Đang xử lý.....

Tổng quan về Chia sẻ dữ liệu trong Đô thị thông minh  

Rất lâu trước khi COVID-19 xuất hiện, các thành phố trên khắp thế giới đã bắt đầu tự đổi mới thông qua các giải pháp “Thành phố thông minh”. Bên cạnh việc dân số ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng sẵn có dần dần trở nên thiếu thốn, chi phí gia tăng và khó đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, các thành phố đầu tư vào công nghệ để tìm ra phương pháp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tắc nghẽn giao thông, phương tiện công cộng và sức khỏe cộng đồng.
Thứ Tư, 30/12/2020 399
|

Đại dịch đã làm dấy lên nhu cầu về thông tin, phân tích dữ liệu khi các thành phố phải đánh giá hiệu quả của những biện pháp ứng phó và tuân thủ cách ly. Trong khi đó, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thương mại điện tử và động thái chuyển sang làm việc từ xa đang làm giảm tầm quan trọng hai chức năng cốt lõi của các thành phố - là nơi mua sắm và nơi làm việc. Các dịch vụ công đang trở nên quá tải bởi nhu cầu ngày càng tăng nhanh, những thách thức mới xuất hiện (như lượng xe vận tải hàng hóa tăng lên) càng làm tăng thêm những áp lực cho thành phố.

Để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại và mới xuất hiện, các thành phố đang ngày một tăng cường việc tổng hợp, chia sẻ dữ liệu, thiết lập các nền tảng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các đơn vị tư nhân, tổ chức các cuộc thi “hackathons” và sự kiện công nghệ để mời gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Nhưng mỗi giải pháp kỹ thuật số lại có những khó khăn riêng. Đổi mới từ những xu hướng công nghệ thường phụ thuộc vào việc truy cập đến dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, thu được các mối tương quan và hiểu biết sâu sắc. Các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu dữ liệu, hợp nhất, bồi thường và quyền riêng tư trở nên vô cùng cấp thiết.

Càng phát triển, các Thành phố thông minh càng chia sẻ dữ liệu nhiều hơn. Đó cũng là nơi mà các dữ liệu phức tạp được tạo ra và sử dụng. Các công ty, ngành công nghiệp, chính phủ và những tổ chức đang theo sát, chia sẻ nhiều dữ liệu hơn để thúc đẩy đổi mới và giải quyết những thách thức ở cấp độ vĩ mô như sức khỏe, phúc lợi cộng đồng và biến đổi khí hậu. Do đó, thành phố thông minh còn là một phòng thí nghiệm sống, giúp xây dựng, nghiên cứu những thách thức và lợi ích của việc chia sẻ dữ liệu.

Hình 1: Nghiên cứu các ứng dụng Thành phố thông minh đã và đang được phát triển

Các phương pháp chia sẻ dữ liệu ở các thành phố trên thế giới

Theo thông kê của Tập đoàn tư vấn Boston về các phương pháp tiếp cận, quản lý dữ liệu ở 30 thành phố thông minh trên khắp thế giới, họ đã tìm thấy một số phương pháp phổ biến. Họ nhận thấy rằng, khi các thành phố cải thiện hoạt động hiện tại và phát triển mới các dịch vụ phụ thuộc vào chia sẻ dữ liệu thì các thành phố này cũng cần phải giải quyết nhiều vấn đề hơn. Các vấn đề chia thành ba loại: cách thức và thời điểm các sở ban ngành của thành phố chia sẻ dữ liệu, cách thành phố chia sẻ dữ liệu với các nhà cung cấp tư nhân và cách các thành phố chia sẻ dữ liệu với công chúng.

Hình 2: Thống kê về cách thức chia sẻ dữ liệu của 30 Thành phố thông minh

i./ Chia sẻ Dữ liệu trong nội bộ Chính quyền Thành phố: Các kho dữ liệu lưu trữ mà các ban ngành thành phố đã xây dựng trong nhiều năm đang làm hạn chế khả năng của các thành phố trong việc phát triển cái nhìn tổng thể về cách người dân sử dụng, trải nghiệm các dịch vụ. Hơn nữa, các thành phố có xu hướng theo đuổi các sáng kiến ​​thành phố thông minh riêng lẻ hơn là chuyển đổi toàn thành phố. Các sáng kiến ​​này thường thiếu một chiến lược tổng thể, phản ánh bản chất phân tán của các cơ quan thành phố và các công nghệ kế thừa. Các thành phố cần phải vượt qua các lỗ hổng cả về tổ chức và công nghệ nếu muốn phát huy hết tiềm năng của thành phố thông minh.

Nhận thức được các giải pháp lấy người dân làm trung tâm yêu cầu chia sẻ dữ liệu nhiều hơn trong chính quyền, các thành phố đang bắt đầu đầu tư vào trao đổi dữ liệu nội bộ. Họ xây dựng các nền tảng dữ liệu mở và thư mục dữ liệu, cung cấp cho tất cả các phòng ban, các cơ quan quyền truy cập dữ liệu có sẵn nhiều hơn. Khoảng 40% thành phố thông minh trên thế giới có nền tảng dữ liệu mở với cơ sở dữ liệu back-end tích hợp cho phép các ứng dụng bên ngoài truy cập, đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để dễ dàng chia sẻ và sử dụng dữ liệu. 15% thành phố thông minh khác coi việc xây dựng kết nối back-end như một ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi số của họ. Ví dụ: Portland (Oregon) và Seoul (Hàn Quốc) đang xây dựng kho dữ liệu nội bộ của riêng họ: Hồ dữ liệu đô thị Portland (Portland Urban Data Lake) và Dữ liệu Seoul thông minh (Smart Seoul Data).

Việc chia sẻ một số dữ liệu vốn đã tồn tại nhiều vấn đề. Một mối quan tâm rất đúng đắn của các thành phố là việc tiết lộ thông tin cá nhân và các thông tin nhạy cảm khác ra bên ngoài trên các nền tảng mở hoặc nội bộ giữa các bộ phận. Ví dụ, cơ quan công quyền có nên truy cập thông tin về y tế của các cá nhân không? Hầu hết mọi người sẽ trả lời là không. Nhưng sẽ thế nào nếu những dữ liệu đó được tổng hợp để cung cấp thông tin nhằm ban hành các chính sách hạn chế ô nhiễm không khí hoặc giảm phát thải giao thông? Ở Kentucky, thành phố Louisville đã sử dụng dữ liệu tổng hợp từ các ống thuốc xịt thông minh để theo dõi tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí trong thời gian thực. Và việc phân tích dữ liệu lớn nên công khai hay nên ẩn danh?

Ẩn danh có thể chỉ là một giải pháp tạm thời - và là một giải pháp có tính hoàn nguyên khi có nhiều nguồn dữ liệu tham gia. Ví dụ: kết hợp dữ liệu địa chỉ và GPS của phương tiện ẩn danh có thể dễ dàng tiết lộ danh tính của mọi người. Hơn nữa, cả dữ liệu ẩn danh và dữ liệu tổng hợp đều có thể che giấu các mẫu cơ bản quan trọng. Khi các thành phố xây dựng nền tảng dữ liệu, họ sẽ phải quản lý sự cân bằng giữa các giải pháp sáng tạo có giá trị và rủi ro về quyền riêng tư thông qua mã hóa, hạn chế truy cập hay các phương pháp bảo mật khác. Và khi ngày càng có nhiều trường hợp được áp dụng,  làm nổi bật những gì được và mất, các thành phố sẽ cần phát triển các quy tắc và quy định mới hoặc xem xét những gì có thể được chia sẻ, khi nào và với ai.

ii./ Chia sẻ dữ liệu với các bên thứ ba: Các công ty tư nhân từ lâu đã hợp tác với các thành phố trong nhiều chương trình cụ thể. Với đặc điểm của các sáng kiến ​​thành phố thông minh (thường yêu cầu dịch vụ liên tục, luồng dữ liệu trực tiếp và ứng dụng được đặt trước), các nhà cung cấp công nghệ đang trở thành đối tác quan trọng trong việc thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu.

Chính quyền thành phố cũng chia sẻ dữ liệu với các công ty tư nhân để nâng cao sự đổi mới. Nhiều thành phố (và nhiều chính quyền) trên khắp thế giới tổ chức các chương trình Khởi nghiệp tại địa phương nhằm cung cấp cho các công ty khởi nghiệp không gian, nguồn lực và quyền truy cập vào các dữ liệu của chính phủ mà họ cần để phát triển các giải pháp cho khu vực công. Chương trình Khối Beta của Thành phố Boston nhằm mục đích tạo ra một “Trung tâm thanh toán bù trừ, nền tảng kết nối hoặc sàn giao dịch” cho các hạng mục kinh doanh của người dân. Các yêu cầu về thông tin ban đầu đã tạo ra hơn 100 phản hồi từ các đối tác tiềm năng trên toàn thế giới.

Quan hệ đối tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và thỏa thuận chia sẻ dữ liệu có phạm vi khác nhau. Toronto đã hợp tác với công ty con của Alphabet, Sidewalk Labs, để thí điểm thành phố thông minh tại khu vực ngoại ô Quayside của thành phố, trong đó Sidewalk Labs chịu trách nhiệm về tất cả việc thu thập và phân tích dữ liệu cảm biến. Mối quan hệ hợp tác đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc chia sẻ dữ liệu và quản trị, và những vấn đề này đã làm cho dự án sụp đổ vào đầu năm 2020. Trong nhiều dự án khác ​​khác ở quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như LinkNYC và dự án “Thành phố Kết nối và Thông minh” của Kansas, các đối tác tư nhân nắm quyền sở hữu những dữ liệu được tạo mới. Chính quyền các thành phố cần phải xem xét một cách kĩ lưỡng liệu có nên nhượng quyền dữ liệu cho bên thứ ba hay không và khả năng gây tranh cãi liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu của cư dân với các tổ chức thương mại.

iii./ Chia sẻ dữ liệu với công chúng: Các thành phố đã phát triển nhiều nền tảng chia sẻ dữ liệu công khai để cải thiện tính minh bạch. Họ sử dụng các nền tảng dữ liệu mở, các phương pháp nguồn mở và các cuộc thi để khuyến khích người dân phát triển nhiều giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề đô thị. Các thành phố cũng cung cấp  giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép công dân thường xuyên truy cập trực tiếp vào dữ liệu để có thể xây dựng các giải pháp một cách liền mạch dựa trên dữ liệu của chính phủ.

Gần 2/3 số thành phố được thống kê đang tổ chức các sự kiện như hackathons để huy động sự tham gia của người dân vào công cuộc sự đổi mới và 80% số thành phố có cung cấp API dữ liệu. Singapore cung cấp 14 API để người dùng truy cập dữ liệu, Dubai đã thiết lập API với các nhà phát triển  để cùng cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây (có tính phí) và Barcelona phát triển một nền tảng dữ liệu nguồn mở - Sentilo cho phép các nhà phát triển ứng dụng truy cập nhiều loại dữ liệu cảm biến.

Nền tảng dữ liệu mở của thành phố bao gồm các tính năng để quản lý quyền truy cập và cấp phép dữ liệu, tích hợp chức năng cung cấp các mức độ truy cập, kiểm soát và bảo mật khác nhau. API của Amsterdam có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai, nhưng quyền truy cập vào các tập dữ liệu nhất định yêu cầu người dùng cung cấp xác thực và ủy quyền. Ở Texas, thành phố Austin yêu cầu đăng nhập để tải xuống một số tập dữ liệu nhất định, với các mức độ cho phép khác nhau. API của New York yêu cầu đăng ký khóa xác thực miễn phí để thành phố có thể theo dõi việc sử dụng dữ liệu.

Một số thành phố (và các tổ chức chính phủ khác) đang bắt đầu thu thập dữ liệu công dân và doanh nghiệp. Columbus (Ohio), San Francisco, Toronto và Estonia nằm trong số ít cho phép công chúng tải lên các tập dữ liệu của riêng họ, sau đó được chính phủ kiểm tra. Năm 2015, Copenhagen hợp tác với Hitachi để thí điểm nền tảng trao đổi dữ liệu, nơi chính phủ và các công ty tư nhân có thể mua và bán dữ liệu, nhưng dự án vẫn chưa đạt được tới quy mô kì vọng.

Những thách thức của Chia sẻ dữ liệu

Trong khi các thành phố đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau khi nói đến chia sẻ dữ liệu, có một xu hướng đang phát triển mạnh là tập hợp và chia sẻ dữ liệu nhiều hơn trong chính quyền thành phố và với các đối tác tư nhân. Có 4 thách thức lớn mà các thành phố cần giải quyết.

i./ Cách phá vỡ các ngăn chứa dữ liệu: Trong tất cả các nền tảng dữ liệu mở của thành phố thông minh, thành phố là cơ quan thu thập, quản lý, xử lý trung tâm và lưu trữ nhiều loại dữ liệu từ các lĩnh vực khác nhau. Với việc chính quyền mỗi thành phố tạo ra hệ thống dữ liệu riêng của mình, nó đặt ra các vấn đề về chuyên môn và quy mô. Khi khối lượng dữ liệu tăng lên, mọi thành phố khó có khả năng trở thành chuyên gia về công nghệ và dữ liệu. Các đối tác công nghệ thương mại có thể cung cấp cách xử lý các nhu cầu chung và giúp nhiều thành phố hơn tiếp cận với các giải pháp sáng tạo.

ii./ Đảm bảo Kiểm soát và Chất lượng Dữ liệu: Quản lý chất lượng dữ liệu và kiểm soát quyền truy cập mà không hạn chế quá mức sự đổi mới sẽ đặt ra những vấn đề mới. Chúng áp dụng cho tất cả các phương thức chia sẻ dữ liệu - trong nội bộ chính quyền thành phố, với các bên thứ ba và với công chúng. Giải quyết những vấn đề này có thể sẽ đòi hỏi thêm các quy tắc, quy định và tiêu chuẩn quốc gia để tránh sự hỗn loạn của các giải pháp đô thị riêng lẻ. Các nhà cung cấp công nghệ đang phát triển nhiều giải pháp cho nhu cầu về quyền truy cập và kiểm soát dữ liệu để khuyến khích sự đổi mới song song với bảo vệ quyền riêng tư.

iii./ Cân bằng giữa Đổi mới, Quyền sở hữu và Giá trị dữ liệu: Với việc tăng cường chia sẻ dữ liệu, mối quan hệ thương mại giữa chính quyền thành phố và các công ty thuộc khu vực tư nhân sẽ phải cân nhắc về quyền sở hữu. Ai sở hữu và kiểm soát dữ liệu? Ai sẽ thu lợi từ bất kỳ thông tin chi tiết nào do dữ liệu tạo ra? Những trách nhiệm pháp lý nào liên quan đến việc sử dụng hoặc lạm dụng dữ liệu?

Cân bằng giữa lợi ích chia sẻ dữ liệu và quyền riêng tư: Các thành phố đang cân bằng giữa giá trị của sự đổi mới và quyền riêng tư. Singapore đã công bố các nguyên tắc chia sẻ dữ liệu, ví dụ, nhấn mạnh khả năng truy cập, đồng sáng tạo, tính kịp thời và khả năng đọc dữ liệu của máy; chính quyền thành phố mong muốn dữ liệu “càng thô càng tốt”. Tuy nhiên, dữ liệu mở luôn đi kèm với những lo lắng về quyền riêng tư. Dữ liệu cảm biến IoT trở nên phổ biến và liên tục theo thời gian thực cũng là 1 mỗi lo ngịa. Làm thế nào các thành phố có thể tận dụng quản trị và công nghệ cân bằng giữa giá trị và quyền riêng tư? Nhiều sáng kiến ​​và tổ chức khác nhau, chẳng hạn như GovLab của Đại học New York và Viện Dữ liệu Mở của Vương quốc Anh, đang theo đuổi các mô hình quản trị dữ liệu và cộng tác dữ liệu (những người tham gia trao đổi dữ liệu để thu về giá trị).

                                                                                                Lê Việt Hưng

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.bcg.com/publications/2020/smart-cities-need-to-understand-the-risks-and-rewards-of-data-sharing-part-3