Ở Việt Nam, phần mềm Bluezone được phát triển nhằm truy vết các trường hợp tiếp xúc gần để công tác dập dịch trở nên dễ dàng hơn. Tất cả thông tin của người dùng và những lần tiếp xúc được lưu trữ trên thiết bị của người dùng nhằm đảm bảo bảo mật và quyền riêng tư. Khi phát hiện các ca bệnh trong danh sách tiếp xúc, dữ liệu này mới được cập nhật cho cơ quan có thẩm quyền để bắt đầu truy vết và tổ chức cách ly.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, coi đây vừa là một ngành kinh tế mũi nhọn, vừa là công cụ giúp thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ lợi ích cho toàn thể người dân, doanh nghiệp và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như Quyết định 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 950/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và nghị 47/2020/NĐ-CP
Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước.
Từ những thành công của nhiều quốc gia, đô thị trên thế giới trong công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh thì một trong những yếu tố làm nên những thành công này là đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu. Nền tảng dữ liệu mở giúp tăng cường khả năng phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi nhiều hơn từ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nếu có thể phát triển nền tảng chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở trở thành một thị trường dữ liệu thì nó sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế quốc gia.
Để đảm bảo mục tiêu này thì cơ sở hạ tầng CNTT đóng một vai trò rất quan trọng.
Hình 1: Mô hình nền tảng chia sẻ dữ liệu của Ấn Độ
Tình hình chia sẻ dữ liệu trong hoạt động Ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được triển khai rộng nhằm đổi mới quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các HTTT (Hệ thống thông tin), CSDL (Cơ sở dữ liệu) tại các bộ, ngành, địa phương còn mang tính chất đóng, triển khai riêng lẻ, thiếu tính kết nối, dẫn đến tình trạng khó chia sẻ, khó tích hợp dữ liệu. Theo khảo sát của Văn phòng chính phủ, năm 2018, trong khoảng 700 HTTT, CSDL tại các bộ, ngành, địa phương chỉ có khoảng 70 HTTT, CSDL được kết nối với nhau (chiếm tỷ lệ 10%), hầu hết chỉ trong ngành, lĩnh vực hoặc nội bộ bộ, ngành , địa phương. Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do: Thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu (31/66 đơn vị, chiếm tý lệ 46,9%); thiếu dữ liệu (27/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 40,9%); thiếu nền tảng kết nối, chia sẻ (49/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 74,3%); dữ liệu chưa được chuẩn hóa (47/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 71,2%); thiếu chuẩn kết nối, chia sẻ (28/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 57,5%).
Theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục CSDLQG (Cơ sở dữ liệu quốc gia) cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CPĐT, bao gồm 06 CSDLQG:
- CSDLQG về Dân cư,
- CSDL đất đai Quốc gia,
- CSDLQG về Đăng ký doanh nghiệp,
- CSDLQG về Thống kê tổng hợp về dân số,
- CSDLQG về Tài chính,
- CSDLQG về Bảo hiểm.
Bên cạnh 06 CSDLQG được ưu tiên thực hiện, còn có 37 CSLDQG đã và đang được các Bộ, Ngành triển khai thực hiện. Đến nay, đã có các CSDLQG đã được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng bao gồm: CSDLQG về Đăng ký doanh nghiệp, CSDLQG về văn bản pháp luật, CSDLQG về Kinh tế công nghiệp và thương mại, CSDLQG về Thủ tục hành chính,… Các CSDLQG khác đang được hình thành. Việc xây dựng các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng, kết nối của các CSLDQG cũng được các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện. Trong số 6 CSDLQG ưu tiên thực hiện, CSDLQG về Đăng kí doanh nghiệp trên cả nước. HTTT quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng trục tích hợp dữ liệu (Enterprise Service Bus - ESB) nội bộ của Bộ Kế hoạch và đầu tư từ năm 2017, và đã triển khai thí điểm kết nối với Hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong kết nối, chia sẻ dữ liệu với các HTTT tại các bộ, ngành, địa phương. Các CSDLQG nền tảng còn lại như Dân cư, Đất đai, Tài chính, Bảo hiểm đang trong giai đoạn triển khai, cụ thể:
- CSDL về Dân cư: Bộ Công an đang triển khai Dự án “Xây dựng CSLDQG về Dân cư”. Tổ chức kết nối Trung tâm Căn cước công dân và Trung tâm CSDLQG về dân cư phục vụ cấp số định danh cá nhân. Đến 24/06/2018, đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp 1.199.802 số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh.
- CSDL Đất đai quốc gia: Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng CSDLQG về Đất đai’. Hiện nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1. Bộ đang bắt đầu triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai” và đang xem xét phê duyệt Dự án “Xây dựng HTTT đất đai và mô hình giao dịch đất đai điện tử” để tiếp tục triển khai xây dựng CSDLQG về đất đai.
- CSDL về Tài chính: Bộ Tài chính đang triển khai Đề án “Xây dựng CSLDQG về Tài chính”. Hiện đang xây dựng kiến trúcc CSDLQG về Tài chính để triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
- CSDLQG về Bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện và quản lý tập trung CSDL hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội, với thông tin của hơn 93 triệu dân, tương ứng khoảng 25 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Đây là thành phần quan trọng nhất của CSDLQG về Bảo hiểm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các CSDLQG ưu tiên, tạo nền tẩng phát triển CPĐT còn gặp một số khó khăn, vướng mắc bao gồm:
- Thứ nhất, thiếu các quy định pháp lý triển khai bao gồm chưa có các quy định cụ thể cách thức thu thập, cập nhật, duy trì kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng thông tin trong các CSDLQG, chưa có quy định đầy đủ về giá trị pháp lý của dữ liệu và vai trò của CSDLQG trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức cá nhân.
- Thứ hai, thiếu nguồn kinh phí, nếu có thì nguồn kinh phí không ổn định để có thể tập trung triển khai đạt kết quả. Bên cạnh đó, hiện còn có quá nhiều CSDLQG sẽ gây khó khăn khi tập trung ưu tiên nguồn lực để xây dựng, quy hoạch, quản lý, duy trì và phát triển, đông thời gây chồng lấn, chồng chéo khi triển khai xây dựng.
- Thứ ba, việc triển khai các CSDLQG thuộc danh mục ưu tiên còn chậm dẫn tới quá trình triển khai CPĐT đặc biệt là việc đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ cho người dân trong việc cung cấp các dịch vụ công công trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt khi có các HTTT thì việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế.
- Thứ tư, chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng các CSDLQG các CSDL chuyên ngành (CSDLCN) quan trọng, do chưa xác định rõ phạm vi triển khai, trách nhiệm các bên, cách thức thu thập, cập nhật dữ liệu nên dẫn đến việc đầu tư có sự chồng lấn, hoặc lúng túng trong việc triển khai xây dựng các HTTT, các CSDLCN phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước tại các địa phương.
Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp
Công nghệ thông tin (CNTT) đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doạnh của mỗi doanh nghiệp. Sự phát triển và ứng dụng của Internet đã làm thay đổi mô hình và cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc chuyển dần các giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và cả nhu cầu của các bên hữu quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư…) của doanh nghiệp. Các hoạt động đầu tư CNTT trong doanh nghiệp nhằm phục vụ cho các mục tiêu của doanh nghiệp như hỗ trợ các hoạt động tác nghiệp, hỗ trợ cho việc ra các quyết định quản lý, hỗ trợ việc xây dựng các chiến lược nhằm đạt lợi thế cạnh tranh. Và điều đó dễ thấy là các CSDL của Doanh nghiệp phần lớn là CSDL phục vụ cho việc điều hành doanh nghiệp.
Gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã có những bước tiến trong việc chia sẻ dữ liệu như tập đoàn Viettel cũng đang thực hiện sáng kiến dữ liệu mở tương tự. Gần đây, Viettel, FPT, CMC đã ký kết các thỏa thuận về chuyển đổi số, trong đó có sử dụng dữ liệu chung – đây là bước đầu tiên để các doanh nghiệp lớn ngồi lại với nhau, tiến đến mô hình hợp tác thương mại hợp nhất trên một nền tảng. Chỉ khi kết hợp như vậy tài nguyên dữ liệu mới có giá trị. Nếu mỗi doanh nghiệp, đơn vụ cứ khư khư ôm một phần thông tin, thì dữ liệu sẽ chỉ là những mảnh rời rạc, ít giá trị.
Hiện trạng các trung tâm dữ liệu
Theo báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2017. Tại các bộ, ngành, địa phương, cùng với trang bị cơ sở hạ tầng chuyên sâu đã được đầu tư để phục vụ công tác lưu trữ và nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị và HTTT như xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL, Data Center), triển khai mô hình điện toán đám mây (ĐTĐM, Cloud Computing); 18/19 (89,47%) Bộ, cơ quan ngang Bộ, 54/63 (85,71%) tỉnh, thành phố đã có TTDL. Tuy nhiên, số lượng đơn vị có TTDL dự phòng còn thấp: chỉ có 11/18 (57,89%) Bộ, cơ quan ngang bộ và 18/63 (28,57%) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có TTDL dự phòng; cùng với đó, đa số các TTDL đều chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9250:2012 về TTDL, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông hoặc tiêu chuẩn Quốc tế về uptime, TIA-942, v.v. Về triển khai ĐTĐM, năm 2017, có 12/19 (63,16%) Bộ, cơ quan ngang bộ và 26/63 (41,27%) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai ít nhất một trong số các dịch vụ cung cấp hạ tầng thiết bị (IaaS – Infrastructure as a Service), 5/12 Bộ đã sử dụng mô hình dịch vụ cung cấp nền tảng vận hành (PaaS – Platform as a Service), 4/12 Bộ đã sử dụng mô hình dịch vụ cung cấp phần mềm ứng dụng (SaaS – Software as a Service).
Bên cạnh đó, việc mỗi bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc đề đầu tư và triển khai TTDL hoặc phòng chủ (PMC) dẫn tới số lượng TTDL và PMC trong cả nước hiện đang rất lớn. Theo số liệu khảo sát của Văn phòng Chính phủ đến tháng 10/2018 về hạ tầng CNTT của 23/30 bộ, ngành và 30/63 địa phương có khoảng 85 TTDL và 764 PMC. Tuy nhiên, hầu hết các TTDL và PMC này đều chưa bảo đảm, đặc biệt là chưa có các phương án khôi phục thảm họa cũng như chưa có các TTDL và PMC dự phòng cho hạ tầng CNTT quan trọng này. Theo kết quả khảo sát, chỉ có 42 TTDL và PMC là có phương án dự phòng và khôi phục thảm họa (chiếm tỷ lệ 5%), 23 TTDL và PMC đang triển khai các phương án dự phòng (chiếm tỷ lệ 3%), có tới 92% các TTDL và PMC chưa có phương án dự phòng.
Hiện trạng hạ tầng mạng của các cơ quan Nhà nước
Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (Mạng TSLCD) được xây dựng giai đoạn 2008-2010, sử dụng công nghệ chuyển mạch nhãn đa giao thức (IP/MPLS), các kết nối đều đảm bảo tính dùng riêng, an toàn, dự phòng cao.
Bộ TTTT đang quản lý , vận hành Mạng TSLCD cấp I kết nối đến các cơ quan cấp Trung ương gồm VPCP, VPTW, VPQH, VP CTN, các Ban, bộ, ngành và 6 Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh.
Để đáp ứng nhiệm vụ kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước, trong thời gian qua, mạng được nâng cấp băng thông, đảm bảo lưu lượng truyền tải không sử dụng vượt ngưỡng 50%; bổ sung địa chỉ Ipv6 sẵn sàng cấp phát và cung cấp dịch vụ trên toàn mạng. Các biện pháp tăng cường an toàn, bảo mật được triển khai, đã bổ sung các kết nối dự phòng (dự phòng 1+1 kết nối kênh Metronet liên tỉnh từ 60 tỉnh, thành phố) về 3 trung tâm miền, dự phòng các kết nối tới 26 Bộ/Ngành, UBND tỉnh, thành phố); đã đăng kí cấp độ 5 an toàn thông tin cho mạng TSLCD cấp 1; Đã hoàn thành cơ bản các quy định, hướng dẫn về chính sách kết nối, an toàn thông tin, quản lý tài nguyên cho các hệ thống thông tin kết nối vào mạng TSLCD. Bộ TTTT đã hoàn thiện thiết kế mạng, trong đó có lộ trình mở rộng mạng vi phục vụ đáp ứng triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử đến năm 2025, nâng cấp công nghệ mạng lên thế hệ mới (Segment routing, kiến trúc SDN), bổ sung các giải pháp an toàn thông tin đáp ứng cấp độ 5, nâng cấp băng thông hạ tầng truyền dẫn kết nối mạng lõi,…
Mạng TSLCD cấp II là các mạng do bộ, ngành, địa phương triển khai chủ yếu qua hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông, tuân thủ các quy định kết nối, an toàn thông tin, quản lý tài nguyên,… của Bộ TTTT. Mạng cấp II kết nối đến Quận/Huyện, Sở/Ban/Ngành, xã/phường theo nhu cầu của đơn vị sử dụng.
Tuy nhiên, hạ tầng mạng trong các cơ quan nhà nước hiện tại còn tồn tại một số hạn chế như sau:
- Vấn đề quy hoạch, đánh số địa chỉ Internet cho mạng của các Bộ ngành, địa phương, chuyển đổi Ipv6 để ổn định và phát triển mạng CPĐT;
- Cần tái cấu trúc mạng, lấy địa chỉ IP độc lập và kết nối mạng độc lập của các Bộ, ngành, địa phương với các ISP (Internet Service Provider) để triển khai hiệu quả CPĐT;
- Đảm báo an toàn cho các hệ thống sử dụng tên miền .gov.vn, triển khai đồng bộ bảo mật tên miền DNSSEC;
- Kết nối các hạ tầng mạng CPĐT, các IDC, Trung tâm tích hợp dữ liệu các Bộ, ngành, địa phương vào hệ thống Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định cho mạng CPĐT.
Lời kết
Có thể thấy rằng, hạ tầng CNTT ở Việt Nam cơ bản đã có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp cũng như trong các cơ quan nhà nước. Vấn đề chia sẻ dữ liệu tuy còn mới nhưng cũng đã đạt được thành công bước đầu trong việc hình thành các tập dữ liệu. Tuy nhiên, để thực sự sẵn sàng và vươn lên trong thời kì cách mạng 4.0 và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ thì hạ tầng CNTT và chia sẻ dữ liệu phải được chú trọng nhiều hơn nữa. Các thiết bị IoT cần có một phương thức kết nối, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu để được triển khai rộng rãi; người dân và doanh nghiệp không muốn phải đi tới nhiều cơ quan để giải quyết 1 công việc và những cơ quan quản lý nhà nước cũng mong muốn sự nhanh chóng khi truy cập dữ liệu của cơ quan khác để phối hợp xử lý công việc. Thay đổi tư duy trong quản lý, tổ chức dữ liệu và tích cực nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới nhất chính là cách để Việt Nam gặt hai được nhiều thành công trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng Đô thị thông minh.
Nguyễn Công Minh
Tài liệu tham khảo
[1] Viện công nghệ phần mềm và Nội dung số Việt Nam, “Một số vấn đề về sự cần thiết ban hành các quy định, chính sách về dữ liệu mở,’ 2017.
[2] Bộ TT&TT. “Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương,” 2019.
[3]Lê Trung Nghĩa, “Hiến chương Dữ liệu Mở của Đối tác Dữ liệu Mở Châu Á,” 2019.
[4]Bộ TT&TT, “Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng Công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương,”2019.