Đang xử lý.....

Thực trạng về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước  

Ngày 30/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg,...
Chủ Nhật, 15/12/2019 2760
|

Sau nhiều năm triển khai thí điểm việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, Quyết định 80/2014/QĐ-TTg đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người đứng đầu các cơ quan nhà nước đối với việc lựa chọn hình thức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đó là cùng với việc triển khai theo hình thức đầu tư, mua sắm thì có thể lựa chọn hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhằm tận dụng, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư, nhân lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn; nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

 1. Thực trạng về thuê dịch vụ công nghệ thông tin

1.1. Về cơ chế, chính sách

Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đã có quy định về việc phát triển dịch vụ công nghệ thông tin, theo đó Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ công nghệ thông tin. Chính phủ quy định cụ thể chế độ ưu đãi và các điều kiện khác cho một số loại hình dịch vụ công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước lần đầu tiên được “bật đèn xanh”, pháp lý hóa tại văn bản Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Như vậy, có thể thấy hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin khá mới mẻ trong cách tiếp cận của các cơ quan nhà nước. Trong nhiều năm kể từ sau khi Quyết định 80/2014/QĐ-TTg được ban hành cũng không có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này khiến cho việc áp dụng trong thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng. Thực tế, việc triển khai thuê ngoài có rất ít cơ quan, đơn vị triển khai. Vấn đề vướng mắc về thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã được các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương bàn luận, “mổ xẻ” tại nhiều cuộc họp, diễn đàn cho thấy sức nóng của hoạt động này và nhu cầu của các cơ quan, đơn vị là rất lớn.

Các vướng mắc được nhiều cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã phản ánh về cơ chế chính sách trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm:

- Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định quy trình thuê chưa phù hợp với tính chất của các dịch vụ công nghệ thông tin cần thuê. Thủ tục triển khai khá phức tạp. Lào Cai là một trong các địa phương điển hình, đi đầu trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin cũng đã nhận định việc thực hiện quy trình thuê dịch vụ mất nhiều thời gian, đặc biệt là làm thủ tục tương đương với đề cương và dự toán chi tiết, chưa rút ngắn được tối đa quy trình thực hiện.  

- Chưa có quy định cụ thể cách tính, phương thức xác định đối với một số chi phí, xác định giá thuê (Chi phí quản lý thực hiện kế hoạch, dự án thuê dịch vụ; Chi phí tư vấn lập kế hoạch, dự án thuê dịch vụ, tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát thực hiện và các chi phí tư vấn khác; Chi phí khác liên quan đến việc thuê; Chi phí dự phòng).

Vướng mắc này được đa số các cơ quan, đơn vị phản ánh (Hà Nội, Thái Nguyên, Lào Cai,…). Do chưa có quy định, hướng dẫn về phương pháp tính các chi phí này nên hiện nay các cơ quan nhà nước đang phải vận dụng các văn bản hướng dẫn tính chi phí trong quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để xác định. Điều này gây khó khăn cho việc đề xuất cũng như thẩm định, phê duyệt dự toán thuê dịch vụ công nghệ thông tin vì không có căn cứ pháp lý rõ ràng.

- Thẩm quyền phê duyệt thuê dịch vụ công nghệ thông tin: theo quy định của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin được sử dụng 2 nguồn kinh phí (chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển). Các quy định về thẩm quyền quyết định, phân bổ, sử dụng ngân sách... của hai nguồn kinh phí này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định, phê duyệt theo 02 Luật này có sự khác biệt nhau. Trong khi đó, quy định về thẩm quyền thuê dịch vụ tại Quyết định 80/2014/QĐ-TTg lại được thống nhất chung cho một cơ quan.

- Thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ (nội dung thẩm định, trình tự thẩm định…): Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định nội dung phần thuyết minh kế hoạch thuê dịch vụ, nội dung dự toán thuê dịch vụ nhưng không có quy định nội dung thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Vì vậy, người có thẩm quyền gặp khó khăn, lúng túng trong việc thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

- Chưa có quy định về cách thức theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ; Khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, bí mật của nhà nước.

Ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tại Nghị định này, các vấn đề vướng mắc của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg về thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã cơ bản được tháo gỡ, khắc phục, giúp hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động này.

1.2. Về bố trí kinh phí cho hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin

Các năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí chi thuê dịch vụ công nghệ thông tin thường xuyên, hàng năm đối với một số hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin cơ bản, phổ biến như: thuê đường truyền mạng WAN dùng chung, thuê kết nối đường truyền internet, thuê tên miền, thuê hosting, thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị,…Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí cho việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do một số nguyên nhân về cơ chế pháp lý nêu trên.

1.3. Về việc công khai thông tin thuê dịch vụ công nghệ thông tin

Thực hiện theo quy định của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, các cơ quan nhà nước đã thực hiện việc công khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có nội dung về thuê dịch vụ công nghệ thông tin) lên cổng, trang thông tin điện tử của mình.

1.4. Một số kết quả đã đạt được

a) Nâng cao nhận thức của người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước

Người đứng đầu các cơ quan nhà nước đã xác định cơ chế thuê dịch vụ CNTT là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, huy động nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thuê dịch vụ CNTT có thể kể đến như: Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lào Cai, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh…

b) Tổng hợp tình hình thuê dịch vụ công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương

- Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước: các dịch vụ công nghệ thông tin đã thuê tập trung vào các dịch vụ như: thư điện tử, phần mềm quản lý chuyên ngành (đào tạo, kế toán, sở hữu trí tuệ), phần mềm quản lý văn bản, hội nghị truyền hình, phần mềm nội bộ.

- Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: tập trung vào các dịch vụ cơ bản như: trang, cổng thông tin điện tử, giám sát, vận hành, dịch vụ công, một cửa điện tử.

- Các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin liên quan đến hạ tầng bao gồm: thuê trang thiết bị, thuê đường truyền, thuê hosting, thuê tên miền, bảo hành, bảo trì, đào tạo.

- Các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin chủ yếu gồm: phần mềm diệt Virus, giám sát an toàn thông tin, giải pháp an toàn thông tin, đánh giá an toàn thông tin, chữ ký số.

Như vậy, về bản chất, các bộ, ngành, địa phương vẫn đã và đang thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức thuê dịch vụ. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục thuê thực hiện theo các văn bản pháp luật khác mà không theo quy định của Quyết định 80/2014/QĐ-TTg. Đồng thời, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin được triển khai nhiều nhất ở các dịch vụ hạ tầng mang tính phổ biến như thuê đường truyền, hosting, tên miền. Các hoạt động liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin cũng bước đầu được quan tâm triển khai ở một số ít bộ, ngành. Tuy nhiên, việc thuê đối với các phần mềm còn khá ít.

c) Tình hình cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin

- Việc ban hành cơ chế pháp lý về thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã đáp ứng được mong chờ của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam từ lâu nay. Cơ chế mở cửa thị trường dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ nhằm tận dụng, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư, nhân lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

- Để bắt kịp với cơ chế này, một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã sớm thay đổi tư duy từ hình thức cung cấp giải pháp, sản phẩm cho cơ quan nhà nước theo hình thức dự án mua đứt, bán đoạn sang hình thức cho thuê dịch vụ trong thời hạn nhất định. Các doanh nghiệp đã chủ động thăm dò, khảo sát nhu cầu để kịp thời xây dựng các loại dịch vụ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thuê của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp công khai các dịch vụ, giá thành và chất lượng dịch vụ vẫn chưa rõ ràng, khiến các cơ quan nhà nước có nhu cầu thuê dịch vụ gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn.

Ngoài các hoạt động, dịch vụ công nghệ thông tin cơ bản, phổ biến liên quan đến hạ tầng, bảo hành, bảo trì thì các doanh nghiệp công nghệ thông tin hiện nay đã cung cấp các hoạt động, dịch vụ như: phần mềm quản lý chuyên ngành, phần mềm nội bộ, trang/cổng thông tin điện tử, dịch vụ công. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng ngày càng quan tâm đến việc áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng đến việc cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa việc cung cấp dịch vụ để tạo cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, vì chưa nằm bắt được nhu cầu cụ thể của cơ quan nhà nước nên chưa mạnh dạn để đầu tư trang thiết bị và nguồn lực cần thiết cho việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Chỉ một số doanh nghiệp chủ động đầu tư, xây dựng giá gói dịch vụ cho cơ quan nhà nước tham khảo như: VNPT, Viettel, CMC, FPT với nhiều hoạt động, dịch vụ công nghệ thông tin trải rộng từ các dịch vụ liên quan đến hạ tầng đến dịch vụ liên quan đến các phần mềm, dịch vụ công và hoạt động bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin… để sẵn sàng cung cấp cho cơ quan nhà nước.

2. Đánh giá thực trạng thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước

a) Thuận lợi:

- Chủ trương phát triển công nghệ thông tin của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã được đề cập tại nhiều căn bản, chỉ đạo và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

- Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tích cực chỉ đạo, ưu tiên việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử đang được tăng cường mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có cả mua và thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

- Thị trường thuê dịch vụ công nghệ thông tin có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, đa dạng về loại hình dịch vụ, cạnh tranh về mức giá thuê và khả năng cung cấp của các doanh nghiệp. Điều này tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có điều kiện lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ một cách rộng rãi, phù hợp với nhu cầu, khả năng của các cơ quan, cho phép sử dụng ngay được các sản phẩm, giải pháp phần mềm tốt mà không phải trì hoãn vì thời gian đầu tư kéo dài.

          b) Khó khăn:

- Khó khăn về nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nói chung cũng như cho hoạt động thuê dich vụ công nghệ thông tin từ nguồn ngân sách trung ương lẫn địa phương còn hết sức hạn chế.

Mặc dù thuê dịch vụ công nghệ thông tin có thể góp phần giảm vốn đầu tư ban đầu nhưng vẫn đòi hỏi ngân sách để chi trả theo kỳ hạn hợp đồng thuê cho nhà cung cấp dịch vụ trong thời gian thuê. Trong khi đó, nguồn kinh phí chi thường xuyên cho ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay rất hạn chế, hơn nữa, nguồn chi thường xuyên được đăng ký và phân bổ hàng năm nên nếu sử dụng nguồn kinh phí này để thuê dịch vụ công nghệ thông tin từ 2 năm trở lên là khó bảo đảm tính ổn định, liên tục cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu, theo đó đã quy định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với trường hợp lựa chọn nhà thầu để cung cấp một số dịch vụ cần cam kết lâu dài với nhà cung cấp (nhiều hơn 1 năm) như: dịch vụ thuê đường truyền, nhà trạm; thuê hạ tầng kỹ thuật; thuê phần mềm; thuê tên miền, máy chủ và dịch vụ lưu trữ dữ liệu điện tử; dịch vụ hỗ trợ bảo hành, vận hành hệ thống phần cứng, phần mềm, dịch vụ hỗ trợ người dùng (call center)… Trường hợp này, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm. Quy định này của Quyết định 17/2019/QĐ-TTg đã phần nào giải quyết, khắc phục được vướng mắc khi sử dụng kinh phí thường xuyên để thuê dịch vụ công nghệ thông tin lâu dài, nhiều năm.

- Khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp khi thay đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và trong đảm bảo an toàn thông tin, bí mật của nhà nước.

Khó khăn về lựa chọn nhà cung cấp và triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước: các quy định về năng lực, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tại các văn bản hiện hành chưa được quy định cụ thể nên các cơ quan nhà nước vẫn còn e ngại về các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin; đảm bảo tính liên tục khi cung cấp dịch vụ và năng lực của nhà cung cấp dịch vụ.

Do việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp dịch vụ nên cơ quan nhà nước còn rất e ngại trong quá trình cung cấp dịch vụ nếu có sự thay đổi nhà cung cấp dịc vụ hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bị phá sản sẽ làm gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng, tính liên tục, ổn định của các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Một vấn đề các cơ quan nhà nước quan tâm là việc bảo đảm an toàn bí mật thông tin cũng như bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng các doanh nghiệp bên ngoài. Do nếu sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp, thông tin, dữ liệu của cơ quan nhà nước được lưu trữ tại hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ nên cơ quan nhà nước băn khoăn về việc lộ lọt, rò rỉ thông tin.

Cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin là chủ trương đúng, là xu hướng, xu thế tất yếu cần được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phát triển thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù, tính chất công việc của cơ quan nhà nước yêu cầu bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cao, do đó việc triển khai thuê dịch vụ trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước cần được tiến hành thận trọng, từng bước phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế để đạt được kết quả cao nhất.

Nguyễn Trung Kiên