Đang xử lý.....

Tạo dựng Thành phố thông minh tại EU - Kinh nghiệm từ những khó khăn về chính sách  

Sự phát triển của một thành phố thông minh phụ thuộc vào khả năng ban hành những thay đổi chính sách của chính quyền. Các gói ưu đãi để phát triển Thành phố thông minh ở EU và các quốc gia thành viên đóng một vai trò to lớn, nhưng nếu chính quyền không có năng lực thực hiện từ những bước đầu và không có chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thì lợi ích đó có thể trở nên vô nghĩa.
Thứ Ba, 29/12/2020 280
|

Dưới đây là những hạn chế về mặt chính sách mà EU đã gặp phải trong vấn đề phát triển thành phố Thông minh. Đây là một lĩnh vực mới, và để phát triển Thành phố Thông minh ở Việt Nam, khó khăn mà EU gặp phải có thể sẽ là kinh nghiệm quý giá để Việt Nam tiếp thu và cải thiện những vấn đề của riêng mình.

Hình 1: Các thành phố thông minh dẫn đầu tại EU

Thành phố không đủ năng lực và thẩm quyền

Một đặc điểm ở nhiều Quốc gia Thành viên EU là chính quyền thành phố thiếu năng lực để quản lý hiệu quả một số lĩnh vực trọng tâm cho sự phát triển của Thành phố thông minh. Đôi khi, trách nhiệm của từng cơ quan cấp quốc gia, thành phố có thể không cho phép phối hợp hoặc hạn chế năng lực của chính quyền địa phương trong giải quyết một số điểm mấu chốt. Có thể thấy rằng một số thành phố không thể xử lý hiệu quả vấn đề giao thông công cộng của họ, do những con đường chính đi qua thành phố nhưng do một cơ quan trung ương khác quản lý.

Một lĩnh vực khác là Quản trị đa cấp còn hạn chế ở một số quốc gia. Ví dụ như khả năng hỗ trợ tài chính tại địa phương cho các biện pháp để hạn chế phát thải đối với giao thông vận tải như hình thức thu phí tắc nghẽn. Sự phân cấp về tài chính mạnh mẽ giữa các quốc gia EU làm cho việc thu phí gần như không khả thi ở các quốc gia có thu nhập bình quân thấp.

Trong trường hợp khác, cơ quan hành chính công phải được quản lý tập trung, và đối với một dự án lớn, sự phối hợp với cơ quan công quyền phải được tiến hành trong khu vực đặc biệt, thành phố lớn hoặc thủ đô của đất nước. Cuối cùng, điều này dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong việc thực hiện dự án.

Chức năng hành chính của địa phương không phù hợp

Diễn biến toàn cầu trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và cắt giảm khí thải ngày càng đòi hỏi phản ứng phù hợp từ các thành phố. Hiệu quả trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, và nói chung trong tất cả nhu cầu sử dụng tài nguyên giúp chính quyền ngày càng nâng cao hiểu biết. Họ được yêu cầu phải hiểu tầm quan trọng và sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các chỉ số chính về năng lượng và môi trường, cũng như các tùy chọn công nghệ có sẵn. Họ cũng củng cố nhu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, cũng như mức độ tích hợp ICT. Đây là một thay đổi quan trọng đối với chính quyền thành phố và năng lực của họ. Sự cần thiết phải đổi mới trong hoạt động tài chính và mua sắm cho các dự án cũng đòi hỏi kỹ năng cao của nhà quản lý, và họ cũng cần có kỹ năng để phát triển các điều khoản hợp đồng phù hợp.

Đối với nhiều chính quyền, việc sử dụng nhân lực có chuyên môn kĩ thuật đáp ứng yêu cầu là không dễ dàng, đặc biệt là khi cơ quan quản lý không thể cung cấp các điều kiện giống như khu vực tư nhân đối với các kỹ năng đó. Đây là vấn đề đặc biệt ở nhiều Quốc gia thành viên của EU, nơi mà lương của khu vực công thấp hơn đáng kể so với khu vực tư nhân.

Từ góc độ chính sách, chính quyền cần sử dụng lợi thế của chương trình đào tạo quản lý và trao đổi kinh nghiệm với các thành phố tiên tiến hơn. Để giảm bớt khó khăn trong hợp tác giữa các thành phố ở gần nhau thì nhóm chúng lại theo địa lý là một phương án tối ưu. Việc này cũng sẽ giúp mang lại trải nghiệm tốt, giúp trao đổi kiến thức từ các thành phố với các điều kiện gần giống nhau. Các cuộc họp cấp cao tổ chức tại thành phố lớn, ví dụ như ở Brussel, Bỉ có thể rất thú vị nhưng đôi khi nó không phù hợp với điều kiện thực tế ở một vài thành phố khác. Tạo lập một mạng lưới thành phố cục bộ có thể tăng cường chuyển giao kiến ​​thức một cách đáng kể, cũng như giúp lẫn đỡ nhau trong việc phát triển các dự án, tạo nên một nền kinh tê quy mô, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Thủ tục hành chính phức tạp

Thủ tục hành chính phức tạp là 1 yếu tố kìm hãm đáng kể sự phát triển, ví dụ như trong lĩnh vực cắt giảm lượng carbon, năng lượng tái tạo và các dự án tiết kiệm năng lượng. Vấn đề chính là số lượng giấy phép và phê duyệt phải có được trước khi bắt đầu một dự án. Trong vài trường hợp, việc xử lý giấy phép và phê duyệt liên quan đến nhiều cơ quan quốc gia khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí và loại hình công nghệ được sử dụng, nhà phát triển dự án tiết kiệm năng lượng có thể được yêu cầu chứng nhận cho tiếng ồn, hình ảnh, không gian, phê duyệt về sinh thái, bảo tồn di sản dẫn đến sự chậm trễ nếu quá trình ủy quyền không hiệu quả hoặc bị phân tán giữa các cơ quan quản lý hoạt động theo ngành dọc.

Thủ tục hành chính đối với nhà phát triển dự án có thể trở nên phức tạp hơn khi đối mặt với việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm khác nhau và khi có sự nhầm lẫn về trách nhiệm của mỗi cơ quan. Đây là hệ quả của việc thiếu sự phối hợp đã đề cập ở trên. Điều này dẫn đến mâu thuẫn trong các yêu cầu mang tính chất chủ quan đối với nhà phát triển dự án vì yêu cầu về thủ tục của các cơ quan, ban ngành của thành phố là khác nhau.

Trong trường hợp khác, hành chính công thường tập trung ở thành phố lớn, với các dự án quy mô lớn, các cuộc đàm phán với cơ quan công quyền phải được tiến hành trong khu vực đặc biệt hoặc thủ đô của đất nước. Cuối cùng, việc thực hiện dự án bị chậm trễ.

Tình trạng đặc biệt của các di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh

Bảo tồn đặc điểm ban đầu của công trình thường là yêu cầu đối với bất kỳ loại hình cải tạo nào. Những yêu cầu bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa có thể gây thêm ít nhiều khó khăn trong việc thiết kế và thực hiện công việc cải tạo.

Trong nhiều lĩnh vực, quy định giới hạn hình dạng, kích thước và vật liệu được áp dụng cho tòa nhà cần cải tạo mới, nhằm gìn giữ giá trị thẩm mĩ của một khu vực. Mặc dù có nhiều lợi ích trong việc bảo tồn các giá trị của thành phố, nhiều quy tắc có thể đã lỗi thời và quá hạn chế, chẳng hạn như việc sử dụng các vật liệu hiện đại cho hiệu quả năng lượng hoặc sản xuất năng lượng mặt trời, có thể tích hợp tốt với đặc điểm của khu vực, nhưng không đáp ứng yêu cầu đã được đặt ra từ rất lâu trước đó.

Quy trình mua sắm không được đổi mới

Trong một số trường hợp, cơ quan công quyền có thể cố gắng tích hợp tiêu chuẩn, chứng nhận của công nghệ mới trong quy định mua sắm. Quy tắc mua sắm không được cập nhật sẽ tạo thành rào cản đáng kể trong việc đạt được những phê duyệt bắt buộc để bắt đầu một dự án. Để tạo thuận lợi cho đầu tư, các cơ quan công quyền cần thể hiện sự linh hoạt trong việc thích ứng với những công nghệ phát triển nhanh chóng và thể hiện sự nhất quán trong việc áp dụng tiêu chuẩn về yêu cầu thông qua cho dự án.

Dựa trên sự tham vấn của các bên liên quan và các nhà phát triển dự án khắp EU, có quan điểm cho rằng các quy tắc mua sắm cần được cải cách với mục tiêu mua sắm dựa trên kết quả khả thi, bao gồm cả lợi ích và chi phí khấu hao. Mua sắm cũng nên sử dụng quy trình hai giai đoạn, trước hết là biểu hiện quan tâm và tìm kiếm ý tưởng về sản phẩm. Giai đoạn này có thể liên kết với việc kêu gọi tài trợ và cho phép các nghiên cứu khả thi quy mô nhỏ để xác định các giải pháp hứa hẹn nhất. Bởi lựa chọn nhiều hơn một giải pháp cho giai đoạn này, nó sẽ khuyến khích sự cạnh tranh và cả sự hợp tác giữa các bên.

Giai đoạn thứ hai có thể liên quan đến việc lựa chọn 2 hoặc 3 nhà cung cấp trong một dự án sẽ làm việc với Thành phố và cùng nhau tối ưu hóa kết quả từ quá trình thực hiện. Trọng tâm là hợp tác làm việc để nâng cao sự đổi mới và mức độ kĩ năng không chỉ của 1 hoặc 2 nhà cung cấp.

Lựa chọn các đối tác không thích hợp tham gia

Thiếu tham vấn thích hợp được xác định là vấn đề khá quan trọng khi công bố những công nghệ mới. Sự tiếp nhận của công dân với những đổi mới và cách thức chúng được sử dụng thường không tương ứng với kỳ vọng. Để khắc phục, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Thiếu tham vấn với các sở ban ngành của thành phố cũng có thể gây ra sự thiếu hiệu quả và thậm chí là xung đột trong vấn đề hành chính. Sự tham gia của các bên liên quan phải luôn được thực hiện với các mục tiêu rõ ràng là đạt được sự đồng thuận với các giải pháp. Vấn đề này được giải quyết trong phạm vi kĩ thuật. Việc quy hoạch và xây dựng dự án thành phố thông minh nên tận dụng lợi ích của phương pháp đồng sáng tạo, để thu được kết quả tốt trong việc tiếp nhận các giải pháp đột phá và hiệu quả của chúng, thay vì thành phố chủ động tự thực hiện sẽ tốn khá nhiều thời gian.

Vấn đề tài chính

Chính quyền thành phố và nhiều quốc gia ở EU phải đối mặt với tình hình tài chính phức tạp, đặc biệt là kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra. Vấn đề cũng tương tự với  khu vực tư nhân, họ đã giảm đầu tư vào đổi mới do những bất ổn trở nên cao hơn. So với Mỹ và Nhật, Châu Âu tụt hậu, trở nên chậm hơn và ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% GDP của EU trong nghiên cứu và phát triển cho năm 2020. Đặc biệt là mức đầu tư tư nhân vào nghiên cứu và phát triển ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong quá trình trung và dài hạn.

Rào cản kinh tế và tài chính là một trong những những trở ngại trong việc thực hiện các dự án để phát triển công nghệ tái tạo, carbon thấp ở khu vực đô thị và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà.

Cả chi phí tài chính và rủi ro liên quan đến công nghệ đang cản trở khả năng tiếp cận nguồn vốn, không tạo ra động lực khuyến khích đổi mới hoặc nhân rộng các giải pháp sáng tạo cho nhà phát triển và tất cả các bên liên quan của cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Trong bối cảnh này, các nguồn năng lượng truyền thống giúp tiết kiệm chi phí hơn, đặc biệt là về mặt đầu tư vốn ban đầu, có nghĩa là nếu không được tiếp cận vốn vay ưu đãi, các nhà đầu tư có xu hướng tránh phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Chính quyền thành phố cũng sẽ hạn chế đổi mới để mua các công nghệ sẵn có với nguồn đầu tư thấp, ngừng cấp chi phí cho các dự án sáng tạo và rộng hơn là hạn chế các lợi ích kinh tế xã hội cho thí điểm hoặc cho nhân rộng các giải pháp đã thử nghiệm thành công.

Môi trường pháp lý ở cấp quốc gia

Môi trường pháp lý tác động đến cả các yếu tố tạo điều kiện và cả các rào cản với việc thực hiện thành công dự án thành phố thông minh. Môi trường pháp lý bình thường được hiểu là luật, các quy tắc và quy định được ban hành bởi các tổ chức chính phủ để kiểm soát hành vi và hành động, ở đây là các hành động kinh doanh.

Hiện tại, một số quốc gia thành viên EU đang gặp khó khăn do sự bất ổn của khung chính sách. Nguyên nhân của điều này là rủi ro đã được đề cập về chi phí thực phẩm, gia tăng thuế quan nếu không được quản lý tốt. Đây là trường hợp xảy ra ở nhiều quốc gia do cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến việc cắt giảm đáng kể nguồn trợ cấp. Điều này là tác động tiêu cực cho nhiều nguồn đầu tư vè năng lượng bao gồm cả các dự án thành phố thông minh. Mới nhất là việc cắt giảm xảy ra ở Tây Ban Nha dẫn đến tổn thất hàng tỷ đô la và khó khăn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo,  bắt nguồn cho những quan điểm chống lại chính quyền.

Khung chính sách ổn định là điều quan trọng để giúp các dự án thành công và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Các bên liên quan bị ảnh hưởng và đại diện hợp pháp của họ cho rằng những thay đổi của chính phủ đã vi phạm quyền lợi của nhà đầu tư. Trong khi các quy chế mới đã được phê duyệt bởi Ủy ban Châu Âu về tuân thủ các quy tắc viện trợ của nhà nước, cơ chế và quá trình chuyển đổi cần được thiết kế cẩn thận hơn. Ủy ban Châu Âu đang trong quá trình tinh chỉnh các chỉ thị để tránh những tình huống như vậy xảy ra, nhưng cuối cùng thì vấn đề về sự ổn định và các khoản viện trợ mà nhà nước cần đảm bảo vẫn đang nằm ở cấp quốc gia.

Kết luận

Những khó khăn kể trên của EU trong việc phát triển Đô thị Thông minh không phải là vấn đề của riêng họ. Cách mà EU giải quyết những vấn đề này là những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam học hỏi và áp dụng, nhất là trong những lĩnh vực còn mới mẻ như hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chính sách cho chuyển đổi số, chủ trương cho những công nghệ mới.

                                                                                      Lê Việt Hưng

Tài liệu tham khảo

[1] The making of a smart city: policy recommendations –smartcities-infosystem.eu