Đang xử lý.....

Sự tác động của công nghệ số đối với các ngành, các lĩnh vực chính tại Việt Nam  

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp và ứng dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động tạo ra xu thế nền kinh tế số toàn cầu. Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bắt kịp, tiến cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chủ Nhật, 19/12/2021 4671
|

Chuyển đổi số là một quá trình giúp doanh nghiệp số hóa, làm việc và lưu chuyển dữ liệu, ứng dụng các thành tựu của khoa học để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 đó là “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Vì vậy, công nghệ số chính là động lực của chuyển đổi số. Sự phát triển của công nghệ số đã chuyển đổi nhiều lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam, từ sản xuất nông nghiệp đến thương mại điện tử, thanh toán điện tử, Chính phủ điện tử, kinh tế, vận tải, tài chính. Bài viết này sẽ trình bày hiện trạng tác động của công nghệ số đối với các ngành, các lĩnh vực chính tại Việt Nam.

I. Sự bùng nổ của các công nghệ mới nổi tại Việt Nam

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) chính là làn sóng tiếp theo, có thể là làn sóng mạnh mẽ nhất, làn sóng của chuyển đổi số và trực tuyến. Cuộc CMCN 4.0 này sẽ làm thay đổi cấu trúc và động lực của nhiều ngành công nghiệp thông qua ứng dụng tự động hóa nhiều hơn, hệ thống không gian mạng thực tế - ảo, phân tích dữ liệu lớn, mạng lưới cảm biến, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.

Hình 1. Các giai đoạn của cách mạng công nghiệp

Hiện nay, điện thoại thông minh, máy vi tính chứa cả ngàn tính năng tiện lợi để thực hiện việc liên lạc, giao dịch, quản lý, điều khiển từ xa. Việc ứng dụng các công nghệ mới vừa tiết kiệm nhân lực, tài chính, thời gian, vừa hiện đại tiện lợi và giá thành thấp, thị trường rộng mở và cạnh tranh. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường có sự phát triển vượt trội. Việt Nam đã đi đầu trong việc ứng dụng các dịch vụ Internet tốc độ cao, các thiết bị và điện thoại thông minh kể từ năm 2003, vượt tỷ lệ xa so với các nước như Pakistan, Ấn Độ và Indonesia. Vào giữa năm 2018, Việt Nam ước tính có khoảng 30.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm và nội dung số. Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Năm 2018, tổng doanh thu của ngành ICT là 98,9 tỷ đô la Mỹ, gấp 13 lần doanh thu năm 2010 (là 7,6 tỷ đô la Mỹ). Công nghiệp phần cứng là ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 89% tổng doanh thu năm 2018. Ngành công nghiệp phần mềm phát triển ổn định và bắt đầu thu hút sự chú ý của người dân với tư cách là một khu vực trung tâm quan trọng. Vào giữa năm 2018, có tổng số 9.500 doanh nghiệp tại Việt Nam đã tạo ra những phần mềm kỹ thuật số thuộc các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, nông nghiệp thông minh và chính phủ. Trong năm 2016, dịch vụ gia công phần mềm công nghệ thông tin đã tạo ra khoảng 3 tỷ đô la Mỹ, đưa Việt Nam vượt qua Ấn Độ để trở thành ngành công nghiệp phần mềm lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

II. Sự tác động của công nghệ số đối với các ngành, các lĩnh vực chính tại Việt Nam

Hình 2. Công nghệ số tác động đến một số ngành, lĩnh vực chính tại Việt Nam

Công nghệ số có ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành, lĩnh vực chính tại Việt Nam, cụ thể là:

1. Truyền thông xã hội

Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị di động đã thúc đẩy sự phát triển của nội dung số. Hiện nay, có khoảng 240 trang mạng xã hội và 63 trang mạng được tích hợp các tin tức số tại Việt Nam. Trong đó, facebook có cơ sở người dùng lớn nhất với ước tính khoảng 58 triệu người dùng đang hoạt động. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy phát triển các mạng xã hội trong nước thông qua các sáng kiến như Nền tảng tri thức số Việt Nam. Nền tảng mở này khuyến khích người dùng phát triển ứng dụng và phần mềm bằng cách sử dụng dữ liệu và cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Các dịch vụ hàng đầu OTT như Zalo, Skype và Viber đang thay thế các dịch vụ thoại và tin nhắn SMS truyền thống. Các nhà mạng lớn như Viettel và VNPT hiện đang chuyển sang việc cung cấp các dịch vụ OTT của riêng họ, chẳng hạn như Viettel Mocha hay Viettalk để cạnh tranh.

2. Thương mại điện tử

Thương mại điện tử là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số của Việt Nam với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng thanh toán di động như WePay và sự xuất hiện của tiền điện tử toàn cầu có thể sử dụng qua ví điện tử cho phép người dùng chuyển tiền cho nhau thông qua giao dịch ngang hàng P2P trên Internet cũng như trả tiền hàng hóa và dịch vụ trong nước.

3. Y tế thông minh

Ngành Y tế của Việt Nam đang xây dựng hệ thống y tế thông minh. Năm 2018, ngành Y tế đặt ra kế hoạch triển khai các công nghệ số trong 3 trụ cột chính: phòng bệnh thông minh; khám và điều trị thông minh; quản lý thông minh. Các bệnh viện lớn ở Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và triển khai mô hình Phòng khám thông minh.

Ngoài ra, Hệ thống quản lý thông tin y tế thông minh cũng đang được số hóa. Bộ Y tế đang mở rộng đề án về Bệnh án điện tử EMR cho các đơn vị trực thuộc trên cả nước sau khi thí điểm thành công theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Hệ thống bệnh án điện tử này cho phép các cơ sở y tế sử dụng công nghệ kỹ thuật số để ghi lại, hiển thị và lưu trữ dữ liệu y tế của mỗi người dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu và soạn thảo mẫu thẻ bảo hiểm y tế điện tử. Tất cả những kế hoạch này sẽ giúp ngành Y tế của Việt Nam tiết kiệm chi phí quản lý và tạo điều kiện để bệnh nhân tới khám chữa bệnh được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn.

4. Tăng cường năng lực về Chính phủ điện tử

Trong giai đoạn 2014-2017, Việt Nam đã tăng 10 bậc và xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hợp quốc. Chính phủ điện tử tiếp tục được ưu tiên, cùng với các kế hoạch phát triển và hỗ trợ các nền tảng cơ bản và cơ sở hạ tầng phục vụ hệ thống Internet vạn vật và thành phố thông minh, dữ liệu mở và quyền truy cập các cổng thông tin, truyền thông liên cơ quan. Việt Nam đặt mục tiêu hợp nhất hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của tất cả các cơ quan trong chính phủ với 20% số người dùng được định danh và thống nhất trên toàn hệ thống.

5. Nền kinh tế chia sẻ

Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang ngày càng phát triển nhờ có nền tảng điện toán đám mây, tỷ lệ người dùng Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh cao và tỷ lệ sở hữu tài sản cá nhân thấp. Trong 5 năm qua, các nền tảng chia sẻ chuyến đi đã tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp taxi truyền thống. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á thu hút Uber và cũng là thị trường phát triển nhanh thứ hai của Uber trên toàn cầu vào năm 2015, không tính Trung Quốc. Năm 2018, Grab đã thâu tóm hoạt động của Uber ở khu vực ASEAN, nhưng sự gia nhập của Go-Jek (Go-Việt) vào thị trường Việt Nam hồi tháng 9/2018 đã thúc đẩy cạnh tranh trong ngành này. Các nhà cung cấp dịch vụ taxi truyền thống ở Việt Nam cũng đang phát triển nền tảng và ứng dụng di động của riêng mình để cạnh tranh.

6. Công nghệ tài chính (fintech)

Việt Nam là ngôi sao mới trong ngành công nghệ tài chính toàn cầu (fintech): Số lượng vườn ươm, các trung tâm hỗ trợ và phòng thí nghiệm phục vụ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là 42, cao hơn Indonexia (20), Malaixia (10), Thái Lan (5) và chỉ sau Singapore (52). Năm 2017, Việt Nam có 48 công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ từ thanh toán đến chuyển tiền kiều hối và tiền điện tử. Tuy nhiên, tỷ trọng các dịch vụ và sản phẩm mà các công ty công nghệ tài chính cung cấp cũng đang thay đổi. Dù thanh toán vẫn là loại hình sản phẩm, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính, song các mảng mới như công nghệ bảo hiểm (insurtech), công nghệ quản lý tài sản (wealthtech) và công nghệ quản lý (retech) đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

7. Du lịch thông minh

Du lịch đang là lĩnh vực bùng nổ tại Việt Nam. Trong thời kỳ Cách mạng công nghệ lần thứ tư, ngành Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng phát triển, thay đổi và tăng chất lượng dịch vụ bằng cách sử dụng mô hình du lịch thông minh, chẳng hạn như:

- Tại Thành phố Hồ Chí Minh có phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city”, phần mềm tiện ích khác như “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”;

- Tại Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”. Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á cùng với Singapore.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam thì khách quốc tế, khách du lịch nội địa và tổng doanh thu tăng vọt giữa năm 2016 và 2017. Năm 2017, ngành du lịch nhận 13 triệu lượt khách quốc tế và 74 triệu lượt khách nội địa, khách du lịch, đại diện cho mức tăng tương ứng khoảng 30% và 20%. Trong cùng năm, tổng doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt trên 23 tỷ USD và đóng góp gần 7,5% so với GDP.

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Việt Nam thì 71% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào năm 2017 đã sử dụng các nguồn trực tuyến để xác định điểm đến của du lịch. Ngoài ra, 64% khách du lịch quốc tế đã đặt chuyến đi đến Việt Nam bằng phương thức trực tuyến. Gần 100% doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực du lịch đã sử dụng trang web để giới thiệu sản phẩm của họ đến với người tiêu dùng.

Ngoài ra, thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến tại Việt Nam cũng chiếm mức cao trong những năm gần đây (chiếm 30%-40% tổng doanh số). Trong thị trường trực tuyến này, số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chỉ ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài như Agoda và Booking.com có 80% tài khoản đặt phòng trong doanh số bán hàng. Hệ thống giao thông công cộng cũng góp phần vào tăng trưởng trong ngành du lịch. Ví dụ như xe bus có wi-fi miễn phí đã được áp dụng tại một số thành phố để tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho du khách.

8. Nông nghiệp thông minh

Ngành Nông nghiệp là ngành ghi nhận tầm quan trọng và ảnh hưởng của công nghệ số. Các doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên sử dụng tự động hóa, máy móc, cảm biến và thu thập dữ liệu. Trong khi đó các hộ kinh doanh nông nghiệp thì ưu tiên các công nghệ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tức thời và giải quyết các vấn đề quản lý hàng ngày.

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg đã đặt ra một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp đó là:

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế;

- Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số;

- Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp;

- Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Kết luận

Việt Nam và các nước trên thế giới đã chứng kiến một cuộc đại dịch Covid-19 lớn có ảnh hưởng dữ dội đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, có xu hướng chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống chuyển sang phương thức sử dụng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tránh tiếp xúc. Kinh tế Việt Nam đang từng bước thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang được số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính... Những ngành này cho thấy tiềm năng cao cho nền kinh tế số của Việt Nam trong những năm tới đồng thời cũng phù hợp với quan điểm, định hướng của Thủ tướng Chính phủ là thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Vietnam’s future digital economy towards 2030 and 2045.

[2] Food and Agriculture Organization 2018. The future of food and agriculture Alternative pathways to 2050. FAO: Rome, Italy.

[3] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.