Đang xử lý.....

Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử  

Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016- 2020, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, Cổng thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng tại bộ phận một cửa, dịch vụ công trực tuyến,… và đã ban hành các chủ trương, chính sách nhằm bổ sung, hoàn thiện các hành lang pháp lý có liên quan góp phần quan trọng thúc đẩy công tác ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói riêng cũng như hoạt động phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh nói chung...
Thứ Năm, 27/12/2018 1985
|

Việc ứng dụng CNTT đã góp phần thay đổi phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi như sau:

Hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

          Các cơ quan nhà nước đã trang bị đủ số lượng máy vi tính cần thiết, các thiết bị CNTT khác, hoàn thiện mạng LAN có kết nối Internet tốc độ cao để phục vụ công tác chuyên môn, quản lý điều hành của từng đơn vị. Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC đạt khoảng 0,9 máy/CBCC, có nhiều cơ quan tỷ lệ này đạt 01 máy/CBCC; 100% các cơ quan nhà nước tỉnh đều đã có mạng LAN và kết nối sử dụng Internet băng thông rộng; với khoảng 90% máy tính được kết nối mạng LAN và khai thác sử dụng Internet; khoảng 60% hệ thống mạng LAN đã được trang bị hệ thống bảo mật, an ninh mạng (Firewall); khoảng trên 90% máy tính được cài đặt phần mềm phòng chống virus có bản quyền hoặc miễn phí; hầu hết đã bố trí, phân công cán bộ phụ trách, chuyên trách về CNTT.

          Về triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước: UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 9/7/2014 về quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tỷ lệ đơn vị kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đạt 100% (tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ dùng thử nghiệp, chưa triển khai chính thức và thống nhất)

Ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước

          100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

          Về ứng dụng thư điện tử: Hầu hết cán bộ công chức (CBCC) trong các cơ quan nhà nước các cấp đã được cấp địa chỉ thư điện tử (theo tên miền: xxx@quangngai.gov.vn); tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công tác đạt khoảng 80%. Tỷ lệ trao đổi đạt 100% đối với các loại văn bản như lịch làm việc, báo cáo, văn bản dự thảo. Ước lượng tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử chỉ đạt khoảng trên 50%.

          Về ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành: 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành để phục vụ công tác quản lý và điều hành. Việc ứng dụng hệ thống đã giúp tiết kiệm về thời gian và chi phí văn phòng phẩm, chỉ đạo và phân công công tác nhanh chóng, kịp thời; hệ thống lưu trữ hồ sơ và tìm kiếm văn bản thuận lợi, nhanh chóng, chính xác phục vụ đắc lực cho việc nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết công việc có liên quan, góp phần nâng cao nhận thức và tạo dần thói quen ứng dụng CNTT trong phục vụ công tác chuyên môn, quản lý điều hành công việc. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư ứng dụng chứng thư số cho tất cả các đơn vị và cán bộ lãnh đạo các đơn vị trong các cơ quan nhà nước của tỉnh để liên thông tích hợp văn bản trong toàn tỉnh và với Văn phòng Chính phủ.

          Một số ứng dụng CNTT khác: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được trang bị với 16 điểm cầu kết nối, 01 điểm cầu tại Văn phòng UBND tỉnh dùng kết nối với Văn phòng Chính phủ đủ điều kiện cơ sở cho việc thực hiện các phiên làm việc trực tuyến với các địa phương và trung ương.

          Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành được xây dựng và tổ chức tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn dữ liệu và phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.

          Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) phục vụ quản lý công tác tài chính kế toán, phần mềm quản lý ngân sách (cấp tỉnh huyện, xã); kế toán hành chính sự nghiệp đã được ứng dụng tại đơn vị sự nghiệp, cấp mã số đối tượng sử dụng ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản sau kiểm kê, kế toán tài chính - ngân sách xã.

          Một số ứng dụng CNTT chuyên ngành: Chương trình quản lý doanh nghiệp và quản lý đầu tư xây dựng, chương trình quản lý đất, cấp quyền sử dụng đất (phần mềm VLIS), chương trình quản lý hộ tịch, đã được triển khai tại 22 xã, phòng Tư pháp tại các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức và Sở Tư pháp,...

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

          Tính đến hết Tháng 6/2018, tỉnh đã cung cấp được 130 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 56 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tại địa chỉ http://dichvucong.quangngai.gov.vn) để phục vụ cho các tổ chức và công dân trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tư pháp, lao động thương binh và xã hội, báo chí xuất bản và y tế,... Với tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 là 322 hồ sơ, mức độ 4 là 782 hồ sơ.

          Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi (www.quangngai.gov.vn): 100% số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước (20 Sở, ban, ngành và 14 huyện/thành phố) và các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh đã có Trang/Cổng thông tin điện tử theo quy định đã phản ảnh trung thực, kịp thời và sinh động về các mặt hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề an ninh-quốc phòng; hình ảnh thiên nhiên và con người Quảng Ngãi.

          Mô hình một cửa điện tử hiện đại: đã triển khai xây dựng và ứng dụng tại 07/14 UBND cấp huyện  và 03 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức. Trong thời gian tới, mô hình một cửa hiện đại tiếp tục được đầu tư triển khai và đưa vào vận hành tại các địa phương còn lại.

          Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT

          Trong những năm gần đây, tỉnh cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tập huấn liên quan đến công tác an toàn, an ninh thông tin, phổ cập nâng cao trình độ tin học, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và đào tạo chuyên đề, chuyên trách về CNTT ở các cấp.

          Tỷ lệ cán bộ, công chức biết sử dụng máy tính phục vụ công tác văn phòng, chuyên môn đạt 90%. Hầu hết các đơn vị, địa phương đã bố trí cán bộ phụ trách CNTT (300 cán bộ chuyên trách và có trình độ CNTT trong các cơ quan nhà nước). 

          Một số hạn chế    

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số hạn chế:

          Hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị  và còn thiếu đồng bộ, công tác an toàn, bảo mật thông tin chưa cao (nhiểu thiết bị đã được trang bị từ lâu, hạ tầng ở tuyến xã/phường còn yếu).

          Các đơn vị còn chưa chủ động xây dựng được các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm để phục vụ công tác chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý. Đa số đơn vị cấp xã vẫn chưa ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành; Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được cung cấp, nhưng sự tham gia của công dân, tổ chức còn hạn chế do công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn hạn chế và trình độ của người dân chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.

          Nguồn kinh phí cho phát triển ứng dụng CNTT chưa được bố trí đảm bảo cho việc phát triển và ứng dụng CNTT cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chương trình, kế hoạch không triển khai hoặc triển khai không đồng bộ.

          Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh thực hiện chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tại địa phương.

          Định hướng, giải pháp trong thời gian tới

          Theo Kế hoạch ứng dụng CNTT của tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT để đạt được một số chỉ tiêu cụ thể sau: Đạt trên 40% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện qua mạng Internet; Triển khai và ứng dụng mô hình một cửa điện tử hiện đại: 90% địa phương cấp huyện, phấn đấu triển khai thí điểm đến 30% cấp xã; tối thiểu đạt 50% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh; 80% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được thực hiện qua mạng Internet; 70% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng Internet; 30% số hộ, cá nhân kinh doanh kê khai nghĩa vụ thuế phát sinh qua mạng từ việc cho thuê tài sản và lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô, xe máy; Đạt 15% các gói thầu quan trọng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử; Tối thiểu đạt 70% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; 90% văn bản không mật trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy); Triển khai và ứng dụng chữ ký trong trao đổi văn bản điện tử phấn đấu đạt 20% cơ quan nhà nước cấp xã.

          Đồng thời để đạt được mục tiêu theo Kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra một số giải pháp như:   

          Nâng cao nhận thức về Chính quyền điện tử: Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm của các cấp, ngành đối với việc phát triển mô hình Chính quyền điện tử nhằm cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến, hình thành Chính quyền điện tử rộng khắp để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả; Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành về Chính quyền điện tử đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh; Tuyên tuyền và nâng cao năng lực sử dụng các dịch vụ cung ứng của cơ quan, đơn vị nhà nước đối với người dân nhằm phát triển công dân điện tử.

          Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT: Tập trung đầu tư vào các dịch vụ công trực tuyến, nhằm cải tiến quy trình quản lý điểu hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu liên hệ công tác và tham gia vào các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương thông qua môi trường mạng. Tăng cường nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ và người dân thông qua việc phổ cập tin học; tạo kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ và người dân trong việc điều hành,  tác nghiệp, sử dụng và tham gia phát triển Chính quyền điện tử tỉnh.

          Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn địa phương,…

Phan Thúy Trinh

Tài liệu tham khảo, số liệu được lấy từ:

(1) Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.

(2) Dự thảo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ngãi, phiên bản 1.0.

(3) Kết quả ứng dụng CNTT và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi năm 2018./.