhân lực) có tăng bậc nhưng không đáng kể.
Muốn thay đổi thứ hạng quốc gia và đạt được mục tiêu top 50 thế giới đến năm 2025 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam phải quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là chú trọng đến chất lượng, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến và Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng.
Đặng Thị Thu Hương