Đang xử lý.....

Tổng quan về Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc  

Báo cáo khảo sát cung cấp đánh giá hiện trạng phát triển, đo lường hiệu suất Chính phủ điện tử của mỗi nước thành viên. Báo cáo khảo sát cũng được coi là công cụ đo lường chuẩn để các nước so sánh, xác định các thế mạnh và các thách thức trong Chính phủ điện tử, từ đó đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp trong lĩnh vực này...
Chủ Nhật, 15/11/2020 2021
|

1. Giới thiệu chung

Báo cáo khảo sát cung cấp đánh giá hiện trạng phát triển, đo lường hiệu suất Chính phủ điện tử của mỗi nước thành viên. Báo cáo khảo sát cũng được coi là công cụ đo lường chuẩn để các nước so sánh, xác định các thế mạnh và các thách thức trong Chính phủ điện tử, từ đó đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp trong lĩnh vực này. Báo cáo cũng nhằm mục đích tạo điều kiện và cung cấp thông tin cho các cuộc họp, cuộc thảo luận của các tổ chức liên chính phủ, bao gồm Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Kinh tế và Xã hội về các vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử và vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong phát triển bền vững.

Báo cáo khảo sát chủ yếu dành cho các nhà hoạch định chính sách, các quan chức chính phủ, các tổ chức học thuật, xã hội, khu vực tư nhân và các chuyên gia... trong các lĩnh vực phát triển bền vững, hành chính công, chính phủ số và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển.

Chủ đề của Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020

Năm 2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố khởi động Thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững nhằm củng cố các nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Thập kỷ Hành động là trọng tâm của các nỗ lực toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tăng trưởng kinh tế, bảo trợ xã hội, y tế (bao gồm cả ứng phó với đại dịch), giáo dục, năng lượng, nước và vệ sinh, giao thông và cơ sở hạ tầng bền vững và truy cập Internet.

 Chính phủ số hỗ trợ Thập kỷ Hành động thông qua việc cung cấp dịch vụ công bền vững, toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, không để ai bị bỏ lại phía sau và rộng hơn thông qua vai trò ngày càng tăng của chính phủ số trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng cường hiệu quả và tạo ra các giải pháp. Do đó, báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc được công bố vào ngày 10/7/2020, với chủ đề “Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development” lần đầu tiên sử dụng cụm từ “Digital Government” và mang ý nghĩa chuẩn hóa toàn cầu của Chính phủ điện tử, hơn bao giờ hết nhắc nhở các chính phủ về tầm quan trọng và sự liên quan của Chính phủ số. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Chính phủ số đã đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết khủng hoảng và trở thành một yếu tố thiết yếu để giao tiếp, lãnh đạo và hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và xã hội.

2. Các phiên bản Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc

Từ năm 2001, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (The United Nations Department of Economic and Social Affairs - UNDESA) công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử tại các nước thành viên của Liên hợp quốc. Cho đến hiện tại, đã có 11 phiên bản Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử được Liên hợp quốc công bố, cụ thể như sau:

Phiên bản năm

Tên tiếng Anh

Tên tiếng Việt

2020

Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development

Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững

2018

Gearing E-Government to support transformation towards sustainable and resilient societies

Thúc đẩy Chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển đổi theo hướng xã hội bền vững và mạnh mẽ

2016

E-Government for Sustainable Development

Chính phủ điện tử vì sự phát triển bền vững

2014

E-Government for the Future We Want

Chính phủ điện tử vì tương lai mà chúng ta hướng đến

2012

E-Government for the People

Chính phủ điện tử vì con người

2010

Leveraging E-Government at a Time of Financial and Economic Crisis

Thúc đẩy Chính phủ điện tử tại thời điểm khủng hoảng tài chính và kinh tế

2008

From E-Government to Connected Governance

Từ Chính phủ điện tử đến Quản trị kết nối

2005

From E-Government to E-Inclusion

Từ Chính phủ điện tử đến các nội dung bao hàm

2004

Towards Access for Opportunity

Hướng tới tiếp cận cơ hội

2003

World Public Sector Report: E-Government at the Crossroads

Báo cáo khu vực công thế giới: Chính phủ điện tử ở ngã tư đường

2001

Benchmarking E-Government: A Global Perspective

Chuẩn hóa Chính phủ điện tử: Một viễn cảnh toàn cầu

3. Xu hướng phát triển Chính phủ số

Kết quả khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các dịch vụ số ở các khu vực địa lý, quốc gia và thành phố khác nhau. Sự tham gia điện tử (E-participation) và phương pháp tiếp cận tập trung vào dữ liệu (data-centric) đã được tăng cường và trọng tâm trong việc xây dựng năng lực số đã tăng lên.

Rất nhiều quốc gia và địa phương đang theo đuổi các chiến lược Chính phủ số và có nhiều sự khác biệt so với các sáng kiến phát triển Chính phủ điện tử trước đây, như là: Phát triển Chính phủ số như là nền tảng (platform); tích hợp các kênh giao tiếp trực tiếp và trực tuyến; phát triển các dịch vụ số theo phương thức linh hoạt (agile); tăng cường sự tương tác trực tuyến giữa người dân và chính phủ; chuyển đổi cách tiếp cận, với dữ liệu là trung tâm; ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Block chain; mở dữ liệu của cơ quan chính phủ; người dân là trung tâm;

Mặc dù có quyết tâm, định hướng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhưng nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, vẫn gặp nhiều khó khăn phải vượt qua như là các vấn đề về: hạ tầng số không đáp ứng; thiếu nguồn lực, năng lực triển khai; vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn, an ninh mạng ngày càng nổi cộm; khoảng cách số giữa các nhóm  xã hội ngày càng lớn.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) trung bình được tăng lên từ 0.55 năm 2018, lên 0.60 năm 2020; 22% các nước dịch chuyển lên nhóm nước có chỉ số phát triển CPĐT cao hơn; số nước có thu nhập trung bình thấp có mức độ phát triển CPĐT cao (high level) tăng 57%; Gần 80% các nước cung cấp các dịch vụ số riêng biệt cho các đối tượng yếu thế như người ít tuổi, phụ nữ, người tàn tật, người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau; Nhiều chính phủ đã cung cấp các dịch vụ minh bạch, trách nhiệm qua các nền tảng như mua sắm trực tuyến, tuyển dụng nhân sự,…Yếu tố thu nhập và nguồn lực tài chính không còn là yếu tố cốt yếu duy nhất quyết định phát triển CPĐT, mà còn yếu tố quyết định khác đó là quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo chiến lược và sự cam kết cung cấp dịch vụ số của Chính phủ. Các dịch vụ số phổ biến nhất là đăng ký doanh nghiệp; cấp giấy khai sinh; chi trả  dịch vụ công;…

Hình 1: Chỉ số phát triển CPĐT trung bình của thế giới từ năm 2010 đến nay

Vai trò của Chính phủ số trong đại dịch COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, công nghệ thông tin và truyền thông đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người dân, giúp cho các hoạt động kinh tế - xã hội được duy trì. Hầu hết các cổng thông tin quốc gia đều công khai minh bạch ở mức cao các thông tin dịch bệnh; nhiều chính phủ hợp tác khu vực tư xây dựng các ứng dụng công nghệ mới để chống lại dịch bệnh.

COVID-19 minh chứng vai trò quan trọng của Chính phủ số, ngay trong các hoàn cảnh khó khăn vẫn cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, duy trì sự lãnh đạo của chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội; vai trò Chính phủ số sẽ được tiếp tục sau dịch bệnh.

4. Phương pháp tính Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020

Khung phương pháp luận cho việc thu thập và đánh giá dữ liệu Khảo sát về phát triển Chính phủ điện tử dựa trên quan điểm toàn diện về Chính phủ điện tử kết hợp ba khía cạnh quan trọng cho phép người dân hưởng lợi từ các dịch vụ và thông tin trực tuyến: sự đầy đủ của cơ sở hạ tầng viễn thông, khả năng của nguồn nhân lực để thúc đẩy và sử dụng công nghệ thông tin và sự sẵn có của các dịch vụ và nội dung trực tuyến. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc EGDI được tính theo công thức: EGDI = 1/3 (TII + HCI + OSI) (Hình 2).

Hình 2: Ba chỉ số thành phần của Chỉ số phát triển CPĐT năm 2020

Trong đó:

- TII là Chỉ số Hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index): dựa trên dữ liệu do Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunications Union - ITU) ngày 23/12/2019, bao gồm 4 chỉ số thành phần là: Tỉ lệ người dùng Internet (theo % dân số) (InternetUser_Z-score); Số thuê bao Internet băng thông rộng cố định trên 100 dân (FixedBroadband_Z-score); Số thuê bao Internet không dây băng thông rộng trên 100 dân (WirelessBroadbandSubscription_Z-score); Số thuê bao di động trên 100 dân (MobileSubscription_Z-score). Trọng số cho mỗi thành phần là 1/4.

- HCI là Chỉ số Nguồn nhân lực (Human Capital Index): dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization - UNESCO) ngày 23/12/2019, bao gồm 4 chỉ số thành phần là: Tỷ lệ người lớn biết đọc, biết viết (Adult literacy), trọng số 1/3; Tỷ lệ đăng ký nhập học chung (Gross enrollment ratio), trọng số 2/9; Tổng số năm học của một học sinh (Expected years of schooling), trọng số 2/9; Số năm học trung bình của một người khi đến tuổi trưởng thành (Mean years of schooling), trọng số 2/9.

- Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (Online Service Index - OSI): dựa trên dữ liệu thu thập từ một Bảng câu hỏi dịch vụ trực tuyến (Online Service Questionnaire - OSQ) độc lập gồm 148 câu hỏi, được thực hiện bởi UNDESA, có bổ sung thêm Bảng câu hỏi cho các nước thành viên (Member State Questionnaire - MSQ) để cung cấp thông tin về địa chỉ trang web (URLs) của cổng thông tin điện tử quốc gia cũng như các cơ quan chính phủ khác. Đã có 139 (đạt 72%) quốc gia thành viên trả lời Bảng câu hỏi MSQ, trong đó có Việt Nam. Liên hợp quốc không công bố tiêu chí đánh giá cụ thể đối với hạng mục Dịch vụ trực tuyến (đây là nội dung riêng, không công bố cho các nước).

Các chỉ số bổ sung cho Chỉ số OSI bao gồm: Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương (Local Online Service Index - LOSI) để nắm bắt sự phát triển của chính quyền cấp địa phương (đánh giá thí điểm lần thứ 2 kể từ năm 2018); Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ (Open Government Data Index - OGDI). Đây là năm đầu tiên Liên hợp quốc đánh giá Chỉ số OGDI.

Để có được kết quả về Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến, nhóm đánh giá gồm 14 nhân viên của Liên hợp quốc và 18 thực tập sinh, cùng 212 nghiên cứu viên tình nguyện trực tuyến của Liên hợp quốc đến từ 98 quốc gia với 69 ngôn ngữ khác nhau để đánh giá từng website của các quốc gia thành viên bằng các ngôn ngữ địa phương; bao gồm: Cổng thông tin Chính phủ, Cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng tham gia điện tử của công dân, cũng như cổng thông tin điện tử của các bộ liên quan đến lĩnh vực giáo dục, lao động, xã hội, y tế, tài chính và môi trường. Dữ liệu thu thập và Khảo sát OSI được thực hiện từ tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2019.

Ngoài chỉ số về phát triển CPĐT (EGDI), Liên hợp quốc còn công bố chỉ số phụ về Tham gia điện tử (E-participation - EPI). Chỉ số này dùng để tham khảo, không sử dụng cho việc xếp hạng CPĐT. Mục đích của chỉ số để khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân các công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định của chính phủ.

5. Các thay đổi về phương pháp tính năm 2020 so với năm 2018

Một số thay đổi về phương pháp tính Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2020 so với năm 2018 như sau:

- Về Chỉ số TII, năm 2020 đã bỏ đi chỉ số thành phần “4. Số thuê bao thoại cố định trên 100 dân (TelephoneLine_Z-score)” do sự sụt giảm của các thuê bao điện thoại cố định trên thế giới so với năm 2018. Ngoài ra, ngưỡng giới hạn cho 4 chỉ số thành phần được đưa ra ở mức mới là 120%.

- Về Chỉ số HCI, năm 2020 có sự thay đổi ngưỡng trên 100% cho chỉ số thành phần Tỷ lệ đăng ký nhập học (Gross enrolment ratio) so với năm 2018.

- Về Chỉ số OSI, năm 2020 Bảng câu hỏi dịch vụ trực tuyến đã bổ sung thêm một số câu hỏi mới liên quan đến các dịch vụ trực tuyến của hệ thống tư pháp so với năm 2018. Lần đầu tiên, Liên hợp quốc đánh giá Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ OGDI (chỉ số thành phần thuộc OSI).

- Về đánh giá sự phát triển chính quyền điện tử của địa phương, so với năm 2018 quy mô đã mở rộng từ 40 thành phố lên 100 thành phố năm 2020. Bảng câu hỏi dịch vụ trực tuyến của địa phương cũng được hiệu chỉnh theo Chỉ số OSI, tăng từ 60 chỉ số năm 2018 lên 80 chỉ số năm 2020.

- Về kết quả, chỉ số EGDI mặc dù vẫn được phân loại thành 4 mức Rất cao, Cao, Trung bình và Thấp, tuy nhiên trong mỗi mức lại được chia nhỏ thành 4 mức thành phần.

6. Kết luận

Năm 2020, lần đầu tiên Liên hợp quốc sử dụng cụm từ “ Digital Government“ (Chính phủ số) làm chủ đề cho Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử, thể hiện xu hướng phát triển Chính phủ số trên toàn cầu. Tuy nhiên, hai cụm từ Chính phủ số và Chính phủ điện tử vẫn được sử dụng song song trong nội dung của Báo cáo. Chính phủ số không phải là một khái niệm thay thế Chính phủ điện tử mà Chính phủ số bao hàm Chính phủ điện tử, nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, một mức độ trưởng thành cao hơn so với Chính phủ điện tử.

Đặng Thị Thu Hương.

Tài liệu tham khảo

- E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development, with addendum on COVID-19 Response.