Đang xử lý.....

Quản trị: Mối quan hệ giữa Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử  

Đô thị thông minh có thể được xem như là một mô hình phát triển bền vững, là nơi nhận được nguồn vốn đầu tư, công nghệ, ý tưởng sáng tạo để nhắm tới mục tiêu thay đổi cơ sở hạ tầng truyền thống, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, …
Chủ Nhật, 27/12/2020 602
|

Một mô hình Đô thị thông minh thông thường được hình thành trên các trụ cột sau:

  • Giao thông thông minh.
  • Môi trường thông minh.
  • Quản trị thông minh.
  • Y tế thông minh.
  • Giáo dục thông minh.
  • …..

Tuy nhiên tùy từng quốc gia, từng địa phương đều có cách tiếp cận, xây dựng mô hình phát triển Đô thị thông minh phù hợp tình hình thực tế cho riêng mình.

Trong phạm vi bài viết này đề cập tới khía cạnh Quản trị điện tử - Quản trị thông minh xuất hiện từ quá trình phát triển của Chính phủ điện tử, là một mục tiêu, phương thức quản lý của Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy khu vực công, hợp lý hóa hệ thống tổ chức chính quyền, tăng cường, thu hút và xóa bỏ khoảng cách với người dân, hỗ trợ phát triển bền vững.

Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, mục đích của quản trị thông minh hay quản trị điện tử là làm cho hệ thống minh bạch hơn, từng bước xóa bỏ tình trạng cát cứ thông tin và người dân tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Chính phủ điện tử thông qua sử dụng cổng thông tin trực tuyến, diễn đàn trực tuyến, ứng dụng dành cho thiết bị di động và các dịch vụ tích hợp của chúng giúp người dân tham gia, giám sát sâu hơn đối với các hoạt động của chính phủ như: truy cập các dịch vụ công một cách nhanh chóng và dễ dàng, chia sẻ trực tiếp các ý kiến, đề xuất và khiếu nại của họ với các cơ quan chính phủ.

Một ví dụ điển hình tại Ấn Độ, đạo luật RTI đã được ban hành để trao quyền cho mọi người dân bình thường có quyền được biết tình trạng hoạt động, chính sách… của các cơ quan công quyền. Trang web RTIonline.gov.in giúp quy trình cung cấp thông tin đơn giản và nhanh chóng hơn. Diễn đàn trên trang web cung cấp không gian cho các ứng viên để chia sẻ ý tưởng, đề xuất và thông báo tình trạng của các yêu cầu khác đã được gửi đến.

Tương tự, Ấn Độ đã cho ra đời các trang web và ứng dụng giúp người dân có thể tố cáo về hối lộ và tham nhũng trong các văn phòng chính phủ, đề xuất của họ về các chính sách của chính phủ, báo cáo về các vấn đề dân sự, chuyển đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền xử lý cụ thể. Ngoài ra còn có cổng thông tin Thuế hàng hóa và Dịch vụ (GST) cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (2018) hai năm một lần của Liên hợp quốc, số lượng các quốc gia thông qua Chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua các nền tảng này đã tăng mạnh. Năm 2003, chỉ có 45 quốc gia có cổng một bước để công dân truy cập thông tin và chỉ có 33 quốc gia cung cấp giao dịch trực tuyến. Vào năm 2018, tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đều có Cổng thông tin quốc gia và hệ thống back-end để tự động hóa các nhiệm vụ hành chính cốt lõi và 140 quốc gia cung cấp ít nhất một dịch vụ công trực tuyến. Xu hướng cải thiện mạnh mẽ và nhất quán các dịch vụ công trực tuyến được thể hiện ba dịch vụ sử dụng phổ biến nhất là: thanh toán các tiện ích (140 quốc gia), nộp thuế thu nhập (139 quốc gia) và đăng ký kinh doanh mới (126 quốc gia).

Không phải ngẫu nhiên đô thị thông minh phải dựa trên cả ba trụ cột là Công nghệ, Quản trị, và Cư dân. Hệ thống Quản trị chính là cầu nối đảm bảo sự tương thích với sự thay đổi của công nghệ và trình độ của cư dân. Việc ứng dụng công nghệ đã tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, tạo ra môi trường minh bạch hơn và người dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn với các dịch vụ cung cấp trên thị trường. Sự vượt trội về công nghệ cũng sẽ làm thay đổi cách thức vận hành của một đô thị, nhiều vấn đề nảy sinh như vậy đòi hỏi hệ thống quản trị và thể chế phải thay đổi theo hướng thông minh hơn. Chính quyền điện tử phải thông minh hơn và quản trị thông minh hơn sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng, tái phân bổ lợi ích và nguồn lực khi cần thiết, và mở rộng phạm vi tác động ưu việt của công nghệ tới các nhóm xã hội khác nhau. Để đạt được điều này Chính quyền các Thành phố thông minh có thể sử dụng nền tảng Chính phủ điện tử để đảm bảo rằng các thể chế của họ ngày càng bao trùm, hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch. Các thành phố cũng có thể sử dụng mạng xã hội để thu hút người dân tham gia vào quá trình ra quyết định.

Quản trị điện tử và sự tham gia của công chúng trong quá trình ra quyết định là khía cạnh quan trọng nhất của quản trị thông minh. Các công cụ được sử dụng để đạt được chúng như sau:

Sử dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông: Điều này ngụ ý việc sử dụng máy tính, Internet, viễn thông, thiết bị kỹ thuật số để thu thập, xử lý, chia sẻ và truy xuất dữ liệu. Sự thâm nhập tốt hơn của các kênh viễn thông như cáp, radio, điện thoại và hệ thống vệ tinh để truyền tải thông tin. Sử dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) để đi lại và vận chuyển, hội nghị truyền hình, nhắn tin tức thời trong các dịch vụ ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và an ninh

Tham vấn điện tử: Sự tham gia của người dân là đặc điểm chính của quản trị thông minh. Phải có một kênh tương tác thích hợp giữa chính phủ và người dân. Họ phải được trao quyền để nói lên quan điểm, ý tưởng của mình về các chương trình, đề án của chính phủ, v.v ... Phản hồi của họ phải trực tiếp đến các nhà lãnh đạo, cố vấn, quản lý thành phố hoặc người đứng đầu địa phương.

Dữ liệu điện tử: Dễ dàng truy cập vào các hệ thống dữ liệu của Chính phủ, dữ liệu chi tiêu, đầu tư và thông tin công khai phải có sẵn trực tuyến. Ngoại trừ các thông tin quan trọng liên quan đến an ninh và an toàn của công dân, dữ liệu phải được cung cấp tự do và công khai. Điều này sẽ làm cho Chính phủ có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn và thu hút được công dân tham gia vào hoạt động của Chính phủ.

Có bốn mô hình quản trị điện tử hữu ích để các thành phố thông minh cải thiện cuộc sống của người dân thường được chấp nhận cho đô thị thông minh như sau:

Chính phủ đối với công dân (G2C)

Đây là mô hình điển hình của quản trị điện tử. Theo cách tiếp cận này, Chính quyền tương tác trực tiếp với người dân thông qua các kênh liên lạc khác nhau như báo chí, cổng thông tin điện tử, diễn đàn, đài, ứng dụng... với mục đích là tiếp cận với người dân và cho phép tự do ngôn luận, lắng nghe đối với các vấn đề kinh tế xã hội, khiếu nại, khuyến nghị của người dân cũng như áp dụng, thay đổi chính sách phù hợp hơn. Các quốc gia như Hoa Kỳ, các Quốc gia Châu Âu và Singapore là những ví dụ hàng đầu của mô hình này.

Chính phủ đối với Doanh nghiệp (G2B)

Các doanh nhân, doanh nghiệp là một phần không thể thiếu đối với sự thành công của các thành phố thông minh. Mô hình này nhằm hướng tới sự tương tác trực tiếp giữa chính quyền trung ương, địa phương với khu vực doanh nghiệp, giảm thiểu những nút thắt mà các doanh nhân, doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp phải đối mặt. Doanh nghiệp có thể nhận được thông tin trực tiếp về các chính sách, quy định, thuế, chương trình và cơ sở tín dụng mới nhất để cải thiện và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.

Mô hình này cũng khuyến khích giao dịch kinh doanh trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và cung cấp dữ liệu thời gian thực để có thể sử dụng lập kế hoạch và dự báo nền kinh tế.

Ngoài ra, phát triển bền vững đồng nghĩa với quản trị tốt. Chính quyền có thể thông báo cho các doanh nghiệp về các quy định, hướng dẫn và giao thức môi trường để tuân theo trong quá trình xây dựng, thiết lập các đơn vị sản xuất, quy cách sản phẩm, xử lý chất thải nhà máy,..

Chính phủ đến Chính phủ (G2G)

Mô hình hướng tới sự tương tác trực tiếp nội bộ giữa chính phủ với các chính quyền địa phương, thành phố và các cơ quan ban ngành. Với mục đích tích hợp tất cả các kênh quản trị để có một hệ thống tổng thể, đơn giản hơn. Điều này sẽ dẫn đến minh bạch hơn, nâng cao trách nhiệm giải trình và việc phân bổ các nhiệm vụ khu vực hành chính được thông suốt hơn.

Thông qua ứng dụng công nghệ  ICT, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để tạo ra một mô hình Chính phủ số, dịch vụ số không cần giấy tờ. Điều này sẽ làm giảm tình trạng lộn xộn, tham nhũng không đáng có trong khu vực công. Một giao tiếp hai chiều thích hợp sẽ được thiết lập giữa các quan chức và công dân, đặc biệt là ở cấp thành phố và khu vực, mang lại trách nhiệm giải trình và hiệu quả hơn trong các thủ tục của chính phủ..

Chính phủ với Người lao động (G2E)

Mô hình này sử dụng phần mềm trực tuyến để giúp quản trị thành phố dễ dàng hơn. Điều này được thực hiện thông qua phương pháp quản lý trực tuyến đối với các nhân viên thành phố. Các vấn đề liên quan đến người lao động có thể được thực hiện trực tuyến một cách hiệu quả bao gồm như: trả lương, bồi thường y tế, cung cấp tài trợ, chế độ lương hưu và thông tin ngân hàng. Điều này tiết kiệm các nguồn lực trong quản lý nguồn nhân lực của thành phố.

Trên thực tế, Chính phủ điện tử chỉ là một trong nhiều công cụ sẵn có để trợ giúp người dân trong các thành phố thông minh. Một chính quyền thành phố được quản trị tốt thông qua hỗ trợ của công nghệ thông tin có thể tạo ra một đô thị thông minh. Cho dù hai khái niệm Chính phủ điện tử và Đô thị thông minh khác nhau nhưng dưới quan điểm “lấy người dân làm trung tâm”, chúng đều có chung mục tiêu là cung cấp dịch vụ hoàn hảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Lê Việt Hưng

Tài liệu tham khảo:

https://www.unescap.org/sites/default/files/EGovernment%20Survey%202018_FINAL.pdf

https://blog.bismart.com/en/benefits-of-smart-cities

https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Government-Survey-2018

Nguồn thông tin tổng hợp trên internet.