Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu. Và đặt ra các mục tiêu trực tiếp về sử dụng, khai thác dữ liệu, ví dụ như: 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Để hỗ trợ tiếp cận, nghiên cứu phát triển các chính sách liên quan tới dữ liệu phục vụ chuyển đổi số xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam, bài viết dưới đây giới thiệu kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách của tổ chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (viết tắt là OECD) đối với các quốc gia trong cộng đồng OECD về sử dụng dữ liệu trong các cơ quan nhà nước.
Công nghệ số có tác động đáng kể đến khả năng ra quyết định dựa trên bằng chứng của các cơ quan nhà nước, điều này có thể hỗ trợ cải thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thiết kế quy trình cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động chung của bộ máy nhà nước. Để sử dụng dữ liệu, cần thiết phải công nhận dữ liệu là tài sản chiến lược, phát triển năng lực để khai thác tốt hơn công nghệ số và phân tích dữ liệu để hiểu nhu cầu của xã hội, đưa dữ liệu vào quy trình chính sách và phát triển cơ chế quản trị dữ liệu để đảm bảo việc sử dụng có trách nhiệm và minh bạch dữ liệu để mang lại lợi ích. Các nỗ lực này yêu cầu có cơ sở hạ tầng dữ liệu để thu thập, lưu trữ, chia sẻ và xử lý dữ liệu.
Tạo lập khả năng phân tích dữ liệu và văn hóa phân tích dữ liệu trong các cơ quan nhà nước sẽ giúp các chính phủ xác định xu hướng, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn hoặc tắc nghẽn và tinh chỉnh các dịch vụ để hướng tới mục tiêu tốt hơn và hiệu quả nhất có thể. Ví dụ, Chính phủ Australia, thông qua việc giám sát và phân tích có cấu trúc các phương tiện truyền thông xã hội, nhận thấy rằng cần phải nâng cao nhận thức của giới trẻ về các công cụ hỗ trợ tài chính trong học tập, nghiên cứu. Việc phát triển những khả năng như vậy có ý nghĩa quan trọng về chiến lược đối với các quốc gia khi các nỗ lực sử dụng công nghệ số ngày càng tăng, người dân sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ngày càng trở lên phổ biến.
Khi các nước OECD nhận thấy tiềm năng của dữ liệu, họ đã từng bước phát triển các chiến lược, chính sách và chương trình để cải thiện năng lực dữ liệu trong các cơ quan nhà nước hoặc toàn xã hội (42,42% các nước trong OECD có các chương trình hoặc chính sách này) cố gắng phát triển các kỹ năng như thu thập dữ liệu lớn, tổng hợp và liên kết dữ liệu với các bộ dữ liệu khác nhau, đồng thời sử dụng phân tích dữ liệu để cải thiện chính sách và dịch vụ.
Các khuôn khổ quản trị dữ liệu cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất hiện các tiêu chuẩn chung để quản lý dữ liệu, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc xây dựng và thực thi các khuôn khổ về khả năng tương tác. Các thỏa thuận quản trị này phải tìm cách tối đa hóa tác động của dữ liệu đối với các hoạt động khu vực công. Để đạt được điều này, các nước OECD đã bắt đầu thử nghiệm các giải pháp thay thế quản trị dữ liệu. Ví dụ: 18,18% thành viên OECD đã thành lập giám đốc dữ liệu (CDO) để hỗ trợ việc sử dụng dữ liệu cho việc hoạch định chính sách dựa trên tri thức.
Cần có sự quản lý chặt chẽ đối với hệ thống thông tin và dữ liệu các cơ quan nhà nước để thúc đẩy tích hợp hệ thống và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung và toàn bộ các cơ quan, tổ chức trong khu vực công, đồng thời tạo điều kiện thường xuyên cải tiến các hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây là điều kiện tiên quyết, cần thiết để thực hiện hiệu quả nguyên tắc one-only (người dân chỉ cung cấp dữ liệu một lần) - người sử dụng dịch vụ không bị yêu cầu cung cấp cùng một thông tin hai lần cho cơ quan nhà nước. Cải tiến mức độ tương tác dữ liệu và khả năng lưu trữ, chia sẻ và xử lý dữ liệu là các khối liên kết cơ bản của các cơ quan nhà nước để hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng. Quan trọng nhất, khả năng dữ liệu được nâng cao cho phép các cơ quan nhà nước ngày càng tinh chỉnh và điều chỉnh các dịch vụ của mình cho phù hợp với nhu cầu của người dân, để ngày càng thuận tiện và phù hợp hơn với thói quen sinh hoạt của người dân. Các hoạt động này có thể đem lại hiệu quả cho cả người dân, doanh nghiệp – đối tượng sử dụng dịch vụ và các cơ quan nhà nước – tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các quốc gia được OECD khảo sát chủ yếu đang ở giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển các cơ quan nhà nước phát triển dựa trên sử dụng dữ liệu. Thời điểm khảo sát, chỉ có chiến lược chính phủ số của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có định hướng rõ ràng việc phát triển một số hình thức quản trị dữ liệu nhằm thúc đẩy tích hợp hệ thống cả trong và giữa các cấp chính quyền, bao gồm cả việc xây dựng chiến lược hoặc chính sách và hướng dẫn về dữ liệu. Việc thiếu quản trị dữ liệu dẫn tới thiếu khả năng tương tác, phân mảnh số trong các cơ quan nhà nước, thiếu hiệu quả và trùng lặp các nỗ lực và mất đi các cơ hội. Hầu hết các quốc gia trong khu vực khảo sát vẫn chưa xác định được một đơn vị hoặc chức năng chịu trách nhiệm quản trị dữ liệu. Trong số các quốc gia được OECD khảo sát chỉ có Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất có chiến lược hoặc chính sách để phát triển kỹ năng dữ liệu trong các cơ quan nhà nước.
Kỷ nguyên số đang chứng kiến dữ liệu nổi lên như một tài sản chiến lược quan trọng để hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng. Nó đã khiến các nước OECD phát triển các chính sách hoặc chương trình để phát triển các kỹ năng dữ liệu trên toàn xã hội, cơ sở hạ tầng dữ liệu để hỗ trợ quản lý và chia sẻ dữ liệu cũng như các khuôn khổ quản trị để cải thiện việc sử dụng dữ liệu trong khu vực nhà nước. Mặc dù lĩnh vực chính sách này tương đối mới, nhưng nếu các quốc gia không phát triển năng lực trong lĩnh vực này, họ có thể phải đối mặt với những phát sinh chi phí đáng kể do chi tiêu kém hiệu quả, mất cơ hội cải thiện hiệu quả, hiện đại hóa các cơ quan nhà nước, gia tăng khoảng cách năng suất lao động và mất khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế ứng dụng công nghệ số và dữ liệu hiệu quả.
Việc tạo ra giá trị công thông qua dữ liệu mở đòi hỏi các chính phủ phải đầu tư vào việc tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu mở bao gồm sự tham gia tích cực của cộng đồng những người sử dụng vì thông qua việc sử dụng chúng để đáp ứng nhu cầu đã được xác định. Do đó, việc xây dựng các phương pháp tiếp cận dựa vào người dân để thiết kế và cung cấp dịch vụ công đòi hỏi phải khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng lại dữ liệu, hướng dẫn, tư vấn cho họ về nhu cầu và sở thích của họ và nỗ lực cải thiện chất lượng của dữ liệu hiện có.
Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra giá trị và có thể dẫn đến mạng kết nối dữ liệu mở, trong đó người dùng lại chính là người đồng tạo ra dữ liệu mà sau này sẽ trở thành bộ dữ liệu có giá trị cho những người dùng lại khác. Bất chấp tầm quan trọng của những nỗ lực này, tại thời điểm khảo sát, chỉ có Tunisia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập-thống-nhất báo cáo có chiến lược hoặc chính sách để thúc đẩy việc tái sử dụng dữ liệu mở của chính phủ. Ngay cả ở những quốc gia này, những lỗ hổng trong việc triển khai - bao gồm các cổng dữ liệu mở dựa vào các bộ dữ liệu khan hiếm và thường quá thời hạn - về cơ bản đã cản trở nỗ lực của họ trong việc thúc đẩy việc tái sử dụng dữ liệu.
Một kinh nghiệm sử dụng phân tích dữ liệu ở cấp chính quyền thành phố:
Tại Thành phố New York, nước Mỹ, đã ứng dụng phân tích dữ liệu với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả việc kiểm soát hỏa hoạn, bảo đảm an toàn và sức khỏe của người dân. Chính quyền New York, hàng năm nhận được hơn 20.000 kiến nghị, khiếu nại liên quan tới vi phạm pháp luật về chuyển đổi quyền sử dụng lĩnh vực đất đai, xây dựng. Trước đây, hàng năm các thanh tra xây dựng (khoảng 200 người) chỉ phát hiện được các vi phạm nghiêm trọng trong 13% tổng số cuộc thanh tra. Khi thanh tra hợp tác với khoảng 20 cơ quan khác trong chính quyền New York, họ thiết lập dữ liệu và lập tham chiếu chéo dữ liệu giữa các lĩnh vực thuộc quản lý của các cơ quan, bổ sung các dữ liệu liên quan tới các tài sản cá nhân, và sử dụng kết quả này để hướng dẫn, tổ chức thanh tra. Kết quả là 70% đến 80% các cuộc thanh tra phát hiện ra các sai phạm và có thể thực hiện các biện pháp xử lý. Hơn nữa, Văn phòng thị trưởng thành phố New York đã sử dụng các phân tích nâng cao và kết hợp dữ liệu từ một số cơ quan của thành phố để nâng cao năng lực dự đoán và giúp giảm ca tử vong và bảo vệ tiền bạc cho người dân trong thành phố. Kết quả bao gồm: Giảm 5 lần thời gian, xác định các vi phạm liên quan; Tăng tỷ lệ phát hiện các tòa nhà có nguy cơ rủi ro cao cho lính cứu hỏa và người sử dụng có thể bị thương hoặc tử vong; Tăng hơn gấp đôi tỷ lệ truy cập khi phát hiện ra các cửa hàng bán thuốc lá lậu; Tăng gấp năm lần việc phát hiện các giấy phép kinh doanh vi phạm.
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN NGHỊ
Tăng cường quản trị dữ liệu trong các cơ quan nhà nước
Xây dựng các tiêu chuẩn về dữ liệu và hướng dẫn sử dụng, quản lý và chia sẻ dữ liệu. Phát triển khung quản trị dữ liệu nên phát triển theo hướng tạo ra một đơn vị hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu, điều này sẽ giúp các cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu tốt hơn như một tài sản chiến lược. Cải thiện việc sử dụng dữ liệu trong các cơ quan nhà nước sẽ có tác động hữu hình đến chất lượng của các chính sách và dịch vụ cũng như hiệu quả hoạt động tổng thể của cơ quan nhà nước.
Xây dựng khung và kế hoạch hành động để đảm bảo khả năng tương tác của dữ liệu và sự phát triển của cơ sở hạ tầng dữ liệu cần thiết để chia sẻ dữ liệu trong các cơ quan nhà nước.
Phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của chính phủ
Xây dựng chiến lược và khung chính sách để thúc đẩy dữ liệu mở của chính phủ, trong đó gồm tiêu chuẩn “mở là mặc định”. Các tiêu chuẩn này nên có các ngoại lệ cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư và các thông tin nhạy cảm khác. Chiến lược nên có nội dung phát triển một bộ phận đầu mối duy nhất về dữ liệu của chính phủ. Các nỗ lực dữ liệu mở của chính phủ cần được bổ sung với các sáng kiến nhằm tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu mở, bao gồm cả sự tham gia của cộng đồng những người tạo ra dữ liệu và sử dụng lại để tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề chung.
Phát triển kỹ năng hỗ trợ cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, hoạt động dựa vào dữ liệu
Thực hiện đánh giá kỹ năng của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, căn cứ vào đó phát triển chiến lược về phát triển nguồn nhân lực để phát triển, thu hút và duy trì nguồn lực có kỹ năng dữ liệu trong các cơ quan nhà nước.
Nguyễn Thanh Thảo
Nguồn tham khảo: Kinh nghiệm phát triển Chính phủ số tại các nước OECD