Giới thiệu
Trong những năm gần đây, mục tiêu chuyển đổi thành quốc gia thông minh cùng với mục tiêu hướng tới số hóa nền kinh tế phổ biến đã mang lại cho Singapore hy vọng và động lực để đưa nền kinh tế bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới và duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Singapore đã triển khai một loạt các sáng kiến và chương trình để đẩy nhanh tốc độ số hóa các doanh nghiệp, đặc biệt là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs. Các Doanh nghiệp SMEs của Singapore chiếm 99% trong tổng số doanh nghiệp, đóng góp 50% GDP và cung cấp việc làm cho 2/3 lực lượng lao động tại quốc gia. SMEs cố gắng trở thành một phần của hệ sinh thái kỹ thuật số, nơi các tổ chức, doanh nghiệp, con người, dữ liệu, quy trình và mọi thứ được kết nối với nhau thông qua việc sử dụng chung các nền tảng số.
Bắt đầu từ việc khuyến khích người dân sử dụng nhiều công nghệ hơn trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy tin học hóa các dịch vụ dân sự để tăng năng suất lao động và chất lượng dịch vụ, nhiều kế hoạch CNTT quốc gia được đưa ra trong những năm qua đã đặt nền móng vững chắc cho việc hình thành một quốc gia SMART và nền kinh tế số.
Tình hình phát triển nền kinh tế Singapore
Việc Bộ Thương mại và Công nghiệp công bố Kế hoạch Kinh tế Chiến lược SEP (Strategic Economic Plan) vào năm 1991 đánh dấu sự khởi đầu của một triết lý phát triển kinh tế mới ở Singapore. Singapore đã áp dụng cách tiếp cận dựa trên cụm trong phát triển kinh tế và duy trì sự phù hợp và tính hữu ích của nó trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cách tiếp cận mới về phát triển kinh tế này đã cung cấp một khuôn khổ cải tiến để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển công nghiệp chủ yếu dựa vào thương mại và đầu tư nước ngoài. Đồng thời, giúp xác định các kế hoạch về sự lựa chọn chiến lược của các ngành để phát triển và thúc đẩy; tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau của các ngành và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và thể chế để đạt được kết quả tốt hơn và đem lại nhiều lợi nhuận cao hơn. Phương pháp tiếp cận cụm này thường được thảo luận về việc thiết lập một hệ sinh thái xung quanh một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể.
Việc sửa đổi cách tiếp cận phát triển không phụ thuộc vào sự kiện quốc tế và môi trường kinh tế. Nền kinh tế quốc tế khởi sắc sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 do kết quả của tự do hóa thương mại quốc tế, bãi bỏ quy định trong nước và cải cách cơ cấu ở nhiều quốc gia, đã thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore. Sự sẵn sàng của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc với các thị trường và dân số lớn áp dụng các nguyên tắc thị trường tư bản trong phát triển, đã thúc đẩy tăng trưởng đáng chú ý trong nền kinh tế bằng cách áp dụng xúc tiến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Điều này cũng đã thách thức sự tăng trưởng liên tục của các nền kinh tế mới Công nghiệp hóa NIC (Newly Industrializing Economies) như Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc, và phần nào làm giảm sự gia tăng của một loạt NIC mới như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Môi trường kinh tế quốc tế bắt đầu rơi vào tình trạng bất ổn và biến động hơn trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố và đại dịch quốc tế từ đầu những năm 2000. Ngay trước khi thập kỷ kết thúc, thế giới đã bị ảnh hưởng bởi cuộc Đại suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính cho vay mua nhà ở Hoa Kỳ gây ra.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính phụ vào năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Singapore đã giảm gần một nửa, từ mức trung bình 5% mỗi năm xuống còn hơn 3% mỗi năm một chút. Đồng thời, tăng trưởng năng suất cũng bị đình trệ mặc dù đã tăng cường nâng cao hiệu suất của một số chương trình công. Trong những năm gần đây, mục tiêu chuyển đổi thành một quốc gia thông minh cùng với mục tiêu hướng tới số hóa nền kinh tế phổ biến đã mang lại hy vọng và động lực để đưa nền kinh tế bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới.
Khái niệm về hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số DBE (Digital Business Ecosystem)
(1) Hệ sinh thái kinh doanh là một cộng đồng kinh tế bao gồm các tổ chức và cá nhân tương tác chặt chẽ với nhau, những người sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ có giá trị. Đó là mạng lưới các tổ chức bao gồm nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, cơ quan chính phủ,... tham gia vào việc cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể thông qua cả cạnh tranh và hợp tác.
(2) Hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số DBE là một phần mở rộng của hệ sinh thái kinh doanh của Moore, trong đó công nghệ số đóng vai trò chủ đạo. Hệ sinh thái số là một nhóm tài nguyên công nghệ thông tin được kết nối với nhau có thể hoạt động như một đơn vị tạo ra, phổ biến và kết nối các dịch vụ số thông qua Internet. Chúng ta có thể coi DBE là sự tích hợp của hệ sinh thái kinh doanh và hệ sinh thái kỹ thuật số, do đó định nghĩa DBE là môi trường công nghệ xã hội của các cá nhân, tổ chức và công nghệ số với các mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh để cùng tạo ra giá trị thông qua các nền tảng số được chia sẻ.
Các sáng kiến xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số của Chính phủ Singapore
Để chuẩn bị các nguồn lực xây dựng Hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số DBE, Singapore đã thực hiện các sáng kiến như sau:
(1) Chính phủ đầu tư các khoản tài trợ để giúp số hóa Doanh nghiệp SMEs
Ra mắt vào tháng 4 năm 2017, Chương trình SMEs Go Digital của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm IMDA (Media Development Authority) nhằm mục đích biến hệ sinh thái kinh doanh thành các doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ trở nên đơn giản hơn, được liệt kê trong Hình 1 dưới đây giúp các Doanh nghiệp SMEs sử dụng công nghệ số và xây dựng năng lực kỹ thuật số mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong nền kinh tế số. Các sáng kiến số hóa bao gồm Kế hoạch kỹ thuật số trong ngành, Giải pháp được phê duyệt trước và Tư vấn kỹ thuật số.
Hình 1. Các sáng kiến trong Chương trình SMEs Go Digital
Tính đến tháng 3 năm 2021, hơn 63.000 Doanh nghiệp SMEs đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật số từ Chương trình SMEs Go Digital, với khoảng 40.000 người đăng ký vào năm 2020. Hơn 2.000 doanh nghiệp đã tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các nền tảng thương mại điện tử theo sáng kiến Tăng trưởng kỹ thuật số.
Đặc biệt liên quan đến sự thúc đẩy số hóa là các Kế hoạch Kỹ thuật số Công nghiệp IDP (Industry Digital Plans) theo từng lĩnh vực cụ thể. IDP cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng dẫn từng bước về các giải pháp kỹ thuật số để áp dụng và đào tạo phù hợp cho nhân viên của họ ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Cho đến nay, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm IMDA đã triển khai Kế hoạch IDP cho 14 lĩnh vực sau: (1) Bán lẻ; (2) Logistics (bao gồm Vận tải hàng không); (3) Dịch vụ môi trường; (4) An ninh; (5) Dịch vụ thực phẩm; (6) Thương mại Bán buôn; (7) Truyền thông; (8) Vận tải đường bộ; (9) Vận tải Biển; (10) Kế toán; (11) Khách sạn; (12) Xây dựng và Quản lý Cơ sở vật chất; (13) Giáo dục cho trẻ em từ sớm; và (14) Đào tạo và Giáo dục Người lớn.
Để giúp các Doanh nghiệp SMEs dễ dàng áp dụng các giải pháp kỹ thuật số được đề xuất trong IDP, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm IMDA cung cấp danh sách các giải pháp đã được phê duyệt trước được đánh giá là đã được thị trường chứng minh, hiệu quả về chi phí và được hỗ trợ bởi các nhà cung cấp đáng tin cậy.
(2) Sáng kiến “Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số”
Vào tháng 8 năm 2020, Chương trình trí tuệ nhân tạo quốc gia AISG (AI Singapore) đã đưa ra hai sáng kiến mới, đó là: AI cho Mọi người; AI cho Công nghiệp, hợp tác với Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm IMDA nhằm mục tiêu tăng cường thêm 12.000 người có được kiến thức về AI, theo sáng kiến TechSkills Accelerator (TeSA). Mục đích thứ hai là phát triển một đội ngũ chuyên gia công nghệ có tay nghề cao để thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ địa phương của Singapore, đặc biệt là trong không gian AI, bảo đảm rằng các doanh nghiệp và người lao động có thể sử dụng hiệu quả AI trong cạnh tranh.
Ngoài lĩnh vực CNTT-TT, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm IMDA hợp tác với Hiệp hội Máy tính Singapore SCS (Singapore Computer Society) để tiếp cận với các Hiệp hội và Phòng thương mại phi CNTT-TT TAC (Trade Associations and Chambers) nhằm trang bị cho các doanh nghiệp của họ các kỹ năng số, chuẩn bị cho nền kinh tế số. Để bắt đầu, IMDA và SCS làm việc với TAC trong các lĩnh vực Pháp lý, Kế toán và Sản xuất trong kế hoạch hành động nhằm nâng cao kỹ năng số cho các chuyên gia trong các lĩnh vực này. Đồng thời, kích thích thanh niên Singapore những cơ hội được tiếp xúc với công nghệ AI như một phần của chương trình để phát triển sự hiểu biết về tư duy tính toán cốt lõi thông qua các bài học cơ bản.
(3) Tiến trình số hóa cho đến nay
Trong một Nghiên cứu về chuyển đổi số SME năm 2020 do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ASME (Association of Small & Medium Enterprises) và Microsoft Singapore phối hợp thực hiện đã báo cáo rằng 83% Doanh nghiệp SMEs ở Singapore đã áp dụng các chiến lược chuyển đổi số, hơn một nửa (54%) đã báo cáo sự chậm trễ trong kế hoạch số hóa của họ do dịch bệnh COVID-19. Các Doanh nghiệp SMEs cũng phải đối mặt với những rào cản trong hành trình chuyển đổi số, bao gồm chi phí thực hiện cao (56%), thiếu công nhân có năng lực kỹ thuật số (40%), nhận thức thấp về sự hỗ trợ của chính phủ (30%) và không có đối tác công nghệ phù hợp (28%).
Các Doanh nghiệp SMEs trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, sản xuất và kỹ thuật, dịch vụ cộng đồng và cá nhân, công nghệ, truyền thông và viễn thông cũng như các ngành hàng tiêu dùng có tỷ lệ tăng năng suất và hiệu quả cao nhất so với cùng kỳ năm trước, dao động từ 42% đến 49%. Nghiên cứu chứng minh rằng gần một trong hai Doanh nghiệp SMEs đã chủ động thực hiện các bước để áp dụng các công cụ kỹ thuật số vào năm ngoái đã nhận thấy những lợi ích, chẳng hạn như tăng năng suất và hiệu quả, cải thiện trải nghiệm khách hàng và doanh thu cao hơn, ngay cả trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Trong lĩnh vực hỗ trợ của chính phủ, nghiên cứu cho thấy phần lớn người được hỏi không biết về các kế hoạch và sáng kiến của chính phủ dành cho các Doanh nghiệp SMEs, chẳng hạn như Trợ cấp Giải pháp năng suất và Start Digital Pack. Tuy nhiên, kết quả cho thấy rằng mặc dù mức độ nhận thức thấp về các sáng kiến như vậy, hơn 3 trong 5 Doanh nghiệp SMEs muốn tận dụng các khoản tài trợ và chương trình này để hỗ trợ chuyển đổi số trong năm tới.
Các rào cản và kết quả đạt được trong việc thực hiện sáng kiến
Các Doanh nghiệp SMEs được khảo sát trong nghiên cứu của ASME-Microsoft vào năm 2020 cũng chỉ ra rằng chi phí triển khai cao là rào cản lớn nhất mà họ phải đối mặt khi chuyển đổi số. Ngoài ra còn có rào cản về thiếu lực lượng lao động có kỹ năng kỹ thuật số, môi trường kinh tế không chắc chắn, nhận thức thấp về sự hỗ trợ của chính phủ cũng như thiếu các đối tác công nghệ phù hợp. Chính phủ Singapore luôn rất giỏi trong việc thúc đẩy các kế hoạch, trợ cấp và chương trình. Có khoảng 63.000 người đăng ký chương trình của chính phủ vào cuối tháng 3 năm 2021 (chiếm khoảng 23% tổng số Doanh nghiệp SMEs) trên hành trình số hóa có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài trợ hoặc trợ cấp thông qua thanh toán gốc trả chậm, khoản vay bắc cầu và giảm thuế khi đầu tư vào thiết bị và phần mềm kỹ thuật số.
Singapore mong muốn trở thành một điểm nút toàn cầu Châu Á trong công cuộc đổi mới số, nhằm mục đích trở thành một điểm đến lựa chọn, nơi các doanh nghiệp xem xét khởi nghiệp các dự án của họ và nơi các nhà đổi mới sẽ thử nghiệm những ý tưởng mới nhất. Sự tập hợp của các công ty khởi nghiệp và sự tương tác của những nỗ lực đổi mới sẽ giúp thiết lập một hệ sinh thái cho kinh doanh kỹ thuật số. Doanh nghiệp được củng cố nhờ có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và thuận lợi trong nước. Các công ty khởi nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới, đặc biệt là khi thị trường ngày càng phát triển đòi hỏi các giải pháp mới. Với việc Châu Á sẵn sàng chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2050, Singapore có thể là cửa ngõ cho các công ty khởi nghiệp phát triển, thử nghiệm các giải pháp và mở rộng ra khu vực. Enterprise Singapore, một cơ quan chính phủ, điều hành chương trình Startup SG giúp các công ty khởi nghiệp xây dựng thành tích và cung cấp quyền truy cập vào các cố vấn, tài trợ và không gian làm việc. Thông qua gần 100 đối tác, các chương trình Startup SG đã hỗ trợ sự phát triển của hơn 3.690 công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực chính như y tế, giải pháp đô thị, fintech và dịch vụ kỹ thuật số vào tháng 3 năm 2020.
Kết luận
Chuyển đổi số được coi là một trải nghiệm, đặc biệt trong Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ số, làm nổi bật khoảng cách về kỹ năng và trình độ biết đọc, biết viết giữa mọi người và các quốc gia. Rủi ro là những cá nhân thiếu hiểu biết về các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết có thể bị tụt lại phía sau. Để thực hiện đúng chuyển đổi số, không nên chỉ tập trung vào công nghệ, mà còn phải chú ý đến việc khắc sâu một tư duy tiến bộ, một thái độ cởi mở, tái phân tích và thích ứng với những thay đổi.
Singapore đã thành công trong làn sóng chuyển đổi số liên tiếp, bắt đầu từ những nỗ lực tin học hóa quốc gia trong những năm 1980. Sự chuyển đổi số mới nhất này sẽ mở ra cơ hội trên ba mặt trận: (1) các ngành công nghiệp mới; (2) thị trường mới và (3) việc làm mới. Các ngành công nghiệp mới sẽ được hình thành ngay cả khi những ngành cũ hơn bắt đầu phát triển và chuyển đổi. Các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo AI có tiềm năng thay đổi hoàn toàn toàn bộ các ngành công nghiệp, từ tài chính đến vận chuyển và sản xuất.
Việt Nam hiện đã có nhận thức đúng đắn về ý chí và khát vọng của chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, tổ chức, doanh nghiệp, con người, tuy nhiên năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Vì thế, trong thời gian tới chúng ta cần có những biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số, các Doanh nghiệp SMEs tăng cường chuyển đổi số và xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, vững mạnh.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
Developing Digital Business Ecosystem in Singapore
https://lkyspp.nus.edu.sg/docs/default-source/aci/acirp202112.pdf