1. Mở đầu
Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới xuất hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới nhưng lại có nhiều loại hình đa dạng và biến đổi mau lẹ theo xu hướng phát triển của công nghệ 4.0. Đặc biệt, hiện chưa có nguồn số liệu thống kê chính thức về kinh tế chia sẻ, nhiều hoạt động của kinh tế chia sẻ chưa có trong các danh mục ngành nghề kinh doanh, chưa được pháp điển và về cơ bản chưa được chế định trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước.
2. Tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường kinh tế số Việt Nam
Sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ trong thời gian qua đã góp phần vào khuyến khích kinh doanh, mở rộng và tăng quy mô thị trường (cả về quy mô giao dịch và số lượng chủ thể tham gia trên thị trường), mở rộng phạm vi không gian của các giao dịch kinh tế, cụ thể:
- Mở rộng và tăng nhanh các giao dịch kinh tế trên thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới cùng với kinh doanh theo mô hình truyền thống.
Do kinh tế chia sẻ là một phương thức kinh doanh mới tận dụng được các tiến bộ của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã giúp cho khách hàng và người cung cấp dịch vụ dễ dàng kết nối với nhau, qua đó tăng các giao dịch trên thị trường. Mặt khác, do tính hữu ích của nền tảng kết nối, điều hành và sự ưu thích sử dụng sản phẩm dịch vụ chia sẻ của người sử dụng dịch vụ (dễ tiếp cận dịch vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí, sau giao dịch người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng kết nối, …) dẫn đến tăng cầu kéo theo tăng cung dịch vụ. Điều này thể hiện rõ nhất trong loại hình dịch vụ vận tải trực tuyến, loại hình dịch vụ chia sẻ phòng ở, loại hình dịch vụ bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, … Hoạt động giao dịch của các mô hình kinh tế chia sẻ khá nhộn nhịp, số lượng của các giao dịch kinh tế trên nền tảng của các mô hình kinh tế chia sẻ tăng rất nhanh.
Ngoài ra, trong mô hình kinh tế chia sẻ, thậm chí sau khi đã kết thúc giao dịch, người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ vẫn có thể đánh giá lẫn nhau trên môi trường trực tuyến. Do đó, tuy các bên đã hết trách nhiệm, nghĩa vụ về mặt kinh tế nhưng vẫn có thể phát sinh các nghĩa vụ, trách nhiệm về mặt xã hội (trường hợp có vấn đề về chất lượng dịch vụ hoặc giá cả, thông tin đánh giá của người sử dụng dịch vụ đối với người cung cấp dịch vụ sẽ có thể lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng – gọi là hiệu ứng mạng, tạo áp lực buộc phải có những điều chỉnh hoặc cam kết về trách nhiệm xã hội), nhờ đó tăng tính nhân văn của thị trường.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế chia sẻ cũng phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, từ một dịch vụ ban đầu, nay có thể phát sinh thêm các dịch vụ tăng thêm khác, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế đa dạng hơn. Chẳng hạn Grab bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2014 với dịch vụ GrabTaxi, đến nay, sau 6 năm hoạt động, Grab đã mở rộng kết nối thêm nhiều loại hình dịch vụ thiết yếu của người dân tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phạm vi kinh doanh của Grab mở rộng so với ban đầu, các hoạt động kinh doanh hiện nay gồm có: Vận tải hành khách (BrabTaxi, GrabCar, GrabBike; Giao hàng nhanh chặng cuối (GrabExpress); Giao thức ăn (GrabFood); Đi chợ và giao đồ tạp hóa (GrabMart); Kết hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca để cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt Moca trên nền tảng Grab.
- Mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế.
Kinh tế chia sẻ mở ra nhiều cơ hội, tạo ra sự tiện lợi và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của các chủ thể kinh tế, với chi phí giao dịch thấp hơn nhiều so với kinh tế truyền thống nhờ ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.
Trên thực tế, đã có hàng chục nghìn cá nhân sử dụng tài sản cá nhân là ô tô, xe máy tham gia ứng dụng dịch vụ vận tải trực tuyến bằng nhiều ứng dụng khác nhau. Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng gần 70 nghìn xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng dịch vụ trực tuyến. Công ty Grab có hơn 200 nghìn đối tác tài xế ô tô và xe gắn máy, 16 nghìn đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm; Công ty Gojek có 150 nghìn lái xe và nhiều đối tác nhà hàng. Tương tự, trong lĩnh vực lưu trú du lịch, theo nghiên cứu của Outbox (2019), đã có 18.230 chủ nhà cho thuê trên nền tảng Airbnb, trong đó 69% chủ nhà có nhiều phòng và căn hộ cho thuê, chỉ có 31% số chủ nhà có 1 phòng cho thuê. Tổng số lượt khách đặt phòng qua Airbnb tới Việt Nam năm 2017 khoảng 400 nghìn người, trong đó 84% khách hàng là người nước ngoài. Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng hiện có khoảng 100 công ty đang hoạt động, chỉ tính riêng công ty Tima đã có trên 6 triệu đơn vay được tư vấn, … điều đó cho thấy sự sôi động của hoạt động kinh tế chia sẻ trên thị trường.
Trong những năm vừa qua, đã có sự tăng nhanh số lượng các chủ thể kinh tế tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ và nền tảng công nghệ kết nối để mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào mở rộng quy mô thị trường. Trong những năm tới, khi khuôn khổ pháp lý dần được hoàn thiện, tạo lập được các hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan tham gia trong từng mô hình kinh tế chia sẻ, sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
- Đa dạng văn hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường.
Nhìn chung, hoạt động kinh tế chia sẻ mang tính chất đổi mới, sáng tạo không ngừng, sử dụng các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0, có phần giao thoa với kinh tế số nên kinh tế chia sẻ luôn luôn tại ra các sản phẩm dịch vụ mới đa dạng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Với sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ thời gian qua, các sản phẩm dịch vụ đưa ra thị trường ngày càng đa dạng, tùy theo loại tài sản đưa vào khai thác và tủy theo từng mô hình sử dụng nền tảng kết nối. Có 3 mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ theo đặc điểm nền tảng cung cấp gồm: mô hình nền tảng phi tập trung, mô hình nền tảng tập trung, mô hình nền tảng hỗn hợp. Trong mô hình kinh doanh với nền tảng phi tập trung, người sở hữu tài sản đưa ra các điều khoản và cung cấp tài sản trực tiếp cho người dùng; nền tảng tạo ra sân chơi và hỗ trợ giao dịch để đổi lại lấy chi phí hoa hồng, chi phí vốn bỏ ra thấp, nhưng bên nền tảng phía tuyến nhà cung cấp để đảm bảo đủ nguồn cung (ví dụ Arnbnb). Trong mô hình kinh doanh với nền tảng tập trung, bản thân nền tảng sở hữu tài sản và đặt giá, kiểm soát nhiều hơn về chất lượng, tình trạng sẵn sàng và chuẩn hóa hơn nền tảng phi tập trung và thu tỷ lệ giá trị giao dịch cao hơn nhưng chi phí và quy mô vốn cũng cao hơn, do vốn ban đầu lớn và số lượng sử dụng cao để có thể duy trì. Trong mô hình kinh doanh với nền tảng hỗn hợp, chủ tài sản cung cấp dịch vụ với giá tiêu chuẩn do bên nền tảng đặt ra, chi phí ban đầu thấp và việc tuyển nhà cung cấp và quản lý cẩn thận với nhà cung cấp rất quan trọng vì họ ít có quyền kiểm soát (ví dụ GrabCar).
Sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ có tác động trực tiếp đến tăng số lượng chủng loại sản phẩm, dịch vụ và đang dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, ngoài các sản phẩm truyền thống thì nay đã có thêm sản phẩm dịch vụ vận tải trực tuyến bằng phương tiện ô tô, sản phẩm dịch vụ vận tải trực tuyến bằng xe gắn máy, giao hàng, … Trong lĩnh vực lưu trú, đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ chia sẻ phòng ở, căn hộ, nhà ở đa dạng. Trong ngành dịch vụ tài chính, ngành hàng tuy mới xuất hiện và tồn tại khoảng 4 năm vừa qua, các công ty P2P lending đã đưa ra các sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến khá đa dạng, gồm cả vay vốn có tài sản bảo đảm và các sản phẩm cho vay vốn không có tài sản bả đảm, nhưng chủ yếu là sản phẩm vay vốn không có tài sản bảo đảm, thời gian vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Đối với khoảng vay cá nhân, các công ty P2p lending đưa ra các sản phẩm vay đa dạng như vay tín chấp theo lương, vay theo sổ hộ khẩu, vay theo đăng ký xe máy, vay trả góp, vay theo hóa đơn điện, nước, vay theo cầm cố tài sản, … Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các công ty P2P lending cũng đưa ra các sản phẩm dịch vụ như: tài trợ các khoản phải thu, tài trợ bên mua hàng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại điện tử, … Trong lĩnh vực Fintech, các công ty Fintech đã có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ vào dịch vụ ngân hàng như chấm điểm, các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số trong truyền tải, lưu trú, xử lý dữ liệu khách hàng, … Nhờ vậy, đã bổ khuyết, giải quyết tính thiết hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống như giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch, điểm tiếp xúc khách hàng theo kênh vật lý, nhận biết và xác thực khách hàng cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp,…
- Tăng quy mô (số lượng, khối lượng, giá trị) các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Sự phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ tác động trực tiếp và làm tăng quy mô sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trao đổi, mua bán trên thị trường. Theo một nghiên cứu, khảo sát thì việc đặt sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng di động đã giúp cho khách hàng và người cung cấp dịch vụ kết nối với nhau, nhờ đó không chỉ thu hút thêm nhiều khách hàng mới mà còn làm tăng doanh thu do tăng trưởng nhu cầu nhờ tính dễ tiếp cận và tiết kiệm chi phí trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0 kéo theo sự sáng tạo trong mở rộng quy mô thị trường các loại hình dịch vụ phục vụ tiêu dùng.
Theo Báo cáo nghiên cứu về Nền kinh tế Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek Holding và Bain&Co, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD và năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 (0,2 tỷ USD) và dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Điều đó cho thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này ở Việt Nam còn rất lớn. Trên thị trường dịch vụ chia sẻ nhà ở và phòng ở, Airnbn đã mở rộng quy mô thị trường từ 1.000 phòng cho thuê vào năm 2015 và chỉ tập trung ở Hà Nội, Tp. HCM lên 40.800 phòng vào đầu năm 2019 ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước (tăng gấp 5 lần sau 3 năm). Rada đã kết nối người tiêu dùng với các nhà cung cấp dịch vụ của nhiều lĩnh vực cụ thể về sửa chữa thiết bị gia đình, xây dựng điện nước, vận chuyển đường dài, sửa chữa thiết bị ô tô, xe máy, … Qua nền tảng kết nối này, chỉ sau 1 năm từ tháng 4/2016 đến tháng 7 /2017 đã có hơn 20.000 giao dịch thành công với 56.000 khách hàng, hơn 1.000 nhà cung cấp và 3.500 thợ/đơn vị cung cấp, và Rada bắt đầu thu tiền từ các giao dịch thành công. Theo khảo sát giữa Facebook và Morning Consult, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đã có 74% doanh nghiệp nhỏ cho biết việc sử dụng facebook giúp họ tăng doanh số bán hàng. Đối với Việt Nam, kết quả khảo sát này cho thấy 77% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết họ đã tăng doanh số bán hàng nhờ vào nền tảng này, 76% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên Facebook cho biết họ có thể tuyển dụng thêm nhân viên do có sự tăng trưởng nhu cầu đáng kể từ khi gia nhập nền tảng này.
- Mở rộng phạm vi không gian cho thị trường hàng hóa, dịch vụ nhờ các giao dịch xuyên biên giới của hoạt động kinh tế chia sẻ.
Trong mô hình kinh tế chia sẻ, các hoạt động giao dịch trên thị trường có tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet. Do vậy, trong mô hình này, các chủ thể kinh tế khi thực hiện hoạt động giao dịch trên thị trường không bị giới hạn về phạm vi không gian địa lý, mà có thể giao dịch xuyên biên giới thông qua mạng internet kết nối với các đối tác, khách hàng trên toàn cầu. Đối với quốc gia đang phát triển cho thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, với hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thì sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, kết nối trong hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở lớn. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ như AI, blockchain, Bigdata, … thông qua các nền tảng số đã đẩy mạnh các giao dịch của các chủ thể kinh tế trên thị trường toàn cầu, làm mờ dần biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia, các vùng kinh tế; đẩy nhanh hơn quá trình hình thành thị trường toàn cầu của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, việc ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số thông qua các nền tảng ngân hàng số (digital banking) đã làm thay đổi mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng cũng như các kênh phân phối qua kết nối giữa khách hàng với các tổ chức tài chính ngân hàng trên toàn cầu. Vì thế, sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ trực tiếp tác động thúc đẩy mở rộng không gian thị trường hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy kết nối và hội nhập thị trường Việt Nam với thị trường khu vực và toàn cầu.
Tuy mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2019, nền tảng Airbnb đã kết nối giao dịch giữa 18.230 chủ nhà cho thuê trên 40.800 phòng ở cho thuê trên nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam với hàng triệu khách du lịch quốc tế trên khắp các châu lục, riêng năm 2017, tổng số lượt khách đặt phòng qua Airbnb tới Việt Nam khoảng 400 nghìn người, trong đó 84% là khách quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, úc, Hàn Quốc, Singapore, .. Một ví dụ khách trong lĩnh vực phân phối hàng hóa là sàn giao dịch thương mại điện tử gcaeco.vn và ứng dụng GCAECO của Công ty cổ phần kết nối Thanh toán toàn cầu (GPC) đã kết hợp giữa công nghệ Blockchain, tích hợp công nghệ IoT qua cổng kết nối API đã giúp kết nối các nhà cung ứng nông sản trong nước (cá nhân, HTX, doanh nghiệp) với khách hàng (người mua) trên khắp thế giới. Trên nền tảng này, đã giúp bên mua sản phẩm ở nước ngoài có thể nhanh chóng truy xuất nguồn vốn sản phẩm, thực hiện giao dịch với bên bán ở Việt Nam bằng hợp đồng thông minh, thanh toán nhanh và bảo mật; đồng thời, giúp các bên tham gia (bên bán hàng, bên mua hàng, bên nền tảng kết nối) có thể cùng theo dõi, giám sát chuỗi cung ứng này theo cách minh bạch nhất.
Như vậy, cách thức giao dịch thị trường của kinh tế chia sẻ không chỉ mang lại lợi ích cho các bên tham gia mà còn trực tiếp thúc đẩy mở rộng không gian thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa và dịch vụ, gắn kết chặt chẽ thị trường Việt Nam với thị trường thế giới.
3. Tác động tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Có thể thấy các đóng góp của mô hình kinh tế chia sẻ tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế như:
- Các loại hình kinh tế chia sẻ tác động thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ góp phần mang lại thu nhập của người dân, góp phần tăng tiết kiệm nội địa, tăng tích lũy tài sản, tạo nguồn vốn mới cho tăng đầu tư trong nền kinh tế. Không chỉ các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ được hưởng lợi mà mô hình kinh tế chia sẻ còn tạo hiệu ứng lan tỏa và mang lại thu nhập tăng thêm cho nhiều chủ thể kinh tế có liên quan. Chẳng hạn, hết nối và tham gia mạng lưới nền tảng Grab, không chỉ mang lại thu nhập cho trên 100.000 tài xế xe máy mà còn mang lại thu nhập cho hàng nghìn cửa hàng đồ ăn, đồ uống, bán hàng tiêu dùng online, …
Kinh tế chia sẻ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế nhờ tiết kiệm được nguồn lực do người tiêu dùng loại bỏ được nhu cầu sở hữu và chia sẻ mức phí sử dụng giữa những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ, qua đó góp phần vào tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, về cơ bản là dựa trên các nền tảng kết nối, các sàn giao dịch ứng dụng công nghệ số, hoạt động giao dịch trực tuyến, hiệu suất phân phối tài nguyên cao hơn kinh tế truyền thống, giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội.
- Kinh tế chia sẻ tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế chia sẻ có xu hướng tập trung vào các ngành nghiên cứu và sáng tạo, với sự xuất hiện ngày càng nhiều startup đổi mới sáng tạo. Vì thế, thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là một cách thức hiệu quả để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Phát triển kinh tế chia sẻ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, sức cạnh tranh của nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào tài nguyên kỹ thuật số, công nghệ 4.0 và năng lực ứng dụng, khai thác các nền tảng công nghệ 4.0 để tăng năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực và đơn vị sản xuất kinh doanh. Vì thế, thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ góp phần tăng nhanh mức đóng góp của công nghệ số cho phát triển kinh tế số.
Mặc dù là mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ đã tập trung vào khai thác lợi thế của mạng internet và công nghệ số để hình thành và phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, nhiều ngành và các sản phẩm mới với hàm lượng công nghệ cao, song vẫn tạo áp lực rất lớn đối với các ngành nghề truyền thống, tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy chuyển dich cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế theo hướng chuyển dich từ các ngành kém hiệu quả sang các ngành có hiệu quả cao hơn. Mặt khác, mô hình kinh tế chia sẻ thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân, tạo cơ hội cho các nhóm yếu thế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên các địa bàn, vùng miền trong cả nước. Đồng thời, sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ cũng thúc đẩy chuyển dich cơ cấu lao động trong nền kinh tế, nâng cao tỷ lệ lao động có chất lượng cao trong cơ cấu lao động của nền kinh tế.
4. Kết luận
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế chia sẻ trong thời kỳ tới, có khả năng tạo ra nhiều cơ hội phát triển và lợi ích cho các chủ thể kinh tế, các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, nhưng cũng nảy sinh nhiều thách thức mới, nhất là trong quản lý nhà nước đối với kinh tế chia sẻ.
Trần Chí Nam
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/823958/quan-he-so-huu-trong-xu-the-phat-trien-kinh-te-chia-se-o-viet-nam.aspx
2. https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2515
3. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/2686/kinh-te-chia-se--thuc-trang-va-giai-phap.aspx